Từ ở nhà đến ở Resort

Chúng ta hiện ở trong thời gian cách ly xã hội và hạn chế đi lại trên toàn cầu vì Covid-19. Để trốn dịch, người tìm về vùng quê thoáng đãng, người tự cách ly tại tư dinh đầy đủ tiện nghi, lại có người chọn resort làm nơi ẩn dật,… Trong đó, cũng nhiều người tranh thủ trang điểm lại cho tổ ấm của mình, với một ít thiên nhiên, một chút trong lành, trải nghiệm trong chính ngôi nhà mà có thể nhiều bề bộn. Làm lớn lớn không dễ, nhưng làm chút chút thì nhiều người rất hay muốn thử làm, cho mình có chút riêng tư lạ lẫm, để kịp quay về làm việc với kẹt xe và khói bụi, với tổ ấm có đủ những bất cập lẫn đáng yêu trong những tất bật thường ngày.

Nhà ở mang phong vị resort…

Thật ra đã từ lâu, hơi hướng của resort len lỏi, tăng dần lên trong biệt thự, nhà phố, căn hộ, thậm chí cả văn phòng làm việc. Nhà như resort thể hiện qua rất nhiều vị trí, không gian, góc nhìn… để làm gia vị cho không gian ở, chứ không hẳn là tổ chức công năng cho nhà ở như resort. Ít ỏi thì đổi kiểu phòng tắm từ kín mít sang thấp thoáng, treo lại tranh ảnh, sắp xếp góc riêng tư. Nhiều hơn là đục bớt sàn dầm chen vào ao sen hồ nước, xới tung sàn gạch bóng loáng để thay bằng gạch thô sỏi đá, đổi mới vật liệu và nội thất cho có chất và nét hơn. Như lâu lâu thấy nhà cô ca sỹ này lập lòe đom đóm bờ ao huyền ảo, chốc chốc lại nghe doanh nhân kia đưa vào cả nếp nhà xưa về phố làm nơi hưởng thụ, dân trong phố thị muốn sống như resort dù tốn kém vẫn ráng kéo thiên nhiên vào nhà, khẳng định chút gì đó gọi là đẳng cấp. Trong sâu xa phải chăng là ý thức trở về với tự nhiên, với nhu cầu đào thoát khỏi những gò bó đồ công nghiệp và hàng may sẵn, hay còn những tầng nấc tâm thức nào khác nữa?

Người ta có thể không thích khi sống ở nhà mà giống ở khách sạn hay resort, vì ý nghĩ phải… trả tiền, phải đến rồi đi, vì tính ở chơi, ở ngắn hạn của nó. Người ta cũng khó ở lâu dài trong ngôi nhà ở mà cơ cấu như một căn phòng ở khách sạn hay resort. Nhưng người ta có thể thừa nhận rằng nếu có chút đất đai hay ngóc ngách nào đó thì rất đáng để thử nghiệm chút tinh tươm, thoáng đãng, chút phong cách na ná resort, như một cố gắng về tâm lý: tạo khác biệt trong những thân quen. Có lẽ, nhà ở mang phong cách resort ra đời và tồn tại cũng từ những mong muốn cá thể ấy.

Phong cách đồng quê giản dị thường được ưa chuộng ở các resort vì sự gần gũi hài hòa của phong cảnh và vật liệu, mang đến những giá trị vô hình về hình ảnh truyền thống của làng quê Việt Nam.

Vẫn muốn đi resort…

Từ nhà ở mang hơi hướng resort, cho đến sống trong một resort đúng nghĩa khác nhau rất nhiều. Nhiều gia đình cứ tết đến hè về là rủ nhau đi resort lên rừng xuống biển khắp nơi. Những chuyến đi như thêm gia vị vào cuộc sống, là chờ đợi ngày trở lại bụi chuối bờ ao của resort, vẫy vùng bên làn nước xanh mát giữa thanh thiên ở khu nghỉ dưỡng. Từ một loại hình lưu trú, resort đã nâng tầm thành trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm văn hóa một cách dễ chịu chứ không cưỡng ép. Resort ở thế phải luôn đổi mới, chuyên nghiệp và dễ chịu hơn, còn du khách có vẻ ngày càng khó tính. Ở Mũi Né, sau những Coco Beach, Pandanus,… lại có thêm những Anantara, Princess d’Annam, hay Bamboo Village Beach… Bên cạnh những InterContinental Danang Sun Peninsula, Pullman Danang Beach, Naman Retreat,… Đà Nẵng vẫn đang ngóng chờ những cái tên mới đủ sức khỏa lấp đi khoảng trống lỡ cỡ của các resort chung chung sơ sài.

Resort định hình những môi trường sống giả lập mà thực tế, với những diễn biến đời sống thu gọn được bày ra bằng nhiều cách khác nhau. Phong cách đồng quê thì sắp đặt chum vại dân dã, lối đi quanh co rợp bóng cây xanh bên trên, lãng đãng bèo súng bên dưới, vật liệu thô mộc với gỗ đá tre nứa, màu sắc nội ngoại thất đa phần nhu hòa với thổ, thủy, mộc. Phong cách hiện đại sang trọng qua đường nét gãy gọn hay cầu kỳ đều được biểu đạt sạch, tinh, tỉ mỉ, cộng hưởng cùng ánh sáng, màu sắc để thêm nét hào hoa. Dù là phong cách gì, mỗi góc sống ở resort luôn rộng mở với những khoảng trống cùng đất, trời, cây xanh, mặt nước,… bố trí sắp đặt có ý tứ, cơ bản vẫn là mục tiêu cho người ta cảm nhận resort là nơi đáng sống như thế nào. Nhưng, đó không đơn giản chỉ là tổ chức một căn phòng để ở, mà là tổ chức cho đúng nghĩa sự cộng sinh với môi trường tự nhiên, khai thác các giá trị văn hóa và xã hội, cao hơn nữa là hướng tới các giá trị vững bền. Được như vậy resort mới trở nên có sức hút thực sự, khiến người đã biết thì nay tìm lại, chưa biết thì thử một lần, ấu thơ hay già nua đều có lý do để tìm đến resort.

Nhà trưng bày với phong cách tổ chức không gian như resort, phù hợp với chủ đề trưng bày và tính cách của chủ nhân (nhà trưng bày tại Đà Nẵng).

Sự sống đúng nghĩa mang tên resort …

Chọn một nơi để sống, điều kiện tiên quyết là môi trường, là ngoại vi khuôn viên ngôi nhà, nơi khó có khả năng thay đổi nhưng con người vẫn phải tương tác cùng nó mỗi ngày. Resort là nơi giá trị sống phải đến từ ngoại vi vào nội hạn khuôn viên, là mối quan hệ từ vùng miền vào đến bên trong khu ở. Để “sống” được, resort phải tìm được cách hòa hợp với môi trường tự nhiên nơi đó. Các bungalow trên nước ở các resort Lily Beach, Cocoa Island by Como hay Park Hyatt (Maldives) không chỉ là nơi ở thú vị giữa trời biển thênh thang, mà còn phù hợp với điều kiện sinh tồn giữa những quần đảo ở vùng biển Nam Á tuyệt đẹp. Trải nghiệm một ngày đáng một ngày là thế.

Một góc vườn của nhà ở

Sự sống đúng nghĩa của resort còn đến từ qui trình vận hành, chăm chút thương hiệu trong các tiểu tiết nhỏ lẫn chiến lược lớn. Những resort vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, giữ được những đối tượng khách hàng trung thành, duy trì lợi ích của resort, là một thực thể sống cộng sinh lành mạnh trong môi trường rộng lớn bên ngoài nó. Nhìn đi nhìn lại, không gian sống như resort thì khá nhiều trên dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông, nhưng để một resort nội địa nào đó đủ lực giữ được tên cho trong ngoài nể mặt quả là chưa bao giờ dễ làm.

Có vẻ khó khi các chủ trương về quy hoạch chung hầu như chưa khi nào tính đúng, tính đủ giữa giá trị kinh tế, cảnh quan thu được với việc xâm hại tài nguyên thiên nhiên, khai thác tràn lan, cục bộ, ví dụ như những dự án hoành tráng ở Vịnh Nha Trang, hay tình trạng  “phố hóa” resort như vài đoạn ở Mũi Né đã và đang tồn tại.

Những chú khỉ ở đảo Sơn Trà xuất hiện xuyên suốt từ ngoài vào trong resort Inter Continental Đà Nẵng, một dấu hiệu nhắc nhở tính đặc trưng của khu vực mà resort tọa lạc.

Có vẻ khó bởi thực đơn đi nghỉ resort hiện nay dường như đã bị bão hòa, trộn lẫn, quanh đi quẩn lại hiếm thấy resort nào làm khác được: ăn sáng buffet, tắm biển rồi tắm hồ, dạo chơi loanh quanh, nhà chòi mắc võng, ăn trưa rồi lại tắm, đến tối vắng vẻ hoặc đọc sách hoặc nghe nhạc hoặc ngồi bar,… Có resort mạnh dạn đưa làng chài vào hiên rơm rạ, có khu nghỉ kết hợp thể thao cảm giác mạnh hoặc thiền định thanh tịnh. Chữ Spa ngày càng gắn với chữ resort để gia tăng chất lượng nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Nhưng còn những chữ nghĩa gì khác nữa có thể giúp resort có thêm nét văn hóa bản địa, không gian hoài niệm, thậm chí tâm linh, hoặc kết nối cộng đồng?

Từ nhà ở mang phong vị resort, hay sống như resort, suy cho cùng là những dấu hiệu, biểu hiện đáng mừng từ phía người ở và trải nghiệm, những người góp phần nuôi sống resort từ chính thái độ nuôi dưỡng cảm xúc của bản thân. Đó cũng là những người biết quan tâm đến chất lượng không gian sống hơn là yếu tố mét vuông hay giá trị kinh tế thuần túy. Dĩ nhiên, dù ở chuẩn mực nào, người ta cũng phải biết cân nhắc cho hợp sức, hợp thời, hợp đối tượng, và hợp lý với trong một gói chi phí mình bỏ ra, cũng như một quãng thời gian trải nghiệm và được hưởng thụ đúng mức.

Hình thức kiến trúc mang hơi thở nhiệt đới, hòa mình vào những khoảng bất tận của cây xanh, mặt nước.

Bài và ảnh: KTS. Huỳnh Trần Uyên Thy
Bộ môn Lý luận & LSKT – ĐH Kiến trúc TPHCM

© Tạp chí kiến trúc