Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kiến trúc
Năm 2011 đánh dấu một mốc quan trọng quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh, khi Vịnh Hạ Long được bình chọn nằm trong top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Niềm tự hào về một kỳ quan hùng vỹ do thiên nhiên ban tặng khiến cả nước đang hướng về Quảng Ninh với mong muốn Hạ Long phát huy các thế mạnh của một vùng đất tiềm năng về kinh tế và giàu truyền thống văn hóa, lịch sử để trở thành " Đô thị biển hiện đại và giàu bản sắc" của cả nước.
Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Chính – Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh về tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ninh, đặt biệt là TP Hạ Long cùng những định hướng chiến lược phát triển của tỉnh nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị biển Quảng Ninh trong thời kỳ mới.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

Phóng viên: Thưa Bí thư, Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt, thành phố Hạ Long nhằm đáp ứng vai trò là đô thị trọng điểm kinh tế – du lịch biển của các tỉnh phía Bắc Việt Nam và khu vực Châu Á nói chung?
Bí thư Phạm Minh Chính: Người Quảng Ninh luôn tự hào khi nhắc đến lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng ví Quảng Ninh “như là nước Việt Nam thu nhỏ”; bởi có rừng vàng, biển bạc, sông núi, nước non, có đường biên giới đất liền với nước CHND Trung Hoa và có đường biên giới biển thông ra thế giới. Đây là vị thế xung yếu chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Trong phạm vi liên kết vùng, Quảng Ninh kết nối với Hải Phòng có thể phát triển thành cụm cảng quốc tế phía Bắc, kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu ra thị trường quốc tế, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Không chỉ có vị thế nổi bật mang tầm quốc tế, Quảng Ninh còn có nhiều cảnh quan nổi trội với hơn 500 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, đặc biệt là Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là “Di sản thiên nhiên của Thế giới”, vừa được vinh danh là kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới; là danh thắng Yên Tử – trung tâm Phật giáo của Việt Nam…; là tiềm năng có một không hai để phát triển các loại hình du lịch (biển đảo, sinh thái, văn hóa lịch sử, tâm linh…) và hướng đến phát triển ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong lòng đất, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban tặng một kho báu tài nguyên khoáng sản giàu có, dồi dào nhất là than đá, đá vôi, đất sét…; là điều kiện, là cơ hội tốt để phát triển một trung tâm khai khoáng, trung tâm nhiệt điện, vật liệu xây dựng của cả nước. Và điều quan trọng nhất cũng là thế mạnh không bao giờ có thể khai thác hết được đó là nguồn lực con người. Quảng Ninh đã là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng từ hàng ngàn đời nay, đến thời đại Hồ Chí Minh lại có thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với tinh thần kỷ luật và đồng tâm. Yếu tố này tạo cho Quảng Ninh có khả năng tập hợp, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng để giải quyết được những vấn đề đột phá.

Thành phố Hạ Long, là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nằm bên di sản thiên nhiên và kỳ quan thế giới mới Vịnh Hạ Long, có tiềm năng nổi trội về phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế biển. Thành phố Hạ Long có vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh, được thừa hưởng mọi tiềm năng, thế mạnh, giá trị khác biệt của tỉnh Quảng Ninh. Tư tưởng phát triển Đô thị Hạ Long là phải hiện đại, mang tầm quốc tế để tương xứng với vị trí của Vịnh Hạ Long và phải đi đầu trong việc phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển xanh. Chúng tôi xác định sẽ xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho Hạ Long trở thành một trọng điểm kinh tế – du lịch biển của Việt Nam và khu vực châu Á; liên kết mật thiết với chuỗi đô thị hiện đại của vùng đồng bằng sông Hồng; và gắn liền với việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Phóng viên: Với những thế mạnh của mình, Quảng Ninh hiện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Quảng Ninh đã và đang có những chủ trương quan trọng gì để nhận diện lại đô thị Quảng Ninh nói chung, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới, và định hướng cho các nhà đầu tư, KTS trong hoạt động đầu tư và tư vấn của mình trên địa bàn?
Bí thư Phạm Minh Chính: Những năm qua, Quảng Ninh luôn nằm trong tốp đầu cả nước về tăng trưởng GDP và thu nộp ngân sách Trung ương. Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đã được quan tâm, đầu tư; bước đầu đã đáp ứng một phần yêu cầu quản lý, yêu cầu phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nói chung. Hiện nay Tỉnh có 15 đô thị (04 thành phố, 01 thị xã, 10 thị trấn huyện lỵ), tỷ lệ đô thị hóa cao, đạt khoảng 58%, (trong khi trung bình của cả nước là 30,1%).
Tuy nhiên nhìn lại, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập, nhất là chất lượng và tầm nhìn các đồ án quy hoạch, tính khả thi quy hoạch, tính mở, thiếu các dự án tốt, thiếu sức hấp dẫn và thu hút đầu tư. Công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, đô thị nói chung còn hạn chế, lỏng lẻo; chưa khai thác đúng với tiềm năng lợi thế, các nguồn lực của Tỉnh cũng như mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới, và làm định hướng cho các nhà đầu tư, KTS, KS trong hoạt động đầu tư và tư vấn của mình trên địa bàn, Tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành:
Một là: Về chủ trương, Tỉnh xác định năm 2012 là năm xây dựng chiến lược và quy hoạch. Tỉnh đang triển khai đồng loạt các quy hoạch, trong đó có quy hoạch tổng thể không gian phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian xây dựng đô thị và hạ tầng kỹ thuật.
Hai là: Về quy hoạch không gian xây dựng đô thị và hạ tầng kỹ thuật, tỉnh xác định phải đánh giá, nhận diện hiện trạng, xác định mô hình, quy mô và các nguồn lực phát triển cho các đô thị theo định hướng của một nền kinh tế xanh. Lấy yếu tố phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ Vịnh Hạ Long… làm trọng tâm; tăng trưởng xanh thay cho tăng trưởng nóng, từ bề rộng sang chiều sâu một cách hài hòa và hợp lý (những gì đang có vẫn phải phát huy nhưng theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững).
Ba là: Tỉnh chủ trương sẽ mời các nhà tư vấn hàng đầu thế giới về lập chiến lược, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng tham gia lập dự án. Mục tiêu là tạo ra các sản phẩm quy hoạch chất lượng, có đẳng cấp quốc tế; từ đó có các dự án tốt để thu hút các nhà đầu tư; huy động và phát huy tối đa nguồn lực phát triển cho tỉnh. Thông qua các tư vấn quốc tế nổi tiếng để quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư lớn của quốc tế, khu vực; đồng thời qua đó có thể học hỏi, tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của họ, và nâng cao năng lực cho các chuyên gia, KTS, KS trong nước và của tỉnh.
Bốn là: Định hướng không gian kinh tế – xã hội của tỉnh sẽ phát triển theo hướng một trục hai cánh. Một trục là Hạ Long (chuyển đổi phương thức phát triển). Cánh phía Tây (bao gồm Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Ba Chẽ) phát triển công nghiệp ở tầm cao mới là chuỗi công nghiệp không khói với sự hỗ trợ của phát triển kinh tế xanh do ở đây có nền tảng hạ tầng và môi trường công nghiệp từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Cánh phía Đông (bao gồm Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô, Bình Liêu) sẽ bao gồm chuỗi đô thị vệ tinh sinh thái và dịch vụ cao cấp hiện đại để phát triển dịch vụ biên mậu, du lịch với hai động lực là hai khu kinh tế đặc biệt Móng Cái và Vân Đồn; do ở đây có môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, có hạ tầng thương mại quốc tế thuận lợi; lại là cửa ngõ giao thương trung chuyển hàng hóa giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Bãi Cháy – Quảng Ninh. Ảnh KTS Nguyễn Phú Đức
Phóng viên: Vừa qua, Vịnh Hạ Long đã được bình chọn là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Cả nước đang hướng về Hạ Long với mong muốn Hạ Long trở thành một đô thị sinh thái biển gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã và đang có những chủ trương và chính sách gì nhằm tạo điều kiện cho thành phố Hạ Long phát triển bền vững?
Bí thư Phạm Minh Chính: Hạ Long sẽ đóng vai trò là trục chính trong định hướng phát triển không gian kinh tế – xã hội “một trục hai cánh” của Tỉnh vì Hạ Long đã là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế – xã hội của Quảng Ninh. Tuy nhiên, Hạ Long sẽ phải chuyển đổi phương thức phát triển ở tầm cao mới trong phát triển xanh theo hướng là thành phố đa năng của vùng, thành phố du lịch, cảng biển quốc tế văn minh, hiện đại; lấy phát triển công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa làm trọng tâm và đột phá.
Xác định công tác lập chiến lược, xây dựng quy hoạch, ứng dụng KH-CN, giải quyết vấn đề môi trường, đầu tư phát triển đồng bộ là những điều kiện tiên quyết để thực hiện được các định hướng trên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã và đang chỉ đạo Thành phố Hạ Long đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các quy hoạch: Điều chỉnh qui hoạch chung, Qui hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Qui hoạch bảo vệ môi trường. Các chiến lược, quy hoạch để phát triển TP Hạ Long phải lấy việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long làm trung tâm của sự phát triển và phải theo định hướng của một nền kinh tế xanh. Ngoài ra, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã định hướng các cơ chế, chính sách đồng bộ kèm theo cho Hạ Long để tăng cường sự chủ động, tăng năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, giao cho Thành phố Hạ Long xây dựng Đề án phân cấp quản lý, trong đó chú trọng các lĩnh vực quy hoạch, quản lý đầu tư, tổ chức lễ hội du lịch, quản lý đô thị…; đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng phục vụ phát triển kinh tế xanh, tạo bước đột phá cho Thành phố phát triển bền vững. Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng nữa là đội ngũ nguồn nhân lực, Tỉnh chủ trương sẽ quy hoạch, đầu tư, đào tạo, có chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hạ Long để đáp ứng nhu cầu phát triển sắp tới.
Hy vọng với định hướng chiến lược đúng đắn, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; Thành phố Hạ Long sẽ phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm du lịch quốc tế hiện đại xứng danh với kỳ quan thiên nhiên thế giới mới – Vịnh Hạ Long.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bí thư về cuộc trao đổi này !