Những chiều kích khác nhau của Tp sáng tạo

Trong dịp kỷ niệm Ngày các TP Thế giới (31/10/2023), Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố (TP) khác trên toàn thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (UCCN). Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành TP sáng tạo vào năm 2019, thì Việt Nam có 3 TP sáng tạo nằm trong mạng lưới này. Sau sự kiện này, trên truyền thông, mạng xã hội và trong giới học thuật đặt ra câu hỏi có bao nhiêu mô hình TP sáng tạo? Những TP sáng tạo có gì khác nhau? Chức năng của nó ra sao?.

TP sáng tạo nổi tiếng trên thế giới như Silicon Valley (Mỹ)

Trước hết cần khẳng định: Danh xưng “TP sáng tạo” là do các tổ chức khác nhau phong tặng tùy theo bộ tiêu chí mà họ đưa ra khi đánh giá. Trong hệ thống TP sáng tạo có chia ra 2 nhóm chính, bao gồm: Loại thứ nhất là TP sáng tạo khoa học và công nghệ ứng dụng; loại thứ 2 là TP sáng tạo về văn hóa, giáo dục và cộng đồng.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, các nước châu Âu và Bắc Mỹ nhận ra một thực tế: Có sự không gắn kết liền mạch giữa nghiên cứu sáng tạo khoa học và thị trường, giữa các nhà khoa học với nhau, giữa lý thuyết và hiện thực hóa lý thuyết vào đời sống. Do vậy, mỗi quốc gia, vùng miền, TP lớn phải làm cách nào tích hợp nguồn lực (con người, vật chất, tài chính, thông tin, tài nguyên, thị trường) vào một nơi hẹp với mật độ cao và chất lượng xuất sắc để tạo ra những cú đột phá cực kỳ mạnh mẽ, làm thay đổi hẳn bản chất của nền sản xuất hiện đại. Chính vì điều đó mà ra đời các TP sáng tạo nổi tiếng trên thế giới như Silicon Valley (Mỹ), Bangalo (Ấn Độ), Daejeon, và Songdo (Hàn Quốc), China Silicon Valley hay high tech park ở Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải, Thiên Tân, Vũ Hán, Quảng Đông, của Trung Quốc. Muộn hơn, ở Việt Nam cũng hình thành hai TP sáng tạo khoa học là Hòa Lạc và TP sáng tạo Thủ Đức. Tuy nhiên, bài viết này tập trung vào mô hình TP sáng tạo theo tiêu chuẩn của UNESCO.

Thành phố công nghệ Bangalore: “Thung lũng Silicon” của Ấn Độ

UNESCO là tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc, cho nên sáng tạo theo cách nhìn nhận của tổ chức này là thiên về khía cạnh văn hóa và giáo dục. Mạng lưới các TP sáng tạo (The UNESCO Creative Cities Network-UCCN) được UNESCO lập ra vào năm 2004 với mong muốn là tạo dựng nên một hệ thống bao gồm các TP có những thành tích và tiềm năng sáo tạo văn hóa, giáo dục hướng tới sự phát triển bền vững cho cộng đồng sống ở trong TP đó. “Các TP trong Mạng lưới các TP sáng tạo UNESCO đang đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh của sáng tạo trong phát triển đô thị bền vững”, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết.

Songdo – Thành phố thông minh

Tính cho đến năm 2023, Mạng lưới hiện có 350 TP từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 6 lĩnh vực sáng tạo gồm: Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Sản xuất thủ công và Nghệ thuật dân gian, Điện ảnh, Ẩm thực. Tổ chức này đánh giá và tiến hành công nhận TP sáng tạo loại nào dựa trên hồ sơ đăng ký của địa phương được quốc gia tiến cử, ý kiến đánh giá của khách du lịch, khảo sát đánh giá của chuyên gia quốc tế.

Theo tiêu chí này thì Hà Nội được công nhận là TP sáng tạo mảng thiết kế năm 2019 (Design City), riêng năm 2019, cùng với Hà Nội, có 9 TP khác được công nhận, đây là năm UNESCO công nhận số lượng TP thiết kế sáng tạo nhiều nhất. Một số TP thiết kế sáng tạo có thể kể ra như Thượng Hải, Bắc Kinh, Singapore, Berlin, Vũ Hán, Bangkok, Seoul, Bandung, Nagoya,… Những TP sáng tạo mảng thiết kế được đánh giá là TP có tổ chức không gian, kiến trúc công trình, hình thái học đô thị sáng tạo, đẹp và lãng mạn. Ngoài ra, Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một TP sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…Hà Nội cũng có kế hoạch triển khai các ý tưởng sáng tạo như: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục được nâng tầm trong thời gian tới, đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Thâm Quyến

Hội An là thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian (City of Crafts and Folk Arts) với hơn 100 thành viên. Tiêu chí của loại TP này không phụ thuộc vào diện tích lớn hay nhỏ mà đánh giá rất cao khả năng duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công trong tình trạng sống (không phải trình diễn hay trưng bày) và tỷ lệ cao số ngành nghề thủ công cũng như nghệ thuật dân gian còn sống được. Các TP được công nhận là TP sáng tạo về thủ công và nghệ thuật dân gian hầu hết là những TP trung bình và nhỏ, trong đó chẳng hạn như TP Banguio của Philippines nổi danh về về dệt vải, chạm khắc gỗ, chế tác bạc, và nghệ thuật xăm hình; hay Pekalongan của Indonesia được ghi nhận với nghề sản xuất và thiết kế loại vải Batik. Hội An là một TP nhỏ, dân số ít nhưng nó nổi tiếng thế giới là điểm du lịch hấp dẫn, khách du lịch nước ngoài thích Hội An vì nơi đây nổi tiếng với các ngành nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Cả Hội An là một không gian ngập tràn không khí dân gian từ khung cảnh, kiến trúc nhà cửa, hàng hóa, kiểu sản xuất và kinh doanh, thái độ, những thứ hàng hóa ngoại chiếm tỷ lệ thấp hoặc không đáng kể, kể cả đồ chơi trẻ em. Theo thống kê thì hiện nay ở Hội An có khoảng 12 làng nghề sản xuất các mặt hàng truyền thống như: Nghề mộc, làm gốm mỹ nghệ, trồng rau, nghề thuốc, làm lồng đèn, làm hoa giấy, quạt, dệt lụa, làm mặt nạ,… Các loại hình nghệ thuật dân gian gồm có trưng bày, trình diễn và biểu diễn, trong đó phải kể đến là nghệ thuật tạo hình theo phong cách dân gian như điêu khắc trên gỗ, đá; làm tranh sơn mài, tranh vẽ lửa,… còn nghệ thuật diễn xướng dân gian có hát bài chòi, hát bả trạo. Có thể nói, Hội An đậm chất dân gian. Tuy nhiên, cần nói thêm sản xuất thủ công không phải chỉ bó hẹp trong sản xuất truyền thống mà ngay các sản phẩm hiện đại cũng sản xuất thủ công được khách quốc tế đánh giá cao, đó là may áo dài, đồ vest thủ công lấy ngay sau 3 tiếng cũng được đánh giá cao, gây ấn tượng cho du khách.

Thành phố Đà Lạt được UNESCO phong tặng là TP sáng tạo về âm nhạc (City of Music).Trong số các TP được phong tặng TP sáng tạo về âm nhạc trên thế giới hầu hết là thuộc các TP là trung tâm âm nhạc lớn, chẳng hạn như Hanover của Đức, Mexicali của Mexico. Nếu so sánh sản phẩm âm nhạc thì rõ ràng Đà Lạt thua xa Hà Nội, nhưng UNESCO đánh giá cao năng lực và cảm hứng sáng tạo âm nhạc của TP Đà Lạt cũng như việc tham gia của cộng đồng trong việc trình diễn. TP Đà Lạt đã có 3 thành tựu âm nhạc, đó là: Giữ gìn Di sản âm nhạc thông qua việc nghiên cứu, lưu trữ có hệ thống kho tàng kiến thức và thực hành âm nhạc truyền thống của các nhóm dân tộc Đà Lạt với sự nghiên cứu của cộng đồng. Thứ hai là nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho cộng đồng về bối cảnh phát triển đương đại, kể chuyện, khả năng diễn xướng và thử nghiệm sáng tạo từ chất liệu âm nhạc truyền thống giới trẻ. Thứ ba là giáo dục âm nhạc vì cộng đồng được thực hiện xuyên suốt nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo âm nhạc của Đà Lạt; hợp tác với các nhạc viện, học viện âm nhạc… thực hiện các giải pháp giáo dục đào tạo âm nhạc; đồng thời thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật (âm nhạc) giữa các nhóm xã hội tại TP. Củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo như xây dựng bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện làm cơ sở dữ liệu thúc đẩy hoạt động thông tin, quảng bá, đầu tư, kết nối cho các bên liên quan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Xây dựng Trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền một không gian sáng tạo hiện có thành một tổ hợp sáng tạo trọng điểm của TP.

Hội An là thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian

Có một điều cần lưu ý là danh hiệu mà UNESCO phong tặng không phải là vĩnh viễn mà mỗi TP được sở hữu giá trị này trong 4 năm, sau đó có thể được công nhận lại hay không công nhận tiếp là tùy thuộc vào sự phấn đấu của mỗi TP. Nếu một ngày nào đó, đa phần chủ nhân của Hội An là người nhập cư từ nơi khác đến, mang những phong cách kinh doanh, sản xuất, giao tiếp hoàn toàn mới lạ thì danh hiệu TP sáng tạo về thủ công và nghệ thuật dân gian không còn nữa. Chính vì thế, các TP được UNESCO phong tặng các danh hiệu cao quí cần có một chiến lược giữ gìn và phát huy phong độ, việc có được danh hiệu đã khó, việc giữ gìn và duy trì nó trong thời gian dài là rất khó, bởi có rất nhiều yếu tố tác động, nhất là trong bối cảnh đôi thị hóa nhanh, hội nhập sâu rộng về kinh tế và văn hóa.

TP Banguio của Philippines nổi danh về về dệt vải, chạm khắc gỗ, chế tác bạc, và nghệ thuật xăm hình

Một điều đáng tiếc trong việc làm hồ sơ xin phong tặng TP sáng tạo thì phía Việt Nam không có bất cứ đề xuất bất cứ TP nào ở lĩnh vực ẩm thực. Trong gần 100 TP được UNESCO công nhận là TP ẩm thực thì Trung Quốc có đến 6 TP, Thái Lan có 2, Campuchia có 1. Một trong số những lý do mà khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là vì có nhiều món ăn ngon và nhiều địa phương có nền ẩm thực rất độc đáo, trong đó có thể kể ra như Huế, Cần Thơ. Thời gian tới, các tỉnh thành cùng với bộ VH-TT-DL cần có những đề xuất, làm hồ sơ tiến cử các địa phương đủ tiêu chuẩn ứng với các lĩnh vực khác nhau trong mạng lưới các TP sang tạo, chẳng hạn TP Đà Nẵng, Phú Quốc có thể sẽ là TP thiết kế, TP. Hà Tĩnh, Việt Trì xứng đáng là TP âm nhạc, TP. Phan Rang, An Giang là TP sản xuất thủ công và nghệ thuật dân gian và còn nhiều TP khác với thế mạnh độc đáo khác nhau.

Pekalongan của Indonesia được ghi nhận với nghề sản xuất và thiết kế loại vải Batik

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)


Tài liệu tham khảo
1. James Simmie. Innovative Cities. Routledge, 2001
2. Sheila R. Foster and Christian Iaione. Co-Cities: Innovative Transitions Toward Just and Self-Sustaining Communities. The MIT Press. 2022
3. Nguyễn Minh Hòa. Đô thị- những vấn đề tiếp nối. NXB Đại học Quốc gia HCM, 2018
4. Nguyễn Vĩnh Nguyên. Đà Lạt, bên dưới sương mù. NXB Hồng Đức. 2019
5. Nguyễn Trung Hiếu. Đô thị Cổ Hội An-Di sản văn hóa thế giới. NXB Thời đại. 2022
6. Trường Đại học Đà Lạt. Kỷ yếu hội thảo: “Gìn giữ và phát huy phong cách người Đà Lạt: Hiền hoà, thanh lịch, mến khách”. 2020.
7. Sylvie Fanchette Hà Nội, A Metropolis In The Making – The Breakdown In Urban Integration Of Villages. NXB Thế giới. 2016