Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống: Cần thấu hiểu và sáng tạo

Cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” có 3 chủ đề, trong đó chủ đề thứ 3 là “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc quy hoạch truyền thống” có số lượng các bài dự thi là 18 bài. Tính trên tổng số 93 bài của cả cuộc thi thì phần này chỉ chiếm 19%, tức là khá ít. Như vậy có thể chủ đề này ít được quan tâm hơn hoặc cũng có thể là mọi người thấy khó làm hơn. Có lẽ công tác truyền thông về chủ đề này còn hạn chế. Đây là vấn đề cần phải lưu ý trong việc tổ chức cuộc thi.

Phương án AV808 – Quận nghệ thuật Sông Hồng – Giải Nhất Hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống – Đối tượng chuyên nghiệp của CTCP Tư vấn và đầu tư kiến trúc AVANT

Với đề bài mở, các thí sinh tự chọn địa điểm để thiết kế không gian sáng tạo (KGST), các địa điểm được chọn khá phong phú, bao gồm cả trong TP và các vùng nông thôn thuộc Hà Nội. Đối tượng được chọn có thể là một không gian cụ thể như Quảng trường Lý Thái Tổ, Phố sách Đinh Lễ, nhưng cũng có khi là một không gian rộng lớn như Làng Cựu, Làng hoa Tây Tựu, hay là một hệ thống các không gian di sản của Hà Nội. Địa điểm được chọn có thể là một địa danh nhiều người biết đến như Gò Đống Đa, Cầu Long Biên, nhưng cũng có thể là nơi ít được quan tâm như một  ô đất trống trong khu phố cổ hay một khoảng đất ven sông Hồng… Như vậy các thí sinh đã biết cách nhận diện và khai thác những giá trị tiềm ẩn của các không gian cũ gắn với truyền thống để chuyển hóa thành một không gian sáng tạo của Hà Nội. Đây cũng chính là một trong những mục đích và tiêu chí của cuộc thi này.

Các phương án dự thi phần lớn đã có cách tiếp cận đúng  – Đó là xuất phát từ những giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của một không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống, bằng các giải pháp kiến trúc, sáng tạo ra những giá trị mới từ giá trị truyền thống, tạo khớp nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, làm cho di sản tiếp tục có sức sống trong cuộc sống đương đại, lan tỏa giá trị đến đời sống xã hội và quan trọng là vẫn bảo tồn và không tác động xấu đến những đặc điểm và giá trị của di sản. Chẳng hạn, các phương án chọn địa điểm là các làng nghề truyền thống (như phương án PA201 chọn không gian làng nghề mây tre đan Phú Vinh, phương án BT711 chọn làng hoa Tây Tựu…) đều đã có những giải pháp thiết kế không gian thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa nghề, tạo ra những giá trị mới mà vẫn giữ gìn được những đặc điểm, giá trị vốn có của làng truyền thống. Đây có thể coi là sự gợi mở cho việc thiết kế không gian sáng tạo, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống nói chung.

Các phương án dự thi đã cho mọi người thấy rõ được giá trị của “Thiết kế không gian sáng tạo” – Đó là giải pháp thiết kế có thể làm cho các không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống có sự chuyển hóa mạnh mẽ, có một sức sống mới, một sự “đánh thức”, khơi dậy những giá trị tiềm năng, làm nền tảng cho những sự phát triển tiếp nối, sáng tạo TP sáng tạo. Phương án AP047 chuyển hóa không gian của Phố sách Đinh Lễ từ một đoạn phố mua, bán sách đơn thuần thành một không gian văn hóa sống động, kết nối nhiều chức năng; phương án DF109 lan tỏa, kết nối không gian di tích Gò Đống Đa với các không gian công viên, trường học, đường phố xung quanh tạo môi trường hoạt động, sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng; phương án CQ017 khai thác “chứng nhân lịch sử” cầu Long Biên theo hướng tích hợp các không gian xung quanh, vừa bảo tồn khung cảnh lịch sử, vừa mở rộng không gian công cộng, vừa khôi phục hệ sinh thái hai bên dòng sông; phương án GC438 biến một góc phố ít được quan tâm thành một KGST công cộng phục vụ cho mọi đối tượng, vừa lưu giữ những giá trị cũ vừa đem lại những trải nghiệm mới cho cộng đồng….

Phải khẳng định rằng: Các phương án dự thi đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng những đặc điểm, tình trạng hiện tại của địa điểm được chọn và từ đó đề xuất những giải pháp thiết kế tạo được những hiệu quả kiến trúc, nghệ thuật một cách rõ rệt. Các không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống không bị xáo trộn, biến đổi khác lạ nhưng diện mạo và tinh thần của nơi đó được chuyển hóa theo hướng tích cực: Những đặc điểm, giá trị cốt lõi được bảo tồn; những yếu tố lệch lạc, “ô nhiễm” bị loại bỏ; những nhân tố mới được bổ sung, lồng ghép một cách hữu cơ, nhuần nhuyễn… tạo nên một luồng sinh khí mới cho địa điểm và khu vực đó. Nói cách khác, phần “hình” là cấu trúc cơ bản được gìn giữ, những cái “lý” cốt lõi của sự hình thành và phát triển khu vực được điều chỉnh, sắp xếp lại và phần “khí” của nơi chốn được hồi sinh một cách tươi mới, giàu sinh lực. Phương án QT258 chọn địa điểm là đoạn cầu Long Biên gắn với ga Long Biên và không gian xung quanh, bằng giải pháp kiến trúc đã biến một khu vực có nhiều yếu tố truyền thống nhưng đang ở tình trạng thiếu tổ chức, khá hỗn độn thành một tổ hợp đa chức năng, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai với diện mạo mới giàu ý nghĩa và cảm xúc lịch sử, văn hóa, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Các yếu tố di sản, không gian truyền thống, nghệ thuật đương đại, không gian sáng tạo mới, cảnh quan, hạ tầng đô thị… được lồng ghép một cách hữu cơ trong sự kết nối mềm và linh hoạt. Phương án AV808 chuyển đổi khu vực Phúc Tân vùng bãi bồi ven sông Hồng có chất lượng sống khá thấp thành một “Quận nghệ thuật” hướng tới xu thế không gian xanh với hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà đến không gian ngoài trời là nghệ thuật và sáng tạo. Cùng với ý tưởng này, những giải pháp quy hoạch, kiến trúc được xử lý thấu đáo, nhờ đó không gian và bộ mặt đô thị gắn với dòng sông lịch sử đã thay đổi rõ rệt, “sinh khí” của vùng đất được khôi phục, trở thành một cực phát triển từ những giá trị cốt lõi của Hà Nội ngàn năm là thiên nhiên và tính năng động sáng tạo, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của TP hiện tại và tương lai.

Trong các phương án dự thi, việc thiết kế KGST không chỉ là những giải pháp kiến trúc mà còn đưa ra những phương thức tổ chức các hoạt động xã hội trong một môi trường mới với sự khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng cư dân ở khu vực đó. Đồng thời những giá trị, sắc thái đặc trưng của địa điểm có điều kiện được bộc lộ, giới thiệu, tôn vinh thu hút sự quan tâm và tham gia của xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của khu vực đó. Các phương án chọn địa điểm là các làng nghề, làng truyền thống như PA201, BT711, TH143, AT598, NV129, HY708 đều quan tâm thúc đẩy và tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương. Các phương án chọn địa điểm ở đô thị như AV808, QT258, AP047, GC438 cũng đều tạo ra những không gian mới, thu hút và thúc đẩy các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng, để các thế hệ thấu hiểu các giá trị di sản, tiếp tục phát triển các giá trị đó trong hiện tại và tương lai.

Các phương án dự thi đã cân nhắc đến các yếu tố thực tế của điều kiện kinh tế, xã hội của khu vực được chọn và vì thế có tính khả thi, hoàn toàn có thể thực hiện được trên thực tế. Phương án AV808 có can thiệp vào một số nhà ở của các hộ dân khu vực ven sông Hồng, trong thiết kế đã dành chính những diện tích đó cho “vùng hưởng thương lợi bất động sản” trong phân khu lợi ích thương phẩm. Phương án PA201 làm sống lại những không gian truyền thống sẵn có và hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển nghề truyền thống vốn có của làng nghề mây tre đan Phú Vinh thành sản phẩm cho thị trường mới phục vụ du lịch và nghệ thuật công cộng đô thị. Vì vậy, đây không chỉ là những đồ án tham dự một cuộc thi mà hoàn toàn có thể chuyển thành những dự án thực tế khi có chủ trương và kế hoạch tương ứng, phù hợp.

Tuy nhiên, trong các phương án dự thi chủ đề thứ 3 của cuộc thi cũng có những hạn chế nhất định. Đó là các địa điểm được chọn còn hạn hẹp, chưa quan tâm đến những khu vực là vùng đệm, không gian chuyển tiếp hay những không gian chứa đựng các di tích, khu di tích là những nơi có thể coi là những mảnh đất tiềm năng, phù hợp với việc thiết kế không gian sáng tạo, rất cần sự lồng ghép và kết nối hữu cơ giữa khu vực di tích, di sản với các không gian kiến trúc, quy hoạch xung quanh. Mặt khác, có những phương án dự thi được nghiên cứu, thực hiện khá công phu, khối lượng lớn có nhiều ý tưởng, giải pháp liên quan đến các vấn đề đặt ra của cuộc thi, nhưng đáng tiếc là cách tiếp cận và trình bày lại chưa phù hợp với tiêu chí của cuộc thi vì đã thể hiện như một đồ án quy hoạch hay như một hồ sơ thiết kế sản phẩm du lịch…

Phương án PA201 – Thổi hồn sáng tạo nơi làng Tre Việt – Giải Hội đồng Hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống – Đối tượng chuyên nghiệp của Phạm Thị Anh

Nhìn chung, có thể nói cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” đã có kết quả rất tốt. Sự tham gia đông đảo, chất lượng của các bài dự thi và đặc biệt là không khí “sôi động” và sự nảy nở của những cách tiếp cận, tư duy mới về không gian văn hóa – kiến trúc của Hà Nội gắn với việc xây dựng “TP sáng tạo” chính là những kết quả mong đợi của cuộc thi này. Cụ thể hơn, chúng ta đã “gặt hái” được nhiều ý tưởng tốt, sáng tạo, những các tiếp cận mới cùng với những đề xuất có tính khả thi mà nếu thực hiện sẽ đạt mục tiêu kép là vừa bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Hà Nội, vừa tạo ra những giá trị, sắc thái mới cho những không gian truyền thống, hỗ trợ và thích ứng với sự phát triển của TP theo hướng năng động, bền vững, giàu bản sắc, để Hà Nội trở thành điểm sáng của Mạng lưới các TP sáng tạo trên thế giới.

Xem thêm:
Kết quả Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội

KTS Lê Thành Vinh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)