“Cuộc sống sẽ mãi đứng im một chỗ nếu bạn không chịu bước đi”

Đã thành thông lệ, Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 hàng năm đã trở thành Ngày hội của giới nghề, dịp để quy tụ những người làm nghề cùng trao đổi về những thành quả cũng như những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết với nghề kiến trúc. Trong số này, TCKT đã kết nối với những KTS trẻ, những người làm nghề, những chuyên gia nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Đó thực sự là những chia sẻ thú vị của những người trẻ năng động và tâm huyết với nghề kiến trúc. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

KTS Trần Ngọc Linh
IDEE Architects

KTS có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tầm nhìn và xu hướng cho bộ mặt phát triển của xã hội, với vị trí là người trực tiếp tư vấn, tác động với chủ đầu tư cũng như sự lan toả tư tưởng và cảm hứng thông qua các tác phẩm.Quan điểm tư vấn thiết kế của tôi dựa trên các yếu tố: Công năng cấu thành cơ sở kiến trúc, các yêu tố bản địa, các vấn đề xã hội và yếu tố văn hoá thẩm mỹ quan điểm cá nhân của KTS. Tất cả được phân tích, tập hợp dữ liệu và được tinh giản theo quan điểm Simplicity của văn phòng để trở lại gần gũi tinh khiết nhất có thể.

Hiện nay việc hành nghề KTS nhìn chung là thuận lợi với nhiều khả năng kết nối với mặt bằng chung của thế giới. Sự thông suốt về thông tin và sự phát triển của công nghệ xây dựng khiến KTS có thể thực hiện được nhiều giải pháp khác nhau. Cũng như KTS có khả năng truyền tải thông điệp mãnh mẽ và rộng rãi thông qua tác phẩm của mình. Qua đó có uy tín và tác động với xã hội cũng như chủ đầu tư.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước vẫn còn nhiều quy định thủ tục chồng chéo, giấy phép con gây ảnh hưởng đến quá trình hành nghề của KTS.

KTS Nguyễn Hồng Quang
Toob Studio

Đời sống của người Việt Nam đã tốt nên rất nhiều ở thời điểm hiện tại, nhu cầu “ở nhà đẹp” đã có không chỉ dành cho những gia đình có thu nhập cao nữa. Trong thời điểm hiện tại, khi văn phòng đang tập trung nghiên cứu về dạng cư trú dài hạn, cụ thể là đối với các dự án về nhà ở, tôi quan tâm nhiều đến khía cạnh con người. Cá nhân tôi nhận thấy KTS không chỉ đơn thuần là người hiện thực hóa giấc mơ của các Chủ đầu tư (CĐT), KTS cần phải có nền tảng về kinh nghiệm sống để có thể tạo nên những cảm hứng tích cực đối với những người sống trong các “tác phẩm kiến trúc” mà mình đã tạo ra. Ở đó, họ biết trân trọng, biết yêu cái đẹp và qua đó nuôi dưỡng tình yêu giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Trong quá trình hành nghề, tôi nhận thấy là không có giới hạn nào là không thể giải quyết được đối với một công trình nhà ở cả. Các giới hạn mà chúng ta dễ nhận thấy như chi phí đầu tư, kích thước khu đất, ảnh hưởng về khí hậu. Đôi khi lại trở thành ưu điểm khiến cho công trình có sự độc đáo riêng, khiến cho nó trở thành duy nhất. Giới hạn lớn nhất lại nằm ở chính chúng ta, ở đây tôi muốn nói đến giới hạn về tâm trí, giới hạn về khía cạnh con người. Nếu KTS và CĐT cùng nhau phá bỏ được những giới hạn về định kiến của bản thân thì tôi tin có rất nhiều thuận lợi để khiến công trình trở thành một “tác phẩm kiến trúc”.

Trong thời điểm hiện tại, văn phòng Toob Studio đang tập trung vào các hạng mục về nhà ở, tuy nhiên chắc chắn ở một tương lai gần, chúng tôi sẽ thử sức mình với những dự án khó hơn, qui mô lớn hơn. Đối với các dự án về nhà ở nói riêng, bản thân KTS đã có thể rất chủ động trong mọi điều kiện làm việc mà không quá phụ thuộc nhiều vào luật pháp hiện hành.

KTS Lê Quang Thạch
Nội Thất AVALO

Trong xã hội, vị trí và vai trò của mỗi KTS là khác nhau. Nó phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận và hành động. Cá nhân tôi xem KTS là người mang hạnh phúc đến cho xã hội. Nên tôi tìm mọi cách để hiện thực điều đó, trong khả năng tốt nhất của bản thân.

Giống như con người sinh ra trên thế giới là khác nhau. Công trình kiến trúc cũng có tính cá biệt. Nó khác nhau từ việc đặt vấn đề của Chủ đầu tư (CĐT) và KTS đối với từng công trình. Việc đặt vấn đề càng đúng, công trình sinh ra càng có ích, người sử dụng càng hạnh phúc dài lâu. Và đấy chính là nền tảng quan trọng nhất trong quan điểm hành nghề của tôi.

Đối với tôi, KTS là người phải đủ mạnh về chuyên môn và đủ can đảm trong việc tiết giảm nó để luôn tìm ra được điểm cân bằng giữa các bên để đưa ra một bài toán thiết kế phù hợp nhất. Để làm được điều này, KTS cần thời gian và trải nghiệm. Mà thời gian và trải nghiệm là những yếu tố rất tốn kém.

KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa
NGHIA-ARCHITECT

Hiện nay vai trò của KTS đã được nâng lên cao hơn so với giai đoạn trước, nhưng tiếng nói và sức ảnh hưởng của họ vẫn còn chưa được coi trọng thực sự. Họ nên là người định hướng và dẫn dắt dựa trên những quan điểm chuyên môn đúng đắn. KTS không nên chỉ là những người đi vẽ thuê theo bài toán của Chủ đầu tư (CĐT).

Đúng, trước tiên tôi phải làm đúng để công trình có sức sống và mang được giá trị thực sự của nó.

Thuận lợi là có môi trường và nhiều khách hàng, tốc độ đô thị hóa nhanh đã tạo ra được một không gian hành nghề cho các KTS trẻ. Từ đó tính thử nghiệm có thể được áp dụng. Và vướng mắc cũng chính là ở khung hành lang pháp lí do Luật Kiến trúc chưa có nên mọi hoạt động đang rất hỗn loạn và khó kiểm soát chất lượng, vai trò của các KTS thực sự đang ko được đề cao đúng mực, được bảo vệ hoặc có mức thù lao tương xứng.

Mối quan hệ giữa KTS, Chủ đầu tư (CĐT) cần đặt trong một khuôn khổ ràng buộc pháp lí có tính thực tiễn và hợp lí.

KTS Tô Kiên
KTS quy hoạch kiêm Quản lý Dự án của Công ty Tư vấn Kỹ thuật Hạ tầng Eight Japan (EJEC), trụ sở chính tại Tokyo.

Là người Việt làm việc tại nước ngoài, tôi luôn mong được đóng góp cho quê hương dưới nhiều hình thức và bất cứ khi nào có thể. Rất nhiều năm về trước, tôi cũng như nhiều bạn trẻ đi du học ở nước ngoài thường suy nghĩ một cách “cổ điển” là chỉ có về nước mới đóng góp được cho đất nước. Nhưng sau này tôi đi theo một hướng tư duy khác về con đường đi để đóng góp cho nước nhà. Đó là ở lại nước ngoài, không ngừng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, tận dụng nguồn lực và các mối quan hệ ở nước đó cũng như trên trường quốc tế để “kéo dự án” về Việt Nam, đồng thời làm nhịp cầu giữa các đơn vị ở trong nước muốn hợp tác quốc tế hay vươn ra nước ngoài.

Tuy đặc thù của nghề kiến trúc là “cái tôi” khá lớn, ở nước nào cũng vậy, nhưng ngày càng có thêm nhiều KTS, KTS quy hoạch chọn hướng tiếp cận cộng đồng, hạ “cái tôi” xuống và thay vào bằng “cái chúng ta” để trở thành những KTS cộng đồng (community architect). Họ năng động, tràn đầy nhiệt huyết, khởi xướng và thực hiện ngày càng nhiều các sáng kiến để cùng các bên liên quan chung tay tạo ra các dự án thực sự ý nghĩa, đóng góp tốt cho giới nghề, cho cộng đồng địa phương nơi có dự án, gây tiếng vang và lan tỏa cảm hứng sáng tạo.

KTS Trần Quang Trung
ACCESS Design Lab

Vai trò của KTS từ xưa đến nay đều là Kiến tạo, trên bình diện nhỏ thì là Kiến tạo cuộc sống trong mỗi ngôi nhà, lớn thì là Kiến tạo Diện mạo một đô thị, một vùng lãnh thổ hoặc quốc gia. Trong thời điểm hiện nay khi đời sống xã hội được nâng cao và phát triển nhanh chóng thì vai trò của KTS càng trở nên quan trọng hơn, cần giải quyết nhiều vấn đề xã hội, kỹ thuật và công nghệ … để làm tốt vai trò Kiến tạo của mình.

Quan điểm về thiết kế của ACCESS design lab dựa trên sự Lắng nghe (Chủ đầu tư), Thấu hiểu (Bối cảnh và Văn hóa địa phương) và Sáng tạo (KTS). Đối với ACCESS design lab thì mỗi công trình đều có Bối cảnh (LOCATION), Công năng (FUNCTION) và Thẩm mỹ (BEAUTY) riêng biệt nên chỉ có một công trình Duy nhất và Độc đáo (UNIQUE).

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và thông tin hiện nay thì đó là điều kiện thuận lợi lại cũng chính là trở ngại cho KTS trong quá trình hành nghề. Thuận lợi khi khoảng cách từ CĐT đến KTS được gần hơn, các hội nghề nghiệp được thành lập dễ dàng để gắn kết giới làm nghề Kiến trúc, KTS cũng có thể có các thông tin từ CĐT, cơ quan quản lý… một cách dễ dàng, từ đó các bên có thể tiến đến bắt tay vào công việc một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, trở ngại cũng rất lớn khi các thiết kế bị sao chép hoặc chiếm đoạt mà không có một hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tác giả của KTS. Bên cạnh đó là các quy chuẩn, tiêu chuẩn rất lỗi thời và khó hiểu dẫn đến các tiêu cực, vận dụng câu chữ để lách luật trong quản lý xây dựng, các đồ án quy hoạch khô cứng, vô hồn làm hạn chế sức sáng tạo của KTS.

Như vậy, để có điều kiện thuận lợi cho người KTS hành nghề đúng nghĩa cần có sự tôn trọng của CĐT, sự bảo trợ từ các cấp quản lý và quan trọng nhất là sự nhìn nhận đúng mức của xã hội đối với vại trò của KTS.

KTS Hồ Mộng Long
HML-architecture

KTS ngoài việc là người tư vấn thiết kế công trình cho một nhóm người nhất định còn cần có trách nhiệm với xã hội, văn hóa bản địa, vì mỗi sản phẩm của họ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội.

Ngoài những việc phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản về nhiệm vụ thiết kế bao gồm công năng, thẩm mỹ đơn thuần, chúng tôi luôn đề cao mục tiêu của dự án: đem lại giá trị gì cho xã hội (đó là giá trị cốt lõi của dự án)

Điều kiện thuận lợi: Đó là khi Chủ đầu tư (CĐT) đã có ý thức hơn trong việc thuê KTS khi cần xây dựng một dự án. Nếu CĐT còn chưa hiểu rõ hơn qui trình và sự thống nhất trong mối quan hệ: CĐT, Tư vấn Thiết kế, Tư vấn giám sát và Nhà thầu thì khó khăn sẽ xuất hiện. Khi mọi người cần hiểu và tôn trọng nhau, cùng có chung một mục tiêu cho dự án thì mới đảm bảo một công trình có chất lượng.

Mối quan hệ giữa KTS, Chủ đầu tư và quy định của luật pháp hiện hành luôn là câu chuyện phức tạp. Cá nhân tôi chuyên làm các mảng nghỉ dưỡng do CĐT là tư nhân. Nhiều văn bản thông tư nghị định hướng dẫn xây dựng chưa bám sát được các nhu cầu thực, đưa ra những yêu cầu thiếu tính khả thi nên khá vất vả trong việc xin phép và nghiệm thu công trình.

KTS Vũ Thị Thu Hương
Văn phòng Kiến trúc VN – A (Visual net workast architecture) – Berlin – Đức tại Việt Nam

Tại Việt Nam, hành nghề KTS theo tôi thuận lợi chính là thị trường xây dựng rất sôi động, đôi khi là quá sôi động, “xây nhiều quyết nhanh”, xây nhanh, cải tạo cũng nhanh, đời sống công trình ngắn, chưa kịp hình thành xu hướng ngôn ngữ kiến trúc rõ rệt và mô phạm thì đã có xu hướng mới.

Ngoài ra trong quá trình hành nghề, những quy định về luật ban hành trong công tác hành nghề kiến trúc còn ít áp dụng và dẫn đến hiểu biết của KTS về hợp đồng tư vấn thiết kế nhìn chung là thiếu (trên diện rộng). Với vai trò là người hành nghề nhưng lại không rõ và chặt chẽ về hợp đồng cũng như các phụ lục hợp đồng làm cho KTS rất bị động trước chủ đầu tư, luôn nằm trong diện bị cắt ra khỏi dự án bất cứ lúc nào. KTS thiếu hẳn vai trò mô phạm xã hội mà chỉ đơn giản là thỏa mãn khách hàng trong khuôn khổ làm dịch vụ. Nếu KTS đưa ra các điều kiện hợp đồng quá chặt chẽ thì chủ đầu tư sẽ tìm đơn vị tư vấn khác để đỡ bị phụ thuộc vào hợp đồng hơn. Các chính sách về luật ban hành giấy phép hành nghề, bảo hiểm nghề nghiệp, trách nhiệm bảo hành công trình của KTS (ở Đức là 5 năm), thuế thu nhập và thuế doanh thu của những người hoạt động hành nghề kiến trúc theo tôi là chưa được áp dụng triệt để hoặc là chưa có cụ thể và chặt chẽ. Điều này dẫn đến hậu quả KTS ở Việt Nam không nhất thiết phải theo khung thù lao thiết kế nào cả vì cũng không có trách nhiệm nhiều trong việc đóng thuế và bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm công trình, dẫn đến việc phá giá thù lao tư vấn, tự biến chúng ta thành các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ. Điều gì xảy ra nếu chúng ta, các KTS đều làm việc khi đối diện với chủ đầu tư bằng một nền chung về khung hợp đồng và khung thù lao cho phép? Chủ đầu tư sẽ coi đó như một điều kiện đương nhiên nếu muốn làm việc với KTS và không có lựa chọn khác. Việc phá giá khung hợp đồng tư vấn khiến các KTS chúng ta chưa chắc đã “sống” riêng được mà chắc chắn là “chết” chung vì muốn nhận được công trình thì phải đồng loạt phá giá. Từ phá giá ở đây tôi muốn nói không chỉ trong nghĩa của giá dịch vụ thù lao tư vấn mà còn trong nhiều nghĩa của điều kiện hợp đồng, đền bù chấm dứt hợp đồng, điều kiện đặt cọc hợp đồng và chủ đề nóng hổi nhất như bản quyền tác giả.

KTS Nhâm Chí Kiên
APDI Architecture

Vai trò của KTS trong đời sống xã hội hiện nay hơn ngày xưa rất nhiều, mọi người đều nhận thấy những năm 2000 trở về trước rất ít các công trình nhà ở được KTS thiết kế bài bản. Thời đó KTS chủ yếu thiết kế các công trình công cộng hoặc cho những gia đình có điều kiện. Nhưng đến thời điểm hiện tại đa số các công trình từ nhà ở đến công cộng đều được các KTS thiết kế. Vai trò của KTS rất quan trọng trong việc định hướng thẩm mỹ của xã hội, các thiết kế kiến trúc không chỉ là dấu ấn của KTS – mà còn là bộ mặt của đô thị. Các KTS phải có đủ trình độ, thẩm mỹ và lương tâm, muốn như thế phải từ quá trình đào tạo và môi trường hoạt động nghề nghiệp thật sự nghiêm túc và có trách nhiệm.

Quan điểm thiết kế của tôi cũng như APDI/ luôn hướng tới những giải pháp tiết kiệm năng lượng, chiếu sáng tự nhiên, thân thiện với môi trường cũng như tính bền vững của công trình. Cùng với hệ thống quản lý khoa học tôi và APDI luôn mong muốn đem lại cho khách hàng và xã hội những sản phẩm thực sự có có giá trị về mặt thẩm mỹ, công năng cũng như chi phí đầu tư

Những thuận lợi của KTS ở thời điểm hiện tại là rất nhiều, đó là điều kiện kinh tế xã hội phát triển hơn xưa. Khách hàng có thẩm mỹ, họ đánh giá đúng vai trò của KTS, môi trường hoạt động nghề nghiệp của KTS cởi mở hơn. KTS tiếp cận với thế giới đã bớt khoảng cách và Việt Nam đang có nhiều công trình thực sự có chất lượng. Trong thuận lợi đương nhiên vẫn còn nhiều khó khăn từ phía CĐT, mặt bằng dân trí chung trong xã hội cũng như luật pháp. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có môi trường pháp lý đầy đủ để bảo vệ quyền lợi cho KTS, trình độ mặt bằng chung của KTS mới ra trường còn thấp nên vẫn còn nhiều sản phẩm thiết kế phản cảm, ảnh hưởng đến môi trường hành nghề chung.

Thuận lợi và khó khăn luôn song hành với nhau, quan trọng vẫn là từng cá nhân làm thật tốt công việc của mình cùng nhau vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Vũ Đức Khuynh (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)