Đề xuất một số giải pháp – Thiết kế kiến trúc nội thất không gian văn phòng – Thích ứng đại dịch Covid – 19

Dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, làm thay đổi hành vi, sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế – xã hội. Đặt ra vấn đề: Nhu cầu lao động, làm việc cần được tổ chức phù hợp với bối cảnh “bình thường mới”. Vì vậy, không gian văn phòng cần thiết phải được tổ chức lại cho phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, tâm lý người sử dụng… Bài báo dựa yển kết quả nghiên cứu tổng quan các yếu tố về kinh tế – xã hội, sức khỏe thể chất và tinh thần, thói quen và nhu cầu sinh hoạt của con người… nhằm đưa ra một số giải pháp thiết kế không gian văn phòng cho giai đoạn hiện nay; đồng thời đề xuất chiến lược dài hạn trong thiết kế không gian nội thất thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19.

Các văn phòng làm việc kiểu mở của Google và Facebook thể hiện phần nào sự cố gắng của doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường công sở thú vị cho nhân viên (nguồn: [Frearson, 2013])
Bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đã đặt ra các yêu cầu thay đổi về chính sách và quan điểm chỉ đạo của Nhà nước. Trong đó nêu rõ: Để phục hồi kinh tế, phòng chống hiệu quả dịch bệnh, đòi hỏi mọi cá nhân, cộng đồng, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra (TW Đảng, 2021). Các cơ quan chức năng ban hành các quy định kịp thời về các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”1.

Thiết kế không gian nội thất bên cạnh các yêu cầu về thẩm mỹ, công năng như trước đây, cần quan tâm thêm việc phân tích các tiêu chuẩn thiết kế có ảnh hưởng đến tâm lý và nâng cao sức khỏe tinh thần; hay tổ chức công năng thích ứng, biến đổi linh hoạt cho các hoạt động cần thiết trong thời kỳ dịch bệnh, nhằm: (i) đưa ra một số giải pháp thiết kế không gian văn phòng cho giai đoạn hiện nay; và (ii) đề xuất chiến lược dài hạn trong thiết kế không gian nội thất thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Để chúng ta yên tâm, thích ứng linh hoạt với Covid-19, giải trí và làm việc trong môi trường chủ động, an toàn ở mọi loại hình không gian một cách bền vững.

Thuật ngữ “nơi làm việc”, theo Từ điển Luật học, là địa điểm, không gian mà người lao động phải có mặt để thực hiện nghĩa vụ lao động, theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Không gian làm việc có nhiều người đồng thời cùng làm việc, phối hợp với nhau. Thời gian qua, điều kiện khoa học công nghệ đã mở dần xu hướng làm việc từ xa, nhưng quá trình này chỉ thực sự chuyển đổi mạnh mẽ và được mọi người “chấp nhận“ từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Để trả lời câu hỏi xu hướng nơi làm việc mới và nhu cầu làm việc từ xa, bài báo thực hiện khảo sát 200 nhân viên đang làm việc ở Đà Nẵng.

Qua biểu đồ khảo sát chúng ta có thể thấy: Mỗi hình thức làm việc đều có những ảnh hưởng nhất định đối với nhân viên. Nếu như hình thức làm việc trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến tâm lý thì làm việc trực tuyến lại có ảnh hưởng đến thu nhập (hình 1). Trong khi đó, với hình thức làm việc Hybrid (kết hợp vừa online, vừa offline) thì điều này tương đối cân bằng. Tuy nhiên, hình thức làm việc kết hợp vẫn chưa được lựa chọn vì nhiều ý kiến cho rằng làm việc trực tuyến vẫn đảm bảo sự trao đổi hiệu quả và không khí làm việc vui vẻ (hình 2). Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, nhận thức của người dân đã có những thay đổi (hình 3),. nhưng đa số lại cho rằng không cần thiết phải thay đổi không gian làm việc (hình 4).

Những số liệu này, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp cần quan tâm và có chính sách điều chỉnh điều kiện lao động: (1) tiếp tục thực hiện điều kiện làm việc như hiện tại: (2) cần tổ chức hiệu quả, khoa học quy trình vận hành; (3) đảm bảo người lao động nhanh thích nghi với môi trường làm việc; (4) đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc tốt là những yêu cầu cần thiết để hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.

Khái niệm “thiết kế kiến trúc” là tổ chức không gian sống phù hợp với điều kiện, tiện nghi, công năng và môi trường cho người sử dụng. Trong đó, khái niệm về “Kiến trúc chữa lành”2 hay “Kiến trúc nội thất chữa lành”3 là một trường phái thiết kế rất phổ biến ở các quốc gia phát triển, tập trung thiết kế không gian nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi, bảo vệ sức khỏe; hạn chế và loại bỏ sự căng thẳng từ môi trường: [Lawson, 2010] Với khái niệm “Thiết kế trị liệu”4, “Thiết kế không gian sống theo Thông báo chấn thương”5 thì quy trình thiết kế được xây dựng dựa trên các nguyên tắc chăm sóc chấn thương tinh thần của con người [Grabowsska, 2021]. Việc sử dụng các yếu tố thiết kế không gian (hình khối, màu sắc, ánh sáng, vật liệu…) sẽ được cân nhắc cẩn trọng để tạo nên một môi trường có thể chữa lành những tổn thương xuất hiện trong lối sống thường ngày, ra giúp con người lao động, giải trí hiệu quả và luôn hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi thực hiện quy trình thiết kế này, tất cả các quyết định về vật chất phải được sàng lọc qua các lăng kính của tâm lý học, khoa học thần kinh, sinh lý học và các yếu tố văn hóa… nhằm tạo ra không gian thiết kế độc đáo để con người sử dụng không gian đó cảm thấy an toàn (xét cả về tính an ninh và sự an toàn trong nhận thức), tôn trọng, có thể tự kiểm soát và luôn có được niềm vui. Để đạt được điều đó, yêu cầu thiết kế phải giảm thiểu hoặc loại bỏ các tác nhân gây căng thẳng; tạo không gian riêng tư và độc lập; củng cố ý thức về bản sắc cá nhân và thúc đẩy sự kết nối với thế giới tự nhiên… (SAMHSA, 2014). Với quan điểm thiết kế đó, “kiến trúc nội thất chữa lành” đã không còn gói gọn trong các không gian trị liệu như ở bệnh viện, điều trị mà bắt đầu xuất hiện trong tất cả các hình thức không gian khác. Trong bối cảnh mới, việc ứng dụng quan điểm thiết kế này sẽ góp phần giảm thiểu những tổn thương về sức khỏe tinh thần và thể chất do dịch bệnh Covid 19 gây ra.

Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh tại văn phòng (nguồn: [Thanh, 2021])

Đề xuất các giải pháp thiết kế

1. Quan điểm chung

Điều kiện phát triển kinh tế xã hội, chúng ta dần thay đổi quan điểm về không gian nội thất: Từ không gian cứng nhắc sang mô hình linh hoạt, từ áp dụng các nguyên lý kinh điển sang chú trọng đến tâm lý và điều kiện văn hóa. Trong tình hình mới, các tiêu chí thiết kế không gian văn phòng thích ứng COVID-19 được tiếp cận như sau:

a. Đảm bảo an toàn sức khỏe thể chất và tinh thần

Điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã đề cao vấn đề an toàn, là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong thiết kế văn phòng tương lai. Các tổ chức, doanh nghiệp phải làm tốt công tác tư vấn tâm lý, thực thi các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm để nhân viên yên tâm nơi làm việc là một môi trường an toàn. Qua đó, giảm thiểu tình trạng căng thẳng, lo lắng và thúc đẩy sức khỏe tinh thần của nhân viên.

b. Tổ chức công năng linh hoạt, hiệu quả

Mô hình làm việc kết hợp Hybrid vẫn đảm bảo hiệu suất công việc và giảm thiểu khả năng lây nhiễm đã được ứng dụng rộng rãi và có những đánh giá tích cực trong thời gian qua. Vì vậy, thiết kế văn phòng có khả năng sẽ phát triển thành một môi trường đa chức năng, cung cấp không gian hỗ trợ bốn loại hoạt động: (i) cộng tác trực tiếp, (ii) cộng tác ảo, (iii) riêng tư và (iv) di chuyển. Tiêu chí này có thể thực hiện nhờ vào việc sắp xếp lại bố cục không gian, thiết kế và xây dựng các loại hình trang thiết bị nội thất phù hợp.

c. Đảm bảo tiện nghi, thoải mái và truyền cảm hứng cho cộng đồng

Không gian văn phòng sẽ phải đáp ứng được các nhu cầu của nhân viên, mang lại cho họ một không khí dễ chịu thoải mái, qua đó tạo nên cảm giác gắn kết giữa nhân viên và môi trường làm việc. Các công ty sẽ cần phải suy nghĩ lại về ý nghĩa của không gian văn phòng, biến nó từ chỉ đơn giản là một nơi để làm việc trở thành cơ sở hạ tầng để xây dựng văn hóa công sở lành mạnh, nuôi dưỡng ý thức gắn bó của các nhân viên và lan tỏa các giá trị tốt đẹp cho toàn xã hội trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Các vách ngăn di dộng trở thành một yếu tố quan trọng trong việc cung cấp môi trường đa chức năng (nguồn: [Pinterest, 2021])
2. Giải pháp xây dựng không gian nội thất văn phòng thích ứng COVID-19

Bên cạnh hướng tiếp cận thông tin đại chúng, nắm bắt nhận thức và tuyên truyền về các giá trị, lợi ích to lớn của thiết kế, kiến trúc không gian văn phòng phù hợp thời đại mới. Cần nghiên cứu, khảo sát các giá trị đặc trưng của từng loại hình lao động: (1) Thường xuyên khảo sát và nắm bắt hoàn cảnh, nhất là nhu cầu của người lao động ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả lao động; (2) xây dựng các kịch bản, phương án tổ chức lao động luân phiên, ca, nhóm để tránh tập trung đông; (3) hướng dẫn các biện pháp giữ khoảng cách an toàn, dọn dẹp vệ sinh văn phòng thường xuyên. Thì một số công ty thiết kế kiến trúc, nội thất cũng đưa ra các chỉ dẫn như Làm thế nào để không gian làm việc thích ứng COVID-196″ do công ty ACTIU7 phát hành, trong đó chỉ ra những biện pháp nhất định trong việc thiết kế lại không gian làm việc và trang bị nội thất để đảm bảo khoảng cách an toàn và ngăn chặn sự lây lan thêm của đại dịch này (ACTIU, 2020). Qua đó, một số lưu ý trong việc thiết kế không gian văn phòng “an toàn COVID-19″ như sau:

a. Bố cục không gian: Ngoài việc sắp xếp, tổ chức, bố cục không gian kiến trúc nội thất theo vần luật, phong cách, thì việc tích hợp các giải pháp tăng cường an toàn y tế và sự sạch sẽ là vấn đề cần quan tâm. Cụ thể như: Tổ chức giao thông công năng hiệu dụng, giảm thiểu tiếp xúc và tương tác không mong muốn; khu vực kiểm tra và phòng soát bệnh ngay lối ra vào nhằm hỗ trợ khai báo, phòng sát khuẩn và kiểm tra nhiệt độ; bố trí các bản chỉ dẫn thống nhất về tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.; tổ chức các vách ngăn linh hoạt để phân chia không gian, tạo không gian nghỉ ngơi thư giãn, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc – cuộc sống.

Không gian làm việc đảm bảo khoảng cách an toàn
(nguồn: Sổ hướng dẫn “How to adapt the workplace to COVID-19”- ACTIU)

b. Hình khối: Trạng thái không gian phụ thuộc rất lớn vào hình khối, đường nét kiến trúc. Nhiều yếu tố thị giác được nghiên cứu và ứng dụng cho từng không gian khác nhau, tạo nên cảm giác được bảo vệ, che chở hay gần gũi với thiên nhiên… Hạn chế các đường nét có sự phức tạp về thị giác và dễ gây nên kích động như đường zig zag, đường cắt chéo, các loại hoa văn rối mắt…

c. Màu sắc: Tâm lý về màu sắc đang đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế nội thất và ngay cả trong thiết kế không gian nội thất thích ứng Covid-19. Nắm bắt tâm lý, khơi tạo các không gian màu sắc yên bình, thoải mái như gam màu lạnh đang có xu hướng lựa chọn hiện nay.

Những nét cong, bo tròn mềm mại, hoặc hình khối vuông vắn sẽ tạo được trạng thái cân bằng, yên bình và nhẹ nhàng cho không gian. (nguồn: [Pinterest, 2021])
d. Vật liệu: Các loại vật liệu có tính kháng khuẩn, độ bền cao và dễ chùi rửa luôn được quan tâm lựa chọn. Ngoài ra, màu sắc và hoa văn cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong tổ chức không gian.

Những bảng màu nhẹ nhàng, tươi sáng sẽ được ưu tiên sử dụng trong nội thất văn phòng kiểu mới. (nguồn: [Design Seeds, 2021])
e. Ánh sáng và không khí: Các giải pháp về chiếu sáng và thông gió tự nhiên, cây xanh, mặt nước, luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế từ trước đến nay. Vì vậy, việc khai thác điều kiện chiếu sáng thông gió tự nhiên sẽ hạn chế các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.

f. Trang thiết bị nội thất: Trang bị đồ nội thất dạng module để xắp xếp linh hoạt, tùy biến cho những nhu cầu sử dụng khác nhau, đồng thời vẫn đảm bảo đồng nhất phong cách trang trí không gian. Đồ nội thất nên có kiểu dáng mềm mại, êm ái. Sử dụng các đồ nội thất được bọc bằng vải kháng khuẩn có thể dễ dàng tháo rời vệ sinh.

Sử dụng nguồn sáng tự nhiên nhờ các cửa sổ lớn, đồng thời bố trí những mảng xanh trong văn phòng (nguồn: [We Work Idea, 2019])
3. Giải pháp tiếp cận từ cơ quan chính quyền nhà nước

a. Thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng lý luận, khoa học, chính sách về thiết kế: Nghiên cứu và thiết kế không gian nội thất trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi nhiều hơn, khắt khe hơn nhằm phục vụ người sử dụng. Vì vậy, để có được quy trình thiết kế khoa học, cần có sự khuyến khích và các chính sách hỗ trợ dành cho các dự án nghiên cứu về vấn đề này nhằm có hướng đi đúng đắn cho kiến trúc nội thất tương lai bền vững.

b. Nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19: Mỗi cá nhân cần đề cao ý thức và trách nhiệm công dân, tin tưởng vào các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch. Người dân cần được tiếp cận dễ dàng với các trung tâm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Nên dành hẳn một chương trình truyền hình thường xuyên hướng cách phòng, chống, điều trị COVID-19, trong đó tuyên truyền các biện pháp kiến tạo không gian và môi trường phù hợp.

Ghế ngồi module Allsteel’s Rise linh hoạt, dễ xắp xếp thay đổi tùy công năng (nguồn: Design Milk, 2020

Kết luận

Có thể thấy, dịch bệnh Covid 19 trong hai năm qua đã làm đảo lộn nhiều hoạt động của người dân trên khắp thế giới. Để thiết lập trạng thái “bình thường mới”, mỗi chuyên gia trong từng lĩnh vực đều cố gắng đưa ra những giải pháp thích ứng, và lĩnh vực kiến trúc nội thất cũng không đứng ngoài xu hướng đó, đề xuất các giải pháp tổ chức không gian phù hợp. Qua khảo sát, nhu cầu hiện tại của nhân viên là được làm việc trong một môi trường an toàn, đảm bảo được năng suất lao động mà không nhất thiết phải thay đổi không gian. Từ đó, các giải pháp cụ thể về thiết kế kiến trúc nội thất: (1) đảm bảo an toàn về sức khỏe; (2) tổ chức hiệu quả quy trình vận hành với công năng linh hoạt; (3) tính tiện nghi trong không gian làm việc. Để làm được điều đó, các giải pháp kỹ thuật thiết kế cần được ứng dụng triệt để trong thiết kế nội thất như: Chú trọng tổ chức không gian linh hoạt và luôn đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các nhân viên, màu sắc tươi sáng nhẹ nhàng, đầu tư sử dụng các loại vật liệu có bề mặt kháng khuẩn dễ vệ sinh, thiết bị nội thất gọn nhẹ, tùy biến…

Các nghiên cứu, lý luận và đánh giá tâm lý, khoa học sức khỏe trong không gian nội thất cần tiếp tục được phân tích, nhất là các chính sách hỗ trợ cho các dự án và nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền. Về lâu dài, thiết kế nội thất sẽ chú trọng kết hợp công nghệ khoa học kỹ thuật, hạn chế việc tiếp xúc người dùng như lắp đặt các cửa tự động điều khiển bằng giọng nói, cảm biến thông báo số lượng người trong không gian, hệ thống nội thất tự điều chỉnh mà không cần chạm vào, hệ thống diệt khuẩn sau giờ làm…, nhằm đáp ứng nhu cầu về thiết kế không gian nội thất thông minh, đảm bảo phát triển bền vững mà trong đó đề cao tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho con người, đáp ứng nhu cầu sử dụng không gian nội thất văn phòng trong tương lai.

Phan Hạnh Liên
Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng, Đại học Duy Tân
Phan Bảo An
Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)


Tài liệu tham khảo
1. ACTIU. (2020). How to adapt the workplace to COVID-19. ACTIU Group, 10-60.
2. ADB. (2021, 12 03). GDP Growth in Asia and the Pacific, Asian Development Outlook (ADO). Link: https://data.adb.org/: https://data.adb.org/dataset/gdp-growth-asia-and-pacific-asian-development-outlook
3. Annette Stelmack, A. I. (2014). Sustainable Residential Interiors. New Jersey: John Wiley & Sons.
4. Design Milk. (2020). Allsteel Launches a Soft, Modular Seating System Called Rise Lounge. Design Milk, https://design-milk.com/allsteel-launches-a-soft-modular-seating-system-called-rise-lounge.
5. Design Seeds. (2021, 12 3). Design Seeds. Link: Design Seeds: https://www.design-seeds.com
6. Franco, J. T. ( 2020). The Importance of Antibacterial Surfaces in Healthcare Architecture. Arch Daily.
7. Frearson, A. (2013, 2 15). Dezeen. Link: Karen Haller: https://www.dezeen.com/2013/02/15/google-tel-aviv-by-camenzind-evolution/#
8. Grabowsska, S. (2021). Architectural principles in the service of Trauma Informed Design. Denver, Colorado.
9. Lawson, B. R. (2010, 8 16). Healing architecture. Arts & Health, trang 95 – 108.
10. Lê Hiệp. (2021, 12 03). Toàn cảnh 3 giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam,. Link: Thanh niên: https://thanhnien.vn/toan-canh-3-giai-doan-dich-covid-19-tai-viet-nam-post944064.html
11. Lê Thị Thanh Xuân, a. a. (2020). Evaluating the Psychological Impacts Related to COVID-19 of Vietnamese People under the First Nationwide Partial Lockdown in Vietnam. Psychiatry, 11:824.
12. Pinterest. (2021, 01 12). Pinterest. Link: Pinterest: https://www.pinterest.com/officesnapshots/_created/
13. SAMHSA. (2014). SAMHSA’s Concept of Trauma and Guidance for a Trauma-Informed Approach. SAMHSA’s Trauma and Justice Strategic Initiative, 5-9.
14. Seeds, D. (2021, 12 3). Design Seeds,. Link: Design Seeds,: https://www.design-seeds.com
15. Tedros Adhanom Ghebreyesus. (2022, 12 03). WHO. Link: https://www.who.int: https://www.who.int/director-general/speeches/detail/who-director-general-s-opening-remarks-at-the-media-briefing-on-covid-19—11-march-2020
16. Thanh, C. (2021, 20 9). Tin tức Pháp luật. Đã truy lục 1 13, 2022, từ thuvienphapluat.vn: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/37669/07-tieu-chi-an-toan-covid-19-voi-van-phong-lam-viec-tai-tp-hcm
17. Trần Công Danh. (2021). Đi tìm giải pháp kiến trúc nhà ở thích ứng thời kỳ Covid 19. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 236, 64.
18. TW Đảng. (2021, 02 27). Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thừ XIII của Đảng. Link: Cổng thông tin điện từ Bộ Nội vụ: https://www.moha.gov.vn/tin-noi-bat/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-45877.html
19. UDNP. (06/2020). Báo cáo tóm tắt Đánh giá tác động kinh tế xã hội của Đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Phân tích có tính tới yếu tố giới. UDNP: UN WOMEN.
20. We Work Idea. (2019, 8 17). Link: We Work Idea: https://www.wework.com/en-GB/ideas/professional-development/creativity-culture/best-office-plants
21. WHO. (2020, 12 03). COVID-19 disrupting mental health services in most countries. Link: https://www.who.int/: https://www.who.int/news/item/05-10-2020-covid-19-disrupting-mental-health-services-in-most-countries-who-survey


1 “Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19”, người dân khi tham gia hoạt động công cộng phải thực hiện nghiêm túc “quy định 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”
2 Healing Architecture
3 Healing Interior Architecture
4 Therapy Design
5 Trauma-Informed Design – TiD
6 How to adapt the workplace to COVID-19
7 ACTIU là một công ty Tây Ban Nha chuyên thiết kế và sản xuất nội thất dành cho không gian văn phòng trên phạm vi toàn cầu.