“Chất liệu thân thiện” – ứng dụng thế nào cho khéo?

“Chất liệu thân thiện”, trong đó có cả các yếu tố mang tính địa phương, đang tạo nhiều sự chú ý cho một số công trình gần đây. Những chất liệu này có thể được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là các loại vật liệu (đá, sỏi, gỗ, tre, dừa, lá lợp…) mà còn bao gồm cả cây cối và các đặc trưng văn hóa. Tuy nhiên, việc ứng dụng chúng thật sự cần nhiều nghiên cứu để có được những thành quả như mong muốn.


“Phải chấp nhận có sai để sửa” – Quách Bửu Long – Kỹ sư Xây dựng, giám sát công trường

Nghề xây nhà luôn phải chung sống, phải “chơi” với đủ loại vật liệu xây dựng. “Chọn bạn mà chơi” thế nào thì chọn vật liệu xây dựng cũng thế. Nhưng nếu không thích bạn nào đó thì có thể lánh xa, còn vật liệu xây dựng thì dù thích hay không, nhiều khi người làm chuyên môn vẫn phải tiếp xúc vì có thể gia chủ thích, nhà cung cấp chào giá hấp dẫn, hay bên thi công thấy thuận lợi. Chất liệu vừa thân vừa thiện (tốt, bền, hiệu quả) thì phải qua quá trình sử dụng, sàng lọc mới có thể thấy được. Bởi vậy chuyện chọn chất liệu tuy dễ mà khó. Dễ ở chỗ trong thời đại thông tin hiện nay chỉ cần nhấc điện thoại, lên mạng hay đọc báo là tìm thấy đủ tính năng, giá cả, mẫu mã. Nhưng khó là ở chỗ “thấy vậy mà chưa phải vậy”, nhiều khi xem catalogue hay ra cửa hàng thì thấy “ngon”, vậy mà khi mang vô công trình vẫn… hồi hộp, vẫn phải chấp nhận thử và sai.
Để dùng những “chất liệu thân thiện” một cách hiệu quả và an toàn theo tôi nên có các bước cụ thể, rõ ràng và chấp nhận có sai có sửa.

  • Thứ nhất là cần hiểu để dùng sao cho đúng vật liệu phần thô và chất liệu phần hoàn thiện. Nhà xưa hầu như hai phần này là một: làm xong bộ khung, cất được nóc xong cũng coi như xong nhà. Nhà nay chia ra nhiều công đoạn, và nếu muốn làm nhà xưa thì rất khó, bởi cần tay nghề cao, và cần cấu trúc không gian phù hợp. Nếu không sẽ rất dễ sa vào kiểu nhà “giả cũ“, không dễ sử dụng.
  • Thứ nhì, theo tôi nên quan tâm nhiều hơn đến các chất liệu mang tính nhân văn để làm điểm nhấn là đủ. Đó có thể là một ngôi nhà xây ở thế kỷ 21 tiện nghi, thông minh, nhiều công nghệ mới nhưng có một sân trong trồng cây cỏ đầy đủ nắng mưa tự nhiên, hoặc một gian thờ mộc mạc gom góp nhiều vật dụng, dấu ấn kỷ niệm một thời.
  • Thứ ba, phải chấp nhận chiều chuộng chất liệu và chịu những mặt trái của nó nếu muốn “chơi chất liệu”, vì tuy người thiết kế chọn và xử lý, nhưng ăn ở lâu dài với chất liệu lại là người sử dụng công trình. Nếu môi trường, bối cảnh chung quanh không phù hợp, không trong lành, thân thiện, thì một vài mảng chất liệu cũng như con én không mang lại nổi mùa xuân. Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng giống như làm nông nghiệp sạch vậy, theo thời gian các chất liệu thân thiện và có tính địa phương sẽ quay trở lại khi nhận thức của gia chủ và giới làm nghề được thay đổi dần dần.


“Thân thiện nên đi cùng hiệu quả “- PHILIP GAMBIER – Người CANADA, KTS Cảnh quan

Một vấn đề hay nằm ngoài kiểm soát của các bên sản xuất vật liệu xây dựng, gia chủ và nhà thiết kế, đó là bên thi công phải làm sao cho ít lãng phí, đạt chuẩn mực và có hiệu quả. Việc thiếu vắng thợ hoàn thiện bậc cao, cũng như các đội thi công phụ trợ (thầu phụ) ít chịu hợp tác với nhau khiến thời gian thi công kéo dài, căng thẳng, tốn kém, hao hụt vật liệu nhiều và hiệu quả thấp.

Gần đây tôi biết không ít công trình nhà ở tư nhân sử dụng các chất liệu được giới thiệu là “mang tính bản địa – local materials”, ví dụ như sàn đánh xi măng trần, gạch xây xen kẽ không tô trát, tận dụng các bộ cửa gỗ cũ, mái lợp lá… với sự hỗ trợ đắc lực của giới nhiếp ảnh và truyền thông để “kể những câu chuyện” đầy cá tính của gia chủ và nhà thiết kế. Điều đó là đáng mừng vì người ta đã không còn rập khuôn, không theo lối mòn trong xây dựng nhà ở tư nhân nữa. Tuy nhiên khi xem xét kỹ các công trình đó, dường như vẫn còn nhiều “hạt sạn” để lại, như cách quan niệm về “tính địa phương” dường như lẫn lộn với tính thô mộc, cách đề cao cá tính của gia chủ đôi khi chỉ là chút ngông nghênh hay sự hoài niệm một thời dĩ vãng. Đó là chưa kể đến tiêu chí tiết kiệm thời gian thi công, thích ứng điều kiện khí hậu của vùng, thì chưa đạt được. Tôi thấy nhiều công trình nhà phố trung bình và nhỏ mà thi công cả một hai năm trời vì cứ làm đi làm lại, quá chăm chút những chi tiết và bề mặt mà họ gọi mang cá tính, địa phương… ấy.

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển hiện nay, liệu việc quay về cách xây dựng cũ, kiểu như đúc từng viên gạch bông gió rồi gắn chúng với nhau liệu có thực sự hiệu quả không, khi sử dụng đóng bụi thì làm thế nào…?

Ai làm nghề cũng biết, từ bản vẽ đến thực tế còn nhiều bước chuyển tiếp, các KTS từng lăn lộn đi thi công đều đồng ý rằng, tìm được những người thợ chịu khó gia công chất liệu cho đúng thiết kế, hoặc đúng với kiểu cách địa phương gần như là điều rất khó, có anh em KTS trẻ chấp nhận “xắn tay áo” làm chung với thợ để có các chi tiết như ý mình. Theo tôi cái gì cũng có 2 mặt. Ở khía cạnh tích cực thì cá tính và sự chăm chút được thể hiện rõ, chất liệu tạo sự thống nhất cao trong toàn bộ các không gian. Nhưng mặt tiêu cực xuất hiện, đó là chưa chắc đạt hiệu quả về kinh tế vì các chất liệu tự nhiên hoặc thô mộc đòi hỏi kỹ năng gia công rất cẩn trọng, và quá trình sử dụng cũng bộc lộ không ít hạn chế cũng như đòi hỏi bảo trì, chăm sóc thường xuyên, đúng mức.


Ứng xử cho khéo – Lê Thị Ngọc Minh – KIẾN TRÚC SƯ

Có nhiều gia chủ hay nói đùa (mà thật) với KTS là sao cái gì các anh chọn cũng toàn mắc tiền và lạ lạ không vậy? Và các nhà chuyên môn cũng hay giải thích theo kiểu nửa đùa nửa thật rằng “thì tiền nào của nấy“, rằng “nếu không độc lạ thì thuê KTS làm gì?

Không sai, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, và theo quan sát của tôi thì số gia chủ đồng hành cùng KTS để sử dụng chất liệu thân thiện hiện nay vẫn khá ít nếu nhìn theo tỷ lệ công trình xây dựng tại các đô thị lớn. Trong khi đó, tại một số vùng ven, ngoại ô hoặc địa phương có bối cảnh thiên nhiên còn tương đối thoáng đãng, nếp cũ cảnh xưa ít nhiều vẫn thấp thoáng là điều kiện phù hợp để chủ nhà dùng chất liệu thân thiện, địa phương xuất hiện. Việc dùng chất liệu thân thiện thế nào cho khéo cần các điều kiện cần và đủ về không gian (địa phương, bối cảnh), về thời gian, về con người (tính cách gia chủ và bản lĩnh của KTS, khả năng thi công) và các điều kiện chi phí, không ít nhà thành công về dùng chất liệu thân thiện có xuất phát điểm là do hạn hẹp về kinh tế, trong cái khó ló cái hay!

Ngẫm ra hiện nay có 3 kiểu ứng xử giữa nhà chuyên môn và gia chủ về chọn lựa chất liệu tạm gọi tên như sau:

Hồn ai nấy giữ: thiết kế đúng chuẩn, yêu cầu bền chắc, nhà thoáng mát, an toàn, coi như thở phào. Còn gia chủ ưa gạch A, sơn B, kính C gì thì tùy, nhà của họ ở mà, một số KTS nghĩ vậy và kết quả là nhiều ngôi nhà có thiết kế đầy đủ mọi thứ nhưng phần hoàn thiện chất liệu chỉ góp nhặt theo ý riêng gia chủ.

Đi chợ cùng nhau: Sau phần thô hầu như nhà nào cũng giống nhau, chất liệu hoàn thiện được chọn theo kiểu “dung dăng dung dẻ”: KTS ghé cửa hàng thấy cái này được cái kia hay, nhưng quyết định là ở gia chủ! Xác suất để như ý trong kiểu này cũng dao động khá lớn và mơ hồ. Có lúc tin tưởng KTS thì đạt gần 100%, có lúc lại rối tung do gia chủ đến phút 89 lại đổi sang loại khác, đôi khi chỉ vì chuyện đắt rẻ.

Cá tính và thỏa hiệp: Một số KTS có kinh nghiệm hay gợi ý hoặc khống chế ý tưởng dùng chất liệu rất cương quyết. Nếu gặp gia chủ “chịu chơi” thì công trình sẽ có cá tính, độc đáo. Cách dùng chất liệu thường đi theo giải pháp kiến trúc tương ứng, kiểu như Tadao Ando hay dùng bê tông trần hoặc F.O’.Ghery hay bọc tấm kim loại cho các công trình của họ. Nhưng các KTS Việt Nam thường than rằng: đâu dễ gì mà gặp được gia chủ chịu cho mình làm nhà với loại chất liệu mà mình ưng ý. Vẫn phải có tỷ lệ “thỏa hiệp” nhất định, nhất là khâu hoàn thiện đối với nhà ở tư nhân. Và nếu không khéo cư xử thì sự thân thiện giữa các bên suốt thời gian làm nhà dễ bị phá hỏng do bất đồng khi chọn lựa chất liệu.


THỰC HIỆN: KTS LÊ HUY
ẢNH: VIỆT KHÔI, HÀ THÀNH

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 3.2017