Cái nôi của nghề thêu truyền thống – làng Quất Động

Làng Quất động nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, được khai sinh bởi ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Nghề thêu đã  có từ rất lâu đời, bắt nguồn cùng với sự hình thành và phát triển của làng từ xưa đến nay. 

Làng nghề thêu Quất Động thuộc xã Quất Động, nằm ở bên trái quốc lộ I (theo hướng đi từ Hà Nội), thuộc huyện Thường tín – Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Làng nghề thêu Quất Động có vị trí trung tâm của xã Quất Động, có quy mô diện tích khoảng 50ha, trong đó diện tích đất ở khoảng 17ha, còn lại là đất nông nghiệp. Đây được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Lịch sử phát triển làng

Thời Nguyễn, xã Quất Động là một trong chín xã thuộc Tổng Bình Lăng Phú, Thường Tín trấn, Sơn Nam Thượng. Làng Quất Động là một làng lớn với dân số chiếm 2/3 dân số toàn xã. Xã Quất Động có nhiều thôn, xóm làm nghề thêu, nhưng được coi là gốc của nghề thêu tay người ta thường nhắc đến làng Quất Động. Bởi theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của 3 miền Bắc Trung Nam là tiến sỹ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Khái, sống ở thế kỷ 17 tại làng Quất Động.

Xã Quất Động hiện có 8 thôn: Quất Động (Quất Động 1 và Quẩt Động 2), Quất Lâm, Quất Tỉnh, Đức trạch, Đô Quan, Nguyên Bì, Hướng Xá, Liêu Xá.

Lịch sử phát triển nghề thêu truyền thống

Ở nước ta thời vua Hùng người Lạc Việt đã biết “mặc áo chui đầu, cài khuy bên trái, các cô gái mặc váy áo thêu”. Sử sách cũ còn ghi: Đời Trần vua quan nước ta đã dùng lọng và đồ thêu. Như vậy nghề thêu đã có ở nước ta từ rất sớm nhưng rất tiếc không được ghi chép đầy đủ.

Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1918, sách “Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam” của Vũ Huy Phúc có viết: “Ở Hà Đông nghề xếp đầu tiên là nghề thêu” và nhắc lại nguồn gốc nghề có từ thời Lê do Lê Công Hành dậy dân vùng Quất Động.

Vào năm 1939 theo thống kê số thợ thủ công Việt Nam của Bulletin, cả Bắc Kỳ khi đó có 2315 thợ thêu tập trung ở 4 vùng lớn ứng với tứ trấn quanh Hà Nội xưa. Trong đó số ít cũng có quá nửa là thợ Hà Đông tập trung ở vùng Quất Động. Có thể đây là thời cực thịnh của nghề thêu trong toàn xứ nói chung và vùng Quất Động nói riêng.

Thời nghề thêu phát triển rầm rộ nhất (1972 – 1986) riêng ở huyện Thường Tín vốn là quê gốc nghề thêu nên nghề này từ Quất Động, Thắng Lợi đã được nhân rộng ra hầu khắp các xã trong huyện: Lê Lợi, Dũng Tiến, Nguyễn Trãi, Chương Dương,…

Tính đến 01/02/2002 làng nghề thêu Quất Động có hơn 400 hộ làm nghề thêu (hầu như cả làng) thu hút gần 1000 lao động.

Nhưng một vài năm gần đây, nghề thêu của làng Quất Động dường như lại lắng xuống, không phát triển như những năm trước đó. Về thăm làng thêu hôm nay không chỉ có các nhà báo, những người tìm học nghề mà còn có nhiều khách nước ngoài tìm đến tận nơi để đặt hàng và mua hàng theo ý muốn. Họ không chỉ biết đến nghề thêu Quất Động mà còn biết đến cả các nghệ nhân có tay nghề cao như: nghệ nhân Bùi Đình Hán (đã mất), nghệ nhân Phạm Viết Tương (đã mất), nghệ nhân Phạm Viết Đinh (đã mất), cụ Bùi Thị Tuyết, cụ Bùi Thị Hánh, cô Hoàng Thị Khương, chú Hoàng Viết Chỉnh,…

Ông tổ nghề thêu

Lê Công Hành tên khai sinh là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm Bính Ngọ (1606) tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).

Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (Nguồn: Thư viện lịch sử)
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (Nguồn: Thư viện lịch sử)

Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong lần đi sứ này vô tình ông đã học được nghề thêu và ông đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động rồi sau đó phát triển rộng ra các tỉnh khác, sang cả Bắc Ninh, Hưng Yên.

Bên cạnh đó, ông cũng dạy lại cách làm lọng cho người dân. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.

Một số tài liệu cho rằng trước khi Lê Công hành truyền dạy nghề thêu và làm lọng cho dân chúng, những nghề này đã tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên, nó phát triển nhỏ lẻ, kỹ thuật khá đơn sơ, quanh quẩn với vài màu chỉ và chủ yếu phục vụ cho vua quan.

Sử sách cũ còn ghi lại ở đời Trần, vua quan ta đã dùng đồ thêu và lọng. Năm 1289, trước năm đi sứ của Lê Công Hành khoảng hơn 350 năm, vua Trần đã gửi tặng vua Nguyễn một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu (theo Từ Minh Thiện viết trong tập Thiên nam hành ký).

Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (Nguồn: Thư viện lịch sử)
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (Nguồn: Thư viện lịch sử)

Đặc điểm nghề truyền thống

Nghề thêu làng Quất Động được chia thành 3 loại hình:

  • Thêu tranh (phong cảnh, hoa, động vật, địa danh, …)
  • Thêu chân dung (Vua chúa, Nhân vật lịch sử, Nguyên thủ quốc gia,…)
  • Thêu trang phục cung đình, phục chế trang phục,…

Trong đó thêu tranh được xem là đơn giản nhất vì tự do sáng tác theo cảm xúc của người thêu, tùy theo độ say mê, yêu nghề, đường nét tinh tế hay thô sơ sẽ thể hiện chất lượng của bức tranh.
Thêu chân dung là khó nhất vì cần phải hiểu và cảm nhận được thần thái của nhân vật, sau đó phải biết cách thể hiện tinh thần đó thông qua những nét chỉ, nếu không tinh tế thì sẽ không thể thành công.

Thêu và phục chế trang phục cung đình lại đòi hỏi sự tuân chỉ nghiêm ngặt những nguyên tắc đã quy định đối với trang phục cung đình, thể hiện thứ hạng của từng loại trang phục, màu sắc, hoa văn phải chính xác, không được phép sáng tạo.

Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền…đến các bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung sáng tạo như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung Lê Nin… Ngoài nghề thêu, nhiều nhà còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách…trên sản phẩm thêu. Mọi nhà đều làm trên đơn đặt hàng với mẫu mã cho sẵn hoặc tự sáng tác, cứ 2 ngày 1 lần, các đơn vị và du khách lại về mua và vận chuyển hàng đi các tỉnh.

Quá trình sản xuất các sản phẩm truyền thống

Nguyên vật liệu sản xuất

Nghề thêu ren không quá phức tạp, đòi hỏi lớn nhất với những người làm nghề là sự kiên trì, cẩn thận và ý thức làm việc tập thể. Công cụ dùng trong nghề thêu ren khá đơn giản. Các thợ thêu chỉ sử dụng một số thứ vật liệu ở mức tối thiểu như khung thêu, kim thêu các cỡ (kiểu tròn và kiểu chữ nhật), kéo, thước, bút lông, phấn mỡ, vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa…), chỉ thêu các màu. Chính vì thế, nghề thêu ren rất phù hợp với khả năng nguồn lao động của nước ta, nhất là ở khu vực nông thôn. Mũi kim thoăn thoắt đưa đi đưa lại những đường chỉ cùng đó là những hình thù với màu sắc sống động dần hiện ra.

  • Chỉ: chỉ tơ và chỉ dầy
  • Vải thêu: vải thêu tranh hoặc vải thêu thời trang (thêu quần áo, thêu vỏ gối…)
  • Khung thêu: Khung thêu tròn hoặc khung chữ nhật.

Công đoạn sản xuất

Trải qua thời gian, người thợ làng nghề Quất Động đã phát triển kĩ thuật thêu truyền thống với những kĩ thuật mới công phu như kĩ thuật thêu hai mặt. Tranh thêu hai mặt được làm trên chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng tơ tằm được rất nhiều người ưa chuộng. Nhìn vào bức tranh thêu hai mặt, người ta không thể nhận ra đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc, bởi những chân chỉ được nghệ nhân dấu vào chính giữa. Cũng chính bởi vậy, thêu hai mặt chỉ có những nghệ nhân lâu đời mới làm được thuần thục, và công đoạn thêu tranh này cũng phải tốn thời gian gấp 3, 4 lần so với thêu thường.

Quy trình sản xuất sản phẩm thêu ren bao gồm những công đoạn cơ bản: pha cắt, in kẻ, thêu, kiểm hoá (thêu kỹ thuật, hoàn thiện tranh thêu), giặt là, đóng gói.

Kỹ thuật thêu

Trải qua thời gian, người thợ làng nghề Quất Động đã phát triển kĩ thuật thêu truyền thống với những kĩ thuật mới công phu như kĩ thuật thêu hai mặt. Tranh thêu hai mặt được làm trên chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng tơ tằm được rất nhiều người ưa chuộng. Nhìn vào bức tranh thêu hai mặt, người ta không thể nhận ra đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc, bởi những chân chỉ được nghệ nhân dấu vào chính giữa. Cũng chính bởi vậy, thêu hai mặt chỉ có những nghệ nhân lâu đời mới làm được thuần thục, và công đoạn thêu tranh này cũng phải tốn thời gian gấp 3, 4 lần so với thêu thường.

Công trình di sản truyền thống làng Quất Động

Đình làng Quất Động

Đình làng Quất Động thờ Cao Sơn Đại Vương – thần Cao Sơn ở núi Tản Viên. Năm 2001, đình làng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đình làng được xây dựng từ thế kỷ XVII, là nơi hội họp của dân cư làng Quất Động. Đình được xây dựng bằng gỗ bao gồm các nhiều trang trí và chạm khắc có giá trị. Phía trước Đình là Ao đình, sau đình là Giếng đình. Hiện nay đang có dự định cải tạo lại giếng đình, đặc biệt giếng đình do nằm sát với hậu cung nên có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chân móng hậu cung. Đình bao gồm phần nhà Đại bái (được xây dựng sau cùng, mua lại của gia đình có lễ Đại Khoa), phần Đình Trung và Hậu cung. Phần Hậu cung thường xuyên đóng, chỉ mở cửa vào dịp lễ trọng để làm sach đồ thờ. Những năm chiến tranh và bao cấp, đình được sử dụng như nhà kho. Đình mới được khôi phục lại chức năng cũ trong 20 năm trở lại đây.

Chùa làng Quất Động

Chùa làng Quất Động là nơi sinh hoạt và tu hành của các Phật tử. Năm 2001, chùa được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến để tưởng nhớ vụ thảm sát sư trụ trì, các sư thầy, cùng rất nhiều người dân trong làng trong thời kháng chiến chống Pháp. Hiện tại trụ trì của chùa là Sư thầy Thích Đàn Nhung – thư ký hội phật giáo huyện. Chùa được chia thành 2 phần ngăn cách bởi đường liên thôn: nơi thờ đức Phật Quân Thế Âm Bồ Tát, và nơi thời các vị La Hán, Chân Linh (thực chất đường liên thôn được hình thành những năm 1960 sau cải cách ruộng đất, từ trước, đường vòng qua phía trước tượng Phật bà). Trong khuôn viên chùa bao gồm trước Tam bảo (Phật), sau thờ mẫu.

Miếu làng Quất Động

Miếu làng Quất Động thờ cụ Minh Lăng Đại Vương, tương truyền là em của Cao Sơn Đại Vương hiện đang thờ tại đình. Năm 1972, Miếu bị phá bỏ. Đến năm 2011, Miếu được chính quyền xã và cư dân địa phương khôi phục lại phía dưới Miếu cũ (do vị trí Miếu cũ thuộc làng khác). Không gian miếu rất đặc trưng do được bao quanh bởi các cây to xung quanh phần mộ.

Nhà ở truyền thống

Nhà ở truyền thống làng Quất Động không còn, hiện chỉ còn 1 ngôi nhà được xây dựng những năm 1930 do thương gia, người đầu tiên buôn bán tranh thêu, xây dựng. Ngôi nhà 2 tầng, với kiến trúc cổng bề thế, kiến trúc giao thoa giữa kiến trúc Á Đông và phương Tây thể hiện mức độ giàu có cũng như sự di chuyển đến nhiều thành phố của chủ nhà. Sau giải phóng, chủ nhà chuyển sang Mỹ, để lại căn nhà cho thôn sử dụng làm hội trường và nhà sinh hoạt chung.

Lăng mộ

Năm 1994, họ Bùi Trần Quất Động xây cất mộ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành nhằm tưởng nhớ công lao vị tổ nghề. Trên tấm bia mộ có ghi rõ tên, chức tước, năm sinh, năm mất của cụ tổ nghề. Mộ hiện đặt tại xóm 1, đội 5, thôn Quất Động. Ở các tỉnh khác như Nam Định, Lâm Đồng (Đà Lạt) có nghề thêu cũng dựng đền thờ ông.

Từ đường

Có 5 từ đường các dòng họ phân bố tại đội 5 và đội 6.

Di sản phi vật thể làng Quất Động

Danh nhân

  • Ông tổ nghề thêu: Cụ Lê Công Hành, chính tên Trần Quốc Khái, sinh ngày 18 tháng 1 năm Bính Ngọ (1606), tại xã Quất Động, tổng Bình Lăng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ, mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661), thọ 56 tuổi.

  • Cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng bào phục vụ vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.
  • Nghệ nhân Phạm Viết Tương nổi tiếng với chân dung Bác Hồ.
  • Nghệ nhân Thái văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung các nguyên thủ quốc gia, trong đó có bức chân dung vua Thái lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá cao.
  • Tiến sỹ Phạm Thế Hỗ (1610), Tiễn sỹ Trần Khải (1643).

Các nghệ nhân thêu: Hiện nay làng Quất Động có 1 nghệ nhân thêu là bà Hoàng Thị Khương, nghệ nhân tài năng không khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn do bị dị tật, bà còn mở lớp dạy nghề thêu tay truyền thống cho người khuyết tật.

Lễ hội

Hàng năm, vào ngày 12 tháng 6 âm lịch, làng nghề Quất Động tổ chức lễ hội truyền thống làng nghế Quất Động (giỗ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành), người dân các tỉnh về tham dự hội làng rất đông. Phần rước kiệu sẽ rước từ đình làng, đến cuối làng ở phía Nam, qua cửa chùa, lên Miếu làm lễ tế, rồi quay trở lại đình.

  • Ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày Kỳ An – ngày giỗ Bố (5 năm 1 lần sẽ tiến hành rước).
  • Ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày Kỳ Phúc – ngày giỗ Mẹ (cũng là lễ trọng của làng, để lau chùi kiệu và các vật thờ).

© Tạp chí Kiến trúc

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống luôn là vấn đề được quan tâm trong phát triển đô thị, trong đó bao gồm: Phát huy giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại và các khu di tích lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ mới. Đây cũng là một trong những hạng mục của Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam đang phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (Đại diện bởi ECUE), UNESCO tổ chức. Chi tiết về cuộc thi, xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/the-le-cuoc-thi-thiet-ke-khong-gian-sang-tao-ha-noi.html