Eco-Design trong thiết kế vật dụng nội thất

1. Eco-design là thuật ngữ phổ biến đang được áp dụng trên nhiều lĩnh vực, cũng là mục tiêu mục tiêu phát triển của nhiều ngành nghề đặc biệt là trong thiết kế kiến trúc và sản xuất hàng hoá dựa trên việc xem xét các tác động lên môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm ngay từ khâu khai thác nguyên liệu thô cho đến giai đoạn cuối vòng đời – sản phẩm phải thải bỏ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Sản xuất bền vững bao gồm các mục tiêu:

  • Không có vật liệu độc hại hoặc các chất làm suy giảm tầng ozone;
  • Có thể tái chế hoặc sản xuất từ vật liệu tái chế;
  • Được làm từ vật liệu tái tạo;
  • Không được làm bằng vật liệu được thu hoạch từ khu vực được bảo vệ hoặc có tác động tiêu cực đến các loài bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng với quá trình thu hoạch của chúng;
  • Không được sản xuất bằng lao động nô lệ hoặc bởi những người lao động không được trả công xứng đáng;
  • Không sử dụng bao bì quá mức;
  • Được thiết kế để có thể sửa chữa thay vì dùng một lần

Việc vận hành eco-design trong mỗi lĩnh vực cụ thể sẽ bằng nhiều cách khác nhau tuỳ thuộc vào năng lực sản xuất thực tế. Trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vật dụng phổ biến trong thời gian gần đây là các biện pháp như:

  • Sử dụng vật liệu tự nhiên có khả năng tái tạo từ thực vật địa phương;
  • Giảm lãng phí và tiêu thụ năng lượng, tạo ra khí thải trong quá trình sản xuất và vận chuyển;
  • Tạo ra các thiết kế có khả năng giúp tăng tuổi thọ sử dụng, các sản phẩm có khả năng sửa chữa, thay linh kiện, đồng thời tính toán các lựa chọn như tái chế hoặc tái sử dụng vật liệu, tiêu huỷ an toàn khi sản phẩm hư hỏng hoàn toàn;
  • Tìm kiếm, phát minh ra các loại vật liệu thuần chay;

Từ những biện pháp trên, các sản phẩm của eco-design phát triển ngày càng đa dạng, linh hoạt, dần đáp ứng nhu cầu về vật liệu chính hay thành phần nguyên liệu hỗ trợ cho cấu tạo sản phẩm, từ đó tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững được áp dụng cho nhiều loại hình khác nhau. Có thể nhận ra điều này từ nhiều nhà thiết kế, ngành nghề sáng tạo và sản xuất đồ dùng nội thất.

Trong suốt lịch sử các giai đoạn của ngành thiết kế, có rất nhiều KTS, nhà thiết đã gắn tên tuổi của mình với các dòng sản phẩm nội thất mang xu hướng phát triển thân thiện với môi trường, tính ích dụng cao, tiết kiệm và giảm tác hại đến môi sinh trong quá trình sản xuất và sử dụng. Có thể liệt kê ra một số các trào lưu lịch sử và những tên tuổi điển hình trong bảng 1:

Khi khả năng nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo không đáp ứng cùng với tốc độ phát triển của thế giới đồ dùng thì các ngành nghiên cứu và phát triển vật liệu bền vững trở thành trọng điểm của tinh thần phát triển mới.

Những loại vật liệu từ thực vật có mây, tre, lục bình, gỗ tái chế và từ công nghiệp nhựa tái chế không phải là các dòng vật liệu mới được sử dụng gần đây, nhưng được chú trọng và ưa chuộng hơn nhiều so với trước ở cả những nhà sản xuất lẫn thị hiếu người sử dụng.

2. Eco-design mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng người tiêu dùng. Trong nhiều báo cáo các dự án chuyển đổi khai thác và sản xuất từ thành phố lớn về địa phương cho thấy các thuận lợi về lao động phổ thông, về chi phí vận hành quy trình, tiêu tốn nhiên liệu và thời gian đều giảm khi sản phẩm được chế biến tại nơi khai thác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

  • Quy trình nuôi trồng và khai thác – chế biến nguyên liệu tại địa phương mang lại nhiều lợi ích về hiệu qủa, kinh tế và thời gian. Công cuộc tìm kiếm các nguồn thực vật tốt, bền, đẹp và khả năng tạo hình cao của các thương hiệu sản xuất lớn diễn ra rộng khắp trên toàn thế giới. Thực vật địa phương với sức mạnh vượt trội về khả năng tái tạo và tiêu huỷ an toàn như mây, tre, các loại cỏ, đay, gai… đã dần dần chinh phục các nhà thiết kế khó tính nhất;
  • Cùng với phát triển nuôi trồng các cánh rừng tre, nứa, cỏ, mây … người dân địa phương tham gia vào quy trình sản xuất có thể giảm thiểu việc tiêu hao nhiên liệu trong quy trình sản xuất, chất thải thấp và khả năng đáp ứng sửa chữa, nhanh chóng;
  • Khai thác kỹ thuật chế tác và ứng dụng yếu tố mỹ thuật của địa phương vào thiết kế, mang lại sự độc đáo riêng biệt;

Những thương hiệu thiết kế sang trọng cũng là những nhà tiên phong mở rộng tìm kiếm những nguồn nguyên liệu bền vững hoặc tái chế đặc biệt trong lĩnh vực trang trí nhà cửa. Có thể nhận ra nhiều nhất là trong các lựa chọn cho rèm cửa, vật dụng rời như bàn ghế từ mây tre hay, gỗ tận dụng từ thùng rượu, pallet, tàu thuyền bị hư hỏng, bình hoa từ thuỷ tinh tái chế… Một ví dụ điển hình, vào năm 2012, các nhà thiết kế từ Milan đã hợp tác với các nghệ nhân thị trấn Bolgatanga phía Bắc Ghana rất nổi tiếng với nghề đan rổ để tạo ra bộ sưu tập độc đáo tên PET Lamp gồm các loại chao đèn được làm từ chai nhựa cũ và cỏ voi với kỹ thuật đan gợn sóng pakurigo hình 1.

Hình 1: Chao đèn từ sợi cỏ voi, nhựa tái chế dưới bàn tay của nghệ nhân ở Châu Phi

3. Song song với các nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các thành phần được sử dụng trong các sản phẩm họ mua và sử dụng. Theo báo cáo tiêu dùng về chỉ số kinh doanh bền vững năm 2021 của GreenPrint , 64% người tiêu dùng Gen X sẽ chi tiêu nhiều hơn cho một sản phẩm nếu sản phẩm đó đến từ một thương hiệu bền vững và con số đó tăng lên 75% trong số những người thuộc thế hệ Gen Z [1].

Hình 2: Khảo sát ý kiến người dùng về sự quan tâm và quyết định sử dụng
eco-design tại TP. HCM

Trong kết quả khảo sát trực tuyến người tiêu dùng độ tuổi từ 20-35 cho thấy hầu như mối quan tâm dành cho sản phẩm an toàn, không gây hại môi sinh đều được lựa chọn, cũng với nhóm người tiêu dùng này, con số ủng hộ cho eco-design sẽ giảm nếu họ phải chi trả nhiều hơn cho cùng một dòng sản phẩm. Điều này là dễ hiểu và đó cũng là một thách thức cho các ngành nghiên cứu vật liệu thay thế mới, đảm bảo khối lượng ổn định và đưa vào dây chuyền sản xuất đạt được sự tối ưu và lâu dài.

Những yếu tố được người tiêu dùng quan tâm đầu tiên là địa điểm các sản phẩm ấy được sản xuất và họ lưu tâm nhiều hơn đến những gì đang diễn ra đằng sau các “cánh cửa đóng kín”. DiMare – một eco-designer phát biểu: “Cuộc đua giành cho các công ty tìm kiếm giải pháp thay thế cho các hàng dệt may có nguồn gốc từ động vật và ít độc hại hơn mà không giết chết sinh vật sống và huỷ hoại môi sinh”. Với vật liệu thực vật như lyocell, polyester và cây gai dầu, các nhà thiết kế đang “chay” hoá ngôi nhà. Vật liệu thực vật lành mạnh và ít độc hại hơn, tạo ra năng lượng sạch hơn. Có thể thấy các nhà thiết kế đang dần mở rộng ngành công nghiệp vật liệu từ thực vật như lụa làm từ sợi thân cây chuối, da làm từ lá dứa hoặc vỏ táo. Hình 1 là sản phẩm lọ cắm hoa được chế tạo bởi Sanpellegrino và Autogrill (Italy) bằng công nghệ in 3D từ nguyên liệu vỏ cam màu sắc và mùi vỏ cam khô đặc trưng. Công nghệ này sử dụng vỏ cam chanh từ chuỗi cung ứng thực phẩm và biến nó thành dạng sợi cho máy in 3D và có thể phân hủy sinh học.

 

Dự án Value Inner (2019) ở hình 4 có lẽ sẽ thổi luồng gió lạ vào suy nghĩ của chúng ta khi sử dụng nội tạng động vật như một chất liệu để tạo ra ghế ngồi. Chuỗi cung ứng thịt cho ra thị trường những phần tốt nhất từ bò, lợn thì các phần không nhỏ từ các bộ phận khó tiêu thụ khác lại là gánh nặng phế phẩm. Tobias Trübenbacher đã nghiên cứu quy trình xử lý dạ dày, ruột, bàng quang của động vật trở thành một loại da có thể sử dụng trong sản xuất đệm ghế ngồi, ông cho rằng trong trường hợp một con vật bị giết mổ, chúng ta nên đánh giá cao nhiều nhất có thể các tài nguyên, và ý nghĩa của chúng.

Alvar Aalto – KTS và là nhà thiết kế người Phần Lan với triết lý tinh giản, sử dụng các vật liệu bền vững và tập trung vào thiết kế chức năng. Ông đã sử dụng các vật liệu có nguồn gốc địa phương và các phương pháp sản xuất modul để tạo ra đồ nội thất vừa thân thiện với môi trường vừa mang tính thẩm mỹ cao.

Hình 5: Stool Aalto 60 – vẫn là biểu tượng của thiết kế ngày nay [3]
Charles và Ray Eames: Vợ chồng nhà thiết kế nổi tiếng với những thiết kế nội thất hiện đại giữa thế kỷ 20. Họ đã kết hợp các vật liệu bền vững, chẳng hạn như ván ép đúc và kim loại tái chế, vải tự tự nhiên vào các thiết kế của mình.

Hình 6: Một mẫu ghế của nhà Eames vẫn được ưa chuộng trên thị trường [4]
Frank Gehry – KTS và là nhà thiết kế người Mỹ được biết đến với việc sử dụng các vật liệu độc đáo trong các thiết kế nội thất của mình, bao gồm bìa cứng và gỗ phế phẩm.

Hình 7: Một thiết kế mang tính biểu tượng về eco-design làm từ bìa cạc tông của Frank Gehry [5]
Nhà thiết kế người Pháp – Philippe Starck được biết đến với những sản phẩm thiết kế mang phong cách rất riêng, luôn tạo ra cảm hứng và truyền tải các thông điệp tốt đẹp. Các sản phẩm của ông thiên về việc sử dụng vật liệu một cách sáng tạo và tập trung vào tính bền vững. Ông theo đuổi các thiết kế nội thất thân thiện với môi trường cho các hãng nổi tiếng. Hình 8 là một sản phẩm điển hình trong triết lý thiết kế bền vững.

Hình 8: Ghế Zartan Eco – Philippe Starck

Zartan là một dòng sản phẩm được phát triển của Magis, với 100% dùng từ nguyên liệu tái chế polypropylene, keo gốc nước và không dùng đinh ốc liên kết cho thấy khả năng có thể cung cấp một sản phẩm đẹp mà vẫn thân thiện với môi trường. Các đường nét hấp dẫn và tinh tế phù hợp hoàn toàn trong phòng khách hoặc ở những nơi công cộng. Được đánh giá là một sản phẩm biểu tượng thiết kế trong tương lai.

Hình 9: Bàn được làm từ gỗ và sợi địa phương của Joybird

Joybird là thương hiệu được làm thủ công ở Mexico, người lao động ở Joybird nhận được mức lương và phúc lợi tốt, bao gồm cả chăm sóc y tế. Đối với mỗi món đồ được làm ra, nhãn hàng này phải đảm bảo quản lý được số lượng cây trồng để lấy vật liệu phải lớn hơn khối lượng vật liệu được sử dụng để tạo ra món đồ nội thất ấy. Các lựa chọn cho tiêu chí phát triển bền vững sẽ được cân nhắc tùy thuộc vào món đồ nội thất, ví dụ có thể dùng chất kết dính VOC ở tỉ lệ thấp, đệm sợi tự nhiên là loại vải dệt có màu sắc rực rỡ được sản xuất trong nhà máy thân thiện với môi trường hoặc làm giảm thấp mức độ ảnh hưởng của sản phẩm với môi sinh.

Hình 10: Sản phẩm nấm có bề mặt như da lộn trong thiết kế đèn và mặt ghế [6]
Sebastian Cox là một nhà thiết kế nội thất người Anh. Ninela Ivanova – một nhà nghiên cứu về nấm với cách tiếp cận nuôi cấy phôi nấm trên thân gỗ trong rừng ở địa phương. Các phôi gỗ đã được cắt gọt và sử dụng các kỹ thuật trồng cộng sinh truyền thống để tạo ra các sản phẩm nội thất. Hình 8 là các sản phẩm đến từ nghiên cứu của họ tạo ra bằng sợi nấm cộng sinh trên xương gỗ để có một bề mặt “da phủ kín”. Thiết kế này được công bố tại Design Frontiers – Lễ hội thiết kế London 2017, đồng thời chứng minh được việc tìm kiếm những dạng vật liệu tự nuôi trồng là hoàn toàn khả thi và được giới nghiên cứu ủng hộ.

Tại các trường đào tạo về thiết kế nước ta, việc tìm kiếm và phát triển các nguồn vật liệu mới cũng là mối quan tâm trọng điểm của chương trình nghiên cứu và thực hành của cả người dạy lẫn người học. Gần đây, có rất nhiều các nghiên cứu đã chứng minh được tính khả thi của nguồn vật liệu mới trong một vài lĩnh vực trang trí nội thất. Hình 11 là sản phẩm thực nghiệm phương pháp nuôi cấy vật liệu da từ nấm men của sinh viên.

Hình 11: Vật liệu “da thuần chay” của designer Phồng Thiện Thu Mĩ – SV ĐH Kiến Trúc TP.HCM

Bộ đèn được nuôi cấy, xử lý và tạo hình từ men Kombucha, thiết kế không dùng keo công nghiệp mà sử dụng chỉ được se bằng sợi kombucha để liên kết. Bộ sản phẩm mang lại một cảm quan tốt về thẩm mỹ, tạo được hiệu ứng gân, hoa văn phong phú trên bề mặt “da”, độ thấu quan tốt và mềm mượt. Tác giả cho thấy việc tìm kiếm và việc quan tâm ưu tiên yếu tố xanh trong sản phẩm được đẩy mạnh.

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến tầm quan trọng của việc thiết kế vật dụng nội thất có tính toán đến các lựa chọn cuối vòng đời sản phẩm. Các sản phẩm hỏng hoàn toàn có thể tách rời các bộ phận cho việc dễ dàng tái chế, tái sử dụng.

Năm 2016, Ecobirdy cho ra mắt bộ sưu tập đồ dùng giành cho trẻ em rất tươi mát, sặc sỡ, được làm tái chế các món đồ chơi bằng nhựa. Đây cũng là cách để hãng này gieo “mầm” tư tưởng bảo vệ môi trường cho trẻ em. Động thái này đã mang về hiệu ứng tốt cho hãng trong tất cả các hội chợ ở Châu Âu thời gian đó. Không chỉ dừng lại ở bàn ghế cho trẻ em, các món đồ chơi lắp ráp mới, đèn trang trí để bàn hình chim Kiwi, tê giác… cũng trở thành các vật dụng mang về doanh thu lớn; Thông điệp “đồ chơi lớn lên cùng đứa trẻ” được ủng hộ trong các phiên hội chợ giành cho hàng tiêu dùng trẻ em những năm sau đó.

Hình 12: Bàn và ghế trẻ em từ đồ chơi cũ của Ecobirdy [7]
Những nhà phân tích phải thốt lên rằng, cùng với phát triển bền vững, giáo dục bảo vệ môi trường trong các thiết kế mới giành cho trẻ em là một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng trong tương lai gần.

4. Song song với cơ hội sở hữu đồ dùng phục vụ tiện ích cho đời sống một cách dễ dàng, người tiêu dùng cũng sẽ được đối diện với các lựa chọn về vật dụng có tính toán đến an toàn cho hệ sinh thái hoặc gây tổn hại môi sinh. Người tiêu dùng đang nhận thức rõ hơn về tác động môi trường, các phương tiện truyền thông dẫn đến các quyết định mua hàng của họ ngày càng chú trọng đến các sản phẩm bền vững, trước mắt là lợi ích sức khoẻ và giá thành, xa hơn là hệ sinh thái. Nhu cầu về thiết kế bền vững đang thúc đẩy sự đổi mới và thúc đẩy các nhà thiết kế cũng như nhà nghiên cứu, sản xuất, tạo ra các vật liệu thay thế, cải tiến sản phẩm vừa có chức năng vừa có trách nhiệm với môi trường.

5. Trong các triển lãm, hội chợ ngành công nghiệp vật liệu, triển lãm các thiết kế mới trên thế giới việc sử dụng vật liệu bền vững, quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng và các lựa chọn cuối vòng đời sản phẩm như tái chế và tái sử dụng vẫn là trọng tâm của các chiến dịch phát triển. Tương lai của thiết kế sinh thái có thể sẽ liên quan trực tiếp đến sự đổi mới trong các quy trình sản xuất và vật liệu bền vững, cũng như nhấn mạnh hơn vào các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, người dùng cần có một nền tảng tốt về ý thức bảo vệ môi trường bền vững. Ý thức này sẽ như một tiêu chí ứng xử của cá nhân với thế giới vật dụng xung quanh, quyết định dùng hay không mới một món hàng mới. Các nhà thiết kế sẽ cần xem xét, đánh giá toàn bộ vòng đời sản phẩm của họ, từ khai thác nguyên liệu thô đến xử lý hoặc tái chế khi hết vòng đời. Khi chúng ta đối mặt với những thách thức môi trường ngày càng cấp bách, thiết kế sinh thái sẽ đóng một vai trò then chốt để giải quyết vấn đề này.

Tô Hải
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)


Ghi chú:

  • Eco-design/ eco-friendly design: Thiết kế thân thiện với môi sinh, thiết kế xanh;
  • Sustainable design: Thiết kế bền vững;
  • Vegan design/ vegan material: Thiết kế sử dụng vật liệu từ thực vật/ vật liệu thuần chay – được phát minh không lấy từ tài nguyên động vật

Tài liệu tham khảo:

  1. https://greenprint.eco/wp-content/uploads/2021/03/GreenPrint-Business-of-Sustainability-Index_3.2021.pdf;
  2. https://gbdmagazine.com/sustainable-interior-design-products/;
  3. https://www.artek.fi/;
  4. https://www.zanui.com.au;
  5. https://homeunionnyc.com;
  6. https://www.sebastiancox.co.uk;
  7. https://www.ecobirdy.com/products