Trẻ sáng tạo – Khởi nghiệp

Vì sao kiến trúc sư trẻ khởi nghiệp cần sáng tạo?

Khởi nghiệp hay hoạt động nghề nghiệp trong ngành kiến trúc hay bất cứ ngành design nào cũng luôn nằm trong môi trường khắc nghiệt, chịu sức ép của yếu tố “MỚI”, trong khi xung quanh đã có vô vàn những thiết kế đã hoàn hảo. Chính sự hoàn hảo đang đầy xung quanh ta khiến chúng ta cảm thấy vô vọng khi nghĩ rằng mình có thể tạo ra cái ưu việt hơn. Nhưng, cũng chính con người khi vượt ra khỏi những điều kiện ăn ở, sinh hoạt cơ bản thì lại luôn đẩy nhu cầu của mình lên, luôn khát khao đến cái mới. Đây là thách thức với những người trẻ tuổi khi ra hành nghề tư vấn thiết kế.

Giờ học diễn họa nét tay với bài thị phạm của giảng viên ngành kiến trúc, ĐH UON, Vương quốc Anh

Khởi nghiệp với bao khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là cạnh tranh về ý tưởng và giải pháp thiết kế để cho ra đời một sản phẩm thiết kế có thể đứng vững trên thị trường. Không có sáng tạo, các văn phòng thiết kế khó lòng cạnh tranh trong thị trường hội nhập quốc tế này. Người ta còn phải gắn câu slogan ở không gian làm việc: “Sáng tạo hay là chết” để mong thúc đẩy được tư duy sáng tạo và mong tìm kiếm được các phương án độc đáo.

Rất may, tuổi trẻ có nhiều năng lượng để bứt phá, có nhiều khát vọng sáng tạo – Chỉ cần cho các KTS trẻ một công cụ, một phương pháp tư duy đúng, họ sẽ sáng tạo không ngừng.

Vì sao nên đưa “phương pháp sáng tạo” đến với kiến trúc sư, nhà thiết kế?

Có một thực tế là tại Việt Nam nhiều năm qua, với các dự án lớn, KTS, các nhà thiết kế thường bị mất cơ hội ngay trên sân nhà. Một trong những nguyên nhân chính là do phương án (Concept) chưa đủ sáng tạo. Nhưng nếu nhìn vào nguyên nhân xa hơn, bản thân nhiều người trong chúng ta mặc định cho rằng: “Sáng tạo từ phương Tây, mình chỉ học theo”.

Sự khác biệt “quan điểm giáo dục” dẫn đến sự khác biệt về “tư duy sáng tạo”. Sáng tạo không ngừng là bản sắc và giá trị chủ đạo của văn hoá phương Tây. Tính sáng tạo này gắn liền với nếp tư duy và hành động thực tiễn của họ. Văn hóa sáng tạo gắn liền với hai nhân tố cơ bản khác là sáng tạo khoa học – công nghệ và sáng tạo kinh doanh. Sự khác biệt căn bản giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây thể hiện ở chỗ: Trong khi các nền văn hoá phương Đông chú trọng đến quá khứ, lo giữ gìn di sản quá khứ, tinh thần thụ động học hỏi từ những gì cha ông để lại, nền giáo dục của rất nhiều nước chịu ảnh hưởng từ Nho giáo thì các dân tộc phương Tây lại chú tâm vào tương lai, sáng tạo và đổi mới không ngừng, họ đề cao tính cá nhân, tiềm năng con người và đề cao phát minh cho loài người.

Rèn khả năng sáng tạo như thế nào?

Tư duy quan trọng nhất của người làm kiến trúc là Tư duy sáng tạo (không gian) và Tư duy ý tưởng. Cả hai năng lực này đều cần rèn luyện thường xuyên và đều cần yếu tố sáng tạo. Cần hiểu rằng sáng tạo là một kỹ năng và có thể rèn luyện được. TS Edward de Bono, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Sáu chiếc mũ tư duy” đã cho rằng “Thông minh là thứ bẩm sinh ta có. Tư duy là một kỹ năng phải học mới có được” – Tư duy sáng tạo cũng là một kỹ năng như thế.

Về rèn khả năng tư duy không gian: Các văn phòng thiết kế nên khuyến khích sử dụng giấy can, khuyến khích vẽ tay (sketch) và nên làm mô hình nháp (draft model)- dạng mô hình hỗ trợ lúc tìm ý tưởng thiết kế. Dùng giấy can để can lại, kế thừa mà không xóa bỏ các ý trước đó. Nét tay là cách rèn luyện rất tốt về tư duy không gian. Nó khiến nhà thiết kế thoát ly được các phần mềm máy tính, không bị lệ thuộc vào không gian do máy tính định hình.

Mô hình tìm ý (mô hình nháp) rất cần thiết trong quá trình thiết kế, nó khiến cho các KTS chủ động thay đổi, dễ dàng thay đổi concept, các phương án và tương tác sống động trong không gian thực. Hiện nay có các công cụ hỗ trợ, tạo không gian thực tế ảo, nhưng vẫn không thể thay thế cho mô hình nháp và vẽ tay được. Các cơ sở đào tạo KTS nên hướng dẫn cho sinh viên thực hành tư duy trên mô hình, cách làm mô hình phục vụ giai đoạn tìm ý chứ không nên chỉ dạy sinh viên kỹ năng làm mô hình thật đẹp (cho giai đoạn nghiên cứu phát triển).

KTS. Rem Koolhaas đang trình bày trên mô hình ở văn phòng OMA, Rotterdam

Về rèn khả năng sáng tạo, cần phải có quan điểm: “Sáng tạo là một kỹ năng, không phải chỉ là năng khiếu”. Sáng tạo là công cụ tư duy, và vì vậy có thể rèn luyện được và phải đi từ dễ đến khó. Dễ là theo từng công cụ hỗ trợ (như phần giới thiệu dưới đây, một công cụ sáng tạo được trình bày theo từng thuật (tip) sáng tạo. Khó dần là sau khi thực hành theo, dần dần sáng tạo là của bản thân mỗi cá nhân và thành bản năng thứ hai (bản năng tới sau do rèn luyện).

Không gian trưng bày mô hình concept trong xưởng thực hành (họa thất) của
ĐH University of Nottingham, Vương Quốc Anh. Ảnh chụp: Tác giả

CADA, một công cụ sáng tạo dễ tiếp cận

Từ TRIZ đến CADA:

Phương pháp sáng tạo ứng dụng trong ngành thiết kế và kiến trúc (Creative Approach in Design and Architecture/CADA) được hình thành trên nền tảng của phương pháp TRIZ (Lý thuyết giải các bài toán sáng chế của Altshuller, nhà phát minh sáng chế người Nga). Những giá trị vượt trội của CADA so với những công cụ tư duy khác, đó là đưa sáng tạo gần với người dùng (KTS và các nhà thiết kế). CADA được viết theo một cách đơn giản, dễ hiểu. Từ TRIZ đến CADA, tác giả xây dựng hệ thống các thuật dựa trên 3 tiêu chí (vì vậy từ 40 thuật trong TRIZ của Altshuller, chuyển sang áp dụng với CADA chỉ còn 30 thuật), các tiêu chí gồm:

  • Tính phổ quát: Hoạt động của ngành kiến trúc nói riêng và ngành thiết kế nói chung có sự kết hợp nhiều lĩnh vực, có tính đa ngành, phương pháp sáng tạo phải áp dụng được cho tất cả các môi trường này;
  • Tính kế thừa: Dựa vào những kinh nghiệm và nghiên cứu của Altshuller để cải thiện, hoàn thiện cho ngành thiết kế. Sau đó khi áp dụng, tác giả cũng mong muốn truyền tinh thần “đi tiếp” với mục đích khiến cho đối tượng người đọc sẽ có cảm hứng để mở rộng và viết riêng cho lĩnh vực chuyên sâu của mình.
  • Tính gần gũi: Ngành thiết kế là một ngành được tạo ra để phục vụ những nhu cầu và vấn đề của con người, thế nên các phương pháp phải gắn với công việc thiết thực, cụ thể và có thể được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh linh hoạt.
Khu vực trưng bày mô hình sáng tạo không gian, bài tập năm thứ nhất, ĐH University of Nottingham, Vương Quốc Anh. Ảnh chụp: Tác giả
(Tuy chưa có kỹ năng làm mô hình, nhưng sinh viên vẫn được khuyến khích tạo không gian từ các nguyên liệu khác nhau)

Thay cho lời kết

Hiểu “Sáng tạo” một cách đơn giản nhất là: “Tạo ra cái mới, giá trị hơn cái đã có”. “Giá trị” ở đây hiểu theo nghĩa nhân văn: Giá trị cho con người, thiết kế phù hợp với con người, đảm bảo môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng chứ không chỉ thỏa mãn nhu cầu của chủ đầu tư. Rèn luyện khả năng sáng tạo không phải chỉ dừng lại ở giảng đường kiến trúc mà nó là sự bền bỉ rèn luyện cả cuộc đời hành nghề. KTS trẻ với kinh nghiệm không nhiều, thu nhập không cao thì càng khó giữ mình khỏi sự thỏa hiệp, dễ dãi. Hãy đừng nghĩ đến thành tích mà nên kiên trì tìm ra các giá trị, những sản phẩm ưu việt. Chắc chắn sẽ thành công và cảm thấy hạnh phúc khi được làm nghề.

“Đừng bao giờ học để thành công, hãy học vì sự ưu tú cho bản thân mình. Đừng chạy theo thành công, hãy theo đuổi sự ưu tú. Khi đó, thành công sẽ theo đuổi bạn”.

“Never study to be successful, study for self efficiency. Don’t run behind success. Follow behind excellence, success will come all way behind you”.
(Trích từ phim 3 Idiots)

PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên/ ĐH. Kiến trúc TPHCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)