Lễ ra mắt Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần Thứ Nhất tại Hà Nội

Ngày 1/4/2024, lễ ra mắt Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần Thứ Nhất đã diễn ra tại Trường Khoa học Liên ngành & Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội với chủ đề: “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000-nay: Cơ hội và thách thức”. Hội thảo mở ra những góc nhìn đa chiều và chuyên sâu về thực hành giám tuyển, một danh vị vốn còn mới mẻ trong quang cảnh nghệ thuật đương đại Việt.

Sự ra mắt của Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ Nhất là một nỗ lực tập thể của Á Space và Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS) cùng sự đồng hành của Bộ sưu tập Dogma Prize, Nguyen Art Foundation và The Outpost Art Organisation với mong muốn tạo ra một nền tảng chung cho các trao đổi cởi mở, có tính xây dựng và phản biện về công tác giám tuyển trong nước.

Hội thảo quy tụ 18 diễn giả là các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu cũng như đại diện các tổ chức nghệ thuật công và tư đã và đang hoạt động, đóng góp tích cực cho quang cảnh chung của nghệ thuật khắp cả nước đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế.

Với mục tiêu trở thành nền tảng thảo luận cởi mở và có tính phản biện, phiên thứ nhất của Hội thảo với chủ đề “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000 – nay: Cơ hội và Thách thức” tập trung giải quyết các vấn đề vẫn luôn tiềm tàng trước nay – những khúc mắc thực tiễn mà người làm công tác giám tuyển tại Việt Nam nhận thấy và gặp phải trong hơn hai thập kỷ qua. Từ đó, Hội thảo mong muốn xác định những cơ hội và khả năng giúp mở rộng và phát triển ngành nghề này tại Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai.

Buổi lễ ra mắt bắt đầu với phần trình bày về thực trạng ngành giám tuyển tại Việt Nam trong gần 3 thập kỷ qua của Vân Đỗ – thành viên Ban tổ chức, cùng với phần đặt vấn đề về tính cấp thiết dành cho những ngành học, đào tạo liên quan của PGS. TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội (VNU-SIS).

Từ trước đến nay, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã luôn có những chương trình, workshop, tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều dịp để những người thực hành trên khắp cả nước tụ họp và cùng nhau giải quyết những vấn đề thực tiễn liên quan đến công việc giám tuyển. Điều này được nhấn mạnh thêm, khi anh Vũ Đức Toàn, thành viên Ban Tổ Chức, chia sẻ lý do thực hiện dự án, qua những trải nghiệm cá nhân khi còn là sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam vào năm 2007 khi giám tuyển vẫn còn là một vai trò xa lạ, và quan sát của anh về quang cảnh nghệ thuật Việt Nam sau gần 20 năm làm việc như một nghệ sĩ, giám tuyển.

Tiếp đó, một thành viên khác của Ban Tổ Chức là Linh Lê, trình bày về cấu trúc, hình thức, và nội dung 05 chuyên đề sẽ được thảo luận trong Hội thảo. Cô kết thúc phần trình bày của mình bằng việc phát động Cuộc thi viết dành cho học sinh – sinh viên tại Hà Nội với tựa đề “Em là búp măng non, em lớn lên có ngành giám tuyển”, một hoạt động vệ tinh của Hội thảo với mong muốn tìm ra những cây viết về nghệ thuật trẻ.

Sau phần trình bày của các thành viên, Ban Tổ Chức đã có phần trả lời câu hỏi, và trao đổi với khán giả tham dự là đại diện các không gian nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội, các anh chị đồng nghiệp, nhà báo, cũng như giảng viên và sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật.

Hội thảo là hoạt động ra mắt VINACURA do Á Space, Nguyễn Art Foundation và Trung tâm nghệ thuật The Outpost đồng khởi xướng và thực hiện. VINACURA là một sáng kiến chung dài hơi nhằm chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức tham gia nhằm phát triển và mở rộng các khía cạnh chuyên môn và thực tế của những người thực hành giám tuyển và viết ở Việt Nam. Hội thảo sẽ chính thức diễn ra từ ngày 13 đến 14 tháng 4 năm 2024, tại Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại – Hội Mỹ Thuật, 621 Đê La Thành, Hà Nội.

TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc