Hội thảo Đô thị Việt Nam với biến đổi khí hậu Từ nhận thức đến hành động

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam, Hội thảo “Đô thị Việt Nam với biến đổi khí hậu”diễn ra ngày 4/12/2010 tại Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các KTS, kĩ sư trong lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc và môi trường. Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn, phức tạp, trong khuôn khổ một buổi Hội thảo chưa thể đề cập hết được, song Hội thảo đã đặt ra những vấn đề cơ bản, những cảnh báo cho những hiểm họa đô thị trong tương lai, định hướng hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu đến cuộc sống con người.

Nhận thức và hiện trạng
Hầu hết các bài tham luận đều nhắc đến khái niệm, diễn biến của biến đổi khí hậu cùng những tác động của nó đến các lĩnh vực, xã hội, kinh tế, môi trường và đặc biệt là trong kiến trúc quy hoạch và cơ sở hạ tầng đô thị. Theo đó, về tổng quan biến đổi khí hậu là hiện tượng nóng lên toàn cầu và mức nước biển dâng, ngoài nguyên nhân do sự thay đổi của chu kỳ tự nhiên, còn do các hoạt động kinh tế, xã hội của con người, phát khí thải quá mức vào khí quyển, gây nên hiệu ứng nhà kính. Đây là nguyên nhân gây ra sự gia tăng nhiệt độ, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất và các hiện tượng khí  hậu cực đoan khác như: các đợt nắng nóng và số ngày nắng nóng, các đợt rét và số ngày rét đậm, rét hại, mưa cực lớn, dông, tố, lốc…
Sự tham gia của các nhà khoa học tại Viện chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Cục quản lý khai thác biển và hải đảo đã làm rõ hơn những vấn đề về biến đổi khí hậu, như: nghiên cứu và xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp dải ven biển, thảm cỏ biển Việt Nam trước biến đổi khí hậu… đã cung cấp cho các KTS nhiều kiến thức bổ ích về hệ sinh thái biển, những thách thức đặt ra và những giải pháp về phát triển kiến trúc bền vững.
Dưới góc nhìn của các KTS, kỹ sư, nhà quy hoạch, các tham luận đã trình bày tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị trong quá khứ, hiện tại và những nguy cơ tiềm tàng đến quy hoạch, kiến trúc và đô thị trong tương lai với tầm nhìn đến 2025.
Theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội). “Sau 25 năm đổi mới, đô thị Việt Nam đã tăng trưởng và phát triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Việt Nam đã tiếp cận được nhiều thành tựu về khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức, hệ lụy Việt Nam đang là 1 trong 5 nước bị tác động mạnh mẽ nhất của bíến đổi khí hậu. Cụ thể: lượng mưa tăng lớn; nước biển dâng cao, nhiều vùng bị nhấn chìm; nhiệt độ ngày một nóng lên. Đồng thời với mạng lưới đô thị Việt Nam không ngừng được mở rộng, đã dẫn đến dân số nông thôn giảm và sự bùng nổ của dân thành thị …”
Còn theo TS Đỗ Tú Lan – Giám độc Trung tâm  phát triển đô thị – Bộ Xây dựng. “Sự phát triển đô thị là một quá trình liên kết phát triển của nhiều thành phần, mỗi thành phần đều có những giá trị liên kết bền vững theo những quy luật phát triển. Do đó sự biến đổi khí hậu sẽ có nguy cơ phá vỡ những cấu trúc bền vững của đô thị hiện tại và tương lai. Lấy ví dụ cụ thể với hệ thống đô thị đang có xu thế hướng ra biển ở nước ta hiện nay, việc xây dựng những khu nghỉ dưỡng, resort sẽ phải chịu ảnh hướng lớn của nước biển dâng và bão lũ. Những đô thị như thành phố Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… đang có hiện tượng xói lở bờ biển làm ảnh hưởng đến cảnh quan các công trình ven biển. Trong 100 năm trở lại đây, bờ biển tại Hải Lý đã bị lấn sâu vào đất liền, có nơi đến 10km. Tại Đà Nẵng, khu vực dân cư quận Liên Chiểu cũng bị tác động khá lớn của xói lở bờ biển, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình xây dựng”.
Nhìn nhận về hiện tượng này trong quy hoạch phát triển các đô thị ven biển, TS. KTS Lê Trọng Bình (Viện trưởng Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam) đã đưa ra những cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường vật chất và xã hội Việt Nam, tạo nên những thách thức to lớn đối với các đô thị, điểm dân cư nông thôn và hệ thống đô thị ven biển nói riêng đến năm 2025: Cụ thể là:
Gia tăng nguy cơ phát triển thiếu bền vững của hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn đối với các vùng nhạy cảm với BĐKH công cuộc thực hiện chính sách phát triển đô thị trong thời kỳ CN hóa – Hiện đại hóa sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn; sự gia tăng của nguy cơ sự cố môi trường và công nghệ đối với các vùng đô thị hóa.  

Trong bối cảnh thực tế của Đà Nẵng – một đô thị biển đang phát triển mạnh mẽ, theo góc nhìn của TS Hoàng Vĩnh Hưng (Phó chủ nhiệm Khoa Quản lý đô thị – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), “bài học thực tiễn từ hơn 10 năm phát triển đô thị Đà Nẵng cho thấy, thành phố luôn tổ chức các dự án tái định cư, chỉnh trang và phát triển mới với tinh thần “lấy đất đổi đất”. Chính vị vậy, phần diện tích mặt nước của Đà Nẵng ngày càng thu hẹp, bị phá hủy và tạo ra hiện tượng khô hóa tự nhiên, bê tông hóa đô thị. Vì vậy, tình trạng ngập lụt đã xảy ra trầm trọng hơn, đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư thoát nước hơn, và nhất là mức độ ô nhiễm nguồn nước tại chỗ, bụi khí… trong nội thị ngày càng tăng”.
Giải pháp
Đề xuất những giải pháp, KTS Lê Trọng Bình cho rằng: “trước hết,  cần nhận thức toàn diện về BĐKH và tác động của nó đối với mối quan hệ giữa các yếu tố tạo lập đô thị, gồm yếu tố tự nhiên, công trình nhân tạo, hoạt động kinh tế – văn hoá, xã hội, mọi cá nhân, cộng đồng và xã hội ở đô thị. Đó là cơ sở để nắm bắt chính xác, không bỏ sót các tác động của BĐKH đối với đời sống xã hội đô thị”.

Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp như: đổi mới phương pháp, nội dung lập, tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị; đổi mới thể chế quy hoạch đô thị; xác định các giải pháp về quy hoạch đô thị, ứng phó với BĐKH: củng cố và tăng cường năng lực thể chế, chính sách hoạch định và phát triển đô thị… đều được các đại biểu đồng tình. Đó là những giải pháp vĩ mô, đòi hỏi sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý để ban hành những chính sách đối BĐKH nhằm phát triển đô thị bền vững.
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện tưởng Viện Kiến trúc – Quy hoạch Đô thị và Nông thôn đề cập những giải pháp về xây dựng “kiến trúc xanh” như một công việc cấp thiết để đảm bảo môi trường phát triển bền vững tại các đô thị Việt Nam. Vấn đề ứng phó với BĐKH trong qui hoạch đô thị chưa được qui định thực sự cụ thể và phù hợp. Cần điều chỉnh quy định của luật pháp theo hướng lồng ghép nội dung phát triển và quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khai thác sử dụng công trình đô thị, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di sản đô thị.., tích hợp yêu cầu ứng phó với BĐKH. Bởi vậy, rất cần một giải pháp thống nhất và đồng bộ như Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề xuất:
             “Đã đến lúc phải thành lập một cơ quan, một tổ chức hợp nhất tất cả các bộ phận phát triển và quản lý đô thị này lại với nhau, đảm bảo một sự phối hợp đồng bộ, hài hòa với các kế hoạch đầu tư đã được chuẩn bị trên cơ sở một chiến lược hợp nhất. Một Ủy Ban quốc gia về phát triển, quản lý đô thị và môi trường với đủ nguồn nhân lực, quyền hạn và năng lực chịu trách nhiệm chuẩn bị một “Chiến lược đô thị hóa quốc gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan hỗ trợ Thủ tướng trong việc chỉ đạo quá trình lâu dài, có nhiều biến đổi này là một yêu cầu của tình hình phát triển hiện nay”. (Số Báo Tết 2006 của Báo Sài Gòn cuối tuần)
Thanh Hương