Ký ức về Cung Thiếu Nhi Hà Nội

Gặp nhau bên lề Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội 2021, những cựu đội viên tham gia sinh hoạt tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội: KS Phan Long, họa sĩ Bích Ngân, Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, nhà khoa học Phạm Long, KTS Nguyễn Trương Quý, Phạm Tuấn Long, Trần Huy Ánh… đã trao đổi về dự định tập hợp các bài viết, tranh ảnh, làm cuốn sách ghi lại những kỷ niệm của các thế hệ thiếu nhi đã được vui chơi, học tập ở Cung Thiếu nhi Hà Nội từ 1955 đến nay. Bài viết này ước mong khởi đầu cho công việc ấy.

Tốt nghiệp tú tài, cha tôi được nhận vào làm thư ký tập sự Bưu điện Hà Nội năm 1941, ngôi nhà 3 tầng có cửa sổ trông ra vườn hoa sát đó là khuôn viên Ấu trĩ viên (tên người Việt gọi CLB cho trẻ nhỏ châu Âu hay là “sẹc tây con” cho Cung Thiếu nhi hiện tại). Cha tôi kể ngày ấy khu phố quanh Hồ Khu là phố Tây, các ông tây bà đầm mặc đẹp, thơm nức nước hoa, mua bán, ăn uống trong các nhà hàng sang trọng, đắt tiền. Người Việt ít qua lại, phần thì không có việc gì, phần e ngại phiền phức vì phải ăn mặc chỉnh tề… tự dưng mà khu biệt nơi đây như một thế giới khác. Khu nhà này có cùng thời với Toà Đốc lý, Kho bạc, vốn là Cercle – “Sẹc Tây” (Câu lạc bộ cho người Tây), có phòng khiêu vũ, sân khấu nhỏ, biểu diễn, xem phim, thư viện, có phòng khách sang trọng nối liền ra sân trời có mái che (năm 1946, các phòng này dùng làm nơi gặp gỡ đàm phán ký kết hiệp định sơ bộ Việt – Pháp). Ngoài ra, có một số nơi dành cho trẻ em Tây: Bể bơi ngoài trời (rất nông), xích đu, cầu trượt và bàn đu quay chạy điện. Vài chục năm sau, Hà Nội có thêm nhiều không gian giải trí cho người Âu như Nhà Hát Lớn, CLB sĩ quan, CLB Thể thao Ba Đình, trường đua ngựa…, khu nhà này dần dành cho trẻ em Tây. Sau năm 1943, người Nhật vào Hà Nội, các ưu đãi của người Âu tại Hà Nội dần hạn chế, nhưng khu vực này không thấy trẻ em người Việt.

Tháng 8/1945, cha tôi là viên chức Bưu điện nên tới quảng trường Nhà Hát Lớn tham gia mít-tinh ủng hộ Chính phủ do ông Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Cuộc mít-tinh được Việt Minh biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh và nhanh chóng trở thành cuộc cách mạng cướp chính quyền về tay nhân dân. Cha tôi nghiễm nhiên trở thành Việt Minh và được phân công phụ trách Đội Thiếu nhi cứu quốc tại khu phố nơi ở của gia đình chúng tôi. Hàng ngày sau giờ làm, cha tôi tập hợp thiếu nhi quanh phố, dạy các em những bài ca yêu nước mới hay đi diễu hành mang theo cờ đỏ sao vàng, ảnh Cụ Hồ… Tư liệu cho thấy thiếu nhi Hà Nội đến Bắc bộ Phủ chúc thọ cụ Hồ (19/5/1946), không biết cha tôi có dẫn các đội viên lên đó không, nhưng tôi được nghe NSƯT Nhữ Đình Nguyên – người đầu tiên hóa trang thành công vai diễn Hồ Chủ tịch trên sân khấu đã đến gặp cha tôi năm 1973, tặng tờ báo viết về thành công của ông và những kỷ niệm về Đội Thiếu nhi Cứu quốc khu phố Triệu Việt Vương – Mai Hắc Đế năm 1946, khi ấy ông là đội viên còn cha tôi là anh phụ trách.

Sau Tết Độc lập 1946, khu nhà trong Ấu trĩ viên dần trở thành nơi tập hợp các trẻ em đường phố Hà Nội, ban ngày bán báo, đánh giầy, tối về đây để được các anh chị phụ trách Nhi đồng cứu quốc dạy văn hóa, văn nghệ, cho đến ngày toàn quốc kháng chiến, các bạn nhỏ này trở thành các thiếu niên – chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô: Đoàn Vệ út là em nuôi của đơn vị, tham gia các công việc liên lạc hay đội tuyên truyền (như nhiều báo đài đã nói). Tôi còn đọc truyện “Đội thiếu niên Bát sắt” kể về các chiến sĩ nhỏ tuổi này đã quay trở lại Hà Nội tạm chiếm để trải truyền đơn, bơi ra Tháp Rùa cắm cờ đỏ sao vàng và nhiều hoạt động bí mật trong nội thành. Cha tôi là tự vệ Bưu điện, tham gia trận đánh đầu tiên tối ngày 22/12/1946. Trận chiến ác liệt đầu tiên xảy ra tại Bắc Bộ Phủ – có hào chiến đấu sát tường rào Bưu điện. Tự vệ Bưu điện được lệnh rút lui, trả trận địa cho Vệ Quốc Đoàn tiếp quản. Cha tôi bò qua đường phố, men theo mép hồ Gươm di chuyển lên đầu Hàng Đào, chiến lũy đầu tiên của Liên khu I, từ đó, cha tôi ra vùng tự do đi kháng chiến và trở về tiếp quản Bưu điện Hà Nội trước 1 tháng tiếp quản Thủ đô (tháng 9/1954).

Cung Thiếu nhi – biểu tượng tình yêu thương trẻ em Hà Nội

Đội thiếu nhi cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế 1946

Hà Nội tiếp quản thiếu thốn đủ bề, nhưng Cung Thiếu nhi sớm mở cửa tiếp đón trẻ em Thủ đô của nhân dân lao động. Các anh chị tôi là những đội viên đầu tiên có mặt, đến giờ đã là các ông bà ngoài 80 cả nhưng ánh mắt bỗng bừng sáng mỗi khi nói về những kỷ niệm tuổi thơ hạnh phúc năm ấy. Ngày vui ngắn ngủi, năm 1965-1966 tất cả trẻ em rời Hà Nội để sơ tán về các vùng quê tránh bom đạn không quân Mỹ… cho đến hè 1968 mới tạm yên trở về Thủ đô. Lứa thiếu nhi năm xưa nay đã thành các anh chị lớn, phụ trách các em nhỏ hơn, lứa chúng tôi (khi ấy mới 6-9 tuổi) lần đầu tái hợp tại không gian thân yêu này. Đội vẽ do họa sĩ Thẩm Đức Tụ phụ trách, có nhiều thày đến dạy như thầy Lưu, thày Thúy, thầy Ngọc Anh, thầy Trần Lưu Hậu, có cả họa sĩ Mạnh Quỳnh đến dạy lớp làm đồ chơi. Ngoài học vẽ, chúng tôi có thể mượn sách thư viện, bơi lội, chơi đu quay điện, xem phim… tự do. Xem các bạn tập nghi thức, chơi mô hình máy bay và xem các bạn múa hát tưng bừng từ sáng đến tối.

Tòa Đốc Lý Hà Nội xây năm 1886
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các em đội Nhi đồng Cứu quốc Đinh Bộ Lĩnh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dân tộc thiểu số tại Bắc Bộ Phủ ngày 9-9-1946

Sau những ngày bom đạn “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, mùa Đông năm 1973, Hà Nội khởi công xây Cung Thiếu nhi, đến năm 1976 chúng tôi mới được vào học ngôi nhà mới. Ngôi nhà rất đẹp, rất hiện đại, sang trọng: Có cửa kính khung thép, thang máy, trần nhôm, đá ốp lát bóng nhóang… Cha tôi cứ nghĩ chắc là do KTS nước ngoài thiết kế và do viện trợ quốc tế, nhiều người cũng nghĩ vậy. Cho đến gần 10 năm sau (1982), tôi đưa sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Quốc Khánh (Khánh Còi lớp 77K4) đi trình đồ án tốt nghiệp, đề tài Cung Thiếu nhi Bắc Ninh do KTS Lê Văn Lân hướng dẫn – Ông là tác giả thiết kế giám sát thi công Cung Thiếu Nhi, ông cho biết: Đoàn TNCS Tiệp Khắc có tặng Cung Thiếu nhi Hà Nội một số trang thiết bị như kèn trống, lò điện nung gốm, thang máy… còn toàn bộ do Việt Nam thực hiện từ thiết kế đến thi công. KTS Lê Văn Lân phải vẽ chi tiết từng cánh cửa thép, bản lề, chốt khóa để các thợ sắt tài hoa gia công lắp kính. TP Hà Nội cho phép huy động các tấm trần nhôm thừa ra từ công trình Cung Lao Động Việt Xô để ốp sảnh chính, KTS Lê Văn Lân lên nhà máy An Dương xin cả đống gạch hoa vỡ vụn do bom Mỹ về ghép lại thành sàn sảnh, ốp cột bê tông rồi mài nhẵn mà thành màu sắc lung linh. KTS Lê Văn Lân cho biết: Khi làm công trình này, ông được Bí thư Thành Ủy (ông Trần Vĩ) và Chủ tịch UBHC Thành phố Hà Nội thường xuyên gặp gỡ, động viên, ủng hộ hết mực: KTS thấy ở công trường nào, đơn vị nào có loại vật liệu nào tốt nhất đều có quyền huy động… nhưng Hà Nội nghèo khó chỉ có vậy. Cần viên gạch gốm, KTS phải đạp xe sang Bát Tràng đưa yêu cầu thử mẫu từng mẻ nung.

Chia tay Chiến khu kháng chiến về tiếp quản Hà Nội, các chị tôi là những đội viên đầu tiên sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi (1955); Năm 1971, họa sĩ Thẩm Đức Tụ dẫn các đội viên tới thăm họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung; bác Tôn Đức Thắng – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, bác sĩ Trần Duy Hưng – chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tới thăm đội vẽ tại Cung Thiếu nhi HN.
Các Vệ Út và các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô 1946

Lớp vẽ có nhiều bạn đến học, nhưng chỉ vài bạn có hộp màu. Mỗi buổi vẽ, xúm xít các bạn xin mầu vẽ bài. Có bạn gần nhà có bố đi nước ngoài mang hộp màu về, tối nào tôi cũng được mời sang chơi vẽ cùng. Người có màu thì không biết vẽ, người ham vẽ thì không có màu… mùa hè năm ấy tôi vẽ gần trăm bức màu, gửi tranh thi vẽ khắp nơi. Giải thưởng kèm theo giấy/ màu… thế là đủ vốn sáng tác. Đội vẽ cũng có dịp được cấp màu giấy thoải mái khi có dịp tham gia triển lãm, đặc biệt năm 1974, thiếu nhi Hà Nội có riêng phòng tranh “Thiếu nhi với đề tài lực lượng vũ trang” trong triển lãm toàn quốc về đề tài này.

Đại sứ quán Liên Xô tặng Cung Thiếu nhi một chếc ô tô du lịch 45 chỗ ngồi. Chủ nhật nào đội vẽ cũng đi chật cứng xe tới Chùa Tràm, Chùa Thầy, Cổ Loa vẽ từ sáng đến chiều xe chở về. Nhiều bức tranh vẽ của chúng tôi đã được thầy Thẩm Đức Tụ cất giữ cẩn thận, chúng tôi sẽ sớm tập hợp để in thành cuốn sách, kể thêm những kỷ niệm tuổi thơ hạnh phúc của chúng tôi trong Thiên đường có thật giữa thời gian khó: Cung Thiếu Nhi Hà Nội.

KTS Trần Huy Ánh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2022)