TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền – Hơn hai thập kỷ vun đắp nền móng cho Kiến trúc Cảnh quan Việt Nam

Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng nhanh và phức tạp như hiện nay, kiến trúc cảnh quan dần trở thành một ngành học quan trọng và có tính ứng dụng cao, giúp mang lại mối quan hệ tổng hòa và bền vững giữa con người, thiên nhiên và kiến trúc. Đầu tháng 3/2025, Chính phủ Pháp đã trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho TS.KTS Nguyễn Thái Huyền. Đây không chỉ là một danh hiệu cao quý nhằm vinh danh những cống hiến của chị trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, nghệ thuật mà còn ghi dấu ấn hơn 20 năm TS.KTS Nguyễn Thái Huyền nỗ lực thúc đẩy phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch và Cảnh quan.

TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền
TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền

Lần đầu tiên Pháp “xuất khẩu” chương trình đào tạo kiến trúc cảnh quan

Từ năm 2010, TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền đã đóng vai trò là cầu nối then chốt trong việc thành lập chương trình liên kết đào tạo KTS cảnh quan đầu tiên tại Việt Nam giữa ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc và Cảnh quan Quốc gia Bordeaux cùng các trường ĐH Kiến trúc Quốc gia của Pháp. Năm 2011, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội được cấp mã ngành đào tạo chuyên ngành Kiến trúc Cảnh quan và từ năm 2014, nhà trường chính thức tuyển sinh bậc Đại học.
TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền cùng các giảng viên Pháp từ các trường ĐH Kiến trúc Quốc gia Pháp và các giảng viên của Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế – ĐH Kiến trúc Hà Nội đã tích cực củng cố các chương trình giảng dạy, tiếp tục mở ra các chương trình liên kết đào tạo ngành Kiến trúc với Pháp ở cả 3 bậc Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trải qua thời gian thực nghiệm và triển khai, đội ngũ giảng viên của Viện đã dần dần tiếp biến, chuyển hóa kiến thức tiếp cận xu hướng tiên tiến trên thế giới, chủ động cải tiến và đổi mới chương trình giảng dạy:

Một số đồng nghiệp Pháp đã quay về nước và ứng dụng những bài học thực tế tại Việt Nam, đưa vào đào tạo tại Pháp. Với chương trình hợp tác liên thông và trao đổi đào tạo, hàng năm trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tiếp nhận 50 sinh viên Pháp sang theo học tại Việt Nam. Điều này thể hiện tầm nhìn phát triển bền vững đối với một trường ĐH Quốc gia tại Việt Nam và sự hợp tác trao đổi song phương giữa hai quốc gia”.

Triết lý giáo dục từ chiều sâu văn hóa và “cảm nhận hồn nơi chốn”

Chương trình đào tạo kiến trúc cảnh quan hợp tác với Pháp mang những giá trị riêng biệt với cách tiếp cận bản địa hóa, từ cảm nhận cảm quan và chiều sâu văn hóa. Trao đổi về bản sắc riêng của chương trình, TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền cho biết: “Khác với cách tiếp cận của khối Anh – Mỹ, mô hình đào tạo của Pháp đặt nền tảng nghệ thuật làm trọng tâm, giúp người học nhận diện được hồn nơi chốn, tinh thần nơi chốn, từ đó có khả năng tái hiện, thay đổi hoặc tạo dựng cho không gian”.

Với triết lý đào tạo “KTS là con người của thực địa”, các bài tập thực tế là yếu tố cốt lõi và bản sắc của chương trình đào tạo. Theo đó, bài tập và đồ án của sinh viên đều được thực hiện trong điều kiện thực tế, tương tác trực tiếp với các chủ thể và các bên liên quan hợp tác với cơ quan địa phương, các viện nghiên cứu, trường Đại học, khối cộng đồng và khối kinh tế – xã hội…

Từ đó, TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền cho biết chương trình chú trọng đào tạo, rèn luyện sinh viên tư duy mở cùng khả năng thích ứng tốt trước những thay đổi nhanh chóng của thực tế – “Sự nhạy bén với bối cảnh, khả năng tự trau dồi kiến thức, làm việc liên ngành và hợp tác đa bên là những năng lực bắt buộc. Người học không còn thụ động chờ kiến thức, mà chủ động trở thành người kiến tạo tri thức, thử nghiệm, phản biện và phát triển chính mình trong mối quan hệ liên tục với xã hội và môi trường”.

Mô hình Living Lab – Đào tạo kiến trúc cảnh quan từ thực nghiệm không gian sống

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, mô hình Living Lab (trung tâm thí nghiệm sống) là một ý tưởng TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền cùng các đồng nghiệp Pháp và Việt Nam đã rất tâm huyết nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu tích hợp nghiên cứu – giáo dục và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề thực tế từ cuộc sống: “Living lab có thể được hiểu là phương pháp tiếp cận thực nghiệm đô thị sống, hoặc có thể hiểu là một trung tâm thực nghiệm đô thị sống. Phạm vi thí nghiệm là đô thị và mô hình thực nghiệm đô thị triển khai như một mạng lưới gắn kết các bên liên quan như cơ quan địa phương, khối kinh tế – xã hội và cộng đồng địa phương. Công nghệ giữ vai trò trung tâm trong mô hình này, tạo điều kiện để triển khai các nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm ý tưởng sáng tạo và thúc đẩy đổi mới ngay tại hiện trường, chứ không chỉ trên lý thuyết”.

Trên thực tế, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã tiên phong triển khai mô hình Living Lab từ năm 2018 với nhiều kết quả thực tiễn đáng ghi nhận. Tiêu biểu là dự án phối hợp cùng UBND xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) và cộng đồng địa phương thực hiện nghiên cứu quy hoạch bảo tồn làng chài truyền thống. Từ workshop khảo sát hình thái làng chài và xây dựng các kịch bản quy hoạch, kết quả nghiên cứu đã được TP phê duyệt và tiếp tục chuyển giao cho đơn vị tư vấn triển khai thành công và đưa vào thực tiễn áp dụng. Điều này cho thấy tác động sâu rộng của mô hình Living Lab, giúp kết nối thực tiễn học tập và thực hành nghề.

Với hơn hai thập kỷ cống hiến, những nỗ lực của TS. KTS. Nguyễn Thái Huyền từ việc xây dựng chương trình đào tạo liên kết quốc tế đến áp dụng mô hình Living Lab thực tiễn, đã và đang góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc cho ngành Kiến trúc Cảnh quan – một lĩnh vực ngày càng cấp thiết trong quá trình phát triển đô thị nhân văn và bền vững.

Tác giả: Lê Khanh
© Tạp chí Kiến trúc