Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm thống nhất đất nước” tại Hà Nội: Nhìn lại và hướng tới tương lai

Ngày 20/05/2025 – Tại Hội trường Thành uỷ Hà Nội (số 9 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm thống nhất đất nước”. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và kế hoạch 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), được sự ủng hộ của Thành uỷ – UBND Thành phố Hà Nội; Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức trong Chương trình tổng kết 50 năm nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau đất nước thống nhất (1975-2025).

Hội thảo được Hội Kiến trúc sư Việt Nam dày công chuẩn bị với sự phối hợp tham gia của các Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hội KTS TP Hồ Chí Minh, các Hội và Chi hội KTS địa phương và giới kiến trúc sư trên toàn quốc – Hướng tới việc chia sẻ những góc nhìn đa diện về những thành tựu và tồn tại, đề xuất phương hướng, giải pháp, đóng góp cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam bền vững, hiện đại và có bản sắc.

Hội thảo có sự tham gia của ban bộ ngành Trung ương: PGS. TS Bùi Thế Đức – Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương; Bà Trần Phương Lan – Vụ trưởng Vụ Văn hoá Văn Nghệ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Ông Phạm Trung Giang – Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Phi chính phủ, Bộ Nội vụ; Về phía Thành uỷ Hà Nội: TS. KTS Dương Đức Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội; Các hiệp hội, hội trung ương và địa phương; TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cùng các lãnh đạo Hội, đại biểu các ban, ngành Trung ương và TP Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo KTS trên cả nước.

KTS Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, KTS Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ: “Trong những ngày vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư trong cả nước đang sống trong những ngày kỷ niệm lớn: 50 năm đất nước thống nhất, 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hội thảo ngày hôm nay sẽ là dịp để giới kiến trúc sư và cộng đồng cùng nhìn và suy ngẫm, xem xét và nghiên cứu các vấn đề phân tích, từ đó tìm những ưu khuyết nhằm hướng tới một nền kiến trúc nước nhà ngày càng nở hoa kết trái giàu tính bản sắc, đậm chất hiện đại, hội nhập.”

Tham dự Hội thảo, TS. KTS Dương Đức Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng ghi nhận, đánh giá cao đối với sự đồng hành, đóng góp tích cực của Hội KTS Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong nửa thế kỷ vừa qua. Ông bày tỏ: “Việc định hướng cho một nền kiến trúc Hà Nội vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, hài hòa với môi trường tự nhiên vẫn là một nhiệm vụ quan trọng trong tương lai, và hội thảo hôm nay của chúng ta sẽ đóng góp được nhiều ý kiến giúp Hà Nội có thêm nhiều cơ sở để chỉ đạo thực hiện. Thành phố Hà Nội rất mong nhận được nhiều ý kiến quý báu từ hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất”. Đồng thời, ông tin tưởng: “Chặng đường phía trước của ngành kiến trúc còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng tôi tin tưởng rằng kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới.”

TS. KTS Dương Đức Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ kiến trúc sư, sau 50 năm thống nhất, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và đổi thay vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng, kiến thiết cả về chất và lượng trên khắp mọi miền đất nước. Hội thảo có sự tham gia của nhiều tác giả ở các thế hệ khác nhau, trong các lĩnh vực thuộc ngành kiến trúc: Quy hoạch, Sáng tác, Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình – Phản biện, Đào tạo, Quản lý nhà nước… Với phần trình bày và tham luận chứa đựng nhiều tâm huyết của các kiến trúc sư tham dự hội thảo, các vấn đề của kiến trúc Việt Nam trong 50 năm qua đã được xâu chuỗi thành hệ thống theo chiều dọc thời gian và chiều ngang tích hợp các nhánh, thành “dòng chảy” đầy đủ và súc tích. Những nhận định về ưu điểm và tồn tại của kiến trúc Việt Nam 50 năm đã được chia sẻ theo quan điểm nhìn nhận thẳng thắn, trên tinh thần cầu thị của giới chuyên môn.

Đó là góc nhìn tổng quát từ GS. TS. Nguyễn Quốc Thông với Dẫn luận về Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất”; góc nhìn về quá trình chuyển hoá giữa đô thị và nông thôn qua tham luận “Kiến tạo không gian sống Việt Nam: Từ đô thị đến nông thôn giai đoạn 1975-2025” của KTS Lã Thị Kim Ngân – UV BTV Hội KTS Việt Nam; Góc nhìn gián tiếp thông qua các công trình kiến trúc qua tham luận “50 năm kiến trúc Việt Nam – tác giả, tác phẩm và thời đại của KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; Góc nhìn về quá trình phát triển kiến trúc qua các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thông qua tham luận: “Dấu ấn Kiến trúc Thủ đô sau 50 năm đất nước thống nhất” của TS. KTS Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội KTS Hà Nội và “Thiên nhiên và con người với Kiến trúc TP Hồ Chí Minh” của KTS Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP Hồ Chí Minh; Góc nhìn về đào tạo Kiến trúc trong suốt 50 năm qua qua tham luận “Chặng đường 50 năm đào tạo KTS tại trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh”; Góc nhìn truyền thống trong kiến trúc Việt Nam sau Đổi mới qua tham luận của KTS Nguyễn Mạnh Trí, trong Đề tài VH.02.02 của Hội KTS Việt Nam.

Tiếp nối tham luận là phần thảo luận giữa các diễn giả, chuyên gia, kiến trúc sư và khách mời, với những ý kiến đa dạng, bao quát hơn về những thành tựu, xu hướng, kết quả, hạn chế, tồn tại của kiến trúc Việt Nam trong 50 năm vừa qua, từ đó đưa ra những định hướng kiến trúc trong tương lai. Toạ đàm có sự tham gia của KTS. Nguyễn Thu Phong – Phó CT Hội KTS Việt Nam; TS.KTS. Nguyễn Hoàng Minh – Chuyên gia về Đào tạo; TS.KTS. Phạm Anh Tuấn – Chuyên gia về Kiến trúc cảnh quan; TS.KTS . Nguyễn Tất Thắng – Chuyên gia Lý luận, Phê bình Kiến trúc; KTS . Đoàn Thanh Hà – gương mặt có nhiều thành tựu trong thiết kế kiến trúc, đã được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng của UIA , ARCASIA và nhiều tổ chức khác; KTS . Lê Thành Vinh – Chuyên gia bảo tồn di sản kiến trúc, dưới sự điều phối của TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân.

Theo KTS Lê Thành Vinh: “Truyền thống là sự gìn giữ, chọn lọc, lưu truyền, kết hợp với nhau. Mỗi một giai đoạn, lại tạo ra một truyền thống mới, và việc KTS là kết hợp, kế thừa những giá trị truyền thống để tạo ra những giá trị mới.

Mặt khác, về lý luận phê bình kiến trúc, KTS Nguyễn Tất Thắng cũng cho rằng: “Lý luận kiến trúc Việt Nam chúng ra chưa đặt ra nền tảng, định hướng cho nó vì chúng ta chưa quan tâm đến nó. Vì vậy, chúng ta cần phát triển lý luận phê bình cần, đặc biệt là lý luận khoa học kiến trúc Việt Nam, đưa nội dung này vào luật kiến trúc; Hội KTS Việt Nam nên xây dựng luận cứ lý luận phê bình; Xây dựng được khung tiêu chí cho lý luận, phê bình, để mọi người đều có thể tham gia.”

KTS Đoàn Thanh Hà chia sẻ: “Tôi nghĩ, vì đặc điểm từng vùng miền, tính bản địa và nhu cầu, chúng ta cần có sự đa dạng về văn hoá. Và trong tương lai, chúng ta với những sự thay đổi thích ứng, chúng ta sẽ tìm ra những bản sắc, xu hướng mới, chứ không nên bị bó hẹp trong phạm vi nào cả.

Về phát triển cảnh quan, KTS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Theo sự chuyển tiếp của từng giai đoạn, sự thay đổi của Luật, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, Kiến trúc cảnh quan đã có những thay đổi rất lớn. Với cách tiếp cận nhanh chóng, KTS cảnh quan Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, bắt nhịp kịp với các xu hướng quốc tế. Và bây giờ, chúng ta cũng có những hạ tầng cảnh quan, cảnh quan bản địa… từ đó tạo ra những cảnh quan đặc trưng tại Việt Nam.”

Về định hướng đào tạo, KTS Nguyễn Việt Huy đưa ra đề xuất: “Thông qua quá trình đào tạo, ứng dụng các phương pháp đào tạo trên thế giới, trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi cho sinh viên và không giới hạn chỉ sinh viên Xây dựng Hà Nội, để tạo ra những cơ hội tốt cho sinh viên thử thách, so tài, tiếp cận các xu hướng kiến trúc trong nước và thế giới. Kiến trúc là một nghề rất cần thực tiễn, vì vậy, chúng ta cần tạo môi trường tiếp cận cho sinh viên. Đồng thời, theo tôi, nên có thêm những hỗ trợ từ các hội, tổ chức để khuyến khích để sinh viên có thêm cơ hội hội nhập quốc tế trong thời gian sắp tới”

Tham dự hội thảo, KTS Võ Quốc Thái – Hội KTS Hải Phòng cũng chia sẻ về Kiến trúc Hải Phòng trong những năm qua, đã được định hình thành một thành phố đúng tính chất thành phố cảng biển, gắn liền với đặc trưng về vị trí địa lý của thành phố. Đó cũng là một định hướng tốt cho phát triển kiến trúc tại từng tỉnh thành trong thời gian sắp tới.

Chia sẻ góc nhìn từ KTS thế giới đối với Kiến trúc Việt Nam, KTS Nguyễn Thu Phong cho biết: “Theo nhìn nhận từ các KTS quốc tế, mà tôi có dịp tiếp xúc tại một số sự kiện quốc tế trong năm vừa qua, KTS Việt Nam có những bước phát triển rất đáng nể phục về kiến trúc nhà ở. Kiến trúc Việt Nam có chất liệu về văn hoá, bản sắc và vật liệu cực kỳ phong phú. Đó là một cái nhìn độc lập từ bên ngoài nhưng đó là một giá trị rất quý đối với kiến trúc của chúng ta. Kiến trúc Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của xã hội. Và chúng ta cần gánh vác, đương đầu với sự quan tâm, kỳ vọng này. Chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa, để đưa kiến trúc hiển thị rõ nét hơn trong cuộc sống.”

Khép lại hội thảo, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định những đóng góp của giới nghề trong quá trình phát triển đất nước thời gian qua; đồng thời chia sẻ thông điệp của giới nghề, của Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Nhìn lại chặng đường 50 năm để giới KTS tự hào và cùng suy nghĩ về những khoảng trống mà lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc còn thiếu vắng, để từ đó có một tư duy mới, tầm nhìn mới, sáng tạo mới phấn đấu đưa nền kiến trúc nước nhà phát triển bền vững, hiện đại văn minh và bản sắc, lấy con người làm trung tâm, trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.”

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Ông Dương Đức Tuấn và Ông Phan Đăng Sơn trao bằng chứng nhận cho diễn giả

Trước đó, ngày 19/04/2025, trong không khí hào hùng và phấn khởi của cả nước kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), Hội thảo cùng chủ đề đã diễn ra tại TP mang tên Bác với sự ủng hộ của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và sự phối hợp của Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh.

Xem thêm: Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đồng hành cùng đất nước sau thống nhất tại TP Hồ Chí Minh

Nhân dịp này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 (2024-2025) vào tối cùng ngày 20/5/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôn vinh các Tác giả – Tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực Kiến trúc – Quy hoạch – Xây dựng nước nhà. Đây là giải thưởng cấp quốc gia cao quý nhất được trao trong lĩnh vực kiến trúc, do Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.

Thuỵ An – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc