Giải thưởng Holcim Prize 2012

Nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã giành giải đặc biệt giải thưởng Holcim Prize 2012 với đề tài “Hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời ở nông thôn tỉnh Ninh Thuận.”
Ngày 13/10/2012 vừa qua, vòng chung kết cuộc thi thường niên Holcim Prize 2012 đã diễn ra tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với 7 đề tài nghiên cứu phục vụ cho phát triển bền vững của các sinh viên đến từ 7 trường đại học có quan hệ hợp tác với công ty TNHH Xi Măng Holcim Việt Nam (ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Kiến Trúc Hà Nội, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và ĐH Cần Thơ). Gần 200 sinh viên và đại diện Ban Giám hiệu các trường đại học trên đã tham gia sự kiện này.
 
 
 
Khởi động vào tháng 10/2011 với 118 đề tài dự thi, 40 đề tài đã được chọn vào vòng bán kết. Tại đây, mỗi trường sẽ chọn ra 1 đề tài xuất sắc có tính khả thi cao để đi tiếp vào vòng chung kết. Ban Giám khảo vòng chung kết Holcim Prize 2012 là những chuyên viên uy tín trong 3 lĩnh vực trọng tâm của cuộc thi: bảo vệ môi trường, xây dựng bền vững và phát triển cộng đồng; một đại diện báo chí và một thành viên Ban cùng Giám đốc HVL đã quyết định kết quả chung cuộc như sau:
Giải đặc biệt trị giá 60 triệu đồng thuộc về nhóm sinh viên đến từ ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với đề tài Hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời ở nông thôn (tỉnh Ninh Thuận). Với mục tiêu sử dụng năng lượng mặt trời cung cấp giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước và nâng cao năng suất lao động cho người dân đề tài đã thuyết phục ban giám khảo và các bạn sinh viên về tính thực tiễn và bền vững.
 
Đề tài này sẽ được Công ty Holcim Việt Nam (HVL) hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng để triển khai ứng dụng thực tế tại tỉnh Ninh Thuận.
Các giải thưởng còn lại với tổng trị giá 36 triệu đồng được trao cho những đề tài sau:
Giải lĩnh vực (trị giá 10 triệu đồng/giải):
Phát triển cộng đồng: đề tài Mô hình sân chơi cho trẻ em khuyết tật đến từ trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh
Bảo vệ môi trường: đề tài Mô hình quản lý rác thải sinh hoạt ở khu 2 ĐH Cần Thơ đến từ trường Đại học Cần Thơ;
Xây dựng bền vững: đề tài Tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng khu dân cư làng chài bãi giữa sông Hồng đến từ trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Giải khuyến khích (trị giá 2 triệu đồng/giải):
Đề tài Thiết kế và chế tạo rô-bốt giám sát và vệ sinh đường ống nước thải 300mm, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Đề tài Cool box – “tủ lạnh” không sử dụng điện, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM;
Đề tài Phụ gia rẻ tiền cải tạo đất nhiễm mặn và góp phần làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
 
Được triển khai từ năm 2009 với sự tham gia của 2 trường đại học, với mục đích tạo sân chơi cho sinh viên đại học từ năm 3 trở lên tham gia đóng góp ý tưởng phục vụ cho sự phát triển bền vững, đến nay Giải thưởng Holcim Prize đã thu hút hàng trăm đề tài nghiên cứu của các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học từ 7 trường đại học lớn trên khắp đất nước. Những đề tài của các em thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội hiện nay như: nghiên cứu và khuyến khích sử dụng các nguồn nhiên liệu mới để thay thế cho tài nguyên tự nhiên không tái tạo được, sử dụng hiệu quả và tái chế nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống, ứng dụng công nghệ xanh vào đời sống, cải thiện và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng…
Holcim Prize không chỉ khích lệ ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn tạo cơ hội để biến những ý tưởng đó thành hiện thực thông qua một phần hỗ trợ triển khai ứng dụng cho đề tài khả thi nhất. Các đề tài đoạt giải đặc biệt của cuộc thi Holcim Prize những năm trước đều đã và đang được triển khai thực tế, bao gồm dự án “Thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật” (năm 2009), dự án “Nhà vệ sinh nổi” (năm 2010) và dự án “Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” (năm 2011).
 
Giải thưởng Holcim Prize 2013 sẽ được khởi động trong tháng 10 và 11/2012 tại 7 trường đại học và hạn đăng ký đề tài là 30/12/2012. Với tổng giá trị giải thưởng tăng lên 600 triệu đồng (trong đó 200 triệu đồng tối đa hỗ trợ ứng dụng vào thực tế) so với 400 triệu đồng của năm 2012 và các khóa kỹ năng mềm được triển khai cho các bạn sinh viên tham gia dự thi, Holcim Prize 2013 hứa hẹn sẽ phát hiện thêm nhiều sáng kiến thiết thực đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.