Đào tạo chuyên ngành kiến trúc nội thất tiếp cận phương pháp CDIO tại trường Đại học Xây dựng

Bài báo giới thiệu sự ra đời và phát triển chuyên ngành KTNT tại trường ĐHXD. Ngoài ra, bài báo cũng lý giải phần nào tại sao ngành KTNT lại muốn hướng sự phát triển đào tạo theo tiếp cận CDIO. Đây là giải pháp giúp gắn bó một cách hữu cơ giữa cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp sử dụng lao động. Bản thân chương trình học đã thể hiện sự gắn kết hữu cơ chứ không chỉ là một sự liên hệ bởi các quan hệ giúp đỡ lẫn nhau. Doanh nghiệp đóng vai trò là một thành phần cấu thành của chương trình đào tạo. Điều đó giúp hình thành năng lực làm việc ngay sau khi ra trường của sinh viên. Khắc phục các nhược điểm trong đào tạo thiên về lý thuyết hiện nay

Thầy Phạm Hùng Cường, trưởng khoa Kiến trúc & Quy hoạch ĐHXD phát biểu

Tại các nước phát triển, ngành kiến trúc nội thất đã được đào tạo tại nhiều trường đại học về kỹ thuật nổi tiếng như Đức, Pháp, Italia, Mỹ… Ngành học đã cho ra trường các KTS nội thất – hành nghề trong lĩnh vực thiết kế công trình kiến trúc và tổ chức lại không gian các công trình kiến trúc đáp ứng các thay đổi về công năng sử dụng mới một cách chuyên nghiệp. Như vậy, bên cạnh ngành nghề hình thành và phát triển theo nhu cầu xã hội, cũng xuất hiện những cách tiếp cận mới trong đào tạo, nhằm giải quyết những yêu cầu khách quan của xã hội, trong đó có việc đào tạo theo cách tiếp cận CDIO – Học viên sẽ học các kĩ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp, các kĩ năng kiến tạo sản phẩm, xây dựng quy trình và hệ thống cùng với kiến thức chuyên ngành trong chương trình đào tạo thực hành chuyên nghiệp. Người ta gọi đó là học tập tích hợp, ưu điểm là cho phép SV sử dụng kép thời gian để vừa học kiến thức, vừa học kĩ năng ứng dụng chuyên ngành.

Các vấn đề chung

– KTNT là một ngành có nhiều liên quan tới ngành kiến trúc, nhưng chuyên sâu vào việc tổ chức không gian bên trong công trình. Do nhu cầu khách quan của phát triển xã hội, KTNT xuất hiện như là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật, bao gồm thiết kế kiến trúc sắp xếp tổ chức không gian, và thiết kế trang trí nội thất chuyên nghiệp trên nền tảng mỹ học, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử kiến trúc và nghệ thuật thế giới.

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, không gian nội thất bên trong nhà đã không còn đơn giản như trước đây, đồng thời độ bền vững của tòa nhà kéo dài nhiều năm, trong khi đó cuộc sống hiện đại luôn biến động nhanh chóng, dẫn đến mâu thuẫn giữa độ bền vững và khả năng đáp ứng thay đổi các chức năng mới. Đó có thể hiểu là sự “già nua” nhanh chóng của các không gian ở, lao động, kinh doanh và sinh hoạt của con người so với những nhu cầu chức năng mới cần được đáp ứng
Thực tế hiện nay các nhà trang trí nội thất có đủ chuyên sâu về nghệ thuật thẩm mỹ, song lại chưa được chuẩn bị kỹ hơn về kỹ thuật xây dựng, cũng như các công nghệ tòa nhà và môi trường tiện nghi khí hậu trong nhà… Còn các KTS được trang bị tương đối đầy đủ kiến thức cần thiết, có thế mạnh ở việc tạo ra hình khối không gian kiến trúc công trình, nhưng lại chưa đủ sâu về một số lĩnh vực khác bên trong tòa nhà và công trình. Chính vì vậy, ngành KTNT là ngành được hình thành trên cơ sở nhu cầu xã hội được trang bị các kiến thức cần thiết làm cầu nối giữa hình thức kiến trúc và không gian nội thất bên trong công trình.

Ngành KTNT có chương trình đào tạo với sự kết hợp những môn học chuyên sâu hơn về thiết kế sắp xếp tổ chức không gian, và thiết kế trang trí nội thất chuyên nghiệp, giúp phát triển sáng tạo các ý tưởng về không gian nội, ngoại thất, hoàn thiện các kỹ năng thiết kế đồ nội thất, hệ thống kỹ thuật công trình hệ thống sưởi điều hòa, các tiêu chuẩn an toàn về nhà ở, công nghệ sản xuất…

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo phần lớn đi sâu vào ngành trang trí nội thất, tạo dáng công nghiệp, thiết kế sản phẩm đơn lẻ đồ nội thất, tập trung vào việc bài trí nhà cửa hoặc các không gian thương mại… Các giải pháp thường là trang trí bằng thảm, rèm, tranh ảnh, mầu sắc, phong cách, kiểu dáng đồ nội thất… phù hợp theo nhu cầu của khách hàng. Nhìn chung, công việc các nhà trang trí nội thất thường làm là sắp xếp, bài trí nhà cửa dựa trên những thứ có sẵn sao cho đẹp mắt và hài hoà nhất.

Để có thể đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ mới phức tạp, đa dạng của thị trường hiện nay và trong tương lai, sự ra đời của ngành KTNT là một tất yếu khách quan. Tổ chức kiến trúc nội thất cũng là một hoạt động định hướng của con người bên trong công trình, nhằm thỏa mãn các hoạt động chức năng, nâng cao chất lượng thẩm mỹ, tiện nghi môi trường trong nhà, bảo vệ môi trường (thông qua các tiêu chí công trình xanh). Rõ ràng, KTNT là một gạch nối giữa các ngành được hình thành khách quan bởi nhu cầu xã hội, với một thị trường rộng lớn bên cạnh thị trường bất động sản đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Yếu tố khách quan được hiểu ở đây chính là các quy luật của thị trường đặt ra các nhiệm vụ đòi hỏi phải được giải quyết. Cũng chính bởi lý do đó, ngành KTNT của ĐHXD đã được xây dựng theo định hướng tiếp cận phương pháp CDIO nhằm mang lại cho công tác đào không chỉ các kiến thức khoa học mang tính hàn lâm, mà còn các kỹ năng khác, cho phép bắt kịp với thực tiễn cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ ngoài xã hội

– Khái niệm CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh, Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO là một đề xướng của các khối ngành kỹ thuật thuộc Đại học Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học.

Khung chương trình của ngành học được thực hiện một cách khách quan trên cơ sở của chuẩn đầu ra, còn chuẩn đầu ra lại là nhu cầu của xã hội và thị trường lao động tác động vào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chuẩn CDIO sẽ giảm đi tính hàn lâm của ngành học vì các kiến thức nền tảng, mang tính cốt lõi vẫn phải được đưa vào chương trình học một cách hợp lý, song song bên cạnh đó là các kiến thức và kỹ năng mềm được cập nhật theo nhu cầu xã hội, nhằm tạo ra một khung chương trình có cấu trúc gồm 2 phần: Phần cứng là xương sống với những kiến thức khoa học, kỹ thuật cơ bản, và phần mềm là các kiến thức cập nhật theo tiến bộ khoa học, công nghệ thay đổi nhanh chóng trên quy mô toàn cầu.

Như vậy, bản thân khung chương trình theo CDIO được hình thành khách quan, đạt được các tiêu chí chuẩn đầu ra: Sản phẩm đào tạo cho xã hội, theo nhu cầu của người sử dụng lao động; hiểu và nắm bắt nhu cầu xã hội, hiểu người sử dụng lao động cần gì; chương trình được cập nhật hàng năm; kết hợp giảng dạy cùng với các doanh nghiệp… nhờ vậy, sau khi ra trường, các KTS nội thất có thể giải quyết được các công việc cụ thể sau: Thiết kế ý tưởng, thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc; Thiết kế tổ chức không gian nội thất; Trang trí nội thất; Triển khai thiết kế kỹ thuật kiến trúc nội thất (hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, bản vẽ hoàn công); Kiểm tra và thẩm định các hồ sơ thiết kế công trình; Thi công các công trình Kiến trúc, Nội thất; Thiết kế, sản xuất kinh doanh trang thiết bị nội thất; Doanh nghiệp kinh doanh bất đông sản; Tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình; Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình…

Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa đào tạo ngành thiết kế, kỹ thuật theo tiếp cận CDIO với đào tạo truyền thống của chúng ta hiện nay chính là hai yêu cầu mới, gắn với thực tiễn nhiều hơn: Đó là thực hiện và vận hành. Đào tạo các ngành thiết kế truyền thống chủ yếu thường dừng lại ở hình thành ý tưởng và thiết kế ý tưởng, còn theo CDIO là phải đáp ứng cả 4 yêu cầu: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành.

Chương trình đào tạo chuyên ngành KTNT của Trường ĐHXD theo hướng tiếp cận CDIO

Chương trình đào tạo chuyên ngành KTNT của Trường ĐHXD tiếp cận phương pháp CDIO đã được thực hiện theo đúng phương pháp luận của CDIO, việc xác định khung chương trình đào tạo (CTĐT) và chuẩn đầu ra các học phần được dựa trên 05 tiêu chí khách quan, cụ thể như sau: (1) Dựa vào khung trình độ quốc gia Việt Nam; (2) Dựa vào tiêu chuẩn đánh giá KTS Asean nhằm xác định khối kiến thức và thời gian đào tạo; (3) Phù hợp với các CTĐT kiến trúc nội thất các trường đại học tiên tiến trên thế giới nhằm đảm bảo tính hội nhập quốc tế; (4) Đáp ứng các tiêu chí theo tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT) quốc tế của Mỹ (chuẩn NANB) nhằm chuẩn bị cho việc kiểm định CTĐT thông qua các tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới; (5) Tham vấn ý kiến chuyên gia nhằm xác định nhu cầu, gồm 04 đối tượng: Nhà khoa học, giảng viên tại các trường đại học, các viện nghiên cứu; Hiệp hội nghề nghiệp; Doanh nghiệp sử dụng lao động và Cựu SV.

Một số hình ảnh minh họa về các hoạt động workshop, ngoại khóa bổ trợ cho các hoạt động học tập và làm đồ án của sinh viên

Nhìn vào các tiêu chí của phương pháp luận CDIO, chúng ta thấy nổi rõ các đặc điểm về tính khách quan trước yêu cầu xã hội, tính thống nhất với các tiêu chuẩn đào tạo quốc tế, và tính liên kết xã hội. Bên cạnh các kiến thức cơ bản được học trong trường, SV còn được tiếp nhận các kiến thức và yêu cầu thực tế từ các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp sử dụng lao động, nhà khoa học… tất cả những đặc điểm đó giúp người học được đào tạo theo chương trình có chuẩn đầu ra tiếp cận theo phương pháp CDIO có nhiều cơ hội việc làm hơn, tận dụng được các cơ hội phát triển nhiều hơn trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động hiện nay.

Những kết quả bước đầu

Sau 5 năm vừa đào tạo, vừa phát triển, chuyên ngành KTNT do bộ môn KTNT đã có nhiều thành tích trong đào tạo và truyền được cảm hướng yêu nghề tới các sinh viên. Bên cạnh một số hội thảo và cam kết trao đổi sinh viên trong học tập với các nước Đức, Italia… thông qua các Workshop, các lớp sinh viên của ngành nội thất cũng được tiếp cận thị trường lao động cũng như các hoạt động sản xuất, đầu tư thông qua nhiều doanh nghiệp có quan hệ với bộ môn KTNT như công ty An Cường và Hiệp hội gỗ Việt Nam…

Số liệu mới nhất hiện nay về thành tích học tập cho thấy có trên 50 % SV đạt khá giỏi (nguồn, báo cáo tổng kết năm học 2018-2019 khoa kiến trúc và quy hoạch ĐHXD), đó là một tỷ lệ cao so với mặt bằng chung hiện nay tại nhiều ngành trong Khoa. Từ năm học 2019 – 2020, việc tuyển sinh và đào tạo theo chuẩn CDIO tiếp tục là một động lực phát triển mới trong đào tạo của KTNT. SV tỏ ra có nhiều hứng thú hơn nữa trong học tập, các bài tập và đồ án môn học đã thực sự được kết nối trong studio, là nơi biến lý thuyết thành các hoạt động thực tiễn nghề nghiệp từ thấp tới cao, theo vòng xoáy trôn ốc… tạo ra sự hứng khởi trong học tập. Các môn học lý thuyết từ cơ sở đến chuyên ngành, từ đơn giản đến phức tạp đã hình thành các liên kết dọc và ngang cùng xoay quanh một mục tiêu trong đào tạo, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn thực hành nó một cách nhuần nhuyễn, tiếp cận được với công việc thực tế ngoài xã hội. Khóa tốt nghiệp của chuyên ngành KTNT vừa qua, gần 100% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm tại nhiều công ty tư vấn kiến trúc và tại các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao trong thị trường nội thất.

Giải thưởng cuộc thi Sao Mai của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) do sinh viên K61, năm thứ 3 ngành KTNT đạt được năm 2019

Kết luận

Trên thế giới, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường… đang được chuẩn hóa theo một tiêu chuẩn chung được gọi là chuẩn quốc tế. Vì vậy chuẩn đầu ra cũng như khung chương trình của các ngành đào tạo đại học cũng phải đáp ứng về cơ bản các chuẩn chung đó.

Trong thực tế đào tạo hiện nay tại các khối ngành thiết kế (design), thường vẫn sử dụng các khung chương trình và chuẩn đầu ra có từ thế kỷ trước (thế kỷ 20), đã không còn theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, của nhu cầu xã hội, dẫn đến các yêu cầu phải đào tạo bổ sung sau khi ra trường của doanh nghiệp sử dụng lao động, làm lãng phí chi phí xã hội như kinh tế, thời gian, sự thiệt thòi về cơ hội phát triển cho sinh viên mới ra trường.

Nhận thức được những bất cập nêu trên, trường ĐHXD đã tiến hành một cách thận trọng việc đổi mới chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO nhằm đáp ứng tốt hơn chất lượng đào tạo nhân lực cho xã hội. Hiện nay Trường ĐHXD là một thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế.

Ngành KTNT tuy tuổi đời còn trẻ (5 năm đào tạo), song đã sớm nhận thức được xu hướng mới của sự phát triển đào tạo, nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo của ngành theo tiêp cận CDIO, giúp cho các hoạt động trong hợp tác đào tạo với các trường tiên tiến trên thế giới và các doanh nghiệp kinh doanh luôn thuận lợi và tốt đẹp, từ đó truyền được cảm hứng học tập và say sưa làm việc tới người học. Có được niềm đam mê học tập đó là vì SV thông qua chương trình học tập đã biết mình sẽ là ai và làm được những gì cho xã hội trong tương lai, cũng như thấy rõ được cơ hội phát triển của chính mình.

PGS.TS Nguyễn Nam – ThS.NCS. Nguyễn Việt Khoa
Trưởng ngành KTNT ĐH Xây Dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2019)