Workshop kiến trúc Việt – Nhật tại trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng

Tháng 3/2019, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã kết hợp tổ chức thành công hai Workshop thường niên với hai đại diện đến từ Nhật Bản: Workshop với Khoa Kiến trúc, Học viện công nghệ Maebashi Nhật Bản với chủ đề “Nhà ở nông thôn trong bối cảnh đô thị” từ ngày 01– 03/03/2019 và Workshop với trường ĐH Utsunomiya (UU), Nhật Bản với chủ đề: Architectural design of Metro Station and Transportation Planning of Surrounding Areas of Da Nang”

Workpshop với Học Viện Maebashi

Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên khoa Kiến trúc và GS Ishikawa, nhóm sinh viên (SV) Việt Nam – Nhật Bản đã có một buổi tham quan và khảo sát hiện trạng các nhà ở nông thôn tại thôn Phong Nam, thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng trước khi bắt đầu xây dựng mô hình để thể hiện ý tưởng. Với sự kết hợp giữa SV hai trường, các nhóm đã đưa ra những ý tưởng rất thiết thực, sáng tạo và giải quyết được các vấn đề của khu vực. Trong buổi workshop này, các bạn SV Việt – Nhật đã đề xuất nhiều ý tưởng rất thú vị như: Quy hoạch tổng thể thôn Phong Nam thành nơi phục vụ cho việc du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các di tích của khu vực; trong một ý tưởng khác, các bạn quyết định thiết kế nhà ở nông thôn theo mô hình vườn – ao – chuồng kết hợp du lịch sinh thái,…

Workshop với Học viện công nghệ Maebashi, Nhật Bản

Workshop kết hợp với Đại học Utsunomiya

Workshop với trường Đại Học Utsunomiya, Nhật Bản

Bao gồm sự tham gia của 4 nhóm SV đến từ các khoa Kiến trúc và Thiết kế đô thị (UU), khoa xây dựng và Thiết kế vùng (UU), khoa Kiến trúc (DUT), khoa Xây dựng cầu đường (DUT). Workshop lần này tập trung vào việc thiết kế trạm dừng tàu điện ngầm, tổ chức giao thông tiếp cận với trạm tại địa điểm giả định là khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, 84 Hùng Vương, P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu. Sau khi tiến hành phân tích thực trạng hiện tại ở địa điểm giả định, kết nối với các giá trị lịch sử văn hoá địa phương để tiếp tục đưa ra ý tưởng về việc thiết kế trạm dừng tàu điện ngầm và quy hoạch tổ chức giao thông ở các khu vực tiếp cận trực tiếp, các nhóm SV tiếp tục thể hiện ý tưởng thiết kế qua các bản vẽ phác thảo, poster và mô hình. Với các ý tưởng nổi bật như: “Thiết kế khu phố đi bộ nối dài, xuyên suốt từ đường Phan Châu Trinh đến đường Trần Phú, kết nối với địa điểm du lịch hiện tại là chợ Hàn. Bên cạnh đó, phát triển hai khu phức hợp là trung tâm mua sắm và khách sạn dọc hai bên đường Nguyễn Thái Học và Hùng Vương để tăng thêm sự tiện lợi cho người dân sống gần khu vực tàu điện ngầm và cả khách du lịch. Tăng cường phát triển thành phố theo hướng xanh và phát triển du lịch, giữ vững hình ảnh “Đà Nẵng – thành phố đáng sống”.

Trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng

Các Workshop đã giúp cho các bạn SV tăng thêm niềm yêu thích, say mê, sáng tạo đối với việc nghiên cứu, thiết kế kiến trúc. Đồng thời, việc hợp tác đưa ra các ý tưởng cũng góp phần gắn kết tình bạn thân thiết giữa các bạn SV của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Học viện công nghệ Maebashi cũng như Đại Học Utsunomiya, Nhật Bản.

Trên cơ sở sự kết hợp thành công này, Đại Học Utsunomiya, Nhật Bản, Học viện công nghệ Maebashi, và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức Workshop dành cho SV các khoa Kiến trúc, Xây dựng vào tháng 09/2019. Và trong tương lai, sẽ còn có nhiều Workshop nữa được tổ chức vì sự phát triển chung của SV thuộc các trường Đại học.


ThS. KTS Đặng Ngọc Thảo Linh – KTS. Lê Hà Ngọc Hân
Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)