Để đô thị quay mặt ra sông

Thời gian qua, quy hoạch các phân khu đô thị quanh sông Hồng, sông Đuống tại Hà Nội rồi sông Hương tại Huế, bến Bạch Đằng và dải công viên quanh sông Sài Gòn lần lượt ra đời. Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc đô thị và cũng từng giành được khá nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, KTS Đoàn Thanh Hà có cuộc trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng chung quanh vấn đề này.

KTS Đoàn Thanh Hà.
KTS Đoàn Thanh Hà.

Những dòng sông bị bỏ quên

Khi ý tưởng đưa các đô thị tại Việt Nam “quay mặt” ra sông được chú ý, chúng ta mới giật mình nhớ lại: Trong quá khứ, hàng chục đô thị tại Việt Nam được hình thành từ đầu mối giao thương quanh những con sông lớn, để rồi khi phát triển tới một mức độ nhất định, thành phố lại bỏ quên chính những con sông này?

Về cơ bản, tôi đồng ý với hai chữ “bỏ quên” khi nói về nhiều con sông trong đô thị Việt Nam, dù nó có thể hiểu ở nhiều mức độ khác nhau. Đó là những dòng sông mà chỉ một số ít người tiếp cận hoặc nhìn thấy được, còn đa số không biết về thực trạng của nó; là những dòng sông không đáng nhớ, không có ý nghĩa gì đối với người dân đô thị vì không tham gia trực tiếp vào cuộc sống của họ; là những dòng sông nhiều người biết nhưng lại muốn quên, vì đó chỉ là mặt sau/mặt trái bị ô nhiễm của đô thị, xuất phát từ lối ứng xử theo kiểu “cha chung không ai khóc”…

Dù còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, việc quy hoạch không gian quanh sông Hàn mang lại cho Đà Nẵng một diện mạo mới.
Dù còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, việc quy hoạch không gian quanh sông Hàn mang lại cho Đà Nẵng một diện mạo mới.

Nhìn lại lịch sử đô thị thế giới, sông là điều kiện thuận lợi để quần cư/tụ cư, từ chỗ là nguồn nước để làm nông và sinh hoạt đã hình thành những điểm dân cư nông thôn rồi là tuyến giao thông – thương mại để phát triển các điểm dân cư đô thị. Vì vậy, dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị, đáp ứng nhu cầu: cấp thoát nước, giao thông vận tải, phòng vệ. Ở chiều ngược lại, đô thị cũng mang lại cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Nói cách khác là cách con người ứng xử với sông sẽ phản ánh bản sắc và văn hóa đô thị.

Chúng ta đều biết, tại các đô thị phát triển, những dòng sông chảy qua trung tâm thành phố luôn được khai thác để trở thành một nguồn tài nguyên đặc biệt. Và xu thế kiến trúc hiện đại, theo anh, sẽ tập trung chú ý khai thác những giá trị nào của những dòng sông ấy so với trước đây?

Tôi hiểu xu thế chung hiện nay là đô thị phát triển sang hai bên dòng sông, biến dải ven sông thành dải cảnh quan, sinh thái hấp dẫn (waterfront, riverside, lakeview…) với những tiện ích công cộng giao thông thuận lợi.

Do vậy, ứng xử với dòng sông trong đô thị cần quan tâm ba yếu tố. Thứ nhất là liên kết yếu tố thiên nhiên từ sông vào sâu trong đô thị. Thứ hai là tự nhiên hóa ranh giới giữa dòng sông và phần xây dựng đô thị. Thứ ba là kiến trúc đô thị hai bên (hình thái, cấu trúc, mật độ, độ cao) phụ thuộc vào từng con sông (sông nhỏ hay lớn, hiền hay dữ, có đê hay không,…). Ba vấn đề này cần được soi chiếu bởi một triết lý chủ đạo: Chia sẻ (cơ hội – lợi ích – trách nhiệm) trên quan điểm tôn trọng nước để dòng sông là của cộng đồng, là không gian mở để người dân dễ dàng tiếp cận và kết nối thân thiện. Triết lý này có thể hiểu là cách ứng xử hài hòa giữa Đô thị (đất) và Sông (nước).

Vắng bóng những đô thị ven sông đúng nghĩa

Vậy anh sẽ giải thích thế nào về việc chúng ta chưa khai thác đúng giá trị của các con sông chảy qua đô thị? Và trong sự so sánh với thế giới, đâu là cái chúng ta đang thiếu – ngoài kinh phí – để có những không gian đô thị ven sông đạt “chuẩn”?

Hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn liền với dòng sông. Tuy nhiên, do sông ngòi Việt Nam có chế độ thủy văn tương đối phức tạp (mực nước chênh lệch theo mùa lớn, lũ lụt vào mùa mưa) nên việc khai thác cảnh quan hai bên bờ sông tương đối khó khăn. Tới những năm cuối thế kỷ XX, các đô thị Việt Nam mới bắt đầu quan tâm tới vai trò của dòng sông trong tạo dựng cảnh quan. Đến nay, chúng ta vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông đúng nghĩa – được xây dựng dọc theo bờ sông và phát huy, khai thác tối đa những giá trị mà sông nước mang lại để trở thành nguồn lợi, nguồn thu, nguồn sống chính của cư dân tại đó.

Việc phát triển kinh tế, xã hội nói chung và đô thị nói riêng ở ta từ trước đến nay thường chỉ chú trọng khai thác triệt để giá trị của đất đai bởi “dễ” làm và nhanh thu hồi vốn. Quỹ đất sẽ dần cạn kiệt làm cho môi trường sống của cư dân đô thị ngày càng ngột ngạt, bức bối. Vì vậy, kinh tế sông nước (gồm cả kinh tế biển) sẽ là xu hướng tất yếu và bền vững, nhất là ở một nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam.

Theo anh một không gian đô thị liền kề với sông cần bảo đảm yếu tố gì đầu tiên?

Dòng sông là của cộng đồng nên khi quy hoạch khu vực hai bên sông, cần tạo cơ hội lớn nhất cho cư dân đô thị tiếp cận sông. Như thế, chúng ta không chỉ quy hoạch những dải đất ven sông, mà cả những tuyến đường kết nối ra sông nhằm dễ dàng cho khu vực nằm sau lưng mặt tiền sông được tiếp cận. Thêm vào đó, cần tổ chức giao thông công cộng hợp lý để khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp.

Về mật độ xây dựng, cần thận trọng “cao tầng hóa” bám theo sông, nên tổ chức thành từng cụm cách xa nhau để có khoảng hở cho thiên nhiên đi sâu vào bên trong, tạo độ thông thoáng tránh tạo thành một bức tường bê-tông phản cảm. Những bức tường đó là một dạng quy hoạch “bóc lột” dòng sông thường thấy, nhằm khai thác tối đa diện tích tự nhiên chỉ để tạo lợi nhuận cho số ít người, không vì lợi ích chung của cộng đồng và không nghĩ đến việc phát triển cân bằng.

Nhìn chung, quy hoạch phần liền kề với sông luôn cần ý thức chia sẻ nguồn tài nguyên vô giá này với tất cả mọi người qua các không gian công cộng mở thân thiện.

Từ thí dụ cụ thể như sông Hàn (Đà Nẵng) vốn nhận được đánh giá tạm coi là tích cực nhất, anh đánh giá thế nào về việc phát triển đô thị quanh con sông này?

25 năm qua, sông Hàn đã thay đổi từng ngày và trở thành biểu tượng cho sức sống mới mãnh liệt của người Đà Nẵng nhưng đến nay, không gian đô thị ở Đà Nẵng vẫn chưa hoàn toàn hướng ra sông. Nửa sau của thế kỷ XX, chức năng cảng biển và các khu vực lân cận tại nhiều đô thị dần nhường chỗ cho những tuyến đường lớn, chia cắt một cách thô bạo mối liên hệ giữa người dân với dòng sông của họ. Đà Nẵng cần tránh sai lầm này, lường trước sự chia cắt giữa không gian đô thị và không gian tự nhiên. Thành phố cần quy hoạch phát triển chuỗi liền mạch các tuyến kè ven sông, tăng mảng xanh và mềm hóa những tuyến không gian ven bờ để mở ra vô vàn không gian mới, góp phần đưa thiên nhiên lan tỏa vào không gian đô thị

Còn với trường hợp của Hà Nội và sông Hồng?

Ở một dự án năm 2008, các chuyên gia Hàn Quốc do không am hiểu địa chất lưu vực sông Hồng nên đưa ra phương án rất có vấn đề. Nổi cộm trong số ấy là đề xuất áp đê gần lại lòng sông, dùng bê-tông kè cứng với độ cao bằng mực nước báo động cấp ba. Rồi giải tỏa hiện trạng để xây mới các trung tâm cao tầng với mật độ cao như “bức tường” ngăn cách giữa hồ Tây với sông Hồng. Mối quan hệ hình thái của kiến trúc với mặt nước kiểu này có thể làm giảm giá trị mặt nước đi rất nhiều lần, và Hà Nội sẽ không còn không gian tổng thể Nước như trước đây nữa.

Hà Nội đang chờ cơ hội “quay mặt” ra sông Hồng với bản đồ án quy hoạch mới.
Hà Nội đang chờ cơ hội “quay mặt” ra sông Hồng với bản đồ án quy hoạch mới.

Còn về bản quy hoạch sắp công bố, những thông tin ban đầu cho biết sẽ quy hoạch sông Hồng theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông, chứ không phải là nơi chất tải các công trình lên. Đây là tin đáng hoan nghênh – một tầm nhìn “Quy hoạch vị dân sinh” đáng trông đợi.

Cũng xin kể thêm, năm 2009, tôi có dịp gặp GS Tạ Hòa Phương để tham khảo ý tưởng “bỏ đê sông Hồng” khi đang làm đồ án tham dự cuộc thi kiến trúc “CC3 – Tôn vinh thành phố” do UIA tổ chức. Bản phác thảo chính là ở đoạn giáp nối giữa hồ Tây và sông Hồng nhưng là tích hợp các chức năng công cộng còn thiếu của nội đô Hà Nội, và các không gian ở đó được kiến tạo như là một phần của cảnh quan khu vực. Đồ án đề xuất nhiều hồ điều hòa trải dài từ thượng nguồn để có thể ổn định dòng chảy và dỡ bỏ toàn bộ đê sông Hồng – như là sự trả tự do cho dòng sông mà tôi cho rằng “đang thụ án tù chung thân” trong hệ thống đê do con người tạo ra, từ đó làm sống lại cả vùng đồng bằng. Quan điểm bỏ đê sông Hồng được GS Phương theo đuổi từ lâu và tôi thấy hệ số khả thi ngày một cao, biết đâu lại sớm thành hiện thực (cười).

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Theo Đông Mai (Báo Nhân dân)