Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại khu vực Hà Nội, nhiều không gian nước truyền thống như ao nước, kênh mương đã bị san lấp, ô nhiễm hoặc xuống cấp nghiêm trọng, khiến vai trò điều tiết sinh thái và biểu tượng cảnh quan của chúng dần mai một [1]. Trong bối cảnh đó, mô hình Ao môi trường đã xuất hiện như một hình thức kiến tạo không gian giúp tái thiết mối quan hệ của cộng đồng với yếu tố nước thông qua những can thiệp quy mô nhỏ nhưng có tác động lan tỏa ở cấp độ làng xã.
Ao môi trường: Một dạng thức cảnh quan mặt nước mới trước quá trình đô thị hóa nông thôn Hà Nội
Ao môi trường là những ao nước vốn tồn tại từ lâu, được gìn giữ bảo vệ khỏi làn sóng chuyển đổi đô thị, được cải tạo và chỉnh trang để trở thành một không gian cảnh quan, cải thiện vi khí hậu và phục vụ sinh hoạt cộng đồng [2], [1]. Sự ra đời của khái niệm “Ao môi trường” gắn với nhu cầu xã hội về cải thiện môi trường sống tại huyện Đan Phượng, thành phố (TP) Hà Nội thông qua việc cải tạo ao hồ tại địa phương. Để tạo cảnh quan, điều hòa không khí và chống ngập úng, năm 2008, huyện đã có chủ trương cải tạo 101 ao đến 2015. Năm 2010, địa phương đã cải tạo được 25 ao, sau đó tiếp tục với 10 ao trong năm 2011 [3]. Trên toàn quốc, thuật ngữ “Ao môi trường” chỉ xuất hiện trong một văn bản chính thức duy nhất là “Quyết định về việc phê duyệt danh mục các dự án, công trình cấp bách cần triển khai trong thời gian quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 TP Hà Nội chưa được xét duyệt”. Và trong văn bản này, nó được sử dụng duy nhất để chỉ việc xây dựng “13 Ao môi trường” tại huyện Đan Phượng [4].
Tuy nhiên, dù thuật ngữ “Ao môi trường” có thể được coi là “khai sinh” từ những vận động tại huyện Đan Phượng, thì hình thức mặt nước nông thôn được cải tạo này lại không hề tồn tại cục bộ, mà xuất hiện ở khắp nơi quanh khu vực Hà Nội. Trong Quyết định số 800/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng….”. Chương trình này đã thúc đẩy một loạt các hoạt động cải tạo không gian tại các địa phương nhằm hiện đại hóa hạ tầng, cải thiện môi trường sống và nâng cao chất lượng cảnh quan, trong đó có không gian ao hồ.
Từ ao làng đến tổ hợp cộng đồng, cấu trúc không gian mới trong nông thôn chuyển đổi
Ao môi trường có thể xem là điểm giao thoa giữa “ao làng” truyền thống và xu hướng hiện đại hóa hạ tầng nông thôn. Cảnh quan này thường được bắt gặp tại những vị trí trung tâm trong đời sống làng xã, ví dụ như ở đầu làng, dọc đường chính, gần Nhà văn hóa, … Ao môi trường đa phần không tồn tại đơn lẻ, mà thường được tổ hợp cùng các công trình công cộng khác để cấu thành một không gian công cộng phức hợp phục vụ đời sống dân cư trong khu vực. Hình thức phổ biến là một mặt nước có kè bê tông hoặc trồng cỏ, bao quanh bởi đường dạo, bồn hoa, ghế đá, thậm chí sân khấu ngoài trời. Một số ao còn tích hợp đài phun nước, hệ thống xử lý bằng thực vật nổi hoặc bè thủy sinh [1].
Ở cấp độ biểu tượng, Ao môi trường gợi nhớ đến vai trò trung tâm của giếng làng trong cấu trúc truyền thống – Đó là nơi cung cấp nước, nơi diễn ra các lễ hội, nơi phản chiếu hình ảnh làng quê trong câu tục ngữ Cây đa – Giếng nước – Sân đình. Dù không phải là nguồn nước sinh hoạt quan trọng như giếng làng trước đây, Ao môi trường lại đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi không gian cộng đồng đương đại, mang trở lại hình ảnh về một giếng làng trong ký ức làng xã. Những ao nước này mang tính chất tượng trưng như một “ký ức vật thể” giúp cộng đồng duy trì mối liên hệ văn hóa với không gian cư trú [5].
Một hạ tầng sinh thái đa chức năng trong cảnh quan nông thôn hướng tới sự bền vững
Trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gây áp lực lên các hệ sinh thái địa phương, khái niệm “dịch vụ hệ sinh thái” (ecosystem services) được sử dụng như một khung phân tích để đánh giá các giá trị thiết yếu mà tự nhiên mang lại cho con người [6]. Khi nhìn qua lăng kính này, Ao môi trường không chỉ là một công trình môi trường đơn thuần, mà còn là một hạ tầng xanh cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái ở cấp độ làng xã. Theo phân loại phổ biến của Đánh giá Hệ sinh thái Thiên niên kỷ (Millennium Ecosystem Assessment), một khung lý thuyết về đánh giá hệ sinh thái do Liên hợp quốc xây dựng, các dịch vụ hệ sinh thái được chia thành bốn nhóm chính: Cung cấp (provisioning), điều tiết (regulating), văn hóa (cultural) và hỗ trợ (supporting) [7]. Dưới đây là cách Ao môi trường có thể được phân tích theo từng nhóm dịch vụ:
- Dịch vụ điều tiết
Ao môi trường đóng vai trò điều hòa vi khí hậu và kiểm soát ngập cục bộ thông qua khả năng chứa và làm chậm dòng chảy mặt. Bề mặt nước và cây xanh xung quanh ao góp phần làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, đặc biệt trong những ngày nắng nóng. Hệ thống thực vật thủy sinh được tích hợp có khả năng hấp thụ dinh dưỡng dư thừa (nitơ, phospho), giúp cải thiện phần nào chất lượng nước.
- Dịch vụ văn hóa
Mặc dù không dễ đo lường, Ao môi trường là nơi mang đậm “ý nghĩa không gian” (sense of place) đối với cộng đồng địa phương [5]. Người dân sử dụng không gian quanh ao để thư giãn, gặp gỡ, tập thể dục, hoặc tổ chức các sự kiện cộng đồng nhỏ như lễ hội thôn, hội chợ quê. Các hoạt động này nuôi dưỡng sự gắn bó tình cảm với nơi chốn và tạo dựng “bản sắc cảnh quan” (landscape identity) [5]. Thông qua đó, Ao môi trường đóng vai trò như một dịch vụ văn hóa có khả năng củng cố tính gắn kết xã hội.
- Dịch vụ cung cấp
Một số Ao môi trường cho phép người dân địa phương tận dụng để nuôi cá quy mô nhỏ phục vụ mục đích tự cung, tạo ra một phần dịch vụ cung cấp. Tuy nhiên, giá trị này có tính cục bộ và không phải là chức năng chính.
- Dịch vụ hỗ trợ
Dù không được thiết kế chuyên biệt như một “khu bảo tồn thiên nhiên”, Ao môi trường có thể tạo điều kiện cho một số hình thái đa dạng sinh học tồn tại, như côn trùng, chim nước, và thực vật thủy sinh. Những ao có thiết kế sinh thái tốt sẽ hỗ trợ các quá trình sinh học như lọc nước tự nhiên, vòng tuần hoàn chất dinh dưỡng và duy trì các loài bản địa.
Tuy nhiên, giá trị của Ao môi trường không chỉ nằm ở khả năng cung cấp dịch vụ sinh thái, mà còn ở khả năng “tích hợp đa giá trị” trong không gian nông thôn đang chuyển đổi. Ao trở thành “điểm chạm” giữa sinh thái và xã hội, giữa chức năng môi trường và thực hành không gian cộng đồng. Đây cũng chính là cơ sở để xem xét Ao môi trường như một dạng hạ tầng đa chức năng phù hợp với các định hướng quy hoạch cảnh quan bền vững [8]. Trong bối cảnh chuyển dịch từ mô hình nông thôn truyền thống sang nông thôn “mới”, một thách thức lớn đặt ra là làm sao để giữ gìn và tái cấu trúc cảnh quan theo hướng bền vững – vừa duy trì bản sắc địa phương, vừa tích hợp hiệu quả sinh thái, xã hội và thẩm mỹ. Ao môi trường, trong vai trò là một công trình vừa kỹ thuật vừa biểu tượng, đang dần trở thành hạt nhân của quá trình này.
Cảnh quan bền vững là cảnh quan có khả năng cung cấp ổn định các dịch vụ hệ sinh thái đặc trưng của địa phương, đồng thời đảm bảo khả năng thích nghi trước các biến đổi môi trường và xã hội [9]. Với đặc tính là công trình cảnh quan có kết nối giữa nước – con người – không gian sinh hoạt cộng đồng, Ao môi trường có tiềm năng lớn trong việc định hình lại các điểm nhấn trung tâm của làng xã, nơi từng bị lãng quên hoặc san lấp trong quá trình bê tông hóa. Tại nhiều địa phương vùng ven Hà Nội, việc cải tạo Ao môi trường không chỉ là giải pháp xử lý nước thải mà còn là chiến lược phục hồi các nút cảnh quan đã mất – nơi từng là điểm tụ văn hóa, không gian hội họp tự nhiên của cộng đồng. Thay vì phát triển cảnh quan theo lối “hình thức hóa” với cây cảnh, sân gạch, các ao này tạo nên một cấu trúc mềm linh hoạt, giữ lại yếu tố thủy – vốn là đặc trưng sinh thái và biểu tượng văn hóa của đồng bằng sông Hồng [1]. Quan trọng hơn, việc tích hợp Ao môi trường vào quy hoạch nông thôn theo hướng hạ tầng xanh cho thấy khả năng tiếp cận liên ngành giữa thiết kế, sinh thái học và quy hoạch cộng đồng. Không gian ao mở ra cơ hội thúc đẩy đa dạng sinh học, điều tiết vi khí hậu, đồng thời tạo nền tảng cho giáo dục môi trường và nuôi dưỡng mối liên kết giữa cư dân với nơi chốn. Đây chính là những yếu tố then chốt trong tiếp cận cảnh quan bền vững [9], [5]. Ngoài ra, với tính chất linh hoạt, dễ tái tạo, chi phí thấp và khả năng tùy biến theo điều kiện địa phương, Ao môi trường có thể trở thành mô hình mẫu để nhân rộng trong chiến lược phát triển nông thôn tích hợp – nơi mỗi công trình cảnh quan không đơn thuần là “trang trí không gian”, mà là “hệ thống hạ tầng xã hội – sinh thái” mang tính chiến lược [10], [11].
TS.KTS-CQ Nguyễn Tiến Tâm – Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (IITC-HAU)
Tài liệu tham khảo
[1] T. T. Nguyen, ‘L’eau dans les paysages urbains et péri-urbains à l’Ouest de Hanoï (Vietnam) : Etats des lieux et enjeux pour des projets d’aménagement durable’, phdthesis, Université Michel de Montaigne – Bordeaux III ; Université d’architecture de Hanoï, 2022. Accessed: May 25, 2025. [Online]. Available: https://theses.hal.science/tel-04861125
[2] T. T. Nguyen, B. Davasse, and T. H. Nguyen, ‘Paysage de l’eau et politiques de (ré)aménagement dans le delta du fleuve Rouge’, Projets de paysage. Revue scientifique sur la conception et l’aménagement de l’espace, vol. 21, Art. no. 21, Dec. 2019, doi: 10.4000/paysage.2187.
[3] Dung and Huyền, ‘Bắt đầu từ cái ao làng’, hanoimoi.vn. Accessed: May 26, 2025. [Online]. Available: https://hanoimoi.vn/bat-dau-tu-cai-ao-lang-272656.html
[4] UBND Thành phố Hà Nội, Quyết định về việc phê duyệt danh mục các dự án, công trình cấp bách cần triển khai trong thời gian quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 thành phố Hà Nội chưa được xét duyệt. 2011. Accessed: May 25, 2025. [Online]. Available: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Quyet-dinh-3785-QD-UBND-Phe-duyet-Danh-muc-du-an-cong-trinh-cap-bach-128734.aspx
[5] V. A. Masterson, J. P. Enqvist, R. C. Stedman, and M. Tengö, ‘Sense of place in social–ecological systems: from theory to empirics’, Sustainability Science, vol. 14, no. 3, Art. no. 3, Apr. 2019, doi: 10.1007/s11625-019-00695-8.
[6] M. Potschin, R. Haines-Young, R. Fish, and R. K. Turner, Routledge Handbook of Ecosystem Services. Routledge, 2016.
[7] MEA, Ecosystems and Human Well-being: Synthesis, 1st edition. Washington, DC: Island Press, 2005.
[8] B.-B. Zhou, J. Wu, and J. M. Anderies, ‘Sustainable landscapes and landscape sustainability: A tale of two concepts’, Landscape and Urban Planning, vol. 189, pp. 274–284, Sep. 2019, doi: 10.1016/j.landurbplan.2019.05.005.
[9] J. Wu, ‘Landscape sustainability science: ecosystem services and human well-being in changing landscapes’, Landscape Ecol, vol. 28, no. 6, pp. 999–1023, Jul. 2013, doi: 10.1007/s10980-013-9894-9.
[10] Y. Zhang, ‘On the social-ecological systems (SES) diagnostic approach of the commons: Sharing, cooperation, and maintenance’, PLOS Sustainability and Transformation, vol. 2, no. 4, p. e0000057, Apr. 2023, doi: 10.1371/journal.pstr.0000057.
[11] R. Biggs, A. de Vos, R. Preiser, H. Clements, K. Maciejewski, and M. Schlüter, The Routledge Handbook of Research Methods for Social-Ecological Systems. Routledge, 2021.