Vài nét kiến trúc trụ biểu đình làng Huế

Trong kiến trúc công cộng làng xã Việt Nam, đình xuất hiện muộn hơn so với chùa. Tuy nhiên, đình đã phát triển và đảm nhận vai trò là trung tâm văn hóa làng xã. Chức năng chính của đình làng là nơi thờ thành hoàng (có thể là vị thần, danh nhân lịch sử, hoặc một nhân vật nào đó), các vị khai canh khai khẩn. Bên cạnh đó, đình là nơi hội họp, sinh hoạt của dân làng, là nơi diễn ra các lễ hội hàng năm, nơi phán xử khi có tranh chấp trong làng. Có thể nói, đình là hình ảnh biểu tượng của làng, thể hiện tinh thần, văn hóa đặc trưng của mỗi ngôi làng Việt Nam nói chung và làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Đình làng khởi dựng sớm nhất từ thế kỷ 16 [10, tr. 44]. Tuy nhiên đình làng được xác định niên đại rõ ràng có minh chứng đó là đình Lỗ Hạnh, Hà Bắc (khởi dựng năm 1576 dưới triều nhà Mạc). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền [9, tr. 34], đình có niên đại sớm nhất được biết là đình Thụy Phiêu ở Ba Vì, Hà Nội, có ghi rõ niên đại trùng tu ở đầu cột là năm 1531.

Tổng thể đình làng thường có những thành phần kiến trúc cơ bản: Cổng, ngõ, bình phong (ít xuất hiện ở các đình miền Bắc), sân đình, chính đình, nhà kho và các công trình phụ khác (hình 1). Từ ngoài vào trong, các đơn nguyên kiến trúc nằm trên trục dũng đạo theo thứ tự là cổng đình, bình phong, sân đình, chính đình [4, tr. 22].

Vai trò và ý nghĩa của trụ biểu đình làng

Hình 1: Tổng thể đình làng Cổ Lão, Huế (nguồn ảnh: Nguyễn Quang Huy)
Hình 1: Tổng thể đình làng Cổ Lão, Huế (nguồn ảnh: Nguyễn Quang Huy)

Hầu hết các tài liệu, nghiên cứu trước đây đều tập trung vào chính đình (tòa đại đình) và xem nhẹ các thành phần khác, trong đó có cổng ngõ của đình làng. Cổng ngõ đình, hay còn gọi là nghi môn, có lẽ xuất hiện sau chính đình và thường có hình dạng tứ trụ, chia làm 3 lối dẫn vào sân đình [9, tr. 96]. Việc chia 3 lối có thể để phân chia cấp bậc, thứ vị chức sắc trong làng (hình 2). Theo đó, những người có chức sắc được đi vào đình bằng lối giữa, lối bên trái dành cho nam và lối bên phải dành cho nữ. Ngoài ra, khi làng có lễ lớn đón tiếp nhà vua về thì lối giữa dành cho vua, lối bên trái dành cho quan văn và bên phải dành cho quan võ.

Hình 2: Trụ biểu đình làng Thanh Thủy Thượng, Huế (Ký họa: Võ Trần Gia Phúc)
Hình 2: Trụ biểu đình làng Thanh Thủy Thượng, Huế
(Ký họa: Võ Trần Gia Phúc)

Ở đình làng, chính đình là kiến trúc chính, thường nằm ngay trung tâm. Tuy nhiên, trụ biểu đình làng lại là công trình dễ chú ý và nhận biết nhất. Khi ở trong làng, trụ biểu là kiến trúc cao nhất và là điểm xác định vị trí của đình làng. Trong khi chính đình thường thấp, có xu hướng phát triển theo mặt ngang thì trụ biểu lại có xu hướng vươn cao theo chiều thẳng đứng. Có thể nói, trụ biểu đình làng là “Biểu tượng chung cho văn hóa tinh thần làng xã. Mái đình có thể thấp hoặc nhỏ nhưng tứ trụ vẫn vươn cao, điều đó thể hiện tôn chỉ những cái thuộc về tập thể chung của làng là tối thượng, là biểu tượng uy nghi cho thiết chế làng xã vững bền” [7].

Các trụ biểu thường được trang trí, đắp nổi các hoa văn, họa tiết, câu đối thể hiện thông tin của làng, sinh hoạt hàng ngày, những ước vọng, niềm tự hào của dân làng. Như vậy, có thể đặt ra giả thiết rằng: Ngày xưa, khi đình làng bắt đầu được lập nên tại các làng xã Việt Nam, đó là lúc nhà cửa còn thô sơ, thưa thớt, với vai trò là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, không gian cộng đồng của mỗi làng, đình làng có vị trí quan trọng trong tâm thức của người dân. Do đó, ngoài việc xây dựng nên những ngôi đình khang trang, cũng cần có một công trình mang tính biểu tượng, báo hiệu vị trí đình làng và còn thể hiện khát vọng, tinh thần chung của cả làng xã thông qua những nét điêu khắc, đắp nổi, sơn vẽ phong phú với nhiều chủ đề mà không đình nào giống với đình nào. Những điều này đã góp phần tạo nên hình ảnh tứ trụ cao lớn, hiên ngang đại diện cho ngôi đình truyền thống Việt Nam.

Kiến trúc nghệ thuật của trụ biểu đình làng Huế

Hình 3: Tứ trụ đình Lệ Khê, Huế (nguồn ảnh: tác giả)
Hình 3: Tứ trụ đình Lệ Khê, Huế (nguồn ảnh: tác giả)
Hình 4: Tứ trụ đình Mỹ Lợi, Huế (nguồn ảnh: internet)
Hình 4: Tứ trụ đình Mỹ Lợi, Huế (nguồn ảnh: internet)

Hầu hết các đình làng ở tỉnh Thừa Thiên Huế đều có trụ biểu dạng tứ trụ hình vuông. Dạng này, đa số các trụ biểu đứng độc lập (tứ trụ độc lập), trừ một số trường hợp có thanh ngang đề tên chữ hán và kết nối các trụ biểu (tứ trụ biến thể) (hình 3, 4). Tuy nhiên, vẫn có thể thấy được một số đình làng có dạng tứ trụ hình tròn như đình Phú Hòa (phường Phú Hòa, Huế) và đình Đồng Di (huyện Phú Vang, Huế) hoặc có dạng tam quan như đình Văn Xá, Huế (hình 5, 6).

Hình 5: Tứ trụ đình Phú Hòa, Huế (nguồn ảnh: tác giả)
Hình 5: Tứ trụ đình Phú Hòa, Huế (nguồn ảnh: tác giả)
Hình 6: Tam quan đình Văn Xá, Huế (nguồn ảnh: tác giả)
Hình 6: Tam quan đình Văn Xá, Huế (nguồn ảnh: tác giả)

Các trụ biểu cơ bản đồng nhất ở các mặt. Hai trụ biểu ở giữa thường cao hơn 2 trụ biên tạo nên sự chính phụ (hình 7). Qua khảo sát 50 trụ biểu đình làng cho thấy khoảng cách giữa các trụ dao động từ 1,5m-3m (A=1,8m-3m, B=1,5m-2,7m) trong khi đó, chiều cao trụ biên xấp xỉ bằng 4/5 chiều cao trụ giữa. Nhìn chung, khoảng cách giữa 2 trụ giữa lớn hơn khoảng 1,5 lần so với khoảng cách giữa trụ giữa và trụ biên (A=1,5 B). Một trụ biểu đơn lẻ có thể chia làm 3 phần: Phần đế, phần thân và phần đỉnh. Phần đế thường vuông vắn, chắc khỏe, thể hiện sự vững chãi. Phần thân có kích thước nhỏ hơn phần đế, thường được trang trí các câu đối, đắp khảm sành sứ, sơn vẽ các chủ đề khá đa dạng. Phần đỉnh có hình thức kiến trúc phong phú và đa dạng nhất với nhiều chủ đề như búp sen, đèn lồng hay cổ lâu, con nghê, vân mây, con giao,… Về tỷ lệ, chiều cao phần đế, phần thân và phần đỉnh của trụ giữa lần lượt bằng khoảng 1/6, 1/2 và 1/3 chiều cao trụ biểu (hình 8). Đối với trụ biên thì tỷ lệ này lần lượt là 1/6, 2/3 và 1/6.

Hình 7: Quy ước khoảng cách và thành phần trụ biểu
Hình 7: Quy ước khoảng cách và thành phần trụ biểu
Hình 8: Tỷ lệ về chiều cao của trụ biểu
Hình 8: Tỷ lệ về chiều cao của trụ biểu

Các trụ biểu này thường được xây bằng gạch đá và được trát bằng vôi, vữa hoặc thậm chí có cả mật mía. Sau đó, bề mặt được trang trí bằng nhiều cách khác nhau như tô sơn, vôi, đắp nổi vữa, bích họa hoặc khảm sành sứ. Chủ đề trang trí trên các trụ biểu rất đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. Qua khảo sát, các trang trí này có thể chia làm 3 chủ đề chính: Phong cảnh hoa lá, động vật, và chữ (hình 9, 10).

Hình 9: Hình linh quy ở phần đế trụ biểu đình Thủy Dương, Huế
Hình 9: Hình linh quy ở phần đế trụ biểu đình Thủy Dương, Huế
Hình 10: Hình hoa lá ở phần đế trụ biểu đình Dạ Lê Chánh, Huế
Hình 10: Hình hoa lá ở phần đế trụ biểu đình Dạ Lê Chánh, Huế

Chủ đề hoa lá và phong cảnh chiếm đa số ở các trụ biểu như hình ảnh vân mây, hoa lá cành, hoa sen, tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), tứ hựu (lựu, đào, na, phật thủ). Những hình ảnh phong cảnh non nước, sinh hoạt hàng ngày của dân làng, thập bát la hán, bát tiên, tích tuồng,… cũng được thể hiện ở trụ biểu. Hình ảnh động vật trang trí ở trụ biểu thường gặp là long, lân, quy, phụng, nghê, hổ phù,… Những hình ảnh này thể hiện sự bình an, hạnh phúc, và phồn thịnh của làng. Qua khảo sát 50 đình làng, các chữ, câu đối (cả chữ Hán lẫn chữ Việt) được thể hiện khá nhiều ở phần thân các trụ biểu. Ngoài ra, những chữ khác như chữ thọ (thể hiện sự trường tồn), phúc, hỷ (thể hiện sức khỏe, ấm no) cũng thường gặp tại các trụ biểu đình làng.

Có thể thấy trụ biểu đình làng chứa đựng nhiều giá trị về nghệ thuật và kiến trúc thông qua đề tài trang trí cầu kỳ, tinh xảo, qua đó phản ánh phần nào về trình độ nghề “nê ngõa” trong mỹ thuật trang trí ở Huế. Tuy nhiên, một số đình làng hiện nay đang dần xuống cấp và mất đi giá trị kiến trúc. Nhiều trụ biểu được phục dựng và tu bổ lại một cách cẩu thả, trông như được xây mới bằng màu sơn và lớp xi măng khô khan. Thậm chí, nhiều nơi được sơn phủ bằng màu sắc không phù hợp, che mờ đi toàn bộ những chi tiết trang trí hoặc câu đối trên các ô hộc ban đầu. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tu bổ các đình làng nói chung và trụ biểu nói riêng cần được quan tâm và đánh giá đúng mức để những giá trị lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc vốn có của trụ biểu không bị mất đi hoặc phai mờ dần.

TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng
Khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Võ Trần Gia Phúc, Lê Nghi Minh Hiếu, Nguyễn Minh Hiếu
Sv Khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc 10-2020)


Tài liệu tham khảo

  • [1] Chu Quang Trứ (2003), Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, NXB Mỹ Thuật, tr. 82-97.
  • [2] Dương Văn An (2001), Ô Châu cận lục, Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc dịch chú và hiệu đính, NXB Thuận Hóa, Huế.
  • [3] Hayashi Hideaki, Phạm Đăng Nhật Thái (2018), Kiến trúc đình làng tỉnh Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa.
  • [4] Hồ Tấn Tuấn (chủ biên), Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan (2012), Đình làng Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng.
  • [5] Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí. NXB Thuận Hóa, Huế
  • [6] Nguyễn Ngọc Tùng, Nguyễn Thị Minh Xuân (2016), Giáo trình lịch sử kiến trúc Việt Nam. NXB Đại Học Huế.
  • [7] Nguyễn Thị Xuân Hiền (2014), “Trụ biểu đình làng và lời gửi gắm của tiền nhân”. Web: http://baothuathienhue.vn/tru-bieu-dinh-lang-va-loi-gui-gam-cua-tien-nhan-a6540.html (truy cập ngày 21/01/ 2020).
  • [8] Toan Ánh (1968), Nếp cũ làng xóm Việt Nam, NXB Khai Trí, tr. 275-287.
  • [9] Trần Lâm Biền (2017), Đình làng Việt (châu thổ Bắc bộ), NXB Hồng Đức
  • [10] Trịnh Cao Tưởng (2011), Đình làng điểm lại bước đi ban đầu. Kiến trúc cổ Việt Nam từ cái nhìn khảo cổ học. NXB Xây Dựng, Tr. 43-60.
  • [11] Trịnh Cao Tưởng (2011), Đình làng hình tượng. Kiến trúc cổ Việt Nam từ cái nhìn khảo cổ học. NXB Xây Dựng, Tr. 61-70.
  • [12] Ưng Tiếu (2005), Hoa văn cung đình Huế. NXB Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương