Đến thủy cung Trí Nguyên – Nghĩ về “TP tràn ra biển”

Thủy cung Trí Nguyên chỉ cách TP Nha Trang 10 phút ca nô, thủy cung thuộc đảo Hòn Miễu, một trong năm hòn đảo thuộc Vịnh Nha Trang. Người dân gọi đảo “Hòn Miễu” vì nơi đây có miễu Ông và miễu Bà linh thiêng. Miễu Bà nằm giữa đảo, miễu Ông thuộc khuôn viên vịnh San hô 2, vịnh này nằm cuối con đường chính của đảo. Người dân ở làng chài trên đảo sống bằng nghề đánh bắt- nuôi trồng hải sản, đan lưới cá và một số làm dịch vụ tàu thuyền. Làng chài nhỏ này còn có đình làng và chợ để làm nơi thờ tự và họp chợ, hai hạng mục bản sắc không thể thiếu của làng xã Việt Nam.

Hòn Miễu có nhiều khu du lịch như Bãi Tranh, Bãi Sỏi, vịnh San hô 2, thủy cung Trí Nguyên… Ấn tượng nhất vẫn là thủy cung Trí Nguyên. Đây là công trình thật ấn tượng với mô hình con tàu khổng lồ nửa trên biển, nửa trên đất liền. Tôi cảm phục người thiết kế ra mô hình này, với cái nhìn thẩm mỹ, tác giả đã tạo nên tác phẩm vừa kiến trúc vừa điêu khắc hòa hợp với phong cảnh biển đảo. Năm 1971, ông Lê Cẩn đã ngăn biển xây một cái hồ rộng 130m, dài 160m; vẫn sử dụng nước biển cho hồ. Hồ được ngăn thành 3 ô nuôi cá cảnh, cá dữ và cá ăn thịt. Bên cạnh đó, ông Cẩn còn thả tôm, đồi mồi và một số sinh vật biển khác vào hồ, tạo nên hệ sinh thái biển phong phú. Sau đó, công trình ngày càng phát triển, tư nhân quản lý không xiết nên bàn giao cho nhà nước quản lý. Hồ được xây dựng theo mô hình “thủy cung” cho đến nay.

Công trình Thủy cung Trí Nguyên được thiết kế theo kiểu con tàu. Tầng hầm của “tàu” là hồ cá, tầng 2-3 là các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách. Tầng hầm sát với mực nước biển gồm 4 bể cá lớn và một số bể cá nhỏ cùng hàng trăm loài sinh vật biển như cá ngựa, cá chim Napoleon, cá Picasso… Hồ cá được ngăn bằng hệ thống kè đá san hô đủ cao để mực nước trong hồ bao giờ cũng ngang với mực nước biển. Giữa các hồ cá là những lối đi lát bằng đá núi, diện tích các hồ khoảng 50 – 200 m2, có hồ lớn đến 3ha. Ngoài ra còn có hồ cá lộ thiên, nơi đây nuôi cá thu, cá ngừ, cá nục, cá đuối, mực, tôm hùm…

Thăm thủy cung Trí Nguyên, tôi chợt nhớ đến Viện Hải dương học Nha Trang. Viện được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, hiện là viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Viện có khu nuôi thuần dưỡng sinh vật biển với hơn 300 loài tiêu biểu và rừng ngập mặn nhân tạo, khu đa dạng sinh vật biển, bảo tàng hải dương học. Bảo tàng Hải dương học Nha Trang có hơn 23.000 mẫu vật, hơn 5.000 loài sinh vật. Đặc biệt có khu trưng bày mẫu sinh vật biển lớn với bộ xương cá voi dài 18m, bộ xương bò biển có nguy cơ tuyệt chủng, bộ xương cá nạng hải dài 3.5m… Ngoài ra còn có khu rạn nhân tạo với cấu trúc dưới nước, khu trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa -Trường Sa và các mô hình giới thiệu các quần đảo của Việt Nam trên biển Đông. Tôi bồi hồi xúc động khi nhìn thấy mô hình đảo Trường Sa Lớn- nơi mà tôi đã bay ra nhiều lần để khảo sát, thiết kế bệnh xá cho người dân trên đảo. Đây là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hành nghề kiến trúc của tôi. Thật hạnh phúc biết bao khi được làm công việc thiết thực giúp người dân biển đảo có nơi khám chữa bệnh và cấp cứu trên biển.

Đứng trên mũi tàu thủy cung Trí Nguyên, tôi cảm nhận hệ sinh thái biển của Việt Nam thật phong phú, đa dạng. Đời sống động thực vật dưới biển luôn đòi hỏi môi trường tốt để phát triển. Đến Thủy cung Trí Nguyên, tham quan Viện Hải dương học Nha Trang, tôi bỗng thấy Việt Nam may mắn khi có biển và còn hệ sinh thái biển tuyệt vời. Hệ sinh thái này sẽ ra sao khi con người bắt đầu lấn biển, san lấp để giành giật từng mét vuông của biển? Cứ một tuần trôi qua, 3 triệu người trên thế giới từ nông thôn nhập vào thành thị, 60% dân số thế giới vào năm 2030 sẽ sống ở các TP, 90% các TP lớn ven biển dễ bị tổn thương khi biến đổi khí hậu… Hà Lan bồi đắp ở biển bắc với đê điều chằng chịt, Dubai đắp nổi các dự án sang trọng với các hòn đảo nhân tạo rộng lớn, Monaco công quốc của Nam Âu đã tự tăng thêm 1/5 diện tích nhờ lấn biển với những dự án khổng lồ, Hồng Kông xây dựng sân bay quốc tế Chep-Lax-Kok trên đảo nhân tạo, Singapore đã và đang lấn biển để xây dựng thêm các công trình dân dụng, Nhật cũng xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo ở Tokyo, Osaka, Hiroshima… Nhưng lấn biển cũng chưa chắc là thượng sách, sau 4 năm sân bay lấn biển Kansai ở vịnh Kobe (Nhật) đã lún xuống 2m vì thiếu kinh phí bảo quản. Công trình lấn biển khổng lồ của Bangladesh đã bị trận bão lũ dữ dội tàn phá nặng nề làm chết hơn 300.000 người vào năm 1970. Việc loài người gây xáo trộn hệ sinh thái dẫn đến thảm họa môi trường là điều sớm muộn gì cũng xảy ra.

Lấn biển là công việc phức tạp, dẫn đến nhiều hậu quả như nước biển dâng, tốc độ xói lở gia tăng, biến dạng đáy biển, hệ sinh thái biển bị đe dọa, cảnh quan thay đổi, ảnh hưởng sinh kế người dân… Ở Việt Nam, công cuộc lấn biển cũng đang diễn ra rầm rộ. Cửa Đại có rừng dương bảo vệ, khi các dự án lấn biển triển khai, biển bắt đầu xâm thực khiến nhiều công trình nơi đây bị nghiêng đổ, mất bãi cát với một đống hoang tàn khổng lồ trước biển. Khu đô thị quốc tế Đa Phước 29ha, The sunrise bay 175ha lấn biển dang dở… Đà Nẵng phải chi hàng trăm tỷ đồng cho kè chắn sóng bảo vệ đường Nguyễn Tất Thành dọc vịnh Đà Nẵng. Quảng Ninh với hàng loạt dự án lấn biển với diện tích khoảng 7.300ha, ảnh hưởng đến các dòng chảy của các con sông từ Cửa Lục chảy ra biển, làm bồi lắng, chất lượng nước vịnh Hạ Long xấu đi, UNESCO đã lên tiếng cần bảo vệ di sản. Ở Nha Trang cũng vậy, nhiều dự án lấn biển cũng đã ngưng triển khai vì những tác hại tương tự…

Tìm ra cách tận dụng thiên nhiên tốt hơn, thế giới đã bắt đầu có khuynh hướng tràn ra biển theo những hướng đi khác. Ông Koen Olthuis, người sáng lập Công ty Kiến trúc Wather Studio của Hà Lan nói: “Chúng tôi phải bắt đầu sống chung với mặt nước như một người bạn. Hãy tưởng tượng ra một TP – mà chúng ta có thể cắm nút để chơi trò nhà nổi và xây dựng nổi. Bạn có thể điều chỉnh TP theo mùa để cho các công trình có nhịp sống của chúng”. Công ty của ông đang phối hợp với UNESCO để xây dựng các trường học nổi nhỏ cho những khu ổ chuột kế mặt nước giúp trẻ em Bangladesh đến trường. Hà Lan đã khá thành công với sự kết hợp hài hòa giữa lấn biển và bảo vệ môi trường. Năm 1986, dự án Delta hoàn thành, giúp nước này có hàng trăm hecta đất canh tác. Năm 2001, dự án lấn biển Nouvell Arcanie với 62.000 hecta để ở và trồng trọt, tất cả được xây nổi trên mặt nước nhờ cột đỡ bằng bê tông và phao nổi khiến cho nước biển được lưu thông, không gây xáo trộn hệ sinh thái dưới biển.

Tranh màu nước vẽ quang cảnh các công trình ven biển

Hoặc đang nghiên cứu tìm cách sống hòa bình dưới biển, làm bạn với các loài sinh vật biển, nhưng TP dưới đáy đại dương chỉ là một dấu hỏi to tướng mà nhân loại đang đặt ra. Cho đến nay chỉ có Jacques- Yves Cousteau và nhóm của ông năm 1962 làm Conshelt 1 nằm dưới mặt nước 10m ở bờ biển Marsoiles với hai nhà du hành đại dương ở trong một tuần. Tiếp đến là việc làm một làng nhỏ ở đáy biển Hồng Hải có người ở một tháng (Conshelt 2). Và Conshelt 3 năm 1965, dưới mực nước gần 100m gần Nice (Pháp), 6 người ở trong 3 tuần. Tương lai có nhiều nước đang có dự án xây dựng khách sạn dưới nước như Úc, Dubai, Mỹ… Không biết việc phát triển TP dưới nước sẽ ảnh hưởng thế nào đối với hệ sinh thái biển, khi công nghệ ngày càng phát triển thì mọi chuyện đều có thể xảy ra!

Trong tương lai, khi dân số ngày càng cao, nhân loại buộc phải mở rộng lãnh thổ ra hướng biển. Sự kết hợp của đất, biển và công nghệ với những phát minh mới chế ngự được sự tàn phá của thiên nhiên, giải quyết được vấn đề thực phẩm cho con người… thì khi ấy, việc xây dựng những TP nổi- chìm trên biển mới có thể trở thành hiện thực. Mong sao đến ngày đó, khi những TP tràn ra biển, chìm hay nổi trên mặt biển, đều bảo vệ được hệ sinh thái đại dương và môi trường của các loài sinh vật biển quý giá.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)