Vai trò của “nơi chốn” trong kiến trúc nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực theo hướng Công nghiệp hóa (CNH) – Hiện đại hóa (HĐH), chương trình xây dựng NTM được người dân hưởng ứng, xã hội ủng hộ và trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, trong quy hoạch và kiến trúc nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế, kiến trúc truyền thống chưa được coi trọng, kiến trúc mới theo kiểu “dập khuôn”, thiếu đặc trưng, thiếu sáng tạo và phố hóa làng với kiểu nhà ống đô thị. Nhà ở nông dân không được quan tâm, không bảo lưu được cấu trúc truyền thống, thân thiện với thiên nhiên và nếp sinh hoạt của nông dân. Rất nhiều nhà văn hóa, chợ dân sinh xây dựng hoành tráng nhưng không người sử dụng. Trong khi đó, những ngôi đình làng, chợ quê là nơi sinh hoạt truyền thống của cộng đồng làng lại bị lãng quên. Tất cả điều đó đã làm mất đi bản sắc văn hóa làng, văn hóa kiến trúc nông thôn của từng vùng miền.

Để khắc phục những hạn chế trên, cần có những nghiên cứu cơ bản về bản sắc để nhận diện bản sắc vùng miền thông qua môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, kiến trúc truyền thống cũng như các hoạt động văn hóa xã hội (VHXH). Việc nghiên cứu kiến trúc nông thôn thông qua cách tiếp cận lý thuyết về “nơi chốn” trong kiến trúc NTM là rất cần thiết, góp phần xây dựng kiến trúc NTM hài hòa với môi trường tự nhiên, phát huy các giá trị truyền thống cũng như phù hợp với các hoạt động VHXH của người dân nông thôn hiện nay.

Nơi chốn trong kiến trúc nông thôn

Cảm nhận về “nơi chốn” và bản sắc

a) Nơi chốn (Place)

Để nắm bắt một cách trọn vẹn sự vật, hiện tượng nào đó ta phải liên hệ nó với “nơi chốn” trong bối cảnh mà nó xuất hiện, đó chính là không gian vật chất, nơi tồn tại sự vật và hiện tượng trong thế giới. Mọi hoạt động đều phải diễn ra trong một không gian và tại một nơi nào đó, nên có thể nói “nơi chốn” được xác định trong không gian vật chất, nơi diễn ra các hiện tượng của thế giới.

Một “nơi chốn” thường bao gồm nhiều yếu tố đóng vai trò làm môi trường cho các hiện tượng xảy ra. Spenller (2000) định nghĩa rằng: “Nơi chốn” là một không gian địa lý mà ở đó có sự tương tác giữa con người với không gian đó”. Như vậy, có thể nói rằng “nơi chốn” là một môi trường vật chất xác định có liên quan đến ý nghĩa tâm lý và VH-XH gắn liền với nó.

“Nơi chốn” hàm chứa một ý nghĩa vượt lên trên một vị trí bình thường. Theo Canter (1977), “Nơi chốn” là một khái niệm mang các ý nghĩa địa lý, văn hóa xã hội (VHXH), tổng hợp của mối quan hệ giữa các hoạt động của con người, các thuộc tính thực thể và các ý niệm về nơi đó.

Relph đã phân tích trong cuốn sách “Place and Placelessness”, nơi chốn được cấu thành bởi 3 yếu tố chính, đó là:

  • Môi trường không gian (đặc trưng vật chất);
  • Con người và hoạt động của họ trong không gian (đặc trưng VHXH);
  • Ý nghĩa hay cảm nhận của con người (đặc trưng tinh thần).

Có thể hiểu rằng nơi chốn xác định với bối cảnh có các sự kiện, các đối tượng và các hoạt động trong không gian vật chất.

Ở nơi chốn, ý nghĩa địa lý được liên hệ chặt chẽ với không gian vật chất thực thể, không gian VH-XH và được phản ánh qua tư duy nhận thức của con người.

Các thành phần của địa điểm [Canter, 1971]
b) Tinh thần của nơi chốn (Spirit of place)

Tinh thần nơi chốn được mô tả như là đại diện cho tinh thần, cảm xúc của con người với nơi đó. Nơi chốn không đơn thuần là vị trí, có sự tồn tại một “tinh thần” mà không thể được mô tả bằng phân tích hoặc các phương pháp khoa học. Theo hiện tượng học “tinh thần” của nơi chốn được mô tả thông qua sự miêu tả đặc điểm vật chất của chúng và giải thích bằng những trải nghiệm của con người trong nơi đó.

c) Cảm nhận của nơi chốn (Sense of place)

Hiện tượng học chỉ ra mối quan hệ giữa sự cảm nhận, cảm xúc của con người (thuộc lĩnh vực tinh thần – phi vật thể) và những biểu hiện về vật chất (hình thể của không gian xung quanh), do đó khi địa điểm gắn liền với con người sẽ có cả giá trị về tinh thần, ý nghĩa. Những giá trị tinh thần, ý nghĩa đó chính là tinh thần của địa điểm hay “hồn “nơi chốn””.

Trong các nhóm yếu tố và các tầng ý nghĩa của địa điểm, các yếu tố tự nhiên (vẫn được coi là dữ liệu đầu vào để thiết kế kiến trúc) thuộc nhóm cấu trúc vật chất là chưa đủ, theo quan niệm hiện đại còn phải xem xét tới các nhóm yếu tố về nội dung hoạt động và cảm nhận tinh thần. Cảm nhận về địa điểm là một khái niệm có tính tương tác khi mà con người đi vào trong một khung cảnh, tiếp xúc với nó và hình thành một mối quan hệ. Các mối quan hệ tương tác này bao gồm cảm xúc, nhận thức và hành vi của con người thông qua những trải nghiệm có ý thức và những ảnh hưởng vô thức phản ứng lại những yếu tố nhất định của “nơi chốn”.

d) Bản sắc của địa điểm (Identity of place)

Bản sắc của nơi chốn chính là yếu tố gốc có đặc điểm nổi trội và đặc sắc, thể hiện rõ ràng giúp chúng ta có thể nhận biết và cảm nhận, giúp phân biệt được nơi này với nơi khác. Bản sắc của nơi chốn có tính bao trùm, phổ quát, ít biến đổi và mang tính đặc trưng trong sự thống nhất của cả ba thành phần: Cấu trúc không gian, hoạt động con người và ý nghĩa.

Có thể nói, nơi chốn là vấn đề cốt lõi trong hiện tượng học kiến trúc, thể hiện mối liên hệ hữu cơ giữa con người với công trình kiến trúc và môi trường xung quanh. Kiến trúc sư Christian Norberg-Schulz cho rằng: “Thiết kế kiến trúc nghĩa là làm cho tinh thần nơi chốn được hiển thị và nhiệm vụ của KTS là tạo ra những nơi chốn đầy ý nghĩa để giúp cho con người sống hạnh phúc”.

Các yếu tố của cảm nhận về địa điểm [Steele,1981]

Vai trò của nơi chốn trong kiến trúc nông thôn

Kiến trúc nông thôn có mối quan hệ mật thiết với nơi chốn, chính những đặc trưng của nơi chốn là cơ sở để hình thành, góp phần cơ bản tạo nên bản sắc, đặc trưng, mang lại cảm nhận về “hồn nơi chốn/ hồn quê” trong kiến trúc nông thôn. Để duy trì và phát huy các yếu tố của nơi chốn, cần xác định mối quan hệ giữa nơi chốn với kiến trúc nông thôn cũng như mức độ tác động của nó trong việc tạo ra đặc trưng và tinh thần nơi chốn (hồn quê) trong kiến trúc nông thôn.

a) Môi trường không gian trong kiến trúc nông thôn (Đặc trưng vật chất)

Môi trường không gian hay đặc trưng vật chất của “nơi chốn” phản ánh mối liên hệ giữa môi trường tư nhiên và môi trường nhân tạo. Mối liên hệ đó xuất phát từ sự ràng buộc (phụ thuộc) của người nông dân với môi trường sống của họ, tạo ra những vật chất nhân tạo. Đặc trưng vật chất của “nơi chốn” trong không gian kiến trúc nông thôn bao gồm cả những yếu tố tự nhiên như địa hình, khí hậu, mặt nước, cảnh quan… và những yếu tố nhân tạo như cảnh quan VH, công trình kiến trúc, đồ vật, sản phẩm nghệ thuật, cơ sở hạ tầng,… Nó là một tổng thể hòa quyện gồm những yếu tố rất cụ thể như vật chất, vật liệu, hình dạng, kết cấu, màu sắc và không gian. Để thực sự trở thành nơi chốn, những yếu tố vật chất ở đó cần thống nhất trong cấu trúc chung của mối liên hệ giữa các thành phần.

Trong không gian kiến trúc nông thôn, môi trường vật chất tự nhiên là các yếu tố có sẵn của nơi chốn, môi trường vật chất nhân tạo được lồng ghép vào trong nơi chốn tạo ra môi trường kiến trúc.

b) Con người và hoạt động của con người (Đặc trưng VH-XH)

Chính con người và hoạt động của họ trong không gian đã tạo nên các đặc trưng VH-XH của không gian đó và ý nghĩa “nơi chốn” (place meaning). Và như vậy, thông qua những đặc trưng VH-XH mà chúng ta hiểu về con người và hoạt động của họ.
Đặc trưng VH-XH đã được đọng lại theo thời gian trong môi trường tự nhiên và tạo nên bản sắc VH – “Môi trường ảnh hưởng đến nhận thức của con người và những ứng xử của họ”. Sự hiện diện của con người và những hoạt động VH-XH của họ trong không gian là yếu tố quyết định sức sống của không gian, nó trở thành yếu tố then chốt về tinh thần của nơi chốn (Spirit of place).

c) Ý nghĩa hay cảm nhận về nơi chốn (đặc trưng tinh thần)

Đặc trưng tinh thần thể hiện ở nhận thức, cảm xúc của con người trong không gian. Ý nghĩa này có nguồn gốc từ môi trường vật chất như hình ảnh của cảnh quan thiên nhiên hoặc từ những hoạt động của con người, hoặc tất cả. Đặc trưng “ý nghĩa” này không phải thuộc tính của không gian và hoạt động, mà là thuộc tính về sự trải nghiệm và hình thành cảm xúc của con người.

Duy trì các cấu trúc vật chất tự nhiên trong kiến trúc NTM

Khai thác các yếu tố “nơi chốn” trong xây dựng kiến trúc nông thôn mới

a) Duy trì cấu trúc vật chất tự nhiên trong kiến trúc NTM

Trong kiến trúc NTM, cấu trúc vật chất tự nhiên tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là nền tảng hình thành, vừa là thành phần trong các không gian chức năng. Vấn đề nhận thức, đánh giá đặc điểm và nghiên cứu đề xuất các giải pháp khai thác yếu tố tự nhiên là một khía cạnh quan trọng trong các nội dung thiết kế quy hoạch, kiến trúc NTM.

  • Với cấu trúc chức năng của kiến trúc NTM
    Cấu trúc vật chất tự nhiên (địa hình, khí hậu, biển và nước, cây xanh, bầu trời,…) của nơi chốn là yếu tố xác định tính chất, chức năng, quy mô của kiến trúc NTM, góp phần tạo ra các thành phần không gian chức năng. Các yếu tố tự nhiên của nơi chốn cũng là cơ sở để phân khu chức năng và thiết lập mối quan hệ giữa các thành phần chức năng trong kiến trúc NTM.
  • Với cấu trúc không gian của kiến trúc NTM
    Các cấu trúc vật chất tự nhiên của nơi chốn tham gia trực tiếp vào cấu trúc không gian của kiến trúc NTM ở mọi cấp độ từ tổng thể đến chi tiết. Đó là nền tảng của cấu trúc không gian, từ các giải pháp quy hoạch đến kiến trúc công trình đều gắn liền với đặc điểm địa hình, mặt nước, cây xanh của địa điểm xây dựng và khí hậu khu vực. Đặc biệt địa hình, mặt nước, cây xanh,… là thành phần chủ đạo của không gian mở trong kiến trúc NTM.
  • Với ý nghĩa và cảm nhận của kiến trúc NTM
    Cấu trúc vật chất tự nhiên của nơi chốn vừa là thành phần, vừa là cơ sở tạo nên hình thức và chất lượng thẩm mỹ của kiến trúc NTM vừa là yếu tố cơ bản tạo ấn tượng và cảm xúc, góp phần tạo nên cảm nhận về “hồn “nơi chốn”/ hồn quê” của kiến trúc NTM.

Các yếu tố về khí hậu, bầu trời, cây xanh phản ánh rõ nhất tinh thần của thời gian, không gian. Các yếu tố mặt nước, cây xanh cũng phản ánh tình thần công năng trong kiến trúc NTM.

b) Tiếp nối cấu trúc vật chất nhân tạo trong kiến trúc nông thôn mới

Kiến trúc là một sản phẩm của VH vật chất, nên kiến trúc nói chung và kiến trúc NTM nói riêng luôn bị ảnh hưởng bởi các cấu trúc VH vật chất. VH vật chất luôn chi phối hình thức kiến trúc, cảnh quan, nội thất của kiến trúc NTM từ tổng thể tới chi tiết, chúng là cơ sở góp phần xác định phần “xác” của kiến trúc NTM.

  • Với cấu trúc chức năng của kiến trúc NTM
    Văn hóa vật chất của “nơi chốn” là cơ sở để tổ chức các không gian VH, sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng … và tổ chức cảnh quan VH trong kiến trúc NTM nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Yếu tố vật chất còn đóng góp cho chức năng tinh thần của “nơi chốn” trong không gian kiến trúc NTM, nó biểu hiện đặc điểm VH, lịch sử, phong tục – tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của từng địa phương, khu vực… và được hình thành thông qua hình ảnh và hoạt động sống động từ việc khai thác các giá trị VH vật chất của “nơi chốn” về không gian, hình tượng, biểu tượng, sắc thái…
  • Với cấu trúc không gian của kiến trúc NTM
    Để tiếp nối cấu trúc không gian truyền thống địa phương thì không gian quy hoạch, kiến trúc công trình cần gắn liền với VH vật chất. Các yếu tố VH vật chất cũng được thể hiện ở qua các đặc điểm về kết cấu truyền thống, vật liệu và phương thức, kỹ thuật xây dựng. Thành phần cơ sở hạ tầng của cấu trúc vật chất nhân tạo góp phần tạo ra tiện ích, tiện nghi cho kiến trúc NTM.
  • Với ý nghĩa và cảm nhận trong kiến trúc NTM
    Các yếu tố về kiến trúc truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của làng quê, cùng với cảnh quan thiên nhiên tạo nên bản sắc, tinh thần của nơi chốn, tạo nên cảm xúc cho con người. Qua các đối tượng đó, con người sẽ cảm nhận được quá khứ trong hiện tại, mối quan hệ giữa con người với nơi chốn và bối cảnh VH, mang lại cảm nhận đầy đủ về tinh thần của kiến trúc NTM.
Tiếp nối cấu trúc nhân tạo trong kiến trúc NTM

c) Đáp ứng các hoạt động VHXH trong kiến trúc NTM

Các hoạt động VH-XH là một trong những đặc trưng tinh thần của “nơi chốn”. Kiến trúc NTM muốn phản ánh, tiếp nối tinh thần nơi chốn thì cần hướng tới các hoạt động này trong tổ chức không gian. Có thể nhận thấy rằng, hoạt động mang màu sắc VH-XH của làng quê là nhân tố tạo nên phần “hồn” của kiến trúc NTM. Kiến trúc NTM là tổ chức không gian cho các hoạt động VH-XH để đáp ứng nhu cầu của cư dân. Do vậy thành phần chức năng và không gian kiến trúc NTM cũng phụ thuộc vào đặc trưng các hoạt động VH-XH địa phương.

Hơn nữa, mỗi địa phương, khu vực đều có các hoạt động VH-XH đặc trưng riêng và việc khai thác các đặc trưng đó sẽ tạo nên sự độc đáo cho kiến trúc NTM.

  • Với cấu trúc chức năng của kiến trúc NTM
    Nhu cầu sinh hoạt, giao lưu và phát triển kinh tế là các hoạt động VH-XH của người dân là yếu tố cơ bản góp phần làm cơ sở để tổ chức các không gian chức năng trong kiến trúc NTM. Đó là các không gian giao lưu VH, sinh hoạt cộng đồng, tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian,… Các hoạt động VH-XH đóng góp lớn cho chức năng tinh thần “nơi chốn” trong kiến trúc NTM.
  • Với cấu trúc không gian của kiến trúc NTM
    Các hoạt động VH-XH của nơi chốn sẽ tạo ra các không gian chức năng và qua đó đóng góp không nhỏ vào cấu trúc không gian của kiến trúc NTM (thể hiện ở các không gian sinh hoạt VH, tín ngưỡng, lễ hội, biểu diễn ngoài trời,..).
  • Với ý nghĩa và cảm nhận của kiến trúc NTM
    Các hoạt động văn VH-XH địa phương là một phần của VHBĐ, bản sắc nơi chốn. Thông qua các hoạt động này cùng với hình ảnh của môi cảnh tự nhiên, không gian kiến trúc, con người sẽ cảm nhận sâu sắc về đặc trưng ý nghĩa, tinh thần của “nơi chốn” và “hồn “nơi chốn”” trong làng xã NTM.
Đáp ứng các hoạt động VHXH trong kiến trúc NTM

Kết luận

Có thể nói, qua cách tiếp cận từ lý thuyết “nơi chốn”, ta thấy các yếu tố của “nơi chốn” phản ánh đầy đủ và toàn diện các mặt của môi trường tự nhiên (hệ sinh thái tự nhiên) và môi trường văn hóa (hệ sinh thái nhân văn), từ đó thấy rõ vai trò của “nơi chốn” trong việc xây dựng, tổ chức không gian kiến trúc nói chung và kiến trúc NTM nói riêng.

Xác định rõ các đặc trưng cơ bản của nơi chốn, thông qua các mối quan hệ của chúng là cơ sở để khai thác, duy trì, tiếp nối các yếu tố đó tổ chức không gian kiến trúc NTM. Qua đó, kiến trúc NTM sẽ thống nhất hữu cơ với địa điểm, không mất đi bản sắc của “nơi chốn” vì những đặc trưng đấy vẫn được duy trì, củng cố và làm rõ nét trong từng không gian.

Xác định vai trò và mối quan hệ giữa nơi chốn với kiến trúc nông thôn sẽ góp phần trong việc xây dựng kiến trúc NTM có bản sắc, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nông thôn nói chung và trong chương trình xây dựng NTM nói riêng.

TS.KTS Vũ Đức Hoàng
Phó Khoa Kiến trúc – Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2022)


Tài liệu tham khảo
1. Đặng Thái Hoàng (2013), Hiện tượng học kiến trúc, Trang thông tin điện tử Kiến Việt, Hội KTSVN.
2. Vũ Hiệp (2015), Tổng quan về lý thuất “nơi chốn” trong thiết kế đô thị, Tạp chí Kiến trúc Hội KTSVN, số 328/ 2015, Tr.51-54.
3. Phạm Thúy Loan (2015), Câu chuyện bản sắc trong thiết kế đô thi, Tạp trí Kiến trúc Việt Nam, số 1+2/2015, Hà Nội
4. Ngô Đức Thịnh (2003), Văn hóa vùng và Phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia – Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, NXB Trẻ, Hà Nội, Tr. 216-261.
5. Kenneth Frampton (1983), “Towards a Critical Regionalism: Six Points for an Architecture of Resistance”, in The Anti-Aesthetic. Essays on Postmodern Culture (1983) edited by Hal Foster, Bay Press, Seattle.
6. Speller, G. (2000). A community in transition: A longitudinal study of place attachment and identity process in the context of an enforced relocation. Unpublished PhD thesis, University of Surrey, Guildford, England.
7. Amos Rapoport (1969) “House Form and Culture” .
8. Norberg-Schulz (1980), Genius Loci: Towards a Phenomenology of Architecture, Rizzoli, New York.USA
9. Norberg-Schulz (1985), The Concept of Dwelling: On the Way to Figurative Architecture (New York, Electa/Rizzoli).