75 năm kiến trúc Việt Nam: “Đoàn kết, tận tâm – Hướng tới hội nhập và phát triển bền vững”

Đồng hành với đất nước từ những năm đầu giành được Độc lập, Hội KTS Việt Nam đã trải qua một chặng đường ¾ thế kỷ thật hào hùng và xán lạn. Những tư tưởng được Lãnh tụ Cách mạng Việt Nam – Danh nhân văn hóa của nhân loại Hồ Chí Minh truyền thắp, gửi gắm trong bức thư trực tiếp soạn thảo nơi chiến khu cách mạng Khuổi Tát – Định Hóa – Thái Nguyên, gửi tới hội nghị ngày thành lập, đã dẫn hướng suốt chặng đường từ đó, vượt qua mấy cuộc chiến tranh, đi tới thời hòa bình dựng xây. Cho đến hôm nay, ngọn lửa thắp từ thủa ấy vẫn còn nguyên năng lượng sáng ấm cùng công cuộc Kiến trúc, góp phần phát triển quốc gia đậm sắc văn hóa – Văn minh hiện đại – Hội nhập bền vững.

Những năm đầu, cho đến khi đất nước thống nhất (1975) – Từ lúc mái nhà chung là Đoàn KTS Việt Nam được tạo dựng, những KTS miền Bắc – vùng đất hậu phương, được đào tạo từ thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đào tạo ở môi trường chủ nghĩa xã hội, đã cùng hòa ca “Tất cả vì tiền tuyến”. Họ đem hết tâm huyết, trí tuệ thiết kế những công trình phục vụ nền kinh tế xã hội phát triển thời chiến, vừa thích dụng vừa hợp kinh tài quốc gia. – Làm nên một nền kiến trúc có bản sắc đặc biệt, giàu giá trị nhân văn, cơ động và dung hòa.

Các KTS miền Nam thời kỳ này, chia thành đôi ngả: Một hướng rời TP phồn hoa lên chiến khu, làm nghề kiểu kháng chiến, tạo nên những tác phẩm kịp thời phục vụ thích ứng bối cảnh kháng chiến; bộ phận ở lại vẫn miệt mài sáng tạo những tác phẩm kiến trúc đậm chất Việt Nam, tinh tế, thanh tao giữa đô thành. Điều thú vị là, đa số những tác phẩm này đến nay vẫn đóng góp cho nền kiến trúc bản địa.

Thời kỳ đầu thống nhất (1975-1986), đất nước vừa ra khỏi chiến tranh với hậu quả cực kỳ nặng nề. Nền kinh tế phát triển mô hình kế hoạch hóa. Kiến trúc trong nước, dù đã có nhiều hơn đất dụng võ so với trước, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, những tác phẩm từ trang giấy bước ra đời thực không nhiều. Mặt Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình có phát triển, nhưng ít gắn với thực tiễn, nặng tính hàn lâm. Các công trình lớn được xây dựng trong nước, chủ yếu là hàng viện trợ từ đầu đến cuối của các nước XHCN. Tuy vậy, nhờ sự quật cường, tâm can của giới nghề, vẫn có những kiến trúc hình thức hiện đại, thích dụng ra đời. Thành công rõ rệt nhất thời kỳ này có lẽ là hàng loạt tác phẩm dự thi quốc tế đạt giải cao, có cả những giải thưởng lớn.

Lễ kỷ niệm 75 năm Hội KTS Việt Nam ngày 25/4/2023 tại Nhà hát Lớn – Hà Nội

Từ những năm 90 thế kỷ 20, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. KTS hai miền kết nối hòa nhập, đồng sáng tạo trong một mái nhà chung Hội KTS Việt Nam. Kiến trúc có cơ hội thực sự nở rộ, thể hiện đúng mã gen xứ sở, đổi mới mạnh mẽ, nhất là về tư duy sáng tạo. Từ đó bứt phá, ứng dụng công nghệ vật liệu mới, hành nghề đa dạng theo mô hình nhà nước và tư nhân. Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình – Phản biện – Giám định đã mở cửa bước ra với đời thường dân gian… Tất cả sự đồng ứng đó, làm nên một nền kiến trúc sống động, hiện đại. Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1993, đã tạo thêm động lực “thi đua”, thúc đẩy xúc cảm thăng hoa cho giới nghề.

Các hoạt động giao lưu quốc tế với chất lượng chuyên môn cao, cũng là một nỗ lực của Hội KTS thời kỳ này: Liên hoan KTS trẻ toàn quốc đổi mới thắp sáng lửa làm nghề; Giải thưởng Loa Thành cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được tổ chức, đã tạo nên những làn sóng vượt vũ môn cho giới, không kể tuổi tác. Những cuộc thi tuyển kiến trúc với chất lượng chuyên môn cao, bắt đầu xuất hiện cũng là những tín hiệu rất tích cực của thời kỳ.

Sự tươi sáng của đất nước giai đoạn này, đã “thay lời muốn nói” cho thành tựu các lĩnh vực Nghệ thuật và Khoa học, mà Kiến trúc là cầu nối giữa hai lĩnh vực đó.

Từ năm 2018 đến nay, chặng đường năm năm, Kiến trúc Việt Nam càng vững bước, dành được rất nhiều thắng lợi ở trong trong nước và cả quốc tế.

Vậy, kiến trúc Việt Nam đã đóng góp thêm được những gì với sự phát triển chung của nền Văn hóa – kinh tế – xã hội Quốc gia? Về mặt sáng tạo quy hoạch và công trình, đó là khoảng 30 đô thị được điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, hơn một trăm đô thị được hình thành mới khắp mọi miền, mà lực lượng chủ chốt, trực tiếp triển khai thành hình hài đều là KTS. Gần 10 cụm công trình hành chính cấp tỉnh trở lên, sắp được xây dựng sau thi tuyển, và rất nhiều công trình đạt giải thi tuyển thể loại khác, trong đó có đến 2/3 là do các KTS Việt Nam chủ trì. Nở rộ hàng trăm trường học, có kiến trúc gắn kết thành công bản sắc vùng miền và hiện đại, hội nhập. Không ít hơn 50 bệnh viện các loại, được cải tạo nâng cấp và hình thành mới, đưa công năng, – tiện nghi – hình thái cập nhật tiên tiến thế giới. Hệ thống nhà cộng đồng cho vùng đồng bào thiểu số, yếu thế, mang đến những hình ảnh sinh động, thắp sáng khát vọng ấm no cho mỗi làng quê hẻo lánh. Chương trình nhà ở xã hội, niềm mong đợi chính đáng của phần lớn dân cư mỗi TP, luôn được giới nghề trăn trở, nghiên cứu tạo lập, ngày càng thích dụng, với giá thành hạ…

Đất nước văn minh bắt nguồn bởi nông nghiệp lúa nước. Vậy mà nông thôn Việt Nam, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đau đáu từ những năm đầu độc lập: “Chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. Ở thời kỳ trước, hầu như chỉ tập trung quan tâm xung quanh 4 mục: Điện, đường, trường, trạm. Đến giai đoạn này đã được giới nghề thức tỉnh, thiết kế nhiều kiểu nhà ở phù hợp từng vùng miền. Hội KTS Việt Nam đã đưa vấn đề này thành một mục tiêu chính trong phát triển nền kiến trúc, đang nghiên cứu – sáng tạo, trên cơ sở mong muốn và nhu cầu của cộng đồng. Thời gian tới, khoảng 500 kiểu nhà này hoàn thành sáng tác, giới thiệu đến từng địa phương, hy vọng sẽ được chính quyền định hướng áp dụng, người dân hồ hởi đón nhận.

Những mảng ghép kiến trúc về Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình – Phản biện – Giám định – Đào tạo đã gắn sâu hơn với yêu cầu thực tế, thường nhật của xã hội, có tham biện kịp thời. Với gần 50 chương trình nghiên cứu – lý luận đa dạng được thực hiện, hàng trăm ấn phẩm bài báo luận giải – phê bình được đào xới, xây đắp. Những chương trình phản biện – giám định tiến hành kịp thời, tôn vinh kiến trúc giàu bản sắc văn hóa, hiện đại, hội nhập góp phần ngăn chặn kiến trúc bất cập, lệch chuẩn. Hội cũng đã tham gia tích cực vào các chương trình đổi mới đào tạo thường xuyên và nâng cao.

Phát triển KTS trẻ là mảng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả khả quan. Mạng kết nối KTS trẻ toàn quốc, và quốc tế, từ gặp gỡ giao lưu thuần túy, đã chuyển sang bàn thảo, nghiên cứu, giải quyết vấn đề chuyên môn, nâng cấp trình độ của chính giới nghề, huy động hiệu quả cộng đồng cùng tham gia. Liên hoan sinh viên kiến trúc trong nước, cùng Giải thưởng Loa thành cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tiến hành rộng và kịp thời, góp phần tạo giá trị nhân bản, làm bệ phóng vững tin khi rời mái trường, bước vào tương lai. Hàng trăm Giải thưởng quốc tế, mà giới KTS trẻ và sinh viên kiến trúc Việt Nam, tham dự và đĩnh đạc giành được, góp phần khẳng định vị trí xứng đáng của Kiến trúc Việt Nam trên bản đồ Văn hóa – Kiến trúc toàn cầu.

Và còn rất rất nhiều sự thành công đáng nói nữa của kiến trúc Việt Nam và Hội KTS Việt Nam thời gian qua…

Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thừa nhận, tồn tại của Kiến trúc còn khá rõ nét, có trách nhiệm không nhỏ của KTS và Hội KTS các cấp. Đó là, quy hoạch và phát triển đô thị nhiều nơi chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa dự báo đúng thực tiễn, khía cạnh bản địa về quy hoạch còn rất mờ nhạt. Với sáng tạo công trình, tính đổi mới, đột phá còn chưa phủ rộng, sự pha tạp, lai căng vẫn hiện hữu và chứa đựng nhiều nguy cơ. Thua trên sân nhà những cuộc thi tuyển lớn vẫn là một thực tế phổ biến. Cơ chế chính sách và đơn giá cho lĩnh vực còn những bất hợp lý kéo dài. Các mặt Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình – Phản biện – Đào tạo còn hạn chế. Lực lượng KTS trẻ thực sự tâm trí với nghề cũng còn chiếm tỷ lệ chưa cao.

Hướng về tương lai – Trong thời kỳ mà Nghị quyết 06-NQ/TW về xây dựng và phát triển đô thị bền vững đến 2030, tầm nhìn 2045; Luật Kiến trúc; Định hướng phát triển kiến trúc đến 2030, tầm nhìn 2050, đều đã đi vào vận hành toàn diện và rộng khắp đất nước. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Liên hiệp, các thế hệ KTS dưới mái nhà chung của Hội KTS Việt Nam đã có thời cơ thuận lợi, dòng mạch thông thoát để cất cánh. Với những nền tảng đó, cùng trí tuệ tài năng tiềm tàng của KTS, Hội KTS Việt Nam đề nghị và mong muốn rằng: Chúng ta – những người làm kiến trúc, hãy cùng nhau đoàn kết một lòng, tận tâm, tận trí, thực hiện các mục tiêu đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, bước đến tương lai vững bền.

Theo đó, cùng với hoàn thành 15 nhiệm vụ cụ thể đã đề ra trong nhiệm kỳ, thực hiện tốt 5 đề án được giao cho Hội KTS Việt Nam chủ trì theo Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: 1. Lưu giữ, trưng bày các giá trị bản sắc kiến trúc của các dân tộc; 2. Nghiên cứu bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc; 3. Kiến trúc nông thôn từ truyền thống đến hiện đại, gắn kết thời kỳ hội nhập; 4. Xây dựng, phát triển hệ thống lý luận phê bình Kiến trúc; 5. Đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTS theo xu hướng hội nhập quốc tế;

Chúng ta cần tập trung toàn giới nghề, hành động vì các mục tiêu: Thứ nhất là, góp phần để hệ thống đô thị phát triển bền vững với kiến trúc xanh – Bản sắc – Hiện đại; Thứ hai là, vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt để đóng góp kịp thời, đúng vai trò, nhằm cứu quy hoạch và kiến trúc nông thôn đang nhiều nguy cơ đánh mất truyền thống và trật tự phát triển hài hòa; Thứ ba là, làm sao cho cộng đồng gồm Chính quyền – Nhà đầu tư – Nhân dân thực sự thấu hiểu và tương tác; Thứ tư là, tự hệ thống và con người KTS phải nâng tầm trong sáng tạo, đột phá, cạnh tranh, hội nhập; Thứ năm là, trau dồi phẩm chất ý chí, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đi đôi với kế tục xứng đáng các bậc tiền bối.

Mọi thành công của Hội KTS Việt Nam, các KTS Việt Nam, ngoài sự lãnh đạo đưa đường chỉ lối, sự nỗ lực của giới nghề, còn rất cần cả sự vào cuộc của toàn xã hội, từ những người dân, nhà đầu tư, các nhà đồng hành. Hội KTS Việt Nam và toàn thể Hội viên, cùng cộng đồng KTS đất nước, xin trân trọng được cảm ơn tất cả điều đó và cùng hướng tới tương lai rạng rỡ hơn của kiến trúc Việt Nam trong tương lai.

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2023)