Đi tìm điểm nhấn Kiến trúc Bắc Giang truyền thống và hiện đại

“Cầu sắt” – lối chính nhỏ hẹp lên Bắc Giang xưa – Ảnh: Tác giả

Bắc Giang là một miền đất Việt cổ, di chỉ khảo cứu đã cho thấy mấy ngàn năm trước đã có cư dân lạc Việt sinh sống, là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, có đến hơn 730 di tích được xếp hạng, có nhiều lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được ghi danh là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.

Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận: Ca trù; dân ca quan họ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, nghi lễ Then của người Tày, Nùng… Về cảnh quan thiên nhiên, Bắc Giang cũng có không ít giá trị đặc sắc như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thắng cảnh Suối Mỡ, Khu cao nguyên Đồng Cao, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn… Góp 23 trong 67 làng quan họ xứ Kinh Bắc, cũng là vùng giao thoa văn hóa của dân tộc Kinh với 25 dân tộc thiểu số miền sơn cước.

Có thể khái lược văn hóa Bắc Giang với các điểm đặc trưng:

  • Tính chất đan xen hội tụ văn hóa thuần Việt. Biểu hiện đan xen hội tụ này không hòa tan mà cùng tồn tại hòa nhập, tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa bản địa;
  • Tính đồng cam, cộng khổ, cưu mang vượt qua thiên tai địch họa, chống giặc ngoại xâm rất hào hùng, tính năng động sáng tạo rõ nét;
  • Có nét văn hóa đặc sắc với sự giao thoa giữa 2 miền văn hóa Việt Kinh và văn hóa dân tộc thiểu số, tạo nên tính đoàn kết, tính cộng đồng và tính thích nghi cao.

Bề dày văn hóa đầy đặn như vậy đã và đang làm nền tảng cho sự phát triển năng động và vững chắc của Bắc Giang. Văn hóa kiến trúc cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Tuy nhiên, việc đi tìm những điểm nhấn của kiến trúc hiện đại Bắc Giang thời điểm hiện tại, khi sự phát triển đổi mới chưa dài có lẽ là hơi sớm và không dễ dàng. Do đó, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin gợi ý một số hình ảnh theo tiến trình Truyền thống – Hiện đại – Tương lai.

Với kiến trúc truyền thống, trước hết có thể kể đến đó là hình ảnh kiến trúc Khu danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động). Trước đây, nói về non thiêng Yên Tử, ta thường cảm nhận về phía Đông mà không biết rằng ở phía Tây Yên Tử (tương truyền đây chính là con đường ban đầu Đức vua Trần Nhân Tông định chọn hành hương qua tuyến Vĩnh Nghiêm về với non thiêng để thành chính quả) cũng rất đặc sắc. Tại đây, nhiều di tích lịch sử văn hóa đang được bảo tồn mang bản sắc hồn Việt rõ nét cùng sự phát triển của Phật giáo thiền tông thuần Việt. Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử đang được xây dựng dường như cũng nối nhịp được điểm nhấn kiến trúc này.

Khu di tích Tây yên Tử

Chùa Bổ Đà có lẽ là ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, có kiểu kiến trúc khá khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam – Đó là lối kiến trúc “nội thông, ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Kiến trúc tổng quan chùa như một phần làng quê Việt quần tụ với các hạng mục đồng nhất, gắn kết liên hoàn bổ sung cho nhau. Khu vườn Chùa rất rộng hài hòa chung với thôn xóm xung quanh, khu vườn tháp riêng biệt và rất quang đãng.

Toàn cảnh Chùa Bổ Đà

Đình Phù Lão tọa lạc tại xã Phù Mỹ, huyên Lạng Giang. Đây cũng là ngôi đình có giá trị kiến trúc cao. Giá trị điêu khắc nghệ thuật được thể hiện với những hình ảnh chạm khắc theo lối chạm lộng thủng sâu bên trong để làm hình nổi lên theo lối như tượng tròn tại các kết cấu kiến trúc như tán cột, kè, bẩy, cốn, diệp… rất sinh động và tài hoa. Các chi tiết chạm khắc này mang đậm tính nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện sinh hoạt đủ mọi tầng lớp trong xã hội.

Đình Phù Lão

Chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La) tổng thể được bố cục trên duy nhất một trục Đông Nam gọn gàng nhuần nhị và giản lược với tuyến đường nội vi hai bên được trồng thông theo chủ ý tạo chốn “Tùng lâm” cũng là một điểm nhấn kiến trúc cuốn hút. Sau khi trùng tu, chùa càng tạo được ấn tượng trầm mặc linh thiêng mà vẫn nguy nga tráng lệ.

Chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang
Lăng Dinh Hương
Đền Xương Giang, TP Bắc Giang – Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Một quần thể kiển trúc điêu khắc xảo diệu bằng đá thời Hậu Lê đã xuất hiện trước tất cả lăng mộ Vua Nguyễn ở Cố đô Huế đó là “Lăng Dinh Hương” cũng là một hình ảnh kiến trúc cuốn hút thể hiện bề dày văn hóa của kiến trúc Bắc Giang. Ở đây có những bộ tượng như cặp tượng “Quan hầu dắt ngựa ” được xem là kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá tạo khối dùng phương pháp trên thân khiến cho những pho tượng ở đây rất sống động đậm chất hiện thực.

Cổng làng Thổ Hà , huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang.(Ảnh Việt Hưng)
Nhà thờ Thánh Tâm Bắc Giang

Làng gốm và quan họ cổ Thổ Hà trầm tĩnh sau những dòng xe cộ phố xá nhộn nhịp thuộc địa phận xã Vân Hà, huyện Việt Yên là một ngôi làng có kiến trúc truyền cảm, với kiến trúc thuần Việt mang đậm dấu ấn đồng bằng Bắc Bộ. Ở đó, những người làm kiến trúc và mỹ thuật có thể tìm thấy cảm hứng đầy ắp. Ngõ xóm hun hút cổ kính, cảnh trên bến dưới thuyền hòa quyện bên dòng sông Cầu, hay cổng làng mòn phai rõ nét thời gian… Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế – một biểu hiện phương cách đời sống thực luôn gắn liền với tinh thần tâm linh của người Việt.

Có thể kể thêm điểm nhấn kiến trúc cổ ở đây với một loại hình rất hay gặp và cũng để lại nhiều ấn tượng đặc sắc trên đất Việt về kiến trúc: Công trình tôn giáo “Đền Thánh Tâm”. Đền tọa lạc tại trung tâm TP Bắc Giang với chức năng là giáo xứ chính Bắc Giang – Thánh đường này đã tạo được một vẻ đẹp giao thoa Âu – Á khá đặc sắc, có sức hút trở thành địa điểm check in của những du khách thích khám phá và chụp ảnh.

Với Kiến trúc hiện đại của Bắc Giang, do thời gian du khảo hạn chế, bài viết xin điểm xuyết một vài hình ảnh, điểm nhấn đã hình thành và đang góp phần định hình cho kiến trúc Bắc Giang trong tương lai.

Về quy hoạch xây dựng, toàn tỉnh Bắc Giang đang chuyển mình một cách mạnh mẽ hệ thống triển khai rộng khắp và toàn diện với thiết kế là những tổ chức chuyên nghiệp với những nhà chuyên môn thực sự tâm huyết và sáng tạo.

Trung tâm TP Bắc Giang nhìn từ trên cao – Ảnh Việt Hưng
Trung tâm Thị trấn Vôi huyện Lạng Giang đang mở rông – Ảnh Việt Hưng

Quy hoạch mới TP Bắc Giang là một ví dụ tiêu biểu. Trước đây, mỗi lần chờ đợi qua “cầu sắt” một chiều từ Bắc Ninh lên Bắc Giang ai cũng có cảm giác rời hoa lệ -rộng dài về nơi hẻo lánh – nhỏ hẹp. Ngày nay, đến với TP Bắc Giang ta chợt thấy mình lạc lối trong một đô thị với những cung đường nhiều cốt, đan xen những cụm khối mang nhiều ấn tượng đa dạng có bản sắc văn hóa rõ nét. Hình ảnh cửa ngõ TP tiếp nối với trục đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, rất rõ rệt về sự phát triển không gian có tầng bậc theo hướng xanh của đô thị.

Về khía cạnh này, hình ảnh kiến trúc tổng quan của thị trấn Vôi cũng đã thể hiện giải quyết được khá tốt về bố cục quy hoạch và phát triển kiến trúc trong việc kết nối quá khứ hiện tại và tương lai một cách nhuần nhuyễn.

Trong bố cục xây dựng không gian kết nối của đô thị, TP Bắc Giang đã thực hiện được một ý tưởng hay so với trước đây đó là “đục rỗng” trung tâm đô thị để đưa mảng xanh tràn vào thành quảng trường lớn – Kết nối quảng trường chính trị với quảng trường thương mại dịch vụ thành một cụm thống nhất mà vẫn phân tách được các hoạt động với các chức năng riêng. Tại quảng trường chính trị, bước đầu đã hình thành được các công trình phù hợp, có ngôn ngữ khá hiện đại với điểm nhấn trung tâm là tòa nhà Hội nghị Tỉnh. Một công trình phục vụ cho hoạt động cộng đồng với kiến trúc lựa chọn tân cổ điển gợi nhớ về mái đình chùa của vùng đất giàu văn hóa Việt cổ. Thảm cỏ xanh mát rộng thênh thang của quảng trường dễ mang đến cảm nhận về sự khoáng đạt, tầm vươn rộng dài của TP.

Điểm nhấn kiến trúc đô thị của thủ phủ Tỉnh còn có thể kể đến các công trình kiến trúc được thiết kế khá hiện đại, đã mang được ít nhiều hơi thở hội nhập mà vẫn gần gũi trong giải quyết đặc tính vùng miền về khí hậu và bản sắc văn hóa.

Tòa nhà LCQ Sở Giáo dục & Đào tạo – Sở Khoa học công nghệ Bắc Giang
(Ảnh: Hội KTS Bắc Giang)
Trung tâm phục vụ hành chính công (khu liên cơ) – Ảnh: Tác giả

Công trình Trung tâm liên cơ quan của Tỉnh là một biểu hiện tương đối rõ nét về điều này. Tổng thể được tổ hợp với 2 khối kiến trúc cao tầng đăng đối kết nối bởi 1 khối thấp tầng hài hòa. Chi tiết kiến trúc của các mặt đứng được xử lý theo điều kiện phù hợp che chắn nắng gió tuy khác nhau về thủ pháp nhưng không bị lệch pha. Mặt đứng phía quảng trường với các mảng kính lớn vừa làm nền vừa kết hợp hài hòa với kiến trúc trung tâm hội nghị.

Trung tâm Hội nghị Tỉnh Bắc Giang – Ảnh: Tác giả
Nhà làm việc sở ban ngành tỉnh – Ảnh: Tác giả

Hai tòa nhà làm việc mới các sở ban ngành của tỉnh cũng có thể xem là những điểm nhấn kiến trúc với bố cục hình khối có ý tưởng sáng tạo. Xử lý tổng quan đến chi tiết thống nhất, không cầu kỳ phô trương. Cách xử lý này cũng tạo nên khả năng chậm lạc hậu theo thời gian.

Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang mới đưa vào khai thác – Ảnh Việt Hưng

Có một công trình chúng tôi muốn kể đển nữa là Trung tâm thi đấu thể thao của Tỉnh. Công trình này cũng được thiết kế bởi các KTS Bắc Giang với dáng vươn cánh diều giữa miền quê trù phú. Tổ hợp được tạo nên từ các mảng miếng hài hòa như nhắc nhớ về miền quan họ “Xiêm y mớ ba mớ bảy” đang phiêu theo lời ca “người ở đừng về “. Công trình cũng phần nào đã thể hiện được hình khối gắn kết công năng cho một sức bật thể thao mới với dáng động.

Một mảng rất quan trọng hình thành nên TP Bắc Giang đó là kiến trúc nhà ở. Các cụm cao tầng ở đây hình thành còn rất ít do đó kiến trúc dạng này chưa tạo được điểm nhấn nào đáng kể. Nhưng đối với công trình nhà phố, đã bắt đầu cho ta sự khá ngạc nhiên về những góc phố, mặt phố tổ hợp hiện đại, sinh động và nên thơ. Điều này ngay với những TP lớn phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng cũng chưa dễ gì có được. Những điểm nhấn đó hy vọng sẽ góp phần định hình cho hướng kiến trúc “sáng, xanh” của TP trong thời gian tiếp nối.

Qua Công viên vừa mới xây thiết kế theo ý tưởng vùng quê quan họ ở miền bán sơn địa với bố cục mềm mại mở thoáng, Cây xanh, hồ nước, đồi tràm, tiểu cảnh vừa đủ dung lượng tạo dược ấn tượng về sự cởi mở và giải phóng tinh thần cho những bước chân thênh thang. Đó cũng là một điểm nhấn tốt về cảnh quan cho kiến trúc TP.

Kiến trúc công nghiệp thường là mảng dễ bị né tránh vì tính đơn điệu, khuôn cách và khô cứng. Nhưng với một Tỉnh có hẳn một vùng công nghiệp trong cấu trúc như Bắc Giang cũng phải nhìn nhận thỏa đáng sự đóng góp này. Khu công nghiệp Đình Trám về mặt nào đó là một điểm nhấn tốt về kiến trúc, thể hiện sự sôi động và phát triển có trật tự và bản sắc của TP. Các công trình công xưởng ở đây được tổ hợp rất tầng bậc và hiện đại. Khu dịch vụ, điều hành và khu ở ăn của công nhân được thiết kế đơn giản nhưng tạo lập được những hình ảnh không gian kiến trúc khá tốt góp phần chuyển biến quan niệm về kiến trúc công nghiệp.

Dù đã có nhiều điểm nhấn góc nhìn ấn tượng, tuy nhiên Kiến trúc Bắc Giang cũng còn không ít điều đáng suy ngẫm. Về quy hoạch, nhìn thấy khá rõ sự thiếu mạch lạc, khoa học trong tổ chức mạng đường phố, ngay cả các khu quy hoạch mới. Điểm nhấn về không gian còn dàn trải và chưa phân rõ tầng bậc chính phụ. Các quảng trường lớn nhìn chung còn khá đơn điệu và buồn tẻ.

Về công trình, còn một số lượng không ít là loại nhại cổ một cách khiên cưỡng, kể cả một số tổ hợp lớn được quy hoạch và xây dựng mới hoàn toàn. Hoặc là những công trình được thiết kế xây dựng mà yếu tố kiến trúc rất mờ nhạt.

Những ngôi nhà mới ven hồ – Ảnh: Phùng Tuấn
Một góc phố ở Bắc Giang – Ảnh: Tác giả
Khu công nghiệp Đình Trám

Những “con đường xưa em đi” trong khu phố cũ của TP còn lộn xộn và thiếu hấp dẫn, hầu như không thể tìm thấy điểm nhấn kiến trúc nào khả dĩ. Dường như chưa có một chương trình chỉnh trang đô thị bài bản, chuyên sâu, cụ thể cho khu vực này.

Việc ứng dụng những xu hướng kiến trúc mới, tiến bộ như: Kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc cộng đồng…như chưa được đặt ra ở đây hoặc đã manh nha nhưng chưa được thể hiện rõ nét.

Và có lẽ sự quản lý tổng phổ quyết liệt, bài bản về kiến trúc cũng cũng mới được triển khai ở một chừng mực nào đó, nên hiệu quả còn hạn chế.

Đi qua tuyến đi bộ của TP mới với hai hàng cây vừa trồng chưa kịp khoe lá mùa xuân và những ngôi nhà 2 bên chưa kịp định hình; hay đi qua khu hành chính TP mang dáng dấp hoài niệm xưa khá nệ cổ của Bắc Giang… sẽ thấy cũng còn nhiều điều cần trăn trở. Nhưng với những gì đã có của truyền thống dày bản sắc, sự phát triển hiện tại đang thăng hoa rộng dài rực sáng chắc cũng không phải là điều xa vời. Hy vọng những điểm nhấn kiến trúc của TP Bắc giang và cả những đô thị nhỏ, những miền quê trù phú ở đây sẽ ngày càng đầy đặn níu kéo những người muốn cảm nhận đích thực trở lại.

Phan Đăng Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2020)