Hồ gươm – Một lẵng hoa đẹp giữa lòng thành phố

1. Hồ Gươm có tự bao giờ ?

Trong những ngày bình yên, chân dạo bước lang thang bên Hồ, ngắm mặt nước, ngám Tháp Rùa, ngắm những cánh hoa lộc vừng bay rơi bay đỏ rực…và đôi bạn trẻ đang thả hồn theo mây trời…lòng lại tự hỏi: Hồ Gươm có tự bao giờ ?

Chỉ biết rằng, cách đây chừng 6 thế kỷ, vào năm 1490, dựa theo bản đồ thời Hồng Đức thì khi ấy dường như phần lớn xung quanh kinh thành là nước. Khi ấy Hồ Hoàn Kiếm là một phần lưu sông Hồng chảy qua vị trí của các phố Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối…Nơi rộng nhất phân lưu này hình thành nên hồ Hoàn Kiếm hiện nay. Xưa hồ có nhiều tên gọi như Hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, hồ Thủy Quân. Nhưng cái tên Hồ Gươm, còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 (khoảng năm 1428), gắn với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa thần, sau khi đánh đuổi giặc nhà Minh ra khỏi bờ cõi đất Việt, được nhắc đến nhiều nhất, trở nên gần gũi, thân thương và trân quý nhất trong lòng người Hà Nội và cả nước.

2. Hồ Gươm – Một lẵng hoa đẹp trong lòng thành phố

Nhiều nghiên cứu cho rằng về hình thái học, đô thị Việt Nam như là một sự chuyển tiếp kéo dài từ làng sang đô thị theo khái niệm phổ biến. Về bản chất chúng là phố thị gồm những dãy phố với những ngôi nhà ở kiểu ống, vừa là nơi sống, vừa là nơi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Các khu phố cổ hoặc cũ ở Hà Nội, Hội An và Huế phản ánh khá đầy đủ những đặc điểm xã hội và hình thái học kiến trúc của cấu trúc đô thị Việt cổ truyền. Cho đến nay trong cấu trúc này vẫn lộ rõ một đặc điểm, sự cùng tồn tại khá bình đẳng thành phần của các thời, sự chuyển hóa mền mại của các không gian. Về cấu trúc, đô thị Việt Nam luôn tồn tại song song giữa truyền thống và hiện đại, giữa mới và cũ, giữa lịch sử và sự phát triển; giữa cấu trúc đô thị truyền thống và cấu trúc đô thị theo lí thuyết qui hoạch mới; giữa văn hóa đô thị cổ truyền và văn hoá đô thị hiện đại (thể hiện rõ ở các đô thị Hà Nội, Huế, Hội An…).

Bởi vây, trải qua thời gian khu vực Hồ Gươm và phụ cận, nơi lưu giữ một nguồn di sản văn hóa lớn, có giá trị, đa dạng và phong phú, luôn được coi là khu trung tâm truyền thống của Hà Nội, là khu vực giao thoa, khu vực chuyển tiếp rất hài hòa giữa khu phố cổ (36 phố phường) và khu phố cũ (khu phố “Tây”), là một điển hình về nghệ thuật tổ chức không gian, là biểu tượng tinh thần vô giá của người Hà Nội và cả nước.

Hồ Gươm đẹp không phải chỉ ở yếu tố cảnh quan (cây xanh, mặt nước), công trình kiến trúc, yếu tố văn hóa – lịch sử…mà còn trở lên linh thiêng với yếu tố tâm linh của một vùng đất “Địa linh, nhân kiệt). Với dáng vẻ yêu kiều, thơ mộng trong cả bốn tiết trời Xuân, Hạ, Thu, Đông…Hồ Gươm đẹp như một lẵng hoa lung linh giữa lòng thành phố.

Một góc Hồ Gươm thân thương (Inter)

3. Những quyết định được lòng dân và có tầm nhìn

Còn nhớ những năm 90 của thể kỷ trước khi Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới đã có biết bao trăn trở về quá trình đô thị hóa, về phát triển và bảo tồn. Khu vực Hồ Gươm và phụ cận cũng bị tác động nhiều khi các dự án bất động sản được đầu tư xây dựng như tòa bưu điện, UBND thành phố, khách sạn vàng, hàm cá mập…Rất nhiều ý kiến của các nhà kiến trúc, quy hoạch, văn hóa, lịch sử….đã lên tiếng để góp phần ngăn chặn những tác động xấu này. Lúc đó Bộ Xây Dựng cũng đã nhanh chóng vào cuộc với việc chỉ đạo viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn lập quy hoạch chi tiết Khu vực Hồ Gươm và phụ cận làm công cụ để quản lý trong quá trình cải tạo chỉnh trang và tái phát triển, góp phần bảo vệ duy trì, phát huy những giá trị cốt lõi của khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Là người được trực tiếp tham gia đồ án này, tôi rất hạnh phúc khi cho đến tận hôm nay quyết định số 488/BXD/KTQH, ngày 03/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Ngô Xuân Lộc ký phê duyệt Qui hoạch chi tiết Khu vực Hồ Gươm và phụ cận đã trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý hiệu quả quá trình cải tạo chỉnh trang và tái phát triển tại khu vực này…Dù TP. Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi, cho nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, dự thảo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận…, nhưng dường như quyết định số 488/BXD/KTQH ngày 03/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây Dựng vẫn còn nguyên giá trị.

Để bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị cốt lõi khu vực Hồ Gươm và phụ cận, ngày 1 tháng 9 năm 2016 khu phố đi bộ Hồ Gươm như hiện nay được UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm quyết định đưa vào hoạt động thí điểm. Các tuyến phố trong không gian này bao gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, hố Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Nhà hát lớn đến Hàng Bài)), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

Phố đi bộ Hồ Gươm không chỉ là nơi mọi người tự do đi dạo, vui chơi, giao lưu, trò chuyện, mà còn là nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng do cộng đồng dân cư, hoặc do chính quyền, cơ quan tổ chức. Các hoạt động này không những đã thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, kinh tế của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung mà còn nâng cao giá trị cốt lõi về tinh thần Nơi chốn của một Hồ Gươm, một Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến…Cũng kể từ thời điểm ấy khu vực Hồ Gươm và phụ cận càng trở lên linh thiêng và đặc biệt hấp dẫn hơn trong lòng người Hà Nội, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Sơ đồ cấu trúc khu vực Hồ Gươm và phụ cận

 

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội, ngày 3/6/2020, UBND quận Hoàn Kiếm (với bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã phát động cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây là một trong những hạng mục quan trọng như là biểu tượng văn hóa, một điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch độc đáo trong dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, nhằm góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng, xứng đáng với quy mô, tầm vóc và giá trị của khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Gươm, đền Ngọc Sơn – Di tích quốc gia đặc biệt…Người Hà Nội lại thêm một lần vui mừng vì những quyết định sáng suốt này.

4. Làm gì để tiếp tục bảo vệ, duy trì, phát huy những giá trị cốt lõi của khu vực Hồ Gươm và phụ cận ?

Để bảo đảm tính bền vững và trường tồn, khu vực Hồ Gươm và phụ cận cần tiếp tục được quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trên cơ sở các định hướng quy hoạch, thiết kế đô thị có tâm, đủ tầm. Cụ thể:

  • Các công trình di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được công nhận và xếp hạng phải được bảo vệ và sử dụng theo đúng qui định tại Luật số 32/2009/QH12, ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một sốđiều của Luật di sản văn hóa (2001), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và các qui định hiện hành có liên quan khác;
  • Các công trình kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn, bảo vệ chặt chẽ. Khi có yêu cầu cải tạo và xây dựng lại thì phải có giấy phép phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Dự án cải tạo và xây dựng lại các công trình phải được tổ chức xin ý kiến của Hội đồng Kiến trúc qui hoạch Thành phố, trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩn quyền quyết định;
  • Đối với các công trình hiện có, phù hợp với qui hoạch được phép giữ lại, khi có yêu cầu chỉnh trang, cải tạo hoặc xây lại mới thì chủ đầu tư phải xin phép xây dựng. Khi cấp giấy phép xây dựng các công trình này cần lưu ý các giải pháp kiến trúc, qui hoạch, đảm bảo không làm biến dạng các mặt phố, cảnh quan, huỷ hoại giá trị kiến trúc, văn hóa vốn có của các công trình đó và khu vực có liên quan;
  • Các công trình phát triển mới phải xây dựng theo dự án, phù hợp với chức năng, yêu cầu sử dụng đất, các qui định về quy hoạch, kiến trúc đô thị như: lộ giới, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, hạn tuyến, kích thước các phần phụ công trình nhô ra lộ giới; vạt góc, chỗ đỗ xe, hình khối, trang trí bề mặt công trình và các thông số quản lí qui hoạch xây dựng đối với từng lô phố cụ thể.
  • Cần giữ nguyên hình dạng, diện tích mặt nước và vườn hoa ven hồ như hiện có. Bảo tồn không gian kiến trúc quanh hồ với tầng cao chủ đạo không vượt quá 16 m (QĐ số 488), bảo đảm sự thoáng mát, yên tĩnh, sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan. Bảo tồn các không gian mở gắn khu vực Hồ Gươm với vùng phụ cận như vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Con Cóc, quảng trường Ngân hàng, quảng trường Nhà hát lớn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trục không gian Nhà thờ lớn hướng qua khuôn viên Toà soạn báo Nhân dân (gắn với khuôn viên tượng Vua Lê), các trục trục không gian kết nối Tràng Thi, Bà Triệu, Hàng Bài v.v.

Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm cần thiết phải gắn với một đồ án thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận trên cơ sở khai thác định hướng chủ đạo là tổ chức không gian đi bộ Hồ Gươm gắn với các giá trị cột lõi của khu vực. Theo đó cần quan tâm dến việc chỉnh trang lòng đường, vỉa hè, tiểu cảnh, các tiện ích như ghế nghỉ, thu gom rác, vệ sinh công cộng, chiếu sáng, âm thanh…với các yêu câu cụ thể:

  • (i) Lòng đường, vỉa hè được thiết kế không chênh cốt, sử dụng cùng vật liệu, không trải nhựa đường thông thường (nên chọn loại đá có khả năng chịu lực, bền vững với thời gian để lát đường và vỉa hè, có ý tưởng thiết kế cụ thể…);
  • (ii) Bổ sung thêm ghế ngồi, tạo điểm dừng, ngắm cảnh, check in;
  • (iii) Hạ ngầm các khu vệ sinh công cộng;
  • (iv) Lắt đặt thiết bị thu gom rác theo phân loại;
  • (v) Tăng cường chiếu sáng nghệ thuật các khu vực, các công trình trọng yếu, gắn với hệ thống âm thanh, màn hình trình chiếu tự động giới thiệu về lịch sử Thăng Long, Hồ Gươm…);
  • (vi) Bổ sung các tiểu cảnh bằng hệ thống các chậu hoa di động theo mùa, chủ đề, sự kiện…

Cấu trúc và nghệ thuật tổ chức không gian

Trên cơ sở tổng thể không gian đi bộ Hồ Gươm, việc nghiên cứu thiết kế cột mốc Km0 cần quan tâm đến các yếu tố chính sau

  • (i) Vị trí xây dựng (liên quan đến công tác quy hoạch);
  • (ii) Tính biểu tượng (văn hóa – lịch sử);
  • (iii) Tính thẩm mỹ (hình khối, kích cỡ, vẻ đẹp nghệ thuật – điêu khắc);
  • (iv) Độ cảm của vật liệu (bền vững);
  • (v) Sự đồng thuận của cộng đồng…

Hy vọng cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm do UBND quận Hoàn Kiếm phát động sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất, xứng đáng nhất, có tính biểu tượng văn hóa cao, một điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch độc đáo, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng khu vực Hồ Gươm, xứng đáng với quy mô, tầm vóc và giá trị của khu vực Hồ Gươm – Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng Quốc gia đặc biệt – Một lẵng hoa đẹp trong lòng thành phố.

5. Thay cho lời kết.

Cũng như bao người dân yêu Hà Nội, chân dạo bước, ngắm cảnh sắc quanh hồ…Ngọn Bút Tháp vẫn viết lên trời cao (Tả thanh thiên) – khí phách hào hoa linh thiêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến; mạch chảy của thời gian đã bao đời viết lên trời xanh khát vọng sống, tự do của dân tộc; một bản giao hưởng bên hồ với những nốt nhạc thời gian cùng những cung bậc trường tồn của nhịp sống cho nhiều thế hệ…Ngắm mặt nước hồ xanh ngắt (Lục Thuỷ) – Giọt máu đỏ của sông Hồng, nơi cội nguồn bồi đắp phù xa để sinh ra mảnh đất Đại La xưa… ở giữa khu vực Trời Đất, được thế Rồng cuộn Hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc, Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước…Tất cả dường như đã tạo nên một sức sống mãnh liệt, vĩnh cửu với thời gian. Khu vực Hồ Gươm và phụ cận với các yếu tố lịch sử, văn hóa, mặt nước, cây xanh cùng các yếu tố tinh thần như khát vọng sống, tự do… đã trở thành Máu Thịt của người Hà Nội, của dân tộc Việt Nam…được kết tinh thành tư tưởng chủ đạo cho một triết lí qui hoạch, thiết kế đô thị tại vùng đất này…

Đâu đó trong xanh ngát của mây trời, ca khúc Truyền thuyết Hồ Gươm của cố KTS. Hoàng Phúc Thắng lại vang lên hào sảng…Truyền rằng nơi đây Hồ Gươm nước biếc xanh, nơi hội tụ khí phách hào hoa linh thiêng ngàn năm văn hiến…Truyền rằng mùa xuân mới, rực rỡ những cánh đào, cho tình yêu, niềm tự hào về tương lai hạnh phúc ngập tràn của người dân thành phố…

TS.KTS Trương Văn Quảng (VUPDA)
© Tạp chí kiến trúc


Tài liệu tham khảo:

  • Quyết định số 488/BXD/KTQH, ngày 03/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây Dựng phê duyệt Qui hoạch chi tiết Khu vực Hồ Gươm và phụ cận.
  • Đồ án Qui hoạch chi tiết Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (VIUP)
  • Tài liệu cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị Khu vực Hồ Gươm và phụ cận
  • Tài liệu cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm do UBND quận Hoàn Kiếm phát động