Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu và nhận thức kiến trúc

Chùa Keo Thái Bình

Chuỗi xoắn bốn mầu

Bỏ lại đất bùn đồng ruộng sau lưng, đi giữa hai mảnh đầm sen thơm thoảng, qua cổng tam quan, bước vào sân vườn rộng nơi người ta tụ họp cúng vái, bày biện hương hoa sì sụp cấu khấn nơi “chùa dưới” với hai ông Thiện Ác, voi ngựa… lòe loẹt to đùng, rồi bước vào “chùa giữa” đã im ắng và thâm u hơn hẳn, là trú xứ của các La Hán, cả Quan Âm đã “chuyển giới” thành đàn bà cứu độ ngàn mắt ngàn tay hay bà “Tống tử” bế con âu yếm, và đời thực của Đấng chí tôn đang tìm đường giác ngộ. Từ sơ sinh đã biết “thiên địa vi ngã độc tôn” nhưng Ngài vẫn phải trầm luân khổ hạnh làm ông “tu lo” gầy đét bó gối ở Tuyết Sơn. Rồi qua một dải sân sáng mờ hẹp lên “chùa trên”, vẫn tranh tối tranh sáng, khá âm u như trong tranh Rembrandt, mọi chi tiết đều tỏ tường kì lạ dưới uy nghi ba cái bóng khổng lồ của Tam thế – Thời gian. Rồi bước ra vườn sau với các mộ đá, gạch lẫn trong cây, cỏ và sỏi đá… ta hòa tan vào “tự nhiên” không bóng vết sinh linh – là nơi tịch diệt chăng.

Tôi phải dài dòng như vậy về đoạn đường trải nghiệm cụm kiến trúc vì ta vừa bước đi qua một “kiếp người”, một con đường đến chân như, giác ngộ, một vòng từ bùn đất lại trở về cát bụi!

Vào một nhà thờ Gotic thì thấy ngắn gọn hơn: Bỏ sau lưng quảng trường chợ ồn ã, chen bước qua vòm cửa đồng đồ sộ là một không gian kì ảo khác hẳn: Xa vợi, cao vọi và du dương nhạc Thánh ca. Con người quá nhỏ bé so với tòa nhà lộng lẫy, đứng dưới đáy, trong bóng tối, hướng tới ban thờ lung linh cuối đầu kia, hướng tới vòm cao tỏa những chùm sáng huy hoàng lọc qua các ô cửa kính mầu ảo diệu – để khát khao về nơi ta chỉ tới được khi “về với Chúa” – Đó là con đường choáng ngợp với các cấu trúc phi thường, của thánh thần chứ không phải của con người, ta đang ở trong ngôi nhà của Chúa để ngưỡng vọng, thuần phục, cầu xin ân tứ và tình yêu vĩnh cửu. Trải nghiệm kiến trúc này là sự thanh lọc, ngây ngất hơn là cái thú “vãng cảnh chùa” thanh thản ưu nhã kể trước.

Tôi đã nhìn những pho tượng, bức tranh, cây cỏ, hương hoa, các cột đá, kèo gỗ và vô số biểu tượng thị giác… Trong tôi dâng lên các mối cảm xúc yêu thương, những kính – tín siêu hình, trí óc hiểu ra đôi điều về công nghệ xây dựng hoặc triết lý nhân sinh…Tôi thức tỉnh, giác ngộ – Nghĩa là thấy một tổng thể nhận thức nào đó mà người ta hay gọi là chân lý hay sự thật! Tôi đã làm bốn việc, đi trên bốn làn đường, như một chuỗi xuắn bốn mầu khi trải nghiệm các kiến trúc này: Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu (NTYH). Theo quan điểm nhận thức luận của tôi thì đó là bốn hành vi, hoạt động, năng lực cơ bản của tâm trí con người, của nhận thức. Chúng diễn ra đồng thời, luân chuyển lẫn nhau(1). Thời tiền hiện đại các kiến trúc cộng đồng, tâm linh chính là một sinh thái của bốn hoạt động nhận thức đó. Kiến trúc vì thế được coi là mẹ của các môn nghệ thuật trưởng thành độc lập sau này. Giá trị tác phẩm nghệ thuật chính là ở nơi hệ sinh thái mà nó tạo ra để NTYH được phát huy và thỏa mãn. Nghệ thuật nói riêng và sự tiến hóa nhân văn nói chung có thể được phiến diện hóa như là sự tiến hóa của NTYH. Vì vậy, sự biến đổi của một ngành nghệ thuật phụ thuộc vào sự biến đổi của các hành vi, họat động và năng lực NTYH. Đến lượt nó, nghệ thuật hay chính xác hơn là sự thẩm mỹ lại làm biến đổi những năng lực nhận thức trên. Và, khi nhận thức thị giác khủng hoảng thì nhiều lần kiến trúc đã đi đầu để gỡ các bế tắc. Thí dụ như Art Deco (art nouveau, Jugendstil) và Postmodernism ở phương Tây ở đầu và cuối thế kỉ 20 hay phong cách Đông Dương ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.

Cú nhẩy ba bước: Đẹp – Mới – Khác

Tới cuối thế kỷ 19, dù sự “Nhìn” thay đổi bởi các công nghệ ghi hình tĩnh và động, sự “Hiểu” duy lý đã lên ngôi cầm cương cỗ xe tứ mã nhận thức – “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”; nghệ thuật vẫn truy tìm cái mỹ lý tưởng, phổ quát nào đó và hoài vọng biến cải, ứng dụng những chuẩn đẹp có sẵn (cân đối, hài hòa, tỷ lệ vàng, hài mầu, hòa sắc… thậm chí cả các thức cột cổ đại…) vào thực tại đang công nghiệp hóa. Art Deco vừa le lói những “hồi quang” của các chuẩn đẹp xưa cũ – kết quả của tiến hóa thẩm mỹ từ Hy – La qua Phục Hưng và cổ điển vừa hé mở những kẽ hở đột phá cho nhận thức thẩm mỹ hiện đại sau này. Khi sự NTYH của người Việt không còn có thể được phát huy, thỏa mãn với kiến trúc ba gian hai chái “sương thu bốn dậu giăng tà nửa hiên” (thơ Tản Đà), nhà ống phố Hà Thành hay nhà vườn, vương phủ và công đường của kiến trúc Huế nữa thì kiến trúc phong cách Đông Dương phải tạo ra cho bốn năng lực ấy của người Việt đô thị một hệ sinh thái mới. Ở đó, sự “Nhìn” vẫn vớt vát được vài chuẩn đẹp xưa cũ, sự “Yêu” bám vào quá khứ vẫn được đáp ứng và sự “Hiểu” duy lý được cổ vũ (bởi công năng và nhiệt đới hóa chẳng hạn) và sự “Thấy” thì dẫn tới những toàn cục nhận thức khác hẳn trước đó.

Chủ nghĩa hiện đại (tới khoảng những năm 1970) nhận ra rằng cái “Mỹ” (được giáo điều hóa ở các chuẩn đẹp) không vĩnh cửu và phổ quát mà chỉ là kết quả của các quá trình thẩm mỹ khác nhau. Tiến hóa nhân văn không là vòng hồi quy về quá khứ hay thiên đường mà là mũi tên lao về tương lai nhờ động cơ là sự “Hiểu” duy lý và tiến bộ khoa học công nghệ. Khái niệm tiến bộ lấn át những ảo tưởng Chân – Thiện – Mỹ cổ điển. Văn minh tiến bộ, tăng trưởng mới là cái con người muốn có. Tiến bộ sinh ra cái chưa từng có và con mồi của cuộc săn tìm thẩm mỹ mà nghệ thuật hiện đại ồ ạt ra quân là cái “Mới”. Chủ nghĩa công năng, phong cách thế giới, những “cái máy để ở”, “less is more” và các chuẩn đẹp tối giản, high-tech… là kết quả nhận thức thẩm mỹ của cái mới cái hợp lý và sự tiến bộ. Quả thật modernism đã hiện vật hóa những cái mới liên tục và kế tiếp nhau, khiến cho ngôn ngữ kiến trúc và thiết kế trở nên giầu có, phong phú hơn rất nhiều. Cái mới (của trí tuệ, khoa học công nghệ) giúp kiến trúc hiện đại định dạng và định tính các không gian sinh tồn và đô thị hiện đại, nhất là từ sau Thế chiến II (dù ở Việt Nam nó chỉ là một sự nghèo nàn): Trong khi phong cách Đông Dương để lại vô số các công trình sáng tạo ở tầm di sản thì dường như chỉ tòa Thư viện TP HCM là một tác phẩm đáng nể; trong khi tòa Dinh Độc lập là một bài tốt nghiệp chỉn chu còn các tòa chung cư và khu tập thể khác là những thất bại cay đắng, có thể kể thêm nhiều ví dụ khác về phong cách “giáo điều địa phương” của các tòa công sở miền Bắc vẫn còn sống lay lắt đến tận hôm nay. Chúng không tạo khoái thú thị giác cho sự “nhìn”, không có không gian cho sự yêu thích nảy sinh nên người ta nói chúng nghèo nàn, khô khan và lạnh lẽo.

Dinh độc lập

Thời hậu hiện đại (khoảng 50 năm lại đây) có thể coi là một cuộc cách mạng nhận thức thị giác lớn nhất trong lịch sử mà nền tảng là xã hội tiêu thụ, kinh tế thị trường, thể chế dân chủ, toàn cầu hóa, văn hoá đại chúng, xã hội thông tin thị giác với internet và thế giới thực tế ảo. Hệ “nhìn” được nâng cấp cộng sinh với sự dư thừa công nghệ. Ngôn ngữ hình ảnh đồ họa áp đảo ngôn ngữ lời nói, văn bản. Cái mới của tiến bộ tinh hoa trí tuệ không còn hấp dẫn và là động lực nữa. Thậm chí đã xuất hiện áp lực chuyên chế đàn áp nhân tính của khoa học công nghệ. Sự “Hiểu” trở thành bạo chúa của nhận thức, khoa học công nghệ từ chỗ hỗ trợ, bảo trợ con người và tự nhiên nay cũng còn có thể tiêu diệt cả hai. Bộ mặt ác thần của nó khiến người ta run sợ, hốt hoảng. Tất cả những điều đó cán, nhào hàng tỷ cá nhân thành những sợi mỳ giống nhau trong một núi bùi nhùi khổng lồ hỗn độn. Sự giống nhau, mất cá tính này ở cả vĩ mô quốc gia hay đô thị, Dubai và Phố Đông Shanghai, Singapore và Wellington giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Mọi MC toàn cầu đều có biểu cảm, động tác và một thứ English giống nhau. Các căn hộ, dáng điệu của các thiếu nữ, sở thích thời trang và khẩu vị món ăn của mọi người… “tất tần tật” giống nhau một cách thảm thương. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan vẫy vùng kêu cứu: Think different! Feel different! See different – Hãy nói theo cách của bạn! Like and love different!… Mỗi sợi mỳ ăn liền toàn cầu hóa kêu cứu để “Be myself! Be yourself!” trong cái hỗn độn phi cá tính của văn hoá đại chúng. Hai nữa là các cá thể này lại bị kết dính, kết nối, phụ thuộc sâu sắc và toàn diện với hàng tỷ người, tỷ thứ khác trong mọi không gian vật chất và tinh thần hậu hiện đại. Điều đó khiến chủ nghĩa tự do cực đoan bùng phát. Mỗi cá thể đều vùng vẫy đòi tự do “muốn làm gì thì làm” từ mọi hành vi nhỏ nhất tới những nhân quyền mơ hồ nhất. Kiến trúc hậu hiện đại trở thành ngành nghệ thuật đầu tiên cảnh báo những đa nguyên và hỗn độn đó và muốn thay đổi thực trạng kiến trúc hiện đại. Những khuynh hướng nhận thức (Nhìn-Thấy-Yêu-Hiểu) của nó nhanh chóng lan sang toàn bộ các ngành khác và dẫn tới một giai đoạn nhận thức thẩm mỹ nhân văn khác, một định dạng văn hóa khác là Postmodernis-Contemporary Art & Culture – Không nhằm đến cái đẹp, không truy tìm cái mới nữa thì nó muốn cái gì? Đó chính là cái “khác”.

Bảo tàng Bilbao

Khác bởi đa nguyên và hỗn độn

Con tàu tiến bộ với động cơ khoa học công nghệ, mũi tên trí tuệ với đầu nhọn là cái mới quả đã đưa con người tới một xã hội, không gian vật lý thịnh vượng, khiến họ được thỏa mãn vật chất chưa từng có nhưng cũng đẩy họ tới một bờ vực đáng sợ và đáng chán. Dường như để có chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân cực đoan, các công dân toàn cầu đương đại phải chấp nhận bản chất đa nguyên và hỗn độn của thực tại. Kiến trúc nửa thế kỉ qua dường như đã muốn và đã tạo (design & build) ra được không gian cho sự dung hòa/khoan dung đó của nhận thức nhân văn. Các khu đô thị, các tòa tháp, các căn hộ, các đồ nội thất cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật ngớ ngẩn nhất – Không cần “đẹp” hay “mới”, chúng “thắng” chỉ vì cái khác (nhờ tính thách thức, phản biện, quái đản, diễu nhại đùa cợt, phì đại, đe dọa, mộng mị, hoang tưởng hay triết lý nửa vời…và vẫn dung chứa, cấy ghép, lai tạp cả cái xấu lẫn cái đẹp, cái cũ và cái mới, cái bình dân tầm thường lẫn cái quý phái, tinh hoa) – Kiến trúc đương đại quả là hào nhoáng và thú vị vì nó gần bản chất đa nguyên hỗn độn của đời sống hơn kiến trúc cổ điển và modernism. Những không gian đa nguyên hỗn độn tỏ ra đáng sống hơn không gian trí tuệ hợp lý Bauhaus, Le Corbusier và Mies van der Rohe, của Liverpool, Volgagrad hay Đông Berlin những năm 1960. Từ tòa nhà biểu hiện của Guggenheim NY đến bảo tàng Bilbao của F.Gehry hay nhà hát Z. Hadid ở Trung Quốc là bước nhẩy tung tẩy của nhận thức thẩm mỹ nhân văn. Kiến trúc đương đại phải kích thích, khuyến khích, tạo sinh thái cho mỗi cá nhân nhìn khác, yêu thích khác, hiểu khác và thấy (giác ngộ, thức tỉnh) khác đi và khác nhau.Tòa nhà Bitexco thành landmark của Sài Gòn mới vì hình thù nó khác, dẫu nhái hình cái búp măng một cách ngây ngô. Chùa Bái Đính là một mớ hỗn tạp trưởng giả, uy nghi kích thích sự nhìn và lòng kính tín. Tòa Nhà Quốc hội cho nhận thức về sự nên hòa hợp với tự nhiên hơn là tín điều “trời tròn đất vuông” trong giải trình thiết kế để dễ được duyệt.

Nhà hát lớn Quảng Châu (KTS Zaha Hadid ở Trung Quốc)

Cái “Khác” cần cá tính cực đoan trong đa nguyên hỗn độn nên không cần trào lưu tư tưởng, hay phong cách nhất quán mà chỉ cần các xu hướng đại chúng (trend). Nếu kiến trúc tương lai bám sát nhận thức thẩm mỹ nhân văn của cư dân toàn cầu hoá thì tôi đoán sẽ có ít nhất các “trends” là: Vị lai/futurism, siêu thực/surrealism biến tướng thế nào đó, phỏng sinh, eco-green architect và kiến trúc tương tác AI-công nghệ cao interaciv – Ai & high – tech architect.

Chú thích:
(1) Ở đây có hai khúc mắc lý thuyết cho đến tận hiện tại vẫn chưa được tường minh: Người ta lúng túng trong việc phân biệt sự “Nhìn” và sự “Thấy”. Hệ nhìn gồm phần quang học thị giác (khách quan có thể công nghệ hóa ghi hình như máy ảnh… cho ta các form thị giác thuần túy…) và phần thần kinh thị giác tiếp nhận các tín hiệu điện rồi cho ta những hình ảnh có chủ quan tập thể của tâm lý như các ảo thị, các Gestalt, các mô thức hình học như topo và fractal… mà người ta thường gọi là các quy luật tâm lý phổ quát). Song, quan trọng hơn là phần chủ quan cá nhân dẫn đến sự “Thấy” – Người ta “Thấy” khi cái nhìn được nhấn chìm trong nội giới với các thao tác tâm lý như liên tưởng, đồng cảm, thấu cảm, hóa thân, tưởng tượng… và các thao tác tư duy logic như quy nạp diễn dịch, suy đoán, thử sai… Sự “thấy” cá nhân dẫn tới các siêu form-metalform thị giác có giá trị thẩm mỹ. Chỉ siêu form thẩm mỹ mới là kết quả của sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật. Lúng túng thứ hai là không đưa được sự “Yêu” vào hoạt động nhận thức như một khái niệm “khoa học” chính danh trong khi thực tế là chỉ với đủ cả cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ ta mới thấy được một sự thực-chân lý toàn vẹn. Hơn nữa, chỉ với cảm xúc, tình cảm hướng về sự yêu thích người ta mới cảm nhận thẩm mỹ, và ngược lại không thẩm mỹ thì cũng không yêu thích được. Sự thẩm mỹ và sự yêu gắn bó quy định nhau như hai mặt của một đồng tiền và tương đồng về bản chất đa nguyên và hỗn độn của chúng. (Sách “Nhìn-Thấy-Yêu-Hiểu” là một tiểu luận về (nhận thức) Nghệ thuật, tác giả Nguyễn Quân – Nhã Nam, xuất bản năm 2018)

Nguyễn Quân

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)