Chung cư

Tấm áo mới của kiến trúc đô thị
Bây giờ với mọi người, hình ảnh những khu đô thị mới (KĐTM) với các tòa nhà chung cư cao tầng kiến trúc bề thế, hiện đại loang loáng tường gương đã trở nên quen thuộc. Các KĐTM mọc lên ở ven đô mà khởi đầu là dự án KĐTM Bắc Linh Đàm do Tổng Công ty xây dựng và phát triển nhà đô thị (HUD) khởi công xây dựng vào mùa hè năm 1997 với quy mô lên tới 200 ha, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển nhà ở của nước ta thời hiện đại.

Hàng loạt các khu đô thị mới tại Hà Nội như Mỹ Đình
Khu đô thị mới Mỹ Đình

Với kiến trúc mang phong cách mới, sử dụng vật liệu cao cấp, công nghệ xây dựng tiên tiến, được quy hoạch đồng bộ từ công trình đến hạ tầng kỹ thuật…, chung cư cao tầng tuy mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng tạo nên một hình ảnh lãng mạn, đầy ấn tượng của kiến trúc Việt Nam thời mở cửa. Sức hấp dẫn của các KĐTM đã làm thay đổi tư duy “ở” của người hàng phố. Rất nhiều gia đình đã bán những căn nhà ống chật chội, tối tăm, thiếu tiện nghi trong các con phố, con ngõ nhỏ suốt ngày đêm ầm ào tiếng còi xe và chật ních người đi lại, để đến ở trong các chung cư mới. Còn với lớp người trẻ tuổi thành đạt, thì việc sở hữu một căn hộ sang trọng đầy đủ tiện nghi trong KĐTM kiểu như Trung Hòa – Nhân Chính hay Ciputra sẽ làm cho họ thêm được vì nể trước mắt đồng nghiệp, bạn bè. Người tỉnh khác có tiền về Thủ đô làm ăn, thì đích ngắm đầu tiên là tìm mua một căn hộ chung cư. Sự bùng nổ các KĐTM trong những năm 2000-2010 cùng với nhu cầu cấp thiết về nhà ở đã làm cho thị trường nhà đất lúc đó cực kỳ sôi động. Hàng vạn ha đất trồng lúa được đền bù, chuyển đổi mục đích sử dụng để xây KĐTM. Các tuyến giao thông vành đai 2, vành đai 3, rồi 4,5 được xây dựng nhằm kết nối các KĐTM với trung tâm thành phố. Tấm bản đồ quy hoạch treo trên tường các nhà quản lý đô thị luôn được tô màu mới thay thế cái màu xanh của ruộng đồng, mặt nước… Trong thành phố, đâu đâu cũng thấy người ta xì xào, bàn tán về mua bán căn hộ chung cư. Người mua được nhà thì hể hả, kẻ bán cũng cười hết cỡ vì trúng mánh. Giá nhà chung cư tăng vô tội vạ. Từ cái giá gốc chỉ 5-6 triệu đồng/m2, qua “nghệ thuật thổi giá ảo” của chủ đầu tư, cộng với sự mua bán lòng vòng của giới đầu cơ, mà giá nhà bị đẩy lên gấp 5-6 lần. Vậy mà có nơi, có lúc vẫn không có nhà để mua, cho dù hầu hết là “nhà” trên…bản vẽ?! Những năm đó, Ban Quản lý dự án có quyền lực ghê gớm. Cho ai mua, là người ấy được đổi đời. Chỉ cần nhượng cái suất mua căn hộ chung cư là đã có ngay hàng trăm triệu. Có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Còn với giới đầu cơ thì khỏi phải nói, buôn bán nhà chung cư đem đến cho họ một thứ siêu lợi nhuận, lại chả mất một cắc tiền thuế nào?!

0cde84b1482e63864ad47a3673a31f48
Các dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều tại Hà Nội

Từ quản lý xây dựng đến văn hóa chung cư
Trong lịch sử phát triển nhà ở của người Việt chúng ta, thì từ “chung cư” mới xuất hiện sau 1975, khi nước nhà thống nhất. Còn trước đó, ở miền Bắc, người ta chỉ biết đến khái niệm “nhà ở tập thể”, loại nhà do Nhà nước xây dựng hàng loạt từ 1 tầng đến 5-6 tầng xây gạch hay lắp ghép bằng bê tông đúc sẵn tấm nhỏ, tấm lớn để phân phối cho gia đình cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế. Căn hộ rộng hay hẹp, khép kín hay không khép kín, ở tầng trên hay tầng dưới và phân phối cho ai, là phụ thuộc vào Hội đồng phân phối nhà ở được lập ra từ đơn vị cơ sở đến trung ương, với một chuỗi tiêu chuẩn dài dằng dặc từ thành tích cống hiến đến mức lương, chức vụ… Nhà ở tập thể thời ấy còn đơn sơ lắm. Đơn sơ từ vật liệu xây dựng, kiểu cách kiến trúc đến tiện nghi sử dụng. Nhiều nhà tập thể phải dùng chung khu vệ sinh và bếp như khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên. Nhưng được cái, các khu nhà tập thể thời đó quy hoạch khá bài bản, kiểu như, nhà nọ phải cách nhà kia 2H (tức là bằng hai lần chiều cao của ngôi nhà). Khu tập thể nào cũng có nhà trẻ, trường mẫu giáo. Đấy là chưa kể đất trồng cây xanh, vườn hoa, sân chơi. Đặc biệt, do nằm ở trong các quận nội thành như Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, nên các khu nhà tập thể rất gần với cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, nhà hát, rạp chiếu phim… và đi lại thuận tiện. Sau này, do chính quyền đô thị buông lỏng quản lý, dân cư phát triển, hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng không cơ quan nào sửa chữa, nếu có thì cũng không đến nơi đến chốn vì thiếu kinh phí! Đất công cộng bị lấn chiếm làm nhà, họp chợ. Các khu nhà ở tập thể xây dựng từ thập niên 60-80 của thế kỷ trước bị xuống cấp và biến dạng xập sệ chẳng khác gì những khu ổ chuột!

Bước vào thời kỳ đổi mới, các KĐM được xây dựng. Theo quy định của Nhà nước, KĐTM có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ điện, nước sạch, giao thông… đến các công trình phù trợ như siêu thị, nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học, sân chơi, đường dạo, nơi đỗ xe ô tô – xe máy, vườn hoa, cây xanh, hồ nước…Thế nhưng do chính quyền buông lỏng quản lý, nên nhiều chủ đầu tư vì siêu lợi nhuận, đã bất chấp quy hoạch được duyệt, chỉ nhăm nhăm xây chung cư bán thu tiền. Thời buổi tấc đất tấc vàng, trường học, nhà trẻ, vườn hoa, cây xanh… được vẽ rất đẹp trên giấy lặng lẽ biến mất. Tất cả chỉ còn nhà và nhà. Nhà gần nhau đến nỗi, từ căn hộ nhà này có thể nhìn rõ sang căn hộ nhà bên kia. Người đến ở không biết cho con cái học ở đâu, thế là lại rồng rắn mẹ con, ông cháu sáng sáng chiều chiều đưa đón nhau vào nội đô để đi học trên con đường đầy bụi bẩn, chẳng lúc nào là không tắc, kẹt xe và tai nạn rập rình?!

Người Việt mình hầu hết xuất thân từ nông thôn. Quen với cách sống khoáng đạt, tự do, và nặng tính tư hữu. Nên ra thành phố, sống trong chung cư vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương, về lối sống ở làng. Thế nên, từ thời bao cấp khó khăn, dù ở tít tầng 4, tầng 5 nhà tập thể nhưng vẫn chịu khó trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn. Bước vào thời đổi mới, kinh tế phát triển. Đô thị hóa đã làm thay đổi nhiều làng xã và làm cho nhiều người giầu lên. Hôm qua còn là làng quê, sáng mai ngủ dậy đã là phường, là tổ dân phố. Cánh đồng làng trở thành KĐTM. Dân nhà quê thoắt trở thành cư dân đô thị. Sống trong các chung cư cao tầng của KĐTM, khu tái định cư mà vẫn như sống ở làng. Coi cái thang máy là của riêng mình. Hành lang chung thành nơi đặt bếp than tổ ong, đốt vàng mã ngày rằm mồng một… khói hun mù mịt, bất chấp cảnh báo về hỏa hoạn. Ở nhà căn hộ, quanh quẩn chỉ có mấy chục mét vuông, nên thấy bí bách lại không biết kiếm tiền ở đâu, thế là đua nhau mở quán ngay trên căn hộ của mình. Hộ này bán cháo lòng, tiết canh. Hộ kia thì cắt tóc, gội đầu. Sáng ăn phở ở tầng 10, trưa ăn cơm ở tầng 14. Thậm chí muốn mua hộp thuốc đánh răng, chai nước lavie… đã có siêu thị mini ở căn hộ tầng 8. Giao thông chiều thẳng đứng với cái thang máy thật là thuận tiện. Bấm nút một cái là ào ào lên, rồi ào ào xuống?! Chung cư mới sử dụng một thời gian mà đã bộc lộ những bất cập, từ phí dịch vụ gửi xe, bảo vệ… cho đến chuyện mất nước triền miên, thang máy hỏng, tường trần nhà bong tróc, ẩm mốc vì nước thải thấm dột…nhưng không thấy ai giải quyết?! Sự xuống cấp của các KĐTM đã thấy rõ. Thế mới biết, có tiền có thể mua được rất nhiều thứ, kể cả căn hộ chung cư cao cấp. Nhưng để có văn hóa sống trong chung cư thì không phải cứ có tiền là có được!

Thay lời kết
Như chiếc bong bóng bị xì hơi, bắt đầu từ khoảng cuối 2010, thị trường bất động sản vốn sôi động bỗng lâm vào tình trạng khủng hoảng, cùng chiều với sự khó khăn của nền kinh tế. Nhà xây ra nhiều nhưng không bán được. Giới đầu cơ ôm hàng cũng sống dở chết dở với hàng đống tiền tỷ chôn trong bất động sản. Còn người nghèo có nhu cầu cấp bách về nhà ở thì lại không có tiền để mua?!. Đó là một nghịch lý của bài toán cung-cầu, là hệ quả tất yếu của lối phát triển tùy tiện, thiếu tính dự báo, thậm chí cả chụp giựt, lừa đảo theo kiểu “ sống chết mặc bay/tiền thày bỏ túi” trong nền kinh tế thị trường. Gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng và chính sách ưu tiên phát triển nhà ở xã hội (nhà cho người thu nhập thấp, người nghèo) của Chính phủ từ năm 2012 đến nay vẫn chưa thể làm tan băng ngay cái thị trường bất động sản vốn phức tạp và nhốn nháo này. Đi một vòng quanh các vành đai 2, vành đai 3… của thành phố, không khó để nhận ra những tòa nhà chung cư cao vài chục tầng đang xây dựng dở dang một cách uể oải, phơi mình trong cái nắng hầm hập của mùa hè vì không còn vốn, hoặc không ai mua. Các khu nhà biệt thự có giá hàng chục tỷ xây xong rồi để hoang, trở thành nơi tá túc bất hợp pháp của người vô gia cư và những kẻ tiêm chích ma túy. Các khu đất dự án chung cư rộng mênh mông với từng đàn bò béo nung núc ngày ngày thong dong gậm cỏ. Đó là những sự thật đắng lòng!

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21. Thế kỷ của đô thị, của chung cư cao tầng, của công nghệ thông tin, kỹ thuật số… Nhưng thực trạng nhiều KĐTM đã và đang xây dựng ở khắp nơi kia không khỏi để người ta lo lắng về một môi trường sống thiếu an toàn, tiện nghi và thiếu bền vững.

Và vì thế, sẽ không khó hiểu, là tại sao cho đến hôm nay, chỉ có một số ít KĐTM như Phú Mỹ Hưng… (TP Hồ Chí Minh), Times City, Royal City, Linh Đàm, Trung Hòa-Nhân Chính… hay vài KĐTM dành cho người thu nhập thấp như Kiên Hưng, Đặng Xá, Đại Mỗ… (Hà Nội) lại được xã hội quan tâm đến vậy.

KTS Phạm Thanh Tùng