Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, TCKT trân trọng giới thiệu với bạn đọc những công trình tiêu biểu gắn với những mốc thời gian đặc biệt, phản ánh từng giai đoạn phát triển của kiến trúc – quy hoạch cũng như sự phát triển chung của đất nước, góp phần xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc.
1. Khu Công trình phục vụ Đại hội Đảng lần thứ II năm 1950 tại khu rừng Nà Loang, xã Vinh Quang, Chiêm hóa Tuyên Quang (1950 – KTS Hoàng Như Tiếp thiết kế).
KTS Tôn Đại: Đây là một quần thể công trình kiến trúc mà trung tâm quan trọng nhất là Hội trường. Công trình kiến trúc bằng gỗ và tre nứa, không hề có sắt thép bê tông và ngay cả gạch ngói nữa, nhưng công trình kiến trúc này vẫn mang tính hiện đại. Hội trường là một kiến trúc công cộng to lớn có sức chứa hàng ngàn người bằng gỗ tre nứa, xưa nay chưa từng có ở nước ta. Tính chất kiến trúc dân tộc rõ ràng với vật liệu địa phương, hình thức mái dốc lợp lá nhưng mặt đứng được tạo hình đồ sộ có lối vào chính hoành tráng. Những công trình khác là nhà sàn dân tộc nhưng có ban công đa giác hoặc có mái xếp chồng giật cấp sinh động.
Thời gian này (1950) thực dân Pháp sử dụng máy bay oanh tạc ác liệt chiến khu Việt Bắc, Đại hội Đảng toàn quốc rất cần an toàn nên KTS Hoàng Như Tiếp đã thiết kế toàn bộ quần thể công trình lẫn trong rừng rậm theo tinh thần chỉ đạo của Bác Hồ là: “Nhìn lên không thấy gì, nhìn xuống cũng không thấy gì”.
2. Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia HCM – 1958). Năm 2000: Phát triển giai đoạn 2 – KTS Nguyễn Ngọc Chân – Khu Nghĩa Đô – TP Hà Nội
KTS Nguyễn Thúc Hoàng: Công trình (giai đoạn 1) gồm Hội trường 1000 chỗ, thư viện, hành chính và các lớp học, khu ngủ học Viện với nhà ăn 500 chỗ… Đây là công trình đặc trưng cho xu hướng kiến trúc cách tân của lớp KTS thế hệ đầu, tìm phong cách cho Việt Nam, phù hợp điều kiện kinh tế xã hội bấy giờ cũng như điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm. Công trình thử nghiệm không gian khẩu độ lớn đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.
3. Bảo tàng Việt Bắc (1962-1963: Thành phố Thái Nguyên) KTS Hoàng Như Tiếp
KTS Nguyễn Thúc Hoàng: Những năm 60 của thế kỷ trước, Thái Nguyên là thủ phủ của khu tự trị Việt Bắc. Bảo tàng được xây dựng để bảo tồn và giới thiệu văn hóa của dân tộc thiểu số Vùng Đông Bắc Việt Nam.
Được xây dựng trên diện tích gần 2000m2, cốt cao 5m so với mặt đường phố, tác giả chọn giải pháp bố cục phân tán, kết nối 5 khối trưng bày hệ thống hành lang và sân vườn trong, vừa đảm bảo không phá vỡ địa hình, cảnh quan đồi cây trong đô thị, vừa thích ứng điều kiện khí hậu tự nhiên miền núi, khắc phục điều kiện thiếu trang thiết bị công nghệ.
Kiến trúc theo xu hướng đương đại, đường nét đơn giản, hiện đại, kết hợp truyền thống, đặc biệt sử dụng hoa văn các dân tộc cách điệu, trang trí kiến trúc thống nhất nội dung trưng bày bên trong.
4. Trường Đại học Bách Khoa: (1961-1965 – Nam TP Hà Nội – Liên Xô thiết kế)
KTS Nguyễn Thúc Hoàng: Công trình do Liên Xô viện trợ, là trường ĐH có đầy đủ các thành phần chức năng phục vụ hiện đại hóa trong việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học thời kỳ đó. Kiến trúc hiện đại, đường nét đơn giản, sử dụng kính khá nhiều (so với bấy giờ) khai thác ánh sáng và thông gió tự nhiên tối đa, phù hợp khí hậu.
5. Thư viện Quốc gia (1968-1972: KTS Nguyễn Hữu Thiện và Bùi Quang Hanh)
KTS Nguyễn Hữu Thái: Công trình này đáp ứng được yêu cầu khí hậu nhiệt đới, kết hợp nhuần nhuyễn được hai trường phái kiến trúc dân tộc (KTS Nguyễn Hữu Thiện) và công năng hiện đại phương Tây (các KTS Bùi Quang Hanh và Lê Văn Lắm).
Công trình có đường nét và bố cục hiện đại, khai thác được các môtip trang trí dân tộc, với tường hoa, mái nhô, hồ nước, cây xanh… Tất cả tích hợp lại tạo cho công trình một phong cách độc đáo, gần gũi với người Việt và không xa lạ với trào lưu kiến trúc thế giới.
6. Bệnh viện Vì Dân (1974 – nay là Bệnh viện Thống Nhất) KTS Trần Đình Quyền
KTS Nguyễn Hữu Thái: Tác giả, KTS Trần Đình Quyền chủ trương công trình phải hiện đại, đặc biệt là hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, vừa tiết kiệm năng lượng, tạo thông thoáng tự nhiên phù hợp khí hậu nhiệt đới.
Các công trình bệnh viện của KTS Trần Đình Quyền được đánh giá rất cao về các mặt này. Sau ngày giải phóng, ông vẫn tiếp tục vẽ bệnh viện ở nhiều tỉnh thành cả nước.
7. Khách sạn Thắng Lợi (1974 – 1976 – KTS Antonio Quitana – Cu Ba)
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Công trình được xem là biểu tượng của hợp tác hữu nghị Việt Nam – Cuba. Với giải pháp thiết kế linh hoạt, thông thoáng, công trình được xây dựng với 4 tầng, một phần trên bờ và lan ra hồ nước trên hệ cọc bê tông với chiều dài gần 100m. Trong quy hoạch chung được duyệt 1992, Quy hoạch khu vực Hồ Tây duyệt 1994 xác định công trình khách sạn là điểm nhấn của khu vực phía Đông Hồ Tây. Trong giai đoạn này, khách sạn chỉ cải tạo chi tiết, bổ sung một số hạng mục phụ trợ, nhà cầu, bể bơi… Sau Quy hoạch chung Hà Nội được duyệt năm 1998, đã có một số đề xuất cải tạo, xây dựng thêm công trình cao tầng trong khuôn viên khách sạn song không được chấp thuận.
8. Quy hoạch Hà Nội năm 1978 do chuyên gia Liên Xô thực hiện
9. Bảo tàng Hồ Chí Minh (1985-1990, Ixacovic – Liên Xô)
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Công trình được khởi công xây dựng ngày 31/8/1985 và đưa vào sử dụng ngày 19/5/1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là công trình có sự kết hợp tài năng, trí tuệ của các chuyên gia kiến trúc của Liên Xô (cũ) và Việt Nam. Với phương châm “Dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị”, công trình khai thác hình tượng bông sen – biểu tượng phẩm chất thanh cao của Bác Hồ. Được xây dựng phía sau Lăng Bác, trong khu Trung tâm Chính trị Ba Đình, tổng thể công trình được hoàn thiện từng bước (sân vườn, chỗ đỗ xe, lối ra vào….) theo quy hoạch chi tiết khu trung tâm Chính trị Ba Đình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định khu đất Bảo tàng có diện tích 6,2ha, được bảo tồn nguyên vẹn công trình kiến trúc, có thể cải tạo chỉnh trang trong khuôn viên.
10. Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ tỉnh Tuyên Quang (1995 – KTS Lê Hiệp)
11. Trung tâm Hội nghị Quốc tế (1996-1997: Lê Hồng Phong – Ba Đình – Hà Nội). KTS Nguyễn Thúc Hoàng – Đặng Kim Khôi (VNCC). Tham gia Nội thất: Marianne Colombani (Pháp)
KTS Nguyễn Thúc Hoàng: Công trình được xây dựng phục vụ Hội nghị các nguyên thủ Khối Pháp ngữ (Francophonie) 1998 tại Hà Nội. Tổ hợp bao gồm khối Hội Nghị (giai đoạn 1), khối Trung tâm báo chí và Khách sạn (giai đoạn 2). Công trình có quy mô khá lớn nhưng hòa nhập được vào bối cảnh của khu biệt thự Pháp cũ.
Trước đó, chúng ta chỉ mới xây dựng Hội trường, đây là công trình Hội nghị đủ chiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được Pháp chấp nhận sử dụng, do chúng ta thiết kế kiến trúc hiện đại, khai thác truyền thống và bản sắc xứ nhiệt đới.
Tổng thầu xây dựng Liên doanh Dragages (Pháp) và Licogi (Việt Nam). Tư vấn Giám sát OTH (Pháp), VNCC (Việt Nam).
12. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng
13. Khu đô thị sinh thái Ecopark (Hưng Yên)
14. Tòa nhà Tài chính Bitexco (2010 – KTS Carlos Zapata (Mỹ)
15. Nhà Quốc hội: Hoàn thành 2014. Nhóm tác giả: Meinhard Von Gerkan – Nikolaus Goetze Dirk Heller – Joerm Ortmann(CHLB Đức)
GS.TS.KTS Meihanrd von Gerkan (tác giả phương án kiến trúc): Công trình đòi hỏi một giải pháp kiến trúc vượt lên các yêu cầu về chức năng, vừa phải hài hòa với quy hoạch đô thị, vừa mang biểu tượng của sức mạnh, quyền lực. Biểu tượng này không thể hiện qua sắc màu hình thức, mà qua hình tượng mang đậm chất truyền thống văn hóa Việt. Đó là hình tròn tượng trưng cho Mặt trời/Người Cha và hình vuông tượng trưng cho Trái đất/ Người Mẹ. Phòng họp Quốc hội được đặt trên tám cột tròn, bao quanh sảnh chính như một vương miện quý giá, có vách nghiêng hướng ra ngoài, cùng không gian sảnh rộng lớn ở lối vào nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
16. Trường mầm non Thế giới xanh – Farming Kindergarten. Địa điểm: Biên Hòa, Đồng Nai. Nhóm thiết kế: Văn phòng Kiến trúc Võ Trọng Nghĩa. Hoàn thành: 2013
KTS Võ Trọng Nghĩa: Với ý tưởng thiết kế một công trình xanh, bền vững, Trường mầm non Thế giới Xanh – Farming Kindergarten đã giải quyết bài toán của Công ty Pou Chen Vietnam: Xây dựng một nhà trẻ dành cho 500 trẻ em, phục vụ đời sống cho các công nhân tại đây. Không chỉ tạo ra không gian vui chơi linh hoạt cho trẻ qua 3 sân trọng và mái xanh chạy dài liên tục, công trình còn tạo điều kiện cho trẻ em năng động hơn, hiểu rõ về thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên để tồn tại trong thế kỷ 21.
17. Bảo Tàng Đăk Lăk
Cơ quan chủ đầu tư: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tỉnh Đăk Lăk
Năm thiết kế: 2007 – Năm hoàn thành xây dựng: 2011
Địa điểm xây dựng công trình: Số 02 Y Ngông – thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đăk Lăk
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Công trình khai thác nghệ thuật tạo hình Tây nguyên, đặc biệt là hình ảnh ngôi nhà dài truyền thống của người dân Đăk Lăk một cách tinh tế.
Đến với Bảo tàng Đắk Lăk, ta có cảm nhận sâu đậm nhất những gì về Đăk Lăk – Đó là sự đơn giản, thô mộc và chân thực. Điều này cũng đồng nghĩa với sự mênh mông, vô tận và giàu có của kho tàng văn hóa truyền thống nơi đây. Trong kiến trúc có câu “less is more” – ít tức là nhiều hay một cho tất cả và tất cả là một.
Chính vì thế, ngôn ngữ tạo hình được nhận biết qua tính đồng nhất của mô-típ mái đã diễn tả chân thực nhất những gì đã nói trên đây: Vừa ít lại vừa nhiều, như cây rừng, như suối thác, như tiếng ngân của âm thanh, như tiếng vọng của thời gian …
Hình ảnh kiến trúc đã diễn tả được sự nhẹ nhàng, gần gũi với sự thô mộc của kiến trúc tre nứa, cây cỏ… như ngôi nhà sàn truyền thống đã sống mãi với thời gian cùng người Đăk Lăk.
18. Trường tiểu học Lũng Luông
Địa điểm: Thái Nguyên
Nhóm thiết kế: Văn phòng Kiến trúc 1+1>2
Năm hoàn thành: 2016
KTS Hoàng Thúc Hào: Mục tiêu của dự án là tạo ra một ngôi trường tiện nghi, có thể chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Thiết kế của trường đảm bảo các tiêu chuẩn về trường học như: Chiếu sáng, thông gió, cách âm… Với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, … kết hợp những đường nét thiết kế đơn giản mà vẫn khá điệu đà, nội thất sử dụng nhiều vật liệu truyền thống (tre, gỗ, gạch mộc…) công trình tạo nên một không gian hài hòa với cảnh quan núi rừng. Để tiết kiệm chi phí, gạch xây dựng trường được làm từ đất được khai thác tại chỗ, tận dụng lại từ công tác san lấp. Không gian được tổ chức linh hoạt thành các lớp trong – ngoài, rỗng – đặc, tĩnh – động và giữa các khối với nhau.
19. Spa (Naman retreat Pure) – Năm hoàn thành 2015 – Địa điểm: Đà Nẵng. Công ty thiết kế: MIA Design Studio
KTS Ngyễn Hoàng Mạnh: Naman Spa là một công trình nghỉ đưỡng với các khu vực hòa vào nhau, cùng với cảnh quan thiên nhiên tạo nên một không gian thú vị và thơ mộng. Mặt đứng của công trình được thiết kế với những họa tiết đan chéo, xen kẽ với những cảnh quan xuôi theo chiều dọc giúp giảm bớt ánh nắng nhiệt đới gay gắt, tạo nên một vở kịch nhịp nhàng giữa ánh sáng và bóng râm trên những bức tường đầy họa tiết. Những loại cây khác nhau được bố trí một cách cẩn trọng, tạo thành một phần không thể tách rời trong “buổi tiệc” kiến trúc.
20. Khách sạn JW Marriott
Hoàn thiện: 2013 – Hà Nội
KTS Carlos Zapata Studio
TCKT.VN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)