Các KTS trẻ đang làm việc tại Singapore: Tích lũy kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore được coi là trung tâm tài chính của khu vực, nơi có môi trường làm việc chuyên nghiệp cho mọi ngành nghề. Không nằm ngoài số đó, môi trường làm việc cho KTS cũng như sự đa dạng về dự án trong và ngoài khu vực mang lại nhiều kinh nghiệm giá trị, đặc biệt cho các KTS trẻ Việt Nam.

Cầu Helix Bridge - Singapore
Cầu Helix Bridge – Singapore

So với số lượng không nhỏ người Việt đang học tập và làm việc tại Singapore, những KTS Việt chiếm một phần khá khiêm nhường tuy vậy khá nhiều trong số họ đang giữ những vị trí quan trọng trong các văn phòng kiến trúc tại Đảo Quốc này. Chúng ta hãy cùng trò chuyện để hiểu thêm về công việc của họ.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu

Đối với những KTS trẻ Việt Nam, cơ hội được làm việc ở Singapore không phải là dễ. Tuy nhiên, để phát triển cơ hội đã có, để tạo cho chính bản thân chỗ đứng trong nghề, trong xã hội lại là một trong những trở ngại mà họ phải vượt qua. Những trở ngại đó có thể là ngôn ngữ, là những kĩ năng cao cấp, hay những tư duy mới mà họ phải trang bị từ ngay những bước đầu lập nghiệp…

Theo anh Phạm Anh Quân, KTS làm việc cho văn phòng ADDP, người đã làm việc tại đây 8 năm: “Một trong những khó khăn ban đầu đó là rào cản về ngôn ngữ, để hiểu được hết các ý đồ cũng như các quy chuẩn tiêu chuẩn phức tạp ở đây đòi hỏi tôi phải mất một thời gian dài để làm quen và tự tin trong công việc”. Anh cũng chia sẻ: KTS Việt có kỹ năng tốt đặc biệt trong việc sử dụng các phần mềm đồ hoạ chuyên ngành, điều này rất có lợi cho công việc ở đây nhưng đó không phải là tất cả.

Máy tính thường không giúp KTS tìm ra ý tưởng. Vẽ tay là công cụ hiệu quả trong tìm ý và giao tiếp với khách hàng và nhà thầu thi công. Tuy nhiên ý tưởng có được từ suy nghĩ hơn là đôi tay” anh Phan Bá Dũng, KTS làm việc cho văn phòng Andy Fisher Workshop nhận định.

Hoà nhập cùng môi trường làm việc chuyên nghiệp

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, tự chủ và tôn trọng đồng nghiệp cũng như chính công việc của mình được coi như là văn hoá thường thấy của những công ty kiến trúc tại Singapore. Bởi chỉ khi làm việc nghiêm túc, xem xét vai trò đóng góp của mình trong công ty một cách đúng đắn thì lúc đó kết quả làm việc của chính bản thân mới đạt được giá trị cốt lõi.
KTS Bá Dũng cho biết: “Tại đây, tác phong làm việc chuyên nghiệp và đề cao phương pháp tiếp cận vấn đề hơn là đưa ra giải pháp trực tiếp”.Chính phong cách này đã tạo cho các KTS trẻ sự tự chủ, sáng tạo trong từng dự án. Không chỉ vậy, anh cũng cho biết thêm: “Bài thuyết trình ý tưởng với khách hàng là rất quan trọng trong việc thành bại của dự án. Mỗi dự án chỉ cần một ý tưởng xuyên suốt là đủ. Quá trình hình thành ý tưởng đến bản thiết kế cuối cùng cần được giải thích cặn kẽ cho khách hàng”.
Cùng nhận định đó, KTS Anh Quân cho biết: “Ở đây có rất nhiều quy định, quy chuẩn khắt khe đặc biệt dành cho các công trình công cộng, nhà ở xã hội (HDB) mà chúng tôi phải tuân theo, tuy vậy quy trình làm việc kín kẽ tôn trọng KTS và bản vẽ thiết kế vì vậy sản phẩm cuối cùng thường đạt chất lượng như mong muốn”.

Tích luỹ kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau

Như đã đề cập, số lượng KTS Việt làm việc tại Singapore không lớn, nhưng mỗi cá nhân đều tham gia làm việc tại các công ty kiến trúc khác nhau. Không chỉ riêng thiết kế kiến trúc mà thiết kế nội thất, thiết kế cảnh quan thuộc các thể loại kiến trúc như nhà ở, công trình tư nhân như khách sạn, nghỉ dưỡng hay công trình công cộng như sân bay, triển lãm đều có sự đóng góp của các cá nhân KTS Việt Nam. Chính vì thế, mỗi KTS đều trang bị được cho mình những kinh nghiệm rất đa dạng và đặc thù.

Nhà hát Esplanade - Singapore
Nhà hát Esplanade – Singapore

Qua quá trình tham gia các dự án, với kinh nghiệm có được, anh Dũng chia sẻ: “KTS cần hiểu rõ về chi tiết cấu tạo và cách thức thi công, vận hành và bảo trì công trình. Nếu công trình ở những nơi không cho phép bảo trì thường xuyên thì vật liệu lưa chọn là rất quan trọng để không bị xấu xí nhanh chóng theo thời gian. Kiến trúc cần tập trung mang lại giá trị cho người sử dụng. Chủ đầu tư không phải lúc nào cũng hiểu biết nên không phải lúc nào cũng thực hiện những điều họ muốn, đặc biệt là các công trình thương mại

Cùng mục đích tích luỹ kinh nghiệm làm nghề kiến trúc, các KTS Đào Xuân Hiệu, Nguyễn Anh Vũ có cùng suy nghĩ muốn thử sức ở các vị trí mới với các môi trường làm việc khác nhau. Anh Vũ hiện đang làm việc cho văn phòng SCDA nhận định: “Khi chuyển sang một môi trường làm việc khác, chuyên nghiệp hơn đòi hỏi tôi phải cố gắng hơn để tiếp nhận những kiến thức mới qua từng công việc, từng dự án cũng như thấu hiểu phong cách riêng của văn phòng”. Trong khi đó, anh Hiệu hiện làm tại văn phòng Benoy Singapore cho biết: “Trước đây tôi từng làm cho một công ty nội thất, tuy nhiên tôi luôn mong muốn được thử sức với các dự án kiến trúc quy mô lớn. Hơn nữa, thực tế là những kinh nghiệm về nội thất tôi đã có vô cùng hữu ích cho môi trường làm việc mới, và giúp tôi tự tin hơn trong công việc

KTS Phạm Anh Quân lại có một quan điểm ngược lại: “Lý do trong suốt 8 năm làm việc tại Singapore tôi chỉ làm việc cho một công ty bởi tôi muốn thấy công trình mình thiết kế trở thành hiện thực. Đó là cảm xúc tuyệt nhất với KTS khi những thiết kế của mình từ mô hình 3D trở thành công trình thật. Tôi sẽ vẫn còn gắn bó với văn phòng trong tương lai vì công trình tôi tâm đắc đang bắt đầu thi công, tôi mong chờ thời điểm công trình hoàn thành”.

Họ đều là những KTS trẻ, tài năng, đã và đang làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp và năng động. Từng ngày họ góp một phần kinh nghiệm cho các dự án tại Singapore và nhiều nước khác trong đó có cả Việt Nam. Với câu hỏi: “Các anh nghĩ có thể sử dụng những kinh nghiệm mình có để thiết kế công trình tại Việt Nam?” hiện vẫn chưa có lời đáp cụ thể. Tuy nhiên, tôi thấy rõ ràng họ luôn suy nghĩ về điều đó, chỉ là họ đang chờ một thời điểm thích hợp…

Bảo Linh/TCKT.VN

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2015)  

—————————————————————————————————————————————————————–

Chuyên mục Việt Nam trên con đường Hội Nhập Asean:

Việt Nam trên con đường hội nhập ASEAN trong hành nghề KTS: […] Điều kiện để được đăng ký là KTS ASEAN là :Đã hành nghề liên tục không dưới 10 năm kể từ khi tốt nghiệp, trong đó phải có ít nhất 5 năm hành nghề kể từ ngày được ấp chứng chỉ/đăng ký hành nghề;Đã có ít nhất 2 năm đảm nhận trách nhiệm chủ trì công việc kiến trúc quan trọng;Đáp ứng các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng theo quy định tại nước xin đăng ký;Đáp ứng và bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành về đạo đức hành nghề tại nước xin đăng ký.[…].

f9490-helix-bridge-and-marina-bay-sands-hotel-casino-singaporeNghề kiến trúc chuẩn bị gì cho hội nhập tích cực vào ASEAN và thế giới?: […] Ta đã chuẩn bị được gì cho các cam kết hội nhập kinh tế tích cực vào khối ASEAN vào năm 2015?…Cái lo lắng nhất là nhìn thấy anh em cùng ngành nghề trong nước cứ “bình chân như vại”, không thấy mấy ai quan tâm! Vậy mà vào mốc thời gian 2015, theo như cam kết thì Việt Nam chúng ta phải để chuyên gia đồng nghiệp các nước vào hoạt động tự do ở nước ta.

Kinh nghiệm làm việc cùng KTS Jean François Milou tại StudioMilou Singapore: […]Với  hy vọng có thể sử dụng những kinh nghiệm và tư duy thiết kế mà mình thu nhận được để góp một phần nào đó cho các công trình kiến trúc tại Việt Nam,KTS Jean François Milou chia sẻ:  Một công trình đúng công năng mới chỉ là 30% công việc đương nhiên một KTS phải làm, phần lớn còn lại đó là giá trị thẩm mỹ và thông điệp mà công trình truyền tải tới công chúng. Để làm tốt phần việc còn lại này đòi hỏi KTS phải làm việc rất chăm chỉ và nghiêm túc. KTS yêu nghề có thể nói là những người may mắn vì chúng ta được hằng ngày làm việc với niềm đam mê, nhờ đó mà chúng ta có thể đối mặt với các thách thức trong công việc đôi khi khiến mình nản lòng hoặc tự thỏa hiệp.

Các KTS trẻ đang làm việc tại Singapore: Tích lũy kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau. […] Đối với những KTS trẻ Việt Nam, cơ hội được làm việc ở Singapore không phải là dễ. Tuy nhiên, để phát triển cơ hội đã có, để tạo cho chính bản thân chỗ đứng trong nghề, trong xã hội lại là một trong những trở ngại mà họ phải vượt qua. Những trở ngại đó có thể là ngôn ngữ, là những kĩ năng cao cấp, hay những tư duy mới mà họ phải trang bị từ ngay những bước đầu lập nghiệp…