Hội Kiến trúc sư Việt Nam truyền thống và phát triển bền vững

Từ một chủ thể nhỏ, một tổ chức, đến một quốc gia, không mấy ai không thấy tự hào khi có một bề dày về cuộc đời và lịch sử.

Chúng ta tự hào về đất nước con rồng cháu lạc mấy thiên niên kỷ, với Thủ đô ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, về Hội KTS Việt Nam, tổ chức của những con người văn hóa – trí tuệ – sáng tạo, với 3 thế hệ, trải nghiệm theo dòng thời gian biến động của lịch sử đất nước.

Là một trong số ít tổ chức Hội có “tuổi đời” khá dày dặn, Hội KTS Việt Nam cách đây không lâu (2008) đã tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và được Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng.

Kiến trúc là lĩnh vực hoạt động mà tác động rất trực tiếp đến đời sống con người, đến văn hóa, đến phát triển kinh tế xã hội của một địa phương, một quốc gia. Chính vì vậy mà sau khi nước nhà giành được độc lập, Bác Hồ trong thư gửi Hội nghị KTS đã viết: “…Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy kiến trúc là một việc rất quan hệ”.

Từ đó đến nay, giới KTS đã đồng hành cùng đất nước, đã đáp ứng được yêu cầu qua các giai đoạn lịch sử. Giờ đây khi đất nước càng phát triển, đòi hỏi về kiến thiết càng tăng, công tác quy hoạch – kiến trúc càng được chú trọng, thì trách nhiệm của KTS đối với sự nghiệp xây dựng và phát triến kiến trúc càng nặng nề, họ vẫn tiếp tục là những chiến sỹ trên mặt trận này.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thăng trầm, thuận lợi hay khó khăn giới KTS luôn được tập hợp trong một tổ chức, mà được họ tự nguyện coi như “mái nhà chung” của mình, đó là Hội KTS Việt Nam. Mái nhà chung này cũng không đơn độc, ngay từ năm 1959, Hội KTS Việt Nam đã được kết nạp là thành viên của Hiệp hội KTS quốc tế (UIA) và sau đó gia nhập thành viên của Hội đồng KTS Châu Á (ARCASIA).

Với một bề dày thời gian, đồng thời cũng có được bề dày truyền thống, Hội KTS Việt Nam đã trải qua 7 kỳ Đại hội, trong đó có những mốc quan trọng đáng ghi nhớ như: Đại hội lần thứ III (1983) đánh dấu sự đoàn tụ của KTS cả nước sau khi nước nhà thống nhất; Đại hội lần thứ VI (năm 2000) đánh dấu vị thế của Hội khi Hội KTS Việt Nam cùng với các Hội trong khối Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được NQTW 5 khóa VIII xác định là tổ chức “Chính trị – Xã hội – Nghề nghiêp”.

Đại hội VIII lần này (2010) đánh dấu đất nước bước sang giai đoạn nước rút bứt phá để tiến tới mục tiêu năm 2020 trở thành một nước công nghiệp. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, sự nghiệp kiến trúc cần phải theo định hướng mà NQ 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục phát triển Văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới” đã chỉ rõ.

Trên một nền tảng truyền thống khá vững chắc như vậy, cùng với tính chất nghề nghiệp luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội, Hội KTS Việt Nam  từ tư duy đến đội ngũ …luôn đổi mới, thích hợp và hiệu quả đảm bảo phát triển bền vững. Sự nghiệp của Hội tùy thuộc vào mỗi hội viên, lòng nhiệt huyết, tự nguyện và công tâm vì cái chung, Trong mỗi thời kỳ, mỗi mỗi hoàn cảnh không phải lúc nào Hội cũng đem lại lợi ích rõ ràng cho từng hội viên, tuy nhiên thực tế đã cho thấy các thế hệ nối tiếp vẫn gắn bó và quy tụ về với Hội.

Từ những ngày đầu có vài chục, đến nay đã gần 4000 Hội viên Hội Trung ương (chưa kể hội viên địa phương đang ngày càng phát triển). Với một lực lượng KTS cả nước khoảng 15000 người, đây là đội ngũ kế thừa vững chắc và đầy triển vọng của Hội.

Sự nghiệp của Hội chỉ được bền vững khi vị thế của Hội trong cộng đồng, đặc biệt đối với các cơ quan quản lý Nhà nước ngày càng được xác nhận và tin cậy.

Thời gian gần đây xã hội đã quan tâm hơn, hiểu biết hơn đến quy hoạch – kiến trúc, đến giá trị trí tuệ – văn hóa nghệ thuật của kiến trúc hơn, dần dần đã thấy sự cần thiết có “Bàn tay – Khối óc sáng tạo” của KTS trong hoạt động này.

Vai trò chức năng tư vấn phản biện xã hội về kiến trúc của Hội cũng đang được chú trọng.

Thực lực trí tuệ, sự khách quan vô tư, lòng yêu nước vì sự nghiệp chung của Hội, của giới đã ngày càng khẳng định vị thế của Hội trong xã hội. Sự nghiệp kiến trúc cũng như sự nghiệp Hội được đúc kết từ các thành quả (tác phẩm) của từng con người (tác giả) góp nên. Cho dù các điều kiện khác nhau, tùy thời kỳ, tùy từng vùng miền, trong cơ chế bao cấp trước đây hay thị trường đầy áp lực ngày nay, KTS đều cố gắng tạo lập cho đất nước những kiến trúc tốt.

Hội luôn bên cạnh họ và làm tròn trách nhiệm của mình thông qua lý luận, phê bình, qua các kỳ Giải thưởng kiến trúc… góp phần dịnh hướng sáng tác, nhằm xây dựng nền kiến trúc hiện đại, bản sắc, thấm nhuần tư tưởng Chân – Thiện – Mỹ, lành mạnh và sáng tạo.

Tuy còn khiêm tốn, KTS các thế hệ đã để lại không ít những công trình có giá trị đáng ghi nhận. Nhiều KTS đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhiều giải thưởng Kiến trúc quốc gia và quốc tế.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, trong xu thế hội nhập, đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động kiến trúc không nằm ngoài sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước cũng như của Hội. Không chỉ đào tạo chất lượng trong nhà trường mà còn phải nâng cao kỹ năng trong hành nghề, môi trường hành nghề, quản lý hành nghề, với mục tiêu cố gắng làm sao để cho KTS Việt Nam đủ sức gánh vác trách nhiệm xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam tương lai cho chính mình.Sự phát triển bền vững của Hội, của giới gắn kết với sự phát triển bền vững của kiến trúc nước nhà. Về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, toàn cầu hóa đặt ra cho mỗi quốc gia vấn đề làm sao gìn giữ được bản sắc địa phương.

Trí tuệ nhân loại phát triển ngày càng cao, nhằm phục vụ tối đa lợi ích quốc gia, đặt ra cho mọi người vấn đề cân bằng giữa phát triển và sự giữ gìn, bảo vệ, khắc phục sự đe dọa đối với trái đất (trước hiểm họa của biến đổi khí hậu, hủy diệt môi trường).

Theo xu hướng chung, Hội cùng giới KTS đang cố gắng tiên phong trong hoạt động của mình, tư vấn cho xã hội, tuyên ngôn cho cộng đồng, góp phần xây dựng phát triển nền kiến trúc xanh, sinh thái, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững nền kiến trúc Việt Nam mới của thế kỷ 21.

KTS.Nguyễn Thúc Hoàng