Với thông điệp đặc biệt về Triết lý kiến trúc hạnh phúc và những công trình kiến trúc vì cộng đồng, KTS Hoàng Thúc Hào đã vượt qua nhiều ứng cử viên để giành Giải thưởng SIA – Getz Architecture 2016 cho KTS nổi bật châu Á. Các tác phẩm của anh và cộng sự VP Kiến trúc 1+1>2 được đánh giá cao không chỉ về tính bền vững của công trình, mà đem lại ý nghĩa mới cho cuộc sống của người dân trong nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa.
Xem thêm: 10 sự kiện thu hút sự chú ý của giới Kiến trúc sư năm 2016
“Giải thưởng Pritzker của Kiến trúc châu Á”
Giải thưởng SIA-GETZ do Viện KTS Singapore (SIA) và Getz Bros & Co sáng lập từ năm 2005 nhằm công nhận và tôn vinh những KTS có cống hiến đặc biệt cho sự phát triển của kiến trúc châu Á, có tầm ảnh hưởng và thu hút công chúng, khuyến khích các thế hệ KTS châu Á tương lai, tôn vinh sự nghiệp kiến trúc của KTS tiêu biểu…Hai năm tổ chức một lần, Giải thưởng được xem như Giải Pritzker với Kiến trúc châu Á. Người dự giải phải được một nhân vật có uy tín đề cử, hồ sơ xét giải tối thiểu là 5 công trình và triết lý hành nghề của ứng viên.
Trong thư đề cử KTS Hoàng Thúc Hào, TS Nirmal Kishnani (Chuyên gia về kiến trúc xanh, phó hiệu trưởng trường Kiến trúc – Đại học Quốc gia Singapore NUS, Tổng biên tập Tạp chí Future Arc) viết: “Đồ án Nhà cộng đồng Suối Rè của Hoàng Thúc Hào là một ví dụ thực tiễn trong cuốn sách “Xanh hóa châu Á” – Greening Asia phát hành năm 2012 của tôi. Tôi chọn công trình này bởi sự nhạy cảm của nó với khí hậu và cộng đồng, điều tôi nhận thấy rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam. Khuynh hướng bản địa của nó không chỉ thể hiện sự hoài niệm mà còn cho thấy những cách làm mới mẻ, gây được sự chú ý với vùng nông thôn đang bị lãng quên. Cũng từ công trình này, Hoàng Thúc Hào phát triển sự nghiệp với một loạt dự án nhà cộng đồng như nhà ở cho nông dân và công nhân, trường học cho trẻ em nghèo… Ngôn ngữ thiết kế của anh giản dị nhưng luôn ẩn chứa cách tân về công nghệ và kỹ thuật, nâng cao giá trị trải nghiệm trong mỗi công trình. Anh đã hợp nhất ý tưởng về hình thức và sự gắn kết với cộng đồng thành luận điểm “kiến trúc hạnh phúc”, được coi là nguyên lý cốt lõi trong các thực hành kiến trúc của anh. Kiến trúc của Hoàng Thúc Hào không chỉ nhắm đến sự bền vững của công trình, nó còn nhắm tới bền vững về văn hóa, một khía cạnh thường bị bỏ qua ở các nước phát triển.”
Giải SIA – Getz Architecture 2016 đã chọn trong số hồ sơ gửi đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, bao gồm Nhật Bản, Ấn độ, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam và Singapore. Ông Richard K.F. Ho, Chủ tịch Ban Giám khảo chia sẻ: “Với Giải thưởng dành cho KTS châu Á nổi bật lần này, Ban tổ chức đã nhận được số lượng tác phẩm dự thi kỷ lục và cuối cùng đã quyết định trao giải cho KTS Hoàng Thúc Hào với những thiết kế mang lại hạnh phúc cho cộng đồng vốn bị lãng quên trong xã hội hiện đại, đặc biệt những cộng đồng nhỏ ở nông thôn hay những cộng đồng thiểu số…
Những tác phẩm kiến trúc vì cộng đồng yếm thế
Hồ sơ ứng viên dự Giải SIA – Getz Architecture 2016 của KTS Hoàng Thúc Hào bao gồm 6 công trình: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), Làng Homestay Nậm Đăm (Hà Giang), Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An), Trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) và Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia Bhutan. Đây thực sự là những tác phẩm, tuy không lớn về quy mô nhưng thể hiện rõ nét bản sắc địa phương, không gian thân thiện, gần gũi… Điểm quan trọng là những công trình này tuy đa dạng về hình khối, chất liệu song thể hiện quan điểm nhất quán của tác giả với thông điệp xuyên suốt: Kiến trúc Hạnh phúc vì con người và tương lai văn hóa.
Nói về quá trình hơn 10 năm theo đuổi triết lý Kiến trúc hạnh phúc và thực hiện những công trình kiến trúc cộng đồng: KTS Hoàng Thúc Hào cho biết “Toàn cầu hóa mang lại giá trị to lớn nhưng có nguy cơ xóa nhòa bản sắc, nhất là ở những cộng đồng yếm thế. Trong bối cảnh thành thị luôn là trung tâm của mọi chú ý, giới KTS mong muốn làm gì đó cho nông thôn, phát triển các nguồn lực địa phương. Chúng tôi thấu hiểu những cộng đồng yếm thế nắm giữ kho tàng văn hóa quý báu của nhân loại, họ đương nhiên có quyền cất tiếng nói riêng. Và kiến trúc sẽ góp phần tạo dựng những không gian văn hóa như thế…”
Vượt khó khăn, KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự vừa thiết kế, nghiên cứu thực nghiệm, vừa trở thành những nhà hoạt động xã hội kết nối cộng đồng, kết nối các nguồn lực. Mỗi công trình là một câu chuyện riêng với những thách thức khác nhau. Sự say mê là động lực chính giúp anh và cộng sự vượt khó, trở thành “KTS hạnh phúc”, thiết kế những công trình bền vững, đem lại hạnh phúc cho người sử dụng.
“Làm kiến trúc với niềm say mê – Đó là hạnh phúc của người làm nghề!”
KTS Hoàng Thúc Hào tâm sự như vậy trong cuộc giao lưu với các em SV ĐH Xây dựng sau chuyến đi nhận Giải SIA-GETZ 2016 tại Singapore. Câu chuyện xoay quanh sự say mê với nghề, những bài học kinh nghiệm và cả những trăn trở, những khó khăn khi thực hiện ý tưởng sáng tạo ở những vùng sâu, vùng xa, cho người dân miền núi…
KTS Hoàng Thúc Hào: Từ trước đến nay, việc làm kiến trúc của chúng tôi đơn giản là: Cứ làm thôi, nhiều khi không hiểu và cũng chẳng có thời gian thắc mắc tại sao khó khăn thế mà vẫn làm?. Thực tế là tôi không khỏe, vì thế nên lười đi lại. Nhưng là công việc thì buộc phải đi, phải vận động. Nói cách khác, nếu đã yêu thì như người “nghiện” – cứ mải miết làm và quên mệt mỏi. Thực tế, chúng tôi đã làm nhiều dự án trong trạng thái như lên đồng…

Triết lý kiến trúc hạnh phúc của KTS Hoàng Thúc Hào là những bài học đúc rút từ chính đời sống và quá trình làm nghề của anh. Với người trong nghề, đó thực sự là một hành trình khó khăn với nhiều thách thức, nhiều cảm xúc… Niềm say mê với những vùng đất hẻo lánh, với những khu vực nghèo, những cộng đồng khó khăn… đã là động lực để KTS hạnh phúc trong công việc, đem lại hạnh phúc cho người sử dụng – Hạnh phúc thể hiện qua từng công trình, từng chi tiết xử lý không gian, ánh sáng, công năng và tạo nên hồn cốt, sức sống để chúng trở thành những tác phẩm kiến trúc thực thụ…
Phóng viên (P/V): Về triết lý kiến trúc hạnh phúc, anh chú trọng nhiều hơn đến yếu tố KTS hạnh phúc hay người sử dụng hạnh phúc?
KTS Hoàng Thúc Hào: Thực ra kiến trúc hạnh phúc là khái niệm khá trừu tượng, xuất phát từ thực tiễn, trong quá trình chúng tôi thiết kế và thực hiện những dự án vì cộng đồng yếm thế. Chúng tôi theo đuổi triết lý kiến trúc hạnh phúc – Nghĩa là người sử dụng công trình phải cảm thấy khỏe mạnh, an toàn, hứng khởi; thấy có quá khứ, tương lai. Kiến trúc như một chỉnh thể hữu cơ, phải lan tỏa, phải hấp dẫn, truyền cảm hứng cho những công trình khác. Tôi nhớ câu: Người hạnh phúc là người đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho người khác. Bởi vậy, triết lý kiến trúc hạnh phúc sẽ được nhìn nhận từ các yếu tố: KTS hạnh phúc, người sử dụng hạnh phúc và công trình tạo ra sự ngạc nhiên bền vững. Trong đó, “ngạc nhiên bền vững” là một quá trình, không chỉ là một kết quả cứng sau khi hoàn thành xây dựng, nó tạo ra các kênh cho khả năng tiếp biến văn hóa, khả năng tạo lập truyền thống mới.
Từ góc độ tâm lý học, các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc bao gồm hoàn cảnh, bản thể, hoạt động có nhận thức của con người, tác động tích cực hay tiêu cực đến hiện thực khách quan. Khoa học chứng minh, chính cái tôi nhận thức này có tính quyết định trong việc gia giảm hàm lượng hạnh phúc.
Với các công trình kiến trúc cộng đồng, hạnh phúc của người làm nghề chính là tạo ra những giá trị mới cho văn hóa bản địa, tạo ra “ngạc nhiên bền vững”. Điểm này đòi hỏi bền bỉ, kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu. Then chốt là hình thái kiến trúc luôn chủ ý biểu hiện, luôn là kết quả của tương tác giữa ý tưởng sáng tạo, tri thức hàn lâm với những yếu tố bản sắc cốt lõi địa phương, ươm mầm cho “ngạc nhiên bền vững”.
P/V: Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về “ngạc nhiên bền vững”? Điểm này rất mới và ít người biết?
KTS Hoàng Thúc Hào: Tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và tìm kiếm những kiến giải giúp bản thân và mọi người hiểu rõ hơn khái niệm. Khi chúng tôi thi công nhà Nậm Đăm, một chi tiết nhỏ là mái công trình được cách điệu từ hình ảnh cánh chim én. Một thời gian nữa, có thể chim én sẽ kéo về trú ngụ dưới mái. Như hàng đàn én đã và đang làm tổ dưới mái nhà dân trong bản. Chính những hi vọng như vậy đem lại “ngạc nhiên bền vững” trong tương lai. Thật khó diễn tả bằng lời, bạn phải đến tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được.
P/ V: Là KTS vừa thiết kế, vừa trực tiếp truyền nghề cho sinh viên, anh có kế hoạch truyền lửa, truyền cảm hứng cho các em như thế nào?
KTS Hoàng Thúc Hào: Sắp tới, tôi và cộng sự xúc tiến thành lập trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm các loại vật liệu, kết cấu…. Mục tiêu là tạo sự tương tác giữa kiến thức dân gian, những giá trị bản địa cốt lõi với tri thức hàn lâm, học viện, tạo tiền đề cho những đề xuất mới, táo bạo.
Với sinh viên, tôi nghĩ sau 5 năm học, các bạn phải nhận thức rõ các bạn thích gì, say mê cái gì… chuẩn bị đủ quyết tâm theo đuổi, thậm chí thay đổi bản thân để thực hiện đến cùng mục tiêu. Thực tế, lượng kiến thức rất nhiều, nhưng chúng lại rời rạc, việc của các bạn là làm sao liên kết tri thức lại trong những dự án cụ thể. Và không cách nào khác – Học phải đi đôi với hành. Nếu trong 5 năm bạn làm được 2 đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia vài cuộc thi, bạn đã có điều kiện thực hành xâu chuỗi kiến thức và biết vận dụng chúng vào thiết kế của mình.
Điểm cần thiết nữa là các bạn nên ra ngoài, thành một thực thể tương tác với xã hội, vận động và kết nối các nguồn lực xã hội. Trong quá trình đó, tôi tin các bạn sẽ học được rất nhiều, trưởng thành rất nhiều.
P/V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh và các cộng sự tiếp tục gặt hái những thành công mới trên hành trình xây dựng những công trình và triết lý kiến trúc hạnh phúc!

Việt Nam mình nhiều khi thiệt thòi, vì đất nước ít có điều kiện ra với thế giới. Chính vì vậy, Giải thưởng KTS nổi bật châu Á lần này là thành công vượt bậc của KTS Hoàng Thúc Hào. Chúc mừng Hào và cả trường ĐH Xây dựng.
Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật, như là kịch, nhạc, họa… Tuy nhiên, để nói được điều gì hay gửi gắm thông điệp qua công trình là rất khó biểu đạt. KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự lại thể hiện một triết lý riêng, xuyên suốt các tác phẩm. Tôi thấy anh bền bỉ hàng chục năm qua theo đuổi Kiến trúc hạnh phúc, với những công trình đặc biệt. Đó là những kiến trúc khiêm tốn thôi, nhưng có tiếng nói riêng và Hào nói được điều mình muốn. Tôi muốn các em, các KTS trẻ, các SV, hãy từ bài học làm nghề của một thầy giáo, để suy nghĩ về hướng đi cho mình trong tương lai – Hãy có trách nhiệm với cộng đồng, qua những công trình đẹp và giàu tính nhân văn!
Thảo Nguyên – TCKT.VN
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2016