Hà Nội & câu chuyện “Đô thị có trí nhớ”

Đời người ai cũng có quá khứ, kỷ niệm trong ký ức liên quan đến nơi chốn một cách tự nhiên. Nhớ mãi – không thể quên, vui hay buồn đều tác động tới cuộc sống hiện tại của từng người, thành sức mạnh, niềm tự hào hoặc ngược lại…

Nếu như ở nông thôn, hình ảnh cổng làng, bến nước, con đò, cây đa, lũy tre xanh, hàng dừa… gợi nhớ đến làng quê quen thuộc; thì ở đô thị, trong tiềm thức của mỗi con người sinh ra và lớn lên tại phố thị lại là những nét đặc trưng khác biệt. Đó không chỉ là những giá trị riêng lẻ mà còn là sự liên kết trong tổng quan chung những giá trị vật thể và phi vật thể được tạo thành từ quá trình phát triển đô thị, tạo nên những dấu mốc hình ảnh minh chứng cho cả quá trình – trí nhớ của đô thị đó. Trong phạm vi bài viết xin đề cập đến các giá trị vật thể.

Những giá trị di sản vật thể tạo nên hình ảnh đô thị bao gồm: Kiến trúc đô thị, kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình.

Kiến trúc đô thị

Trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 1000 năm, đến nay Hà Nội đã hình thành các khu vực đặc thù về quy hoạch kiến trúc, liên kết hài hòa và chuyển hóa nhẹ nhàng với nhau trong một hình thái không gian cảnh quan chung: Thấp và trũng về trung tâm nội đô lịch sử; mật độ xây dựng càng ra ngoài trung tâm càng giảm và công trình ngày càng cao. Cụ thể:

  • Phía ngoài khu Hoàng thành Thăng Long (thành) là khu vực dân cư (thị) với các cấu trúc đặc thù: Khu phố cổ phía Bắc 82ha, được hình thành từ thời kỳ phong kiến, công trình xây dựng có quy mô 1-2 tầng, mật độ xây dựng 70-80%, đường rộng 8-12m theo dạng trung cổ, hình thành tự nhiên theo các phường hội;
  • Kế tiếp là khu phố cũ phía Nam 800ha, xây dựng thời kỳ Pháp xâm chiếm (1873-1954) với các công trình quy mô 2-3 tầng, mật độ xây dựng 40-50%, đường có mặt cắt 16-24m, mạng ô bàn cờ theo đô thị phương Tây, công trình xen lẫn với cây xanh trong sân vườn, hè phố và công viên, hồ nước. Các không gian trống (dạng quảng trường), công trình chủ thể được quy hoạch chặt chẽ;
  • Tiếp đó là các khu tập thể được xây dựng những năm 1960-1984 như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân… có quy mô 4-5 tầng, mật độ xây dựng 30-40%, cây xanh xen kẽ giữa các khu nhà ở;
  • Nối vào đó là các làng xã khu trú biệt lập, xung quanh là đồng ruộng. Từ sau khi thực hiện chính sách Mở cửa 1986, các khu đô thị mới dần được xuất hiện với công trình cao từ 9 tầng trở lên, ngày càng phát triển.

Giai đoạn đầu thực hiện chính sách Mở cửa, chúng ta phải chấp nhận sự đánh đổi giữa việc kêu gọi đầu tư nước ngoài với việc phá vỡ hình thái không gian, tỷ xích khu vực: Hanoi Tower 24 tầng phố Hai Bà Trưng, Melia Hotel 18 tầng phố Lý Thường Kiệt… trong khu phố cũ chủ yếu là biệt thự 2-3 tầng.

Mặc dù đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội các thời kỳ đều được phê duyệt, nhưng với nhiều lý do… nên hình thái không gian các khu vực đặc thù này đang dần bị phá hoại nghiêm trọng, nhiều công trình mới cao tầng gây đột biến không gian, ảnh hưởng đến tỷ xích tương quan với công trình hiện hữu, giữa công trình với kiến trúc cảnh quan chung của khu vực cũng như toàn thành phố. Việc xét duyệt của đơn vị quản lý chỉ ở mức giải quyết hành chính sự vụ mà không thực sự có mối liên kết với địa bàn theo hướng kiểm soát đô thị. Cho đến tận gần đây, một số quyết định ban hành cũng nhanh chóng không bắt kịp với thực tiễn. Ví dụ như việc quản lý quỹ biệt thự trong danh mục chỉ điểm danh đến từng công trình có giá trị kiến trúc tiêu biểu rồi dựa vào đó mà phân loại, cho phép phá bỏ đối với các công trình không xếp hạng để xây dựng mới, quy mô và mật độ xây dựng lớn, phá vỡ cấu trúc “Thành phố vườn” đã được xác định khi quy hoạch Hà Nội trước đây.

Trong quy định quản lý khu phố cũ trước chỉ cho phép tối đa 8 tầng 32m thì nay lại quy định cho phép xây dựng các công trình cao tầng tạo điểm nhấn đô thị tại khu vực nút giao thông – Đây đã trở thành cái cớ cho các chủ đầu tư đã và sẽ xây dựng công trình cao tầng “vượt khung”: Tòa nhà Pacific 18 tầng góc phố Lý Thường Kiệt – Phan Bội Châu với phần giả mái dốc phía ngoài che được cả 2 tầng sử dụng phía trong, hay sắp tới là công trình cao tầng tại 44 Lý Thường Kiệt, kết quả của quá trình hoán đổi giữa Viện Kiểm sát với Vincom để tạo nguồn xây dựng trụ sở mới tại D20 Cầu Giấy. Với các siêu sự án vượt khung này, chắc chắn đô thị lại bị phá hỏng về cấu trúc, tỷ xích cảnh quan và cư dân đô thị lại chịu cảnh tắc nghẽn giao thông, chất tải thêm trên nền hạ tầng kỹ thuật vốn đã xuống cấp.

Phá vỡ hình thái, chất tải hạ tầng ở quy mô lớn hơn nữa là các dự án xây dựng chung cư 45-50 tầng tại khu phố Đào Tấn, triển lãm Giảng Võ đang gấp rút triển khai; hay khu vực ga Hà Nội đang rục rịch quyết phê duyệt một chiều, không có sự tham gia của cộng đồng từ khi hình thành ý tưởng!!! Quy mô dân số luôn được “tính toán” đảm bảo trong khi quy hoạch xác định giảm dân số nội đô cũ từ 1,6 xuống 1,2tr người thì khi xem xét không còn được quan tâm nữa. Đành rằng, việc bảo tồn cũng phải được cân nhắc, ưu tiên đến việc phát triển kinh tế, xem xét lợi nhuận cho mọi thành phần nhưng việc triển khai ở thời điểm này lại chưa tương thích, đồng bộ với kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm tải phương tiện cá nhân, chưa kết nối toàn tuyến của các đường vành đai, hướng tâm… Trong khi đó, các dự án lớn vẫn triển khai khi mà kế hoạch phát triển đô thị vẫn chưa được phê duyệt sau hơn 6 năm công bố đồ án quy hoạch chung!!!

Kiến trúc cảnh quan

Trí nhớ của đô thị còn thông qua hình ảnh sinh động của không gian cảnh quan tự nhiên như đồi núi, sông hồ, cây xanh… Lịch sử phát triển Hà Nội lại luôn gắn liền với yếu tố sông nước. Từ xưa, nơi đây đã là trung tâm về đường thuỷ của 02 hệ thống sông Nhị Hà (sông Hồng) và Thái Bình – Tên gọi Hà Nội cũng thể hiện là vùng Đất trong Sông (sông Hồng, sông Nhuệ và sông Tô Lịch).

Nếu việc gìn giữ và phát triển cả về số lượng, diện tích các hồ nước, sông mương một cách tự nhiên, kết hợp xử lý môi trường, tách nước mưa và nước thải sinh hoạt sẽ tốt hơn việc kè cứng hồ hay cống hóa mương, gây tốn kém kinh phí đầu tư, đồng thời lại làm mất đi tính đặc thù của Hà Nội là yếu tố cảnh quan sông nước. Nên cải tạo lại để khai thác du lịch sẽ hiệu quả cả về kinh tế và nâng cao giá trị về văn hóa.

Cây xanh trong khu vực nội đô cũng cần được nghiên cứu thấu đáo. Thời kỳ Pháp xâm chiếm, cây xanh được các kỹ sư nông lâm nghiên cứu lựa chọn từng loại giống loài tương thích với tuyến phố theo hướng gió, nắng, độ rộng mặt cắt đường… Các cây có hương sắc ở các không gian rộng quanh hồ, bên sông, trong công viên kết hợp cây đường phố và cây trong khuôn viên từng biệt thự…

Công trình kiến trúc

1. Công trình bảo tồn:

Trải qua quá trình phát triển lịch sử, Hà Nội có quỹ di sản kiến trúc phong phú với đủ loại hình, từ kiến trúc công cộng, tôn giáo, văn hóa, các trụ sở đến các loại hình nhà ở.

Thời kì Pháp xâm chiếm, giai đoạn ông Paul Dumes cai quản (sau này là tổng thống Pháp 1931-1932) đã quyết định không áp dụng các kiến trúc mang phong cách của châu Âu, mà xây dựng ngôn ngữ kiến trúc có giá trị đến ngày hôm nay, được gọi là kiến trúc Đông Dương với việc khai thác các yếu tố truyền thống kiến trúc Việt Nam: Tường dày cách nhiệt, hành lang rộng phía trước chuyển tiếp không gian, của sổ hai lớp chớp – kính ngăn mưa gió… đã tạo nên những công trình kiến trúc tiêu biểu như Bảo tàng Lịch sử, Trụ sở Bộ Ngoại giao, Đại học Dược, Viện Pasteur…

Các công trình công cộng, tôn giáo hầu hết đều được gìn giữ, bảo tồn và tạo nên những giá trị của di sản đô thị, trở thành điểm đến cho du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Nhà hát thành phố… Bị phá hủy hoặc thay thế hàng loạt nhiều nhất chính là nhà ở xây dựng đã hết niên hạn sử dụng: Nhà ống (khu phố cổ thời kỳ phong kiến), nhà hàng phố, biệt thự (thời kỳ Pháp xâm chiếm), khu tập thể cũ 2-5 tầng (thời kỳ 1960-1984). Nếu phá bỏ toàn bộ các nhà ở nêu trên để thay thế bằng các công trình cao tầng mới tức là phá đi hình ảnh vốn có của cấu trúc khu vực cũng như dấu mốc của đô thị giai đoạn tương ứng.

Chính vì vậy, việc chấp thuận phê duyệt các công trình, dự án liên quan cũng cần được cân nhắc kỹ đến góc độ gìn giữ hình ảnh, lưu giữ ký ức. Ví dụ như việc xây dựng mới trên đất biệt thự thì chỉ được xây dựng khoảng đất phía sau và quy mô tối đa 5 tầng để không mất đi không gian thụ cảm thẩm mỹ phía trước của biệt thự. Hoặc như các đồ án xây dựng mới trên đất khu tập thể cũ phải để lại 1-2 tòa nhà, sử dụng là ban quản lý hay sinh hoạt cộng đồng với việc bày biện đồ đạc cho các căn hộ điển hình. Đây là việc làm văn hóa và hữu hiệu hơn việc phục dựng mô hình nhà ở này trong các bảo tàng, tốn kém và không gắn kết với nơi chốn. Những hoạt động như cải tạo chỉnh trang các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ theo hướng khôi phục giá trị gốc là đáng khuyến khích và nhân rộng ra tất cả các khu vực, tuyến phố khác.

2. Công trình xây mới

Tác phẩm kiến trúc phải đánh dấu thời đại xây dựng và thể hiện đặc tính địa phương, gắn kết địa bàn. Tất nhiên, việc nghiên cứu bản chất bản sắc dân tộc, hiểu và nắm bắt được để áp dụng trong kiến trúc là khó khăn và công phu. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục tự đánh mất dần đi bản sắc riêng, không có cơ bản, đem kiến trúc ngoại lai pha tạp và copy sống sượng đem gắn vào nơi chốn thì không chỉ tạo nên sự đột biến cho một lô đất mà còn phá hoại hình ảnh của cả không gian, hình ảnh khu vực.

Những tòa nhà ghi vào trang đen kiến trúc như Trụ sở Bộ Tài chính theo dạng nhái cổ, dù đặt ở khu phố cũ phong cách châu Âu nhưng không có sự kết nối với khu vực, cũng như tỉ lệ giữa các chi tiết, bộ phận của công trình không tốt; Bảo tàng Không quân sao chép hình ảnh Nhà hát Thành phố; các công trình cao tầng sao chép các chi tiết kiến trúc cổ như mái cong đình chùa, đắp các chi tiết rồng, phượng rườm rà, tương phản với khối nhà cao tầng… là những xu hướng sai lệch từ cả tư vấn đến quản lý đô thị. Cần phải được khuyến cáo mạnh mẽ để chấm dứt các hiện tượng này. Nhiều công trình thiết kế và xây dựng mang các yếu tố kiến trúc, kết cấu, môi trường hoàn toàn không phù hợp với khí hậu Việt Nam, điển hình là những công trình nhiều tầng được bọc bằng hệ thống khung kính – Không chỉ ảnh hưởng đến các công trình đối diện phía Đông – Tây mà còn tăng nhiệt độ của tiểu vùng khí hậu.

Thay lời kết

Di sản đô thị là do quá trình phát triển lịch sử mà tạo dựng nên. Hiếm có đô thị nào trên thế giới có lịch sử ngàn năm, lại là Thủ đô văn hiến, mọi giá trị cũ của Hà Nội cần phải được nâng niu, gìn giữ. Mọi cư xử phá vỡ các giá trị đó sẽ làm mất đi hình ảnh tiếp nối – dấu mốc về lịch sử hình thành và phát triển của đô thị, cũng sẽ là hậu quả của việc xóa đi tình cảm của cư dân với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, nói rộng ra là làm nhạt nhòa đi tình yêu quê hương đất nước.

Khi viết về Hà Nội, một đô thị có trí nhớ và sức sống bền bỉ hàng ngàn năm, tưởng như có một sự thôi thúc: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”.

ThS. KTS Nguyễn Phú Đức
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)