“Con Gà và Quả Trứng”

Janice Do – một nữ KTS trẻ gốc Hoa sinh ra tại Mỹ, tốt nghiệp KTS tại trường ĐH Bách Khoa Bang California. Sau thời gian làm việc tại Mỹ, Đài Loan, cô đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân – môi trường trải nghiệm tiếp theo cho sự nghiệp của mình. Và, dưới đây là những dòng tâm sự rất chân tình của cô – phản ánh phần nào sự đánh giá về nghề nghiệp và con người Việt Nam – nơi cô đang làm việc và sinh sống.
KTS Janice Do
Khi còn nhỏ, chúng tôi từng có một trò chơi gọi là "điện thoại": Một nhóm trẻ ngồi thành hàng, đứa trẻ đầu tiên sẽ nói nhỏ một thông điệp cho đứa thứ hai, đứa thứ hai sẽ lặp lại thông điệp đó cho đứa thứ ba… Cứ thế cho đến đứa trẻ cuối cùng, và thông điệp đó sẽ được đọc to lên. Đa số những đứa trẻ đều tuân theo đúng nguyên tắc của trò chơi: lắng nghe và nói thật rõ ràng, để truyền thông điệp chính xác nhất từ người chơi đầu tiên. Tuy nhiên, trong mỗi nhóm thường có một đứa trẻ cố tình thay đổi luật chơi một chút, bằng cách thay đổi một từ trong thông điệp. Và trò chơi trở nên thú vị hơn khi chỉ bằng một hành động tinh tế, từ ngữ được thay đổi và một thông điệp hoàn toàn mới được chuyển đi.
Khi tôi bước vào phòng họp để thảo luận về ý tưởng thiết kế mới của mình, Nhà đầu tư người Việt Nam nhìn vào mặt tôi, và ngay lập tức cho rằng tôi là một "nữ KTS người Việt Nam". Không, tôi không cảm thấy bị xúc phạm. Nhà đầu tư này, như nhiều nhà đầu tư người Việt Nam khác mà tôi từng biết, đề nghị một KTS nước ngoài thiết kế dự án của họ. Điều này, thưa quý vị, thực sự đã khởi đầu cái vòng luẩn quẩn của ngành kiến trúc ở Việt Nam. Tôi sẽ không đề cập đến vấn đề nam hay nữ trong lời nhận xét trên, thắc mắc của tôi là "có điều gì là sai với KTS người Việt Nam?" Sau hơn một năm rưỡi làm việc với các nhà thiết kế người Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều người trong số họ thực sự có các ý tưởng táo bạo. Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ nhà thiết kế Việt Nam không thể đưa ra các ý tưởng tốt, mà là cũng những ý tưởng đó song phải được đưa ra bởi KTS nước ngoài, có giá trị hơn đối với chủ đầu tư – Đó là thương hiệu.
Thành thật mà nói, các đồng nghiệp người Việt Nam của tôi không thiếu sức sáng tạo và khả năng, họ chỉ thiếu sự tự tin – Không phải thiếu tự tin vào chính bản thân họ, mà là thiếu tự tin vào khả năng tính toán kết cấu và kỹ thuật cao của các kỹ sư Việt Nam. Họ cũng không tự tin rằng các nhà thầu Việt Nam có thể thi công các loại kết cấu đặc biệt. Sau nhiều cuộc thảo luận đầy tham vọng và cảm hứng về thiết kế, kết luận thường được đưa ra là: "điều này là không thể ở Việt Nam". Tôi đã không thể hiểu điều này.
"Cái gì có trước, con gà hay quả trứng?" – Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản này, cho đến nay, vẫn chưa có lời giải đáp. Và khi chúng ta trưởng thành hơn, chúng ta nhận ra rằng, câu hỏi này có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau. Có phải sự miễn cưỡng của các nhà đầu tư trong việc tạo cơ hội cho các KTS Việt Nam, là kết quả của sự thiếu tự tin của các KTS vào khả năng của các kỹ sư và nhà thầu? Hay chính sự thiếu kỹ năng của các kỹ sư và nhà thầu trong thiết kế và xây dựng một công trình thật sự khác biệt và táo bạo, đòi hỏi công nghệ cao, là kết quả  của sự miễn cưỡng trong những cơ hội cho các nhà thiết kế trong nước? Đây chính là cái vòng xoáy sẽ luẩn quẩn không ngừng, cho đến khi phải có một ai đó nhận lấy trách nhiệm bước ra khỏi chiếc vòng, và khởi tạo một vòng phát triển lớn hơn, thoát khỏi những định kiến này.
Nhân nói về định kiến, khi đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy công trình Bitexco Financial Tower. Thật dễ chịu khi nhìn thấy một công trình độc đáo như vậy giữa trung tâm thành phố này. Và cho dù thiết kế được thực hiện bởi KTS người nước ngoài, thì mục đích của công trình 68 tầng này vẫn là biểu tượng hóa tương lai của Kiến Trúc Việt Nam dưới nhiều góc độ. Tôi cho rằng tất cả các kiến trúc sư, đặc biệt là các KTS Việt Nam, nên nắm lấy biểu tượng này và xem Bitexco Financial Tower, không phải như là công trình cao nhất hay ngoạn mục nhất ở Việt Nam, mà là một điểm mốc mới cho Kiến Trúc Việt Nam. Có thể tôi ở Việt Nam đủ lâu để có một nhận định hoàn chỉnh, song từ những gì chứng kiến, tôi dám chắc rằng các KTS Việt Nam hiện đang có một lợi thế vô cùng lớn. Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở Việt Nam cởi mở hơn nhiều về mặt thẩm mỹ thiết kế so với các đồng nghiệp tại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ, chỉ riêng điều này thôi, cũng đã cung cấp cho các KTS Việt Nam sự tự do lớn để thổi bùng ngọn lửa cảm hứng, trình diễn năng lực sáng tác, cũng như không ngại đấu tranh trong sáng tác, thiết kế.
Vậy nên, không cần biết rằng Bitexco Financial Tower ở thời điểm hiện tại là tòa nhà cao nhất, và đặc biệt nhất tại Việt Nam, cũng không cần biết ai có trách nhiệm trong sự phát triển chậm trễ của Việt Nam; Là một nhà thiết kế người nước ngoài, nhìn thấy nhiều tiềm năng của các đồng nghiệp người Việt Nam, tôi tin rằng các nhà đầu tư nên bắt đầu tự hỏi: Tại sao Thiết kế của người Việt Nam lại kém giá trị hơn?. Các KTS trẻ cũng nên nhảy ra khỏi cái vòng lẩn quẩn, để tạo cho các kỹ sư và nhà thầu, cơ hội thiết kế, xây dựng một điều gì đó "không thể". Dũng cảm vứt bỏ câu "điều này là không thể ở Việt Nam", và để công trình độc đáo tiếp theo tự hào được thiết kế bởi chính các KTS Việt Nam. Luật chơi được tạo ra để dẫn chúng ta đi đúng hướng, nhưng luật chơi cũng được thiết kế để được phá vỡ và thúc đẩy sự tiến bộ. Bằng một hành động tinh tế, hãy trở thành người thay đổi luật chơi – trở thành người tiếp nhận những gì được dạy, nhào nặn nó, và một xu hướng kiến trúc hoàn toàn mới sẽ được tạo dựng và phát triển.
 
KTS Janice Do