Vừa qua, Tạp chí du lịch Timeout (Anh) đã giới thiệu 24 công trình kiến trúc đẹp mắt, hấp dẫn và ấn tượng trên thế giới do nhà văn du lịch Liv Kelly tuyển tập. Trung tâm Gốm Bát Tràng đã được chọn vào danh sách này với bởi thiết kế hiện đại gây ấn tượng, lấy cảm hứng từ bàn xoay gốm – biểu tượng của làng nghề. Trước đó, năm 2022-2023, Trung tâm Gốm Bát Tràng đã được trao Giải Vàng, Giải thưởng kiến trúc Quốc gia lần thứ 15.
Thông tin dự án:
- Tên công trình: Bảo tàng Gốm Bát Tràng
- Tác giả: KTS Hoàng Thúc Hào (chủ trì), KTS Nguyễn Duy Thanh,
KTS Đỗ Quang Minh – Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 (Hà Nội) - Địa điểm xây dựng: Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội
- Chức năng: Kiến trúc công cộng
- Diện tích khu đất xây dựng: 3830m2
- Năm hoàn thành thiết kế: 2018
- Năm hoàn thành xây dựng: 2021
Trung tâm Gốm Bát Tràng (còn có tên gọi khác là “Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt”) có địa điểm xây dựng ở thôn 5, làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Công trình tọa lạc bên trục đường chính đi vào làng Bát Tràng – song song với kênh Bắc Hưng Hải, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Đây là một khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh của quá trình đô thị hóa, với nhiều công trình mới và giao thương phát triển. Công trình được xây dựng trên một khu đất có diện tích 3830m2, là một phức hợp gồm khối kiến trúc bảo tàng chính ở giữa và các công trình phụ trợ nằm về 3 phía. Khối kiến trúc chính là 7 hình xoáy ốc giao thoa, đan xen vào nhau, lấy cảm hứng từ hình ảnh từ bàn xoay gốm thủ công với những đường cong mềm mại, gợi đến quá trình người thợ chuốt khối đất sét cùng bàn tay vuốt nặn tài tình. Ở một góc khác, người xem có thể liên tưởng đến hình ảnh lò bầu cổ của người Bát Tràng xưa. Những đường cong mềm mại được lặp đi lặp lại trên những khối kiến trúc chạy miên man vô tận gợi sự tinh tế của nghề gốm và văn hóa Bát Tràng, lại tựa như nhắc đến dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của làng nghề truyền thống.
Ngoài việc tạo hình kiến trúc, KTS đã rất chú ý yếu tố cảnh quan của công trình trong một bối cảnh chung. Theo đó, tiết chế mật độ xây dựng và chiều cao để tạo tỷ lệ hài hòa, cùng thủ pháp phân tán trên bố cục mặt bằng tổng thể. Không gian của công trình mở ra phía đường lớn và kênh Bắc Hưng Hải, tạo điểm nhấn và điểm nhìn tốt cũng như cải thiện không gian cảnh quan cho dòng kênh. Màu sắc chủ đạo của công trình được lựa chọn là màu nâu đỏ của gốm thô, của đất nung, gợi nên vẻ đẹp vừa mộc mạc, giản dị, vừa tinh tế. Vật liệu sử dụng trong công trình khai thác tối đa yếu tố truyền thống của làng gốm cổ như các loại gạch gốm cổ truyền, gạch men mosaic, ngói nung… để tạo nên màu sắc và chất cảm chân thực nhất.
Về công năng, đây là một tổ hợp công trình đa chức năng, được phân bố theo các khối kiến trúc và theo các tầng. Theo đó, tầng hầm là không gian sáng tác, trải nghiệm nghề gốm. Ở tầng 1 toàn bộ mặt bằng được giải phóng thành không gian mở, kết nối với kênh Bắc Hưng Hải có tên gọi “Quảng trường gốm” – là tổ chức hội chợ, các hoạt động văn hóa, giao lưu, festival làng nghề…; không gian tầng 2 là khu triển lãm lịch sử gốm sứ Bát Tràng qua các thời kỳ, tái hiện hình ảnh lò bầu, lò hộp, lò ga, cùng kỹ thuật và nghệ thuật làm gốm…; tầng 3 trưng bày các tác phẩm gốm đương đại, nói lên sự đổi mới không ngừng của Bát Tràng; tầng 4 là không gian thư giãn ngắm cảnh kết hợp nhà hàng, cà phê; tầng 5 là không gian nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Trung tâm Gốm Bát Tràng là nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của làng gốm; nơi trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm, nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống… Công trình sẽ là cầu nối đưa những tinh hoa văn hóa làng nghề tới du khách trong và ngoài nước; đồng thời, là nơi truyền lửa cho thế hệ tiếp theo của Bát Tràng duy trì và phát triển bền vững nghề gốm.