Chứng chỉ hành nghề là gì?
Chứng chỉ hành nghề phổ cập ở các nước phát triển, một số nước cấp chứng chỉ cho cả “nghề nhạy cảm”. Ở nước ta, thuật ngữ “chứng chỉ hành nghề” xuất hiện trong nền kinh tế chưa lâu. Khi hàng loạt các bộ Luật ban hành thì rất nhiều ngành nghề khác nhau nếu muốn hoạt động đều phải xin cấp chứng chỉ hành nghề. Ví dụ như: Chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán; Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; Chứng chỉ hành nghề kinh doanh bất động sản; Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán; Chứng chỉ hành nghề luật sư …
Cũng như các ngành nghề được xã hội công nhận, các ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hiện nay phải có Chứng chỉ hành nghề được quy định bởi Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Chứng chỉ hành nghề nói chung là một công cụ để quản lý, giám sát việc thực hiện vai trò trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề. Chứng chỉ hành nghề cũng là công cụ để người hành nghề phải thường xuyên học tập nâng cao vai trò trách nhiệm đạo đức trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin mới về tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề của mình.
Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch
Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc ở ta đã có vài chục năm và thay đổi qua thời kỳ quản lý khác nhau trước khi Luật Xây dựng ra đời. Việc cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế cho các KTS có khi được phân hạng, lúc bỏ phân hạng và giờ lại phân hạng I, hạng II và hạng III.
Việc cấp chứng chỉ thiết kế kiến trúc, quy hoạch ngày càng khắt khe, chặt chẽ hơn, trong văn bản pháp luật dùng từ “sát hạch” để biểu lộ mức độ khắt khe của kỳ thi cấp chứng chỉ thiết kế. Hình thức thi trắc nghiệm giống như thi luật giao thông. Nội dung thi gồm phần chuyên môn và pháp luật liên quan.
Việc hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch khi không có chứng chỉ hành nghề cũng đồng nghĩa với việc không có tính chính danh trong hành nghề.
Thuận lợi và bất cập
Theo Luật định, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề. Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch được phân theo Hạng I, hạng II, hạng III.
Việc phân cấp cho Hội nghề nghiệp tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề hạng II hạng III là hết sức thuận lợi, nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc giám sát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin cho người hành nghề, nâng cao vai trò của KTS đối với xã hội. Các hội viên, đặc biệt các KTS hành nghề tự do sẽ không ngại tiếp cận việc thi cử và hầu như không có rào cản trong việc cấp chứng chỉ hành nghề. Những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, sự lạc hậu về trình độ chuyên môn của người hành nghề đã và đang xảy ra một cách phổ biến sẽ không còn.
Việc quy định rất khắt khe về việc cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế thông qua “sát hạch” góp phần minh bạch, công bằng, giảm thiểu tiêu cực và tình trạng xin cho – Là cơ hội cho các KTS hành nghề tự do tiếp cận kiến thức pháp luật thông qua thi cử (điểm kiến thức pháp luật chiếm 40% tổng số điểm).
Xét về bản chất, Chứng chỉ hành nghề không phải là một “giấy chứng nhận” về trình độ chuyên môn của người hành nghề. Chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp cho những người đã qua đào tạo (đã có bằng cấp công nhận bao gồm cả loại tốt nghiệp) và đã hành nghề trên 5 năm, không có vi phạm pháp luật. Điều này lại càng không phải với nghề kiến trúc. Trong thiết kế kiến trúc, kinh nghiệm của KTS hay quy mô công trình KTS tham gia thiết kế (điều kiện xét hạng I, II, III) chưa hẳn là điều kiện xác định KTS đã có trình độ cao. Hay nói cách khác, nghệ thuật sáng tác kiến trúc không phụ thuộc yếu tố kinh nghiệm hay qui mô vật lý kiến trúc.
Khi Chứng chỉ hành nghề được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật đồng nghĩa là hàng loạt lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn để cấp chứng chỉ hành nghề được tổ chức. Các cơ sở đào tạo được phép bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ như giám sát, quản lý dự án nhưng không thấy bồi dưỡng nghiệp vụ kiến trúc bao giờ?!
Việc tổ chức thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo mô hình thi trắc nghiệm 25 câu hỏi là chưa phù hợp với nghề kiến trúc – Bởi như vậy giống như thi lý thuyết bằng lái xe, chỉ cần học thuộc lòng – mà không cần có sự sáng tạo trong đó. Sự sáng tạo hay trình độ KTS không thể đánh giá bằng một bộ câu hỏi định sẵn. Do vậy, chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch còn là rào cản để KTS có thể tiếp cận với công trình qui mô hay những đồ án quy hoạch lớn.
Cũng cần xem lại tính đặc thù nghề kiến trúc khi yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề. Trong 6 môn nghệ thuật được thế giới phân định, kiến trúc là nghệ thuật thứ nhất thì cần có chứng chỉ hành nghề song 5 môn nghệ thuật khác là điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ, múa chưa thấy văn bản nào đề cập đến việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bộ môn nghệ thuật còn lại này. Chưa có anh họa sĩ điêu khắc hay hội họa phải có chứng chỉ hành nghề mới được làm, được vẽ. Hay như sáng tác nhạc, thơ, viết tiểu thuyết phải cần có chứng chỉ hành nghề?
Hy vọng sự tiến bộ
Trong quá trình phát triển, nhu cầu thực tiễn xã hội luôn thay đổi. Văn bản quy phạm pháp luật muốn đi vào cuộc sống đòi hỏi luôn cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó. Tới đây, khi xây dựng, xem xét Luật Hành nghề KTS, hy vọng các bất cập nêu trên sẽ được giải quyết trước khi Quốc hội thông qua. Và tất nhiên sẽ có Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành. Khi ấy các KTS sẽ tha hồ được thi thố, thể hiện, sáng tác hành nghề mà sẽ không gặp bất kỳ rào cản nào.
Xem thêm: Một vài suy nghĩ về thông tư 17/2016/TT BXD & việc cấp đổi chứng chỉ hành nghề
KTS. Lê Việt Sơn
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2017
Diễn đàn KTS: “Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc – Xây dựng và những quy định mới” hiện đang thu hút sự quan tâm của giới nghề. Để gửi bài viết, ý kiến tham gia diễn đàn xoay quanh chủ đề này, thân mời Quý độc giả gửi nội dung đến Tạp chí Kiến trúc theo một trong hai hình thức sau:
- Gửi Email đến địa chỉ: info@tckt.vn (Tiêu đề email ghi rõ: Tham gia Diễn đàn KTS – Chứng chỉ hành nghề)
- Hoặc gửi bài viết đến địa chỉ: BBT Tạp chí Kiến trúc,
Số 40 Tăng Bạt Hổ, P. Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngoài ra, bạn đọc có thể trao đổi, thảo luận ngắn bằng hình thức comment bên dưới bài viết này hoặc tại fanpage Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam: www.facebook.com/tckt.ktsvn