Trong những năm gần đây Hà Nội đang triển khai nhiều dự án về không gian sáng tạo, kết nối cộng đồng cả về quy mô lớn và nhỏ, do Nhà nước cũng như các tổ chức cá nhân lập nên. Đặc biệt là sau khi được ghi nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố sáng tạo của Unesco, các hoạt động liên quan đến sáng tạo, các hoạt động chia sẻ cộng đồng tại thủ đô được diễn ra thường xuyên và sôi nổi hơn. KTS trẻ Việt Nam đã và đang góp phần tích cực trên chặng đường sáng tạo không ngừng đó. Hãy cùng PV TCKT lắng nghe những chia sẻ của 2 đại diện Văn phòng Kiến trúc VUUV: KTS Vũ Hoàng Hà và KTS Vũ Hoàng Sơn về những công trình sáng tạo và những hoạt động riêng của mình góp phần tạo nên Hà Nội “Đổi mới” – “Sáng tạo”.
KTS Vũ Hoàng Hà: Đối với chúng tôi, kiến trúc là một hành trình dài về sáng tạo và tìm kiếm những trải nghiệm mới, nhằm trả lời cho một bối cảnh rất cụ thể về xã hội đương thời. Việc hạn chế năng lượng trong xây dựng, tạo thêm các không gian xanh là điều kiện bắt buộc trong tình hình hiện nay, nhưng với những công trình gần đây chúng tôi còn đặt nhiều câu hỏi về giá trị cốt lõi của kiến trúc, đó là công năng của một tòa nhà. Việc bố trí những công năng trong một công trình luôn làm chúng tôi phải tư duy nhiều nhất. Nhiều khái niệm về công năng được định nghĩa lại, hay nhiều khi phải thiết lập những công năng mới để phù hợp với những thay đổi hàng ngày của xã hội. Các công năng không chỉ hợp lý và hiệu quả cho riêng tòa nhà mà còn phải được tổ chức để tạo nên một hệ sinh thái tốt nhất cho khu vực xung quanh. Tòa nhà VUUV vừa được chúng tôi thực hiện xong là một công trình nhà Ống nằm trong khu trung tâm Hà Nội. Ở đó, chúng tôi đã đặt lại câu hỏi về bản chất cho loại hình nhà ở chiếm tỷ lệ lớn nhất của thành phố hiện nay. Ngôi nhà ống không chỉ còn mang một chức năng duy nhất về ở mà nó dường như phải chứa đựng một xã hội thu nhỏ, bao gồm nhiều chức năng công cộng khác nữa (café co-working, cửa hàng, không gian triển lãm, văn phòng kiến trúc, cùng với nhà ở cho ba thế hệ). Một hệ sinh thái phức hợp được thiết lập linh hoạt, ứng biến với mỗi công năng cụ thể tại mỗi tầng nhà. Sự thành công của dự án là chúng tôi đã tạo ra một hệ cấu trúc không gian có thể phù hợp với sự đa dạng của công năng và sự tương tác rất tự nhiên mật thiết giữa các tầng nhà, trong khi vẫn giữ được sự độc lập của từng đơn vị.
KTS Vũ Hoàng Sơn: Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong những năm gần đây Hà Nội đang triển khai nhiều dự án về không gian sáng tạo, kết nối cộng đồng cả về quy mô lớn và nhỏ, do nhà nước cũng như các tổ chức cá nhân lập nên. Đặc biệt là sau khi Hà Nội được ghi nhận là Thành phố sáng tạo của Unesco, các hoạt động liên quan đến sáng tạo, các hoạt động chia sẻ cộng đồng được diễn ra thường xuyên và sôi nổi hơn. Bản thân chúng tôi, ngoài công việc thực hành kiến trúc, còn đồng sáng lập và điều hành CLB Điện ảnh kiến trúc, một tổ chức đã hoạt động trong vòng 5 năm qua với mong muốn chia sẻ những bộ phim có giá trị trên thế giới về Kiến trúc và Quy hoạch đô thị. Đó cũng là một diễn đàn để những người trong và ngoài nghề có thể tranh biện, đưa ra những ý kiến cá nhân, đem lại những bài học bổ ích cho đô thị của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ rất nhanh.
Về lĩnh vực thiết kế, vai trò của kiến trúc sư trong việc tạo ra không gian kết nối cộng đồng là rất quan trọng. Với quỹ đất ngày càng chật hẹp của đô thị, việc có được một không gian để tổ chức các hoạt động cộng đồng là rất đáng quý. Chúng ta cần biết cách khai thác một cách hiệu quả các không gian này. Làm sao tạo ra được các không gian mang tính linh hoạt, cho phép dễ dàng tổ chức các hoạt động cộng đồng khác nhau riêng biệt hoặc đồng thời. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và thiết kế các không gian thú vị, để từ đó chính chúng gợi mở sự sáng tạo cho những người sử dụng. Sáng tạo tiếp diễn sáng tạo, và dần dần trở thành một thói quen trong cộng đồng.
Một công trình kiến trúc với sức mạnh biểu đạt của nó, cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng để tạo ra những chuỗi hoạt động sáng tạo khác trong đó. Một ví dụ rất thú vị như không gian hai trong số các tầng của Tòa nhà VUUV đã diễn ra triển lãm “Ống thở”, nơi mười sáu nghệ sĩ đương đại của Việt Nam đã lấy chính kiến trúc đặc biệt của công trình để làm nguồn cảm hứng để sáng tác tác phẩm của mình (một loại hình nghệ thuật Site-specific rất mới tại Việt Nam). Và điều ngạc nhiên hơn nữa là trong khung cảnh triển lãm đó, các nghệ sĩ âm nhạc Underground trẻ lại thực hiện những bản MV mới để nói về một Hà Nội đương đại nhưng giàu bản sắc riêng của mình.
KTS Vũ Hoàng Hà: Một thành phố có giá trị và giàu bản sắc luôn là nơi tạo ra nhiều nguồn cảm hứng để sáng tác. Khi sáng tạo được khuyến khích một cách bài bản, với những luật lệ chặt chẽ thì không có gì phải lo ngại. Một mặt chúng ta cần phải gìn giữ tối đa những công trình lịch sử vốn có đang dần bị hủy hoại, mặt khác những không gian hiện hữu có giá trị vẫn phải “thở” cùng thời đại. Bên cạnh việc xây dựng những không gian mới, chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất những ý tưởng sáng tạo thú vị, giúp cho những không gian lịch sử mang hơi thở mới, những giá trị mới, tương tác tốt hơn với người sử dụng đương thời, nhưng không làm mất đi những dấu ấn đặc trưng mang tính lịch sử của không gian đó. Đây cũng là một phần rất quan trọng của sự phát triển bền vững cho một đô thị.
KTS Vũ Hoàng Sơn: Sáng tạo là kim chỉ nam của kiến trúc sư nói riêng hay các ngành nghệ thuật khác nói chung. Ở những nước phát triển, những người làm thiết kế luôn được trau dồi trong một môi trường sáng tạo chuyên nghiệp hình thành từ lâu đời, cùng với một thể chế có luật pháp rõ ràng và có những đầu tư thích đáng để khuyến khích các tài năng. Tôi hy vọng rằng việc Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo của Unesco sẽ là cơ hội để chúng ta bắt đầu xây dựng một môi trường sáng tạo có hệ thống và bài bản. Đồng thời chính phủ cần phải có những chủ trương và định hướng cụ thể nhằm phát triển các hoạt động sáng tạo. Điều đó sẽ cổ vũ những nhà thiết kế tự tin hơn và giúp cho kiến trúc cũng như các loại hình nghệ thuật khác được giới thiệu một cách tốt nhất ra môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, nó cũng mang đến thách thức cho các nhà sáng tạo Việt Nam càng phải nỗ lực hơn nữa để có những thiết kế chất lượng với chiều sâu giá trị trong mỗi dự án để thực sự có thể bứt phá và khẳng định chính mình.
Văn phòng kiến trúc VUUV được thành lập năm 2016 bởi hai kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà sau gần 20 năm kinh nghiệm học tập và làm việc tại châu Âu. Các công trình do VUUV thiết kế rất đa dạng gồm nhiều thể loại như: nhà ở, nhà hàng, công trình nghỉ dưỡng, văn phòng, không gian sáng tạo…
Bích Thuỷ (Thực hiện)
© Tạp chí kiến trúc