Hình tượng và thông điệp

Giao tiếp giữa con người với nhau thường thông qua ngôn ngữ và hành vi. Giao tiếp giữa con người và ngoại cảnh thì cần đến hình ảnh, cao hơn thì hình tượng. Nếu một hình tượng có một ý nghĩa và giá trị văn hóa thì đó là một biểu tượng. Một biểu tượng ngoại cảnh trao cho con người một thông điệp nhanh và sâu hơn chuỗi hình ảnh mà anh ta quan sát.

Cột mốc số 0 là một biểu tượng quốc gia. Nước ta có nhiều cột mốc số 0, cột mốc số 0 trên đường biên giới quốc gia, trên đất liền, trên mặt nước. Đứng trước một Cột mốc số 0 lòng yêu nước dâng trào, thiêng liêng và gìn giữ. Cột mốc số 0 ở Hà Nội, trong cảnh quan khu vực Hồ Gươm là cột mốc quốc gia trên con đường thiên lý xuyên suốt đất nước, từ Bắc chí Nam. Thông điệp truyền tải của Cột mốc này thì nhiều, rất nhiều nhưng ngôn từ thì chỉ là con số 0 – km.

Hồ Gươm là một địa cảnh chứa đầy di tích, biểu tượng, những hình tượng thấm đậm ý nghĩa và giá trị văn hóa. Trên con đường dạo ven hồ hiển hiện một chuỗi những hình ảnh của ký ức xưa, của niềm tự hào nay. Quán hoa ngã tư Hàng Khay, tháp Hòa Phong, Bưu điện Bờ Hồ, Quảng trường và tượng đài Lý Thái Tổ, Trụ sở UBND Hà Nội, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn –Cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu, len keng xe điện Bờ Hồ, Tượng đài Cảm tử, Quảng trường Đông Kinh –Nghĩa Thục, Thủy Tạ, Tượng Vua Lê…Nay lại thêm một Cột mốc Số 0.

Giữa một rừng hình ảnh của ký ức xưa, hình tượng cảnh quan và biểu tượng văn hóa quanh Hồ Gươm, chọn vị trí cho Cột mốc số 0, kiến tạo hình ảnh cho Cột mốc số 0 như một biểu tượng quốc gia, một điểm nhấn cảnh quan, một điểm tham quan du lịch là một điều không dễ.

Với hệ thống cảnh quan hiện tại của Hồ Gươm dễ tạo cho người dân, các nhà chuyên môn chọn nhiều vị trí khác nhau cho Cột mốc số 0 với nhiều ý tưởng và liên tưởng khác nhau. Phần đông các nhà chuyên môn chọn vị trí ở Quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ. Thuận lợi ở không gian rộng thoáng và hiện đại, khách du lịch dễ tiếp cận. Nhưng Cột mốc phải nằm trong không gian quảng trường, và chắc phải nằm ở trục ảo trực đạo đối diện với tượng Lý Thái Tổ. Nói  quảng trường rộng thoáng là so sánh với các vị trí khác trong hệ thống cảnh quan Hồ Gươm, chứ thật ra cũng rất khiêm tốn về quy mô và hướng nhìn ngắn. Cột mốc là một vật kiến trúc dù không lớn, đặt trong quảng trường, trực đạo với Tượng đài Lý thái Tổ, và được đặt sau khi quảng trường đã hình thành tạo cảm giác “không sạch” cho quảng trường, không đua điểm nhấn cảnh quan với tượng Vua Lý được, khó tạo phông cho biểu tượng cột mốc; và điều không hay là “Biểu tượng chồng biểu tượng”. Hình ảnh Cột mốc  liên kết với tượng Vua Lý cũng không phải là một liên tưởng hay. Nếu liên kết Cột mốc với hình ảnh của Bác Hồ thì mới là một liên tưởng tuyệt vời.

Điều này có được ở vị trí bây giờ là chiếc đồng hồ hoa, ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng, trước đây là Quán hoa Bờ Hồ. Ở vị trí này, hiện tại không có gì là kiến tạo cả, toàn phần tự nhiên, thuận lợi cho việc kiến tạo điểm nhấn và tư duy hình tượng khi sáng tạo hình ảnh Cột mốc. Quy mô không gian cũng không phải là nhỏ lắm, thuộc hàng thứ 3, sau Quảng trường Vua Lý và quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục, khách du lịch cũng dễ tiếp cận. Và đặc biệt ở đây có một phông rất ý nghĩa cho Cột mốc: Đó là bức tranh Bác Hồ bế em bé, có tiêu đề “Độc Lập – Thống Nhất – Hòa Bình – Hạnh Phúc” đã tồn tại hơn 40 năm qua của họa sĩ Trần Tử Thành. Độ tinh tế của một biểu tượng không chỉ là tự thân của hình tượng mà phông cảnh quan làm tăng thêm rất nhiều giá trị của biểu tượng, phông cảnh quan là bà đỡ của biểu tượng. Ở một góc cảnh quan nào đó khi lên ảnh, Cột mốc gắn liền với hình ảnh Bác Hồ bế em bé, là một liên cảnh tuyệt vời. Một liên tưởng nữa cũng cần nói thêm là nối tiếp Hàng Khay là Tràng Thi đến Điện Biên Phủ , Quảng trường và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.Một hướng nhìn dài hơn rất nhiều so với hướng nhìn ở Quảng trường Vua Lý. Địa điểm này trước đây PGS Hà Đình Đức đã từng đề xuất.

Quy mô của Cột mốc chắc là nhỏ bé trong cảnh quan, giản dị, khúc chiết về tạo hình, đặt trong một không gian vừa phải, không quá phô trương, hợp với chất thanh lịch của Hà Nội. Góc này Hà Nội hơn .

Thông điệp thì nhiều mà ngôn từ tối thiểu, tạo hình Cột mốc chắc phải dễ nhìn, dễ hiểu, giản dị như tự thân, không hoành tráng, đa ngôn. Đã là Cột mốc thì phải đứng, bởi nằm thì nó là điểm mốc, dẫu ta vẫn có cảm nhận là “cột mốc”.

Quốc gia – Hà Nội – Hồ Gươm – Biểu tượng – Điểm nhấn cảnh quan – Du lịch – Phông và Hình chắc phải là một hệ thống ngữ nghĩa cần nghiên cứu và tổng hợp khi thiết kế Cột mốc số 0.

 KTS Nguyễn Luận
© Tạp chí kiến trúc

Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ý kiến, quan điểm, chia sẻ của các chuyên gia, giám khảo Cuộc thi thiết kế Cột mốc Km0. Nội dung sẽ liên tục được cập nhật tại website cuocthi.tckt.vn/thietkecotmockm0. 
Chi tiết cuộc thi xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/thiet-ke-cong-trinh-cot-moc-km-0.html