Các xu hướng sáng tác kiến trúc cộng đồng ở Việt Nam

Kiến trúc cộng đồng” không phải là khái niệm mới ở Việt Nam, song các công trình có chất lượng thuộc thể loại này rất khiêm tốn, trái ngược với hàm nghĩa “cộng đồng” của khái niệm, tức là không hạn chế về đối tượng sử dụng, ở bất cứ đâu có cộng đồng sinh sống và phong phú về thể loại. Như vậy, về bản chất, “kiến trúc cộng đồng” đa dạng và có phạm vi rộng gần tương tự với “kiến trúc công cộng”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kiến trúc Việt Nam ngày nay – cả ở đô thị và nông thôn – vẫn tồn tại một vấn đề lớn: Sự thiếu vắng những công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có tính bền vững về môi trường và xã hội, thể hiện bản sắc địa phương hoặc dân tộc, góp phần thúc đẩy cộng đồng phát triển bền vững hơn. Có 4 xu hướng sáng tác kiến trúc cộng đồng ở Việt Nam cần phân tích, rút kinh nghiệm, dẫn hướng cho sự phát triển kiến trúc giai đoạn mới.

1. Một khoảng trống lớn trong kiến trúc đương đại

Thực tế, nhiều công trình kiến trúc cộng đồng đã được xây dựng ở Việt Nam vài thập niên qua. Nhưng từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như chính sách phát triển thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa thực sự đáp ứng quyền lợi cộng đồng, quản lý yếu kém, tài chính eo hẹp và các vấn đề xã hội khác do nhận thức hạn chế hoặc không có sự hợp tác – liên kết, những công trình này đa số đều gặp phải các vấn đề sau:

  • Kiến trúc đầu tư thiết kế khá tốt, nhưng vị trí không phù hợp, về giao thông cũng như cảnh quan, nên không phát huy được vai trò cần có;
  • Ngượclại, có vị trí lý tưởng và cảnh quan đẹp, nhưng chất lượng thiết kế thấp, kém hấp dẫn trong mắt cộng đồng, không hài hòa với khung cảnh và làm xấu hình ảnh kiến trúc đô thị, nông thôn;
  • Số lượng ít, diện tích nhỏ hẹp, phân bố không đều, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, thiếu sự tham gia của cộng đồng;
  • Trang thiết bị thiếu thốn, khó tổ chức các hoạt động;
  • Chương trình nghèo nàn, chưa phong phú, hoạt động cầm chừng hoặc gần như đóng cửa, hiệu quả thấp, gây lãng phí vốn đầu tư xây dựng trong một xã hội còn nhiều khó khăn;
  • Thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng công trình xuống cấp nhanh.

Ngoài ra, có những yêu cầu mới của thời đại như tính thân thiện môi trường, góp phần củng cố bền vững xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa hoặc có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, càng khó đạt được.

Trên bình diện rộng, nhà nước ban hành các chương trình phát triển nông thôn và đô thị, đề cập việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Tuy nhiên, các dự án cộng đồng này hầu hết thiết kế theo đơn đặt hàng, điển hình hóa thành một số ít mẫu thiết kế, xây dựng đại trà theo kiểu “nhân bản vô tính” – nặng tính hình thức phong trào. Những yếu tố đặc trưng vùng miền như địa hình, khí hậu, cảnh quan và văn hóa – rất quan trọng trong quy hoạch và kiến trúc – không được chú trọng.

Khi kiến trúc cộng đồng kém phát triển, trẻ em là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, đặc biệt trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng ven đô hoặc thậm chí ngay trong trung tâm đô thị lớn. Các em thiếu sân chơi an toàn, thiếu câu lạc bộ và nhà văn hóa hấp dẫn, với không gian kiến trúc cảnh quan cùng các hoạt động phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Trong điều kiện như vậy, trẻ em phải tìm đến những địa điểm vui chơi, giải trí khá xa nơi ở, hoặc chơi quanh quẩn trong nhà. Thay vì tiếp xúc với thiên nhiên và tương tác với bạn bè, trẻ em vùi đầu chơi điện tử hoặc các hình thức thư giãn thụ động khác, được khuyến cáo bởi các chuyên gia xã hội và tâm lý học, ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất, tinh thần. Tương tự, người cao tuổi đang thiếu không gian cho riêng mình. Những nhóm người yếu thế trong xã hội như người nhập cư, lao động thu nhập thấp, người khuyết tật, người bệnh, … chưa được quan tâm đầy đủ về nhu cầu văn hóa tinh thần bên cạnh những hỗ trợ vật chất. Người dân có thể đã ý thức, nhưng chưa mạnh dạn cất tiếng nói để nguyện vọng chính đáng được lắng nghe, xem xét và giải quyết. Cơ quan chuyên môn đa phần đứng ngoài cuộc. Về cá nhân, có một số kiến trúc sư nhiệt huyết song đơn độc, chưa nhận được ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của giới chuyên môn và cộng đồng, chưa có môi trường hành nghề thuận lợi nên đóng góp rất khiêm tốn, dù họ có nguyện vọng, khát khao cống hiến. Do vậy, có thể nói trong kiến trúc cộng đồng tại Việt Nam, đang tồn tại khoảng trống lớn cần lấp đầy.

Hình 1: Thực trạng kiến trúc cộng đồng và kiến trúc xã hội ở Việt Nam

Nhìn ra thế giới, nhiều kiến trúc sư chuyên thiết kế công trình phục vụ cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn như KTS Diebedo Francis Kere người Burkina Faso, với những dự án trường học, thư viện cho người nghèo. KTS Anna Heringer người Áo thiết kế trường học, nhà văn hóa cộng đồng tại Ấn Độ, Bangladesh, hoặc KTS Alejandro Aravena người Chile – chủ nhân giải thưởng danh giá Pritzker 2016 – với hàng loạt dự án nhà xã hội đi kèm các tiện ích công cộng cho cư dân đô thị thu nhập thấp, ở khắp Mỹ La Tinh, trải rộng từ Mexico tới Argentina.

Qua câu chuyện thành công của các kiến trúc sư quốc tế nói trên, kết hợp thực tiễn hành nghề trong nước, bước đầu rút ra một số nhận định:

  • Nhu cầu sử dụng công trình công cộng của người dân hoàn cảnh khó khăn không nhỏ, cả đô thị và nông thôn. Riêng khu vực nông thôn miền núi gần như là vùng trắng công trình cộng đồng. Lao động mưu sinh hàng ngày rất mệt mỏi về thể chất, người dân cần nghỉ ngơi, cân bằng lại tinh thần. Song loại hình công trình đáp ứng nhu cầu xã hội này chưa được quan tâm đúng mức.
  • Kiến trúc sư là một trong những nghề nghiệp có trách nhiệm xã hội cao, tầm ảnh hưởng lớn. Nếu sâu sát thực tế, kiến trúc sư không khó nắm bắt vấn đề, thậm chí phát hiện vấn đề. Sự tinh tường và nhanh nhạy – phẩm chất cần thiết của kiến trúc sư – có thể giúp họ thấu hiểu những khoảng trống trong kiến trúc xã hội. Kiến trúc sư cần đóng vai trò tích cực, chủ động khởi xướng phong trào hành động vì xã hội, hướng tới nhân văn bằng chính đề xuất của mình, không chờ đợi bất kỳ hỗ trợ hay động viên nào.
  • Kiến trúc cộng đồng cần ưu tiên, hướng tới đối tượng thiệt thòi, yếu thế trong xã hội: những người thu nhập thấp, những người khuyết tật, người bệnh, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người nhập cư, người tỵ nạn, …
  • Thiết kế kiến trúc cộng đồng và kiến trúc xã hội là công việc hoàn toàn tự nguyện, hầu như phi lợi nhuận. Kiến trúc sư cần tâm huyết, kiên trì mới có thể theo đuổi đến cùng mục tiêu, không bỏ cuộc trước những khó khăn trở ngại.
  • Các nguồn lực – nhân lực và vật lực – nên khai thác, huy động tại chỗ. Riêng vấn đề tài chính cần xã hội hóa sâu rộng, tranh thủ sự đóng góp của các doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, cơ quan phát triển quốc tế và các cá nhân hảo tâm.
  • Kiến trúc cộng đồng khi được quan tâm, phát triển đúng sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần xã hội, thúc đẩy bền vững xã hội.

2. Một cách hiểu về kiến trúc cộng đồng và kiến trúc xã hội

Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức về kiến trúc xã hội hoặc kiến trúc cộng đồng. Từ kinh nghiệm quốc tế và các bài học trong nước, có thể đưa ra hai định nghĩa:

Bảng 1: Kiến trúc xã hội là gì?

Kiến trúc xã hội là các công trình có chất lượng về không gian, hình thức và độ bền kết cấu (ít nhất phải ở mức chấp nhận được) song với chi phí không quá lớn tính theo suất đầu tư, nhằm phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của người dân ở những khu vực khó khăn, đặc biệt ưu tiên các nhóm xã hội cần sự quan tâm và hỗ trợ như người khuyết tật, người có thu nhập thấp, người già neo đơn, trẻ mồ côi, … góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần cho những đối tượng này, giúp họ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

 

Bảng 2: Kiến trúc cộng đồng là gì?

Kiến trúc cộng đồng là các công trình công cộng được thiết kế và thi công nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cúa từng cá nhân và mục đích sử dụng đa dạng của cộng đồng, bao gồm nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện sức khỏe, thưởng thức văn hóa, giao tiếp xã hội, … Không phân biệt đối tượng sử dụng, qua đó thiết lập những mối quan hệ mới cũng như củng cố các mối quan hệ vốn có của cá nhân với cộng đồng, ngày càng thắt chặt, phát triển các quan hệ này, hướng tới một cộng đồng văn minh, thịnh vượng và bền vững hơn về mặt xã hội.

Có thể thấy kiến trúc xã hội và kiến trúc cộng đồng không hoàn toàn trùng khớp. Giữa hai khái niệm có khoảng giao thoa lớn. Chính điểm này mà trong trường hợp thông thường, người ta có xu hướng lồng ghép hai chương trình vào nhau. Đi sâu hơn, kiến trúc xã hội bao hàm cả công trình công cộng và nhà ở, với nhà xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn và nhà ở chống chịu thiên tai với các tiện ích công cộng cần thiết, đang là hai trong số những chương trình được quan tâm hàng đầu hiện nay. Song vì nhiều lý do, chưa thu được kết quả khả quan, trong khi kiến trúc cộng đồng lại tập trung vào mảng công cộng và có phần đa dạng hơn về thể loại cũng như tính chất, do đối tượng sử dụng được mở rộng.

3. Điều kiện cần và đủ cho kiến trúc cộng đồng phát triển

Trong sự nghiệp phát triển kiến trúc cộng đồng, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn và từ thực tiễn nhiều năm, có thể thấy kiến trúc sư không thể “đơn thương độc mã” hành nghề. Kiến trúc sư vì cộng đồng chỉ là một trong bốn cột trụ để kiến trúc cộng đồng thực sự bền vững. Ba cột trụ tiếp theo là Nhà quản lý vì cộng đồng, Đơn vị và cá nhân có trách nhiệm với cộng đồng và Cộng đồng có trách nhiệm với chính mình. Vai trò, trách nhiệm ba bên phối hợp với Kiến trúc sư như sau:

  • Nhà quản lý vì cộng đồng: Chính quyền cần tạo điều kiện pháp lý để kiến trúc sư hiện thực hóa ý tưởng. Nếu kiến trúc sư yêu cầu, chính quyền có thể đứng ra kêu gọi, vận động, quyên góp cho dự án.
  • Đơn vị và cá nhân có trách nhiệm với cộng đồng: Đây là nhóm đối tượng đông đảo nhất, gồm các cơ quan chuyên môn, đoàn thể xã hội, giới truyền thông, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân hảo tâm. Cơ quan chuyên môn hỗ trợ kiến trúc sư về kết cấu, kỹ thuật. Đoàn thể xã hội giúp kiến trúc sư kết nối cộng đồng và bằng ảnh hưởng cũng như uy tín, vận động các nguồn lực cho kiến trúc sư hiện thực hóa ý tưởng. Giới truyền thông quảng bá, tuyên truyền ý nghĩa xã hội của dự án, tạo hiệu ứng và sự đồng thuận xã hội. Doanh nghiệp tài trợ kinh phí, ủng hộ nguyên vật liệu, trang thiết bị, sản phẩm xây dựng và hoàn thiện công trình. Các tổ chức phi chính phủ ủng hộ vốn hoặc quỹ dành cho phát triển cộng đồng mà họ quản lý cũng như điều phối dự án. Các cá nhân hảo tâm đóng góp tài chính, nguyên vật liệu, trang thiết bị cùng doanh nghiệp và các tổ chức khác.
  • Cộng đồng có trách nhiệm với chính mình: Là đối tượng thụ hưởng kết quả dự án và sử dụng công trình. Cộng đồng cần phát huy trách nhiệm bản thân, tham gia góp ý kiến cho kiến trúc sư trước khi dự án triển khai, giúp kiến trúc sư hiểu rõ nhu cầu thực tế, nắm bắt nguyện vọng. Ngoài ra, cộng đồng có thể đóng góp vật lực, nhân lực trong quá trình thi công, tham gia quản lý vận hành cùng chính quyền.
Nguyễn Quang Minh
Hình 2: Bốn trụ cột – bốn bên tham gia kiến tạo nên Kiến trúc Cộng đồng Bền vững (Hình: Nguyễn Quang Minh)

Thay vì kiến trúc sư kiêm nhiều vai trò như hiện nay, bốn bên nên cùng tham gia, tập trung trí tuệ, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kiến trúc cộng đồng phát triển. Ở đây cần làm rõ vai trò của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Hội cần ban hành quy chế riêng cho kiến trúc sư vì cộng đồng, bên cạnh quy định chung áp dụng cho tất cả kiến trúc sư, nhằm khích lệ những kiến trúc sư tâm huyết. Hội cũng nên có giải thưởng chính thức, thay mặt cộng đồng ghi nhận đóng góp của các kiến trúc sư này, dù vinh danh bằng giải thưởng chưa bao giờ là động lực lớn nhất khiến họ phấn đấu. Họ nhìn nhận đấy là chia sẻ cần thiết với vất vả của người làm nghề, động viên họ tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Họ lấy sự hài lòng của người sử dụng, hiệu quả xã hội và sự thịnh vượng chung của cộng đồng làm động lực vươn tới, vượt qua những khó khăn trở ngại. Với quy chế hành nghề riêng và phương thức phối hợp – hỗ trợ đủ mạnh, kiến trúc sư cộng đồng sẽ thuận lợi hơn trong công việc, yên tâm sáng tạo và cống hiến.

4. Các xu hướng sáng tác kiến trúc cộng đồng ở Việt Nam hiện nay và tương lai

Có một số đơn vị, tổ chức đã tham gia thiết kế các công trình cộng đồng với những tìm tòi sáng tạo, thể nghiệm riêng. Như Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2, Văn phòng A21, Văn phòng Kiến trúc H&P, Văn phòng V-Architecture,… đã có nhiều công trình trường học, nhà văn hóa cộng đồng, nhà ở công nhân, nhà trẻ… Các tổ chức quốc tế như Health Bridge của Canada cùng các nhóm hành động như Action for the City, Think Playgrounds có những dự án riêng và những dự án kết hợp một số tổ chức trong nước, thiết kế sân chơi cho trẻ em tại các đô thị lớn và các vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh định kỳ tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ dịp đón Xuân (mấy năm gần đây kết hợp thêm đường sách), thu hút hàng vạn người dân thăm quan, vui chơi giải trí mỗi ngày. Gần đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã triển khai dự án Phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, từ chiều thứ sáu đến hết chủ nhật hàng tuần, tạo không gian an toàn, thư giãn cho cộng đồng. Mọi người có thể cảm nhận không gian văn hóa lịch sử Thủ đô một cách chậm rãi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật đường phố truyền thống và đương đại.

Những dự án mà các đơn vị, nhóm và tổ chức thực hiện khác nhau về quy mô, tính chất, địa điểm, không gian, song có đặc điểm chung là đáp ứng nhu cầu thiết thực, tăng cường kết nối, giao lưu, hòa nhập cộng đồng, góp phần tạo lập một xã hội thịnh vượng, bền vững. Đây là mục tiêu cuối cùng, cao nhất mà các chương trình phát triển hướng tới và nỗ lực đạt được.

Từ những dự án trên, nổi lên bốn xu hướng chủ đạo về kiến trúc cộng đồng tại Việt Nam cần xem xét, phân tích.

4.1 Hướng đến bền vững và công bằng xã hội

Xu hướng bền vững và công bằng xã hội dành quan tâm, hỗ trợ những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, giúp họ hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Công nhân là một trong những đối tượng cần quan tâm nhất hiện nay. Cuộc sống của phần đông trong số họ rất khó khăn do thu nhập thấp, trong khi đời sống tinh thần lại nghèo nàn vì không được hưởng các dịch vụ văn hóa, giải trí đầy đủ. Nhận thấy bất cập này, Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2 đã có cách tiếp cận mới trong dự án nhà ở công nhân ngành hóa chất tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Dự án vừa hoàn thành tháng 5 năm 2016, tạo môi trường sống trong lành cho công nhân, bù đắp lại lao động nặng nhọc, độc hại ở nhà máy. Các khối nhà thông gió, chiếu sáng tự nhiên tốt, nhiều không gian xanh bao quanh, kiến trúc mặt đứng ấn tượng với hình ảnh cách điệu các nhánh cây vươn lên, cảnh quan nội bộ phủ cây xanh, mặt nước. Công nhân được nghỉ ngơi trong không khí yên tĩnh,

tiện nghi vi khí hậu, nhanh chóng tái tạo sức lao động. Các dịch vụ và tiện ích đi kèm như cửa hàng tạp hóa, nhà ăn, bể bơi, sân bóng đá, … kết hợp ngay trong khu ở, tăng độ tiện nghi, tạo điều kiện vui chơi, rèn luyện sức khỏe và giao lưu gặp gỡ.

Nhà sinh hoạt, ươm cây Đồ Sơn là một trong những dự án để lại nhiều kỷ niệm khó quên cho các thành viên Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2. Công trình vừa là nơi sinh hoạt, vừa cung cấp cây giống cho một vùng nông nghiệp ven đô thành phố Hải Phòng. Đối tượng sử dụng là những người không may bị lây nhiễm HIV. Đồng cảm với những số phận bất hạnh, cùng mong muốn giúp họ làm được công việc có ích cho xã hội, nhóm thiết kế đã tạo ra một không gian nhỏ nhưng ấn tượng. Việc ươm cây như giúp người nhiễm HIV ươm mầm hy vọng, sống lạc quan hơn. Chai nhựa được sử dụng làm vỏ bao che, chính các em học sinh tiểu học gần đó thu gom và cùng tham gia thực hiện ghép nối theo hướng dẫn của kiến trúc sư. Học sinh và sinh viên có thể đến thăm quan, tìm hiểu kiến thức khoa học, đồng thời giao lưu với những người ươm cây, chia sẻ cuộc sống với họ, qua đó những người bệnh sẽ cảm thấy không đơn độc.

Văn phòng Kiến trúc H&P thực hiện chuỗi dự án Vườn vệ sinh cho học sinh nghèo ở Cao Bằng và Điện Biên, với vật liệu sẵn có, chi phí xây dựng thấp, thi công nhanh, có thể nhân rộng. Công trình được bao bọc bởi lớp màng thực vật xanh, đem đến không gian mới lạ, đồng thời giải quyết tốt vấn đề vệ sinh trường học, không ô nhiễm. Chia sẻ và hành động vì cộng đồng yếu thế, Công ty H&P hướng tới đối tượng trẻ em vùng cao tại Tuần Giáo (Lai Châu) và Bảo Lạc (Cao Bằng), những địa phương mà người dân nói chung, trẻ em nói riêng không tiếp cận được nguồn nước sạch và nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Tại mỗi nơi, kiến trúc sư thiết kế ngay trong khuôn viên trường học một nhà vệ sinh công cộng, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, giúp học sinh yên tâm học tập và vui chơi, không cảm thấy bất tiện như trước. Với người dân ven biển Đức Thọ (Hà Tĩnh), nơi cuộc sống cư dân nhiều khó khăn, càng thêm vất vả vì thiên tai hàng năm, Công ty H&P đã dành tặng một không gian văn hóa cộng đồng giản dị, linh hoạt cao và chống chịu được gió bão. Là nơi cộng đồng sinh hoạt, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, cùng bám trụ và vượt lên thiên tai, xây dựng cuộc sống.

Dự án Nhà ở nội trú cho trẻ em La Hủ, Mường Tè, tỉnh Lai Châu thực hiện bởi nhóm tình nguyện, do nữ kiến trúc sư trẻ Lê Thu Huyền khởi xướng, hoàn thành năm 2013. Sử dụng vật liệu tại chỗ, gạch đất không nung, mái tôn. Công trình giải quyết được bài toán kinh tế, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, mang đến hơi ấm cho trẻ em nghèo vùng cao.

Nguyễn Quang Minh
Hình 3: Các công trình cộng đồng thể hiện tính nhân văn trong kiến trúc

4.2 Xu hướng xanh, sinh thái

Thông qua những công trình dù nhỏ, đơn giản, kiến trúc sư cam kết mạnh mẽ trước toàn xã hội, dấn thân vào những vấn đề thời sự và toàn cầu như biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, do các hoạt động có hoặc không có ý thức của con người. Với kiến trúc cộng đồng, trong điều kiện tài chính eo hẹp, việc đi theo xu hướng xanh – công nghệ thấp (low-tech green building), đơn giản mà hiệu quả rất thích hợp với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Qua ba dự án Nhà Cộng đồng Thôn Suối Rè (Hòa Bình), Nhà Cộng đồng và Lưu trú thôn Nậm Đăm (Hà Giang) và trường học Lũng Luông (Thái Nguyên) của Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2, công trình Nhà nguyện (The Chapel) của Văn phòng Kiến trúc A21; dự án Không gian cộng đồng (Hà Tĩnh) của Văn phòng Kiến trúc H&P, Công viên Chuồn chuồn do Văn phòng Kiến trúc V-Architecture thực hiện, các tác giả đã hưởng ứng lời kêu gọi thực hành thiết kế kiến trúc sinh thái, phát đi thông điệp mạnh mẽ về kiến trúc thân thiện môi trường qua các giải pháp đơn giản, hiệu quả như thu nước mưa tái sử dụng, tận dụng vật liệu tự nhiên có sẵn như đá, tre, gỗ, lá hoặc đất sét trộn phụ gia ép thành gạch không nung đạt chuẩn thay vì xây gạch nung mà quá trình chế tạo tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Bản thân công trình, khi chọn địa điểm đã tính toán tối ưu hóa, tận dụng được lợi thế thiên nhiên, địa hình như đón gió mát, đón ánh nắng buổi sáng ấm áp, dễ chịu, vận dụng hiệu quả bóng đổ của núi, đồi hoặc cây cao. Sử dụng sông suối, ao hồ xung quanh để trữ nước mưa, làm mát qua quá trình bay hơi … Đấy là những giải pháp chủ động tiết kiệm năng lượng. Nếu kết hợp thêm các tấm pin mặt trời cung cấp một phần hoặc toàn bộ điện năng sẽ giảm thiểu lượng phát thải carbon, cũng như tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

4.3 Xu hướng kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa – kiến trúc dân tộc, địa phương

Khai thác yếu tố văn hóa bản địa góp phần tạo đa dạng cho kiến trúc, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội cũng như đề cao tính biểu tượng của công trình. Trung tâm Văn hóa Cộng đồng Cẩm Thanh đã nghiên cứu không gian, chắt lọc các chi tiết đặc trưng của nhà truyền thống phố cổ Hội An. Các ngôi nhà dân gian mái lá dốc 30o có sân trong hình vuông, trong đó phần “nhà” tương ứng với không gian sinh hoạt cộng đồng, phần “sân” dành cho hoạt động ngoài trời. Hai không gian đan cài, kết nối linh hoạt. Những chi tiết như hiên, cột hiên, giàn cây leo, cây cau – loài thực vật đặc hữu – trong sân và quanh nhà được chú ý, chọn lọc kỹ lưỡng, nhằm tái hiện một cách sáng tạo hình ảnh nhà ở truyền

thống trong một công trình cộng đồng, tạo cảm giác vừa quen vừa lạ. Khách sẽ thích thú khi trực tiếp quan sát, cảm nhận sự tinh tế của kiến trúc bản địa khi ghé thăm công trình – một điểm dừng chân trên các tuyến du lịch. Trong khi đó, nhà cộng đồng Tà Phìn tập trung khai thác yếu tố văn hóa bản địa. Kiến trúc sư đã mượn hình ảnh chiếc khăn của phụ nữ Dao đỏ, cách điệu khéo léo trên mặt đứng chính. Màu đỏ của chi tiết ẩn dụ thú vị nổi bật trên nền xanh bạt ngàn núi rừng, khiến công trình tuy kích thước nhỏ song thu hút mạnh sự chú ý của người quan sát từ khoảng cách xa.

4.4 Xu hướng kiến trúc từ nguồn lực xã hội tự thân

Hiện nay, nhiều tổ chức thiện nguyện hoạt động trên cơ sở tận dụng chính các nguồn lực xã hội phục vụ xã hội như: Quỹ từ thiện “cơm có thịt” cải tạo, thiết kế hệ thống các nhà nội trú, trường học cho trẻ em miền núi hoàn cảnh khó khăn. Sử dụng vật liệu địa phương, bền vững, thời gian thi công nhanh. Gần đây nhất quỹ đã khánh thành trường tiểu học Lũng Luông, bản Lũng Luông, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Dự án “nhà chống lũ” đã thiết kế và xây dựng hơn 300 ngôi nhà thích ứng với từng vùng lũ, từng hộ dân, đáp ứng nhu cầu thiết yếu, cụ thể. Mẫu nhà lõi tránh bão của Hội kiến trúc sư với thiết kế đầu tư tối thiểu, hiệu quả sử dụng tối đa. Các dự án sân chơi cộng đồng ở khu bãi giữa Sông Hồng, Hà Nội cho trẻ em xóm nghèo ven sông và trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cho học sinh hải đảo xa xôi, được thực hiện bởi Tổ chức Health Bridge Canada, Công ty TNHH Kinh doanh Lốp xe Bridgestone Việt Nam và các nhóm Action for the City, Think Playgrounds gần đây rất thiết thực, truyền cảm hứng lớn đến cộng đồng. Chỉ với những vật liệu đơn giản và đồ vật cũ được tái sử dụng như lốp xe, thùng gỗ, dây thừng, chai nhựa, … trong một diện mạo mới đầy màu sắc, trẻ em có một thế giới cổ tích để vui chơi, phát triển trí tưởng tượng cùng óc sáng tạo. Riêng học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, các em được cung cấp nhiều trò chơi âm thanh cùng các đồ vật thiết kế đặc biệt, giúp tăng cường cảm nhận xúc giác, bù đắp phần nào sự thiệt thòi về đôi mắt…

Phần lớn dự án, hoạt động của các nhóm, tổ chức thiện nguyện khá hiệu quả, nhưng mới dừng ở mức hỗ trợ nhu cầu tối thiểu cho cộng đồng như chỗ học, không gian chơi, ngủ và kiên cố hóa nhà cửa. Chưa có giải pháp tối ưu thiết kế, thi công, tích hợp công năng sử dụng và văn hóa địa phương. Thiên về số lượng mà chưa nghiên cứu sâu về kiến trúc, ít kế thừa, phát huy bản sắc vùng miền.

Nguyễn Quang Minh
Hình 4: Một số dự án kiến trúc cộng đồng khác tại Việt Nam được triển khai những năm gần đây

5. Kết luận

Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống tinh thần đóng vai trò ngày càng quan trọng, mối liên hệ cộng đồng được đề cao, nhu cầu về kiến trúc cộng đồng và kiến trúc xã hội sẽ ngày càng cần thiết, cả số lượng và chất lượng. Bền vững xã hội, sinh thái, bản sắc và kiến trúc nguồn lực tự thân là bốn thuộc tính đồng thời cũng là bốn xu hướng kiến trúc cộng đồng trong giai đoạn phát triển mới.

Kiến trúc sư luôn tiên phong trong việc sáng tạo không gian cho cộng đồng. Họ vừa đóng vai trò hạt nhân, vừa kết nối và huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ cộng đồng bên cạnh nhà nước và các tổ chức xã hội khác. Để kiến trúc sư toàn tâm toàn ý sáng tạo vì cộng đồng, các nhiệm vụ khác mà họ đang kiêm nhiệm cần sự san sẻ. Kiến trúc sư cộng đồng cần điều kiện thuận lợi hơn, đặc biệt trong chính sách, trong sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và tinh thần, là những yếu tố đòn bẩy, giúp kiến trúc cộng đồng và những tư tưởng nhân văn lan rộng, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả những nhóm dân cư yếu thế nhất.

KTS. Hoàng Thúc Hào; TS. KTS. Nguyễn Quang Minh

————————————-

Tài liệu tham khảo

  1. Câu lạc bộ Keep Smiling Together
  2. Nguyễn Quang Minh, ảnh chụp trong các chuyến đi khảo sát – thăm quan kiến trúc (2010 – 2015)
  3. Hoàng Thúc Hào và cộng sự, Tài liệu thiết kế kiến trúc của Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2 (2010 – 2016)
  4. Văn phòng Thiết kế Kiến trúc A21
  5. Tổ chức Health Bridge Canada
  6. Hội Kiến trúc sư Việt Nam
  7. Mạng Sân chơi cho Trẻ em
  8. Mạng Hành động vì Đô thị
  9. Mạng Thông tin Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
  10. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội
  11. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hội An
  12. Báo điện tử Tin tức