Dự án Lá phổi xanh Hà Nội – mở rộng không gian xanh cho thành phố

Khu vực Bãi giữa sông Hồng được mệnh danh là “Lá phổi xanh của Hà Nội” với diện tích lớn và vị trí gần trung tâm nhất Thành phố. Nơi đây tạo thành một khu rừng cận nhiệt đới đan xen các lối đi dạo hướng tới một không gian xanh cho Thủ đô, góp phần giảm ô nhiễm không khí và xói mòn đất, gia tăng sự đa dạng sinh học, tạo ra một địa điểm cho các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn ngoài trời phục vụ cư dân và khách du lịch, nâng cao ý thức và quan hệ cộng đồng về môi trường và bảo vệ môi trường.

Qua tham khảo mô hình không gian xanh đô thị tại các thành phố lớn trên thế giới, căn cứ tham vấn của chuyên gia về môi trường, vận động cộng đồng và tình nguyện viên đã lên kế hoạch phủ xanh khu đất 26ha thuộc Bãi giữa Sông Hồng. Theo các nghiên cứu sinh thái học, nơi đây đã ghi nhận hơn 300 loài chim cư ngụ, cho thấy tầm quan trọng của khu vực này với đa dạng sinh học chung của thành phố. Ở vị trí đón gió về, khu bãi giữa sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc cấp ô-xy và khí tươi thay thế cho không khí nhiều CO2 trong môi trường đô thị nội thành.

Tuy nhiên, mật độ cây xanh của khu vực vẫn ở mức rất thấp (17.000 cây/26.3ha), các hoạt động đổ rác, sử dụng đất chưa hiệu quả, thiếu quy hoạch tổng thể, chiếm đất trái phép đã dẫn đến tình trạng đất bị ô nhiễm, sạt lở, xói mòn.

Trong bối cảnh Thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dày đặc, thiếu nghiêm trọng không gian xanh so với các thành phố khác dẫn đến ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, nhiệt độ mặt đất tăng cao, cư dân thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng – ngoài trời, dự án phi lợi nhuận phủ xanh Bãi giữa sông Hồng giúp tăng sự đa dạng sinh học trong thành phố, giảm thiểu ô nhiễm không khí và lượng khí thải CO2, cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị. Bên cạnh đó dự án còn thúc đẩy các hoạt động ngoài trời, kết nối con người với thiên nhiên, tăng thêm không gian xanh cho thành phố, nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường, bảo vệ môi trường và giáo dục về tự nhiên, giảm xói mòn và sạt lở đất bờ Bãi giữa và kết nối cộng đồng qua sự chung tay triển khai dự án.

Theo kế hoạch, dự án có diện tích 26,3ha nằm dưới cầu Long Biên và cầu Chương Dương với số lượng cây xanh: hơn 1.000.000 cây được chia làm 4 – 5 tầng tán; đường đi dạo bằng các vật liệu tự nhiên như đá dăm, gỗ, bê tông… Có thể kết hợp những đường dạo trên cao, dễ dàng cho việc kết nối cũng như quản lý, bảo vệ khu rừng với 9.150m2 tổng diện tích đường đi dạo trong khuôn viên và tổng chi phí dự kiến của dự án là 40.112 tỷ VNĐ  ( 150.000vnđ/ m2).

Tiến độ dự kiến thực hiện

Thời gian thực hiện dự án: 15 năm chia làm 2 giai đoạn

  • Giai đoạn 1: 03-05 năm, trồng cây giống theo các modul 20x20m;
  • Giai đoạn 2: 05-10 năm, nuôi dưỡng và quy hoạch cây phát triển thành đủ 4 tầng tán;
  • Sau giai đoạn 2: Hệ sinh thái tự nhiên của rừng có thể tự vận hành và không cần nhiều sự can thiệp của con người.

Nhân lực/nhân công: 5.850 công thợ bao gồm:

  • Tình nguyện viên: Thực hiện các công việc nghiên cứu đánh giá về khu vực Bãi giữa như nghiên cứu thổ nhưỡng, thủy văn; kêu gọi truyền thông và sự hỗ trợ từ cộng đồng; thực hiện các dự toán sơ bộ, tham gia chuẩn bị về công tác xin giấy phép, xin hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ…
  • Cộng đồng: Là nhân tố quan trọng trong giai đoạn 1 của dự án (khi được cấp phép, thông qua bởi chính quyền thành phố và chính quyền địa phương), tham gia vận chuyển, trồng cây, chăm sóc cây,..

Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra không gian công cộng mới cho người dân thành phố Hà Nội, khách du lịch trong nước và nước ngoài đồng thời tăng thêm diện tích cây xanh/ đầu người của Hà Nội, thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực, cải thiện vệ sinh môi trường tại khu vực dự án, tại cơ hội việc làm cho người dân địa phương ( chăm sóc, bảo trì bảo vệ rừng) – nghề mới có tính bền vững được tạo ra dưới sự quản lý của chính quyền địa phương,…

Phương pháp trồng rừng được tiến hành theo các bước

  1. Thẩm định đất: Đánh giá loại đất, thành phần của đất để tìm ra chất dinh dưỡng bị thiếu hụt – Loại đất phù sa: Chất đất giàu dinh dưỡng và phù hợp với nhiều chủng loại cây trồng khác nhau.
  2. Chọn giống cây: Căn cứ vào loại đất, khí hậu, địa hình, đã tham khảo ý kiến chuyên gia, giảng viên tại trường lâm nghiệp để chọn giống cây phù hợp
  3. Cải thiện đất: Sử dụng nguồn dinh dưỡng sẵn có xung quanh để bổ sung cho lớp đất trên cùng dày 1m. Nguồn dinh dưỡng này có thể cân nhắc sử dụng linh hoạt, ví dụ như: Phân hữu cơ, phân vi sinh,…
  4. Trồng cây: Sau khi cải thiện đất, tiến hành trồng cây giống với mật độ 3-5 cây/m2
  5. Giám sát sự phát triển: Trong 8 tháng đầu, các cây giống sẽ phát triển và bắt đầu có sự tranh chấp về ánh sáng và phân chia các tầng tán cơ bản
  6. Chăm sóc: Trong vòng 1-2 năm đầu, rừng cần được chăm sóc, bảo trì cơ bản như: Bón phân, tưới và cắt tỉa, sau đó sẽ tự phát triển một cách tự nhiên.

Dự án đã có những nghiên cứu sơ bộ về hiện trạng khu vực; đã có đội ngũ tình nguyện viên làm việc về các vấn đề liên quan. Hiện tại đang đề xuất với chính quyền thành phố và chính quyền địa phương, chờ sự chấp thuận phê duyệt cho dự án. Dự kiến sau khi nhận được sự chấp thuận của thành phố và vốn đầu tư, dự án sẽ kêu gọi các chuyên gia về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy văn… làm công tác nghiên cứu đánh giá chính xác về khu vực để làm tiền đề cho giai đoạn 1. Tiếp đến sẽ thực hiện chọn lựa giống cây và cải tạo đất khu vực và kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện giới thiệu thêm về dự án, sự giúp đỡ từ các tổ chức phi chính phủ, bắt đầu triển khai giai đoạn 1 của dự án.

Dự án có sự tham gia hỗ trợ của:

  • Kiến trúc: Hội KTS Việt Nam, AGOHUB, KienViet
  • Chuyên gia: UNESCO, UNDP, FAO, chuyên gia về các lĩnh vực luật pháp, quy hoạch, địa chất, lâm nghiệp, thủy văn
  • Cộng đồng: Hội đồng Nhân dân Thành phố, Tổ chức PCP địa phương, cộng đồng cư dân địa phương
  • Chính quyền: Các Bộ Xây dựng, Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT, Lãnh đạo UBND Thành phố và Lãnh đạo Sở ban ngành.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc