Hướng đến sự cân bằng bền vững cho tương lai Không gian sống Việt Nam

“Suy cho cùng, tất cả những hình dung về không gian sống tương lai đều hướng tới những không gian nhân văn – nơi không chỉ hỗ trợ con người tồn tại, sinh sống mà còn đảm bảo họ có thể sống khỏe, sống tốt, sống vui và sống hạnh phúc dựa trên sự cân bằng bền vững tất cả những gì đang diễn ra xung quanh và trong chính mỗi con người”, TS.KTS Trần Minh Tùng – Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Những nguy cơ từ mất cân bằng trong cuộc sống con người

TS.KTS Trần Minh Tùng – Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Cuộc sống con người có vẻ như ngày càng “bấp bênh” hơn khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ, không chỉ từ môi trường tự nhiên mà cả từ môi trường xã hội. Tuy nhiên, xét cho cùng thì những nguy cơ từ môi trường tự nhiên cũng có nguyên nhân từ chính xã hội khi con người đã khai thác quá mức tự nhiên để phục vụ cuộc sống của mình mà bỏ quên mất những nguyên tắc cân bằng vốn dĩ giúp tất cả những gì trên trái đất tồn tại một cách hòa hợp với nhau. Tuy nhiên, trong khi những mối lo từ tự nhiên vẫn còn chưa tìm được những câu trả lời thỏa đáng thì những nguy cơ mới lại xuất hiện từ chính sự mất cân bằng – đó là dịch bệnh, là chiến tranh, là khủng hoảng… – những nguy cơ không phải là mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ đối với loài người, mà mỗi thời kỳ lại biến thể khác nhau khiến con người luôn phải suy nghĩ về thời kỳ hậu dịch bệnh, hậu chiến tranh hay hậu khủng hoảng đó, chúng ta sẽ sống ra sao.

Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhịp sống của con người nói chung lẫn người dân Việt Nam nói riêng. Những đợt giãn cách xã hội đã làm con người buộc “phải” gắn bó với ngôi nhà của mình nhiều hơn. Một điều tưởng chừng tất nhiên nhưng chỉ đến khi phải ở lâu, sống chậm trong chính ngôi nhà của mình, người dân mới thực sự nhìn nhận lại không gian cư trú mà mình đã tạo dựng và nhận ra rõ ràng hơn những bất cập mà bấy lâu nay, với lý do bận rộn cuộc sống, chúng ta đã chặc lưỡi bỏ qua.

Tuy nhiên, xét một cách tích cực, dịch bệnh cũng như một cơ hội thúc ép người dân và các cơ quan quản lý phải đi tìm câu trả lời triệt để hơn. Ngoài những nỗ lực từ ngành y tế trong việc kiểm soát trực tiếp dịch bệnh, các ngành nghề khác cũng có những động thái mang tính chuyên môn. Những nhà thiết kế kiến trúc và quy hoạch xem xét các vấn đề về không gian, và xa hơn là hình dung về tương lai các không gian sống tại Việt Nam sẽ như thế nào để có thể từng bước nâng cao chất lượng sống thông qua các giải pháp sáng tạo kiến trúc, công nghệ hướng đến mục tiêu sống an toàn, sống khỏe, sống tiện lợi, thông minh, bền vững và thăng hoa.

Những nhà thiết kế kiến trúc và quy hoạch đang tìm giải pháp từng bước nâng cao chất lượng sống người dân (Ảnh: Internet)

Hình dung tương lai không gian sống Việt Nam qua những chìa khóa

Khởi động từ tháng 12/2021, chương trình Architecture Leader Perspective (ALP) 2021 – 2022 đặt trọng tâm tìm kiếm “chìa khóa” cho không gian sống tương lai tại Việt Nam dựa trên nhiều hoạt động kết hợp giữa chủ đầu tư, công ty kiến trúc – thiết kế và các chuyên gia liên ngành. Kết quả chương trình được công bố và triển lãm vào tháng 07/2022 vừa qua đã cho thấy những suy nghĩ, góc nhìn của các kiến trúc sư về các vấn đề xã hội nhằm đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn cao và toàn diện, mà tổng kết lại thể hiện qua năm chìa khóa quan trọng về những không gian tích hợp vào cuộc sống của người Việt trong tương lai.

Hội thảo công bố đề xuất từ các đề tài nghiên cứu của chương trình ALP 2021 – 2022
Chương trình ALP tạo nền tảng kết nối các chủ đầu tư, công ty kiến trúc – thiết kế và các chuyên gia liên ngành

#1. Không gian xanh và (tái) xanh hóa cuộc sống

Xanh hóa không gian sống không phải là một giải pháp mới vì ngay từ xa xưa, người Việt đã cố gắng hòa hợp giữa môi trường xây dựng và môi trường tự nhiên thông qua việc tích hợp màu xanh của cỏ cây, hoa lá hay mặt nước, dòng chảy vào trong không gian sống. Tuy nhiên, cũng đã có thời kỳ vì quá say mê với những thành tựu khoa học công nghệ mà con người đã bỏ quên những nguyên tắc cân bằng tự nhiên. Từ đó, màu xanh được đề xuất đưa trở lại không gian sống Việt Nam thông qua việc tích hợp nông nghiệp đô thị dưới hình thức công viên nông nghiệp hay vườn nông nghiệp vào môi trường cư trú đô thị hóa. Khác với màu xanh truyền thống gắn liền với từng tấc đất – vốn được xem là từng tấc vàng trong nền kinh tế thị trường, quá trình tái xanh hóa được thực hiện thông qua các giải pháp tận dụng những không gian “thừa” trong kiến trúc như mái, sân, sân thượng… để biến thành các diện tích xanh, giúp người dân có thể tự cân bằng nguồn lương thực thực phẩm tại chỗ lẫn tự cân bằng tâm lý sống xanh nếu phải cách ly trong chính ngôi nhà của mình.

Tại Hội thảo ALP 2021 – 2022, ThS.KTS Đào Hải Nam và ThS.KTS Nguyễn Duy Thanh (Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng quốc tế 1 + 1 > 2) đề xuất định hướng thiết kế kiến trúc cảnh quan và nhà ở tại vùng ven đô

#2. Không gian công cộng và an toàn, thân thiện

Ở cấp độ lớn hơn việc tự cân bằng trong chính ngôi nhà của mỗi người, sự cân bằng cộng đồng cũng đặt ra các vấn đề về những không gian công cộng an toàn và thân thiện, để ở đó, những thành viên của cộng đồng cư dân có thể kết nối, tương tác với nhau một cách trực tiếp.

Sau những hoạt động học tập, hội họp trực tuyến như một giải pháp bắt buộc để vận hành xã hội trong thời gian dịch bệnh thì người dân cũng nhận ra rằng việc được tiếp xúc trực tiếp với nhau theo kiểu mặt đối mặt là rất cần thiết cho sự cân bằng tâm lý của mỗi người khi được chia sẻ với những thành viên khác trong cộng đồng. Những cuộc gặp gỡ trao đổi thông tin thông qua những ánh mắt, câu đùa hay ngôn ngữ hình thể sẽ giúp chúng ta cảm thấy thú vị hơn là nhìn nhau qua màn hình máy tính.

Ông Nguyễn Trung Dũng (Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương) trình bày đề tài nghiên cứu về thiết kế không gian công cộng trong nhà ở cao tầng

Không nhất thiết phải là những không gian công cộng hoành tráng, các môi trường sống có thể chỉ cần những không gian cộng đồng kiểu “bỏ túi” (pocket space) gắn liền và kế cận với ngôi nhà, nơi mà các thành viên cộng đồng cảm thấy gần gũi cả về khoảng cách vật lý lẫn tâm lý an toàn và thân thiện để có thể tương tác với nhau, đặc biệt là ở những chung cư cao tầng vốn được xem là thiếu các không gian công cộng bởi tính nén từ sự khai thác tối đa diện tích và tầng cao của công trình.

#3. Không gian khích lệ và trải nghiệm, kết nối

Trên phương diện vật chất, cuộc sống đương đại của người dân Việt Nam phần nào đã được cải thiện tốt nhờ sự tăng trưởng kinh tế, của cải của toàn xã hội. Tuy nhiên, đời sống tinh thần chưa hẳn đã nâng cao tương ứng, đặc biệt là với những nhóm dân cư bất lợi về mặt xã hội.

Những không gian khích lệ tinh thần mang đến những trải nghiệm mới để làm phong phú và đa dạng hơn đời sống tâm lý là rất cần thiết cho họ. Nơi đó, chỉ với các hoạt động rất giản đơn như uống một ly cà phê, gặp một người để cùng nói chuyện, xem một triển lãm nhỏ…, họ được chiêm nghiệm, nghỉ ngơi, giao lưu nhằm hồi phục lại những suy nghĩ tích cực về cuộc sống mà phần nào đã mai một do những lo toan vật chất đời thường. Sự chia sẻ suy nghĩ giữa những người đồng cảnh ngộ, khơi gợi sự tự hào về những điều tưởng chừng là nhỏ nhoi mà họ đã đóng góp cho xã hội sẽ là những động lực lớn để họ vững vàng sống, tự tin vào những giá trị bản thân, đồng thời chấp nhận dấn thân vào những trải nghiệm mới nhằm giúp cuộc sống trở nên tích cực hơn.

KTS Phạm Nhân Thọ (Công ty TNHH MTV THO.A) đề xuất giải pháp cải tạo không gian nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người sử dụng

Nói cách khác, sự tích hợp một không gian khích lệ tinh thần vào không gian sống của con người phần nào giúp chúng ta chiêm nghiệm cuộc sống thông qua góc nhìn của các thành viên khác, thay vì chỉ luẩn quẩn tự suy nghĩ chỉ khiến chúng ta tiêu cực hơn mà thôi.

#4. Không gian tái lập và sinh kế bền vững

Khác với quan điểm phân tách rạch ròi về công năng không gian như các nước phương Tây, người Việt Nam lại có xu hướng trộn lẫn các hoạt động đời sống hàng ngày với nhau trong cùng một không gian. Ngôi nhà Việt Nam là một minh chứng khi mà ở đó, người dân vừa sinh sống lại kết hợp với buôn bán, sản xuất nhằm tạo ra một nguồn lợi sinh kế quan trọng, tận dụng sức lao động của các thành viên trong gia đình lẫn cộng đồng.

Việc tái thiết, tái lập các không gian sống dựa trên việc nhìn nhận khả năng tự cung ứng của cư dân là một hướng phát triển nhân văn, giúp con người có thể vận dụng hết mọi loại vốn của chính họ, từ vốn vật chất như kinh tế, tài chính, tự nhiên đến vốn phi vật chất như con người, xã hội, tham gia vào quá trình cải thiện chất lượng khung cảnh sống thông qua tái tích hợp các không gian dịch vụ trong chính ngôi nhà hay các hoạt động dịch vụ diễn ra xung quanh ngôi nhà, nhằm gắn kết cộng đồng dựa trên sự tương trợ, tương tác giữa các thành viên cùng hướng đến một cuộc sống ổn định sinh kế.

TS.KTS Nguyễn Thu Hương trình bày đề tài nghiên cứu về mô hình nhà ở tái lập

#5. Không gian thông minh và trí tuệ nhân tạo

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tưởng chừng rất xa nhưng lại hóa gần khi ảnh hưởng trực tiếp đến chính cuộc sống mỗi người dân, đặc biệt là trong thời gian đại dịch, con người phần nhiều phải dựa vào sự phát triển của mạng lưới thông tin cũng như các trang thiết bị công nghệ hiện đại để đảm bảo vận hành xã hội cũng như thỏa mãn phần nào các nhu cầu học tập, phát triển, giao lưu, gặp gỡ thông qua các không gian được kết nối bởi mạng internet.

Ông Nguyễn Nam Sơn và KTS Phạm Hải Đăng (Công ty Cổ phần Kiến Trúc Việt) đề xuất các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế, vận hành chung cư

Thông minh hóa không gian sống từ việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quản lý những không gian thực, đồng thời phát triển các không gian ảo nhằm hỗ trợ cuộc sống người dân có những trải nghiệm thuận lợi hơn, chủ động giảm thiểu chi phí, ứng phó các ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống để chúng ta có nhiều thời gian hơn dành cho chính mình. Đây chính là một cách tiếp cận không gian sống tương lai từ hiệu quả hoạt động của con người trong không gian với sự hỗ trợ của chính những thành tựu khoa học công nghệ mà con người đã dày công phát triển.

Những điều còn đọng lại hậu ALP 2020 – 2021

Để mỗi người chúng ta hình dung một cách toàn diện và trọn vẹn về tương lai không gian sống Việt Nam là một điều rất khó, nếu như không muốn nói điều đó gần như không thể. Tuy nhiên, từ những góc nhìn riêng lẻ của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp thông qua những trải nghiệm, chiêm nghiệm và thử nghiệm của họ giúp ta có được những lát cắt thú vị, những nhu cầu về cuộc sống tương lai, để từ đó, khi kết nối và xâu chuỗi những lát cắt này lại với nhau, một bức tranh tổng thể sẽ hiện ra với nhiều màu sắc được tạo nên từ những mong muốn, những mơ ước, và xa hơn là những khát vọng về các không gian sống bình yên, an toàn, thân thiện như chính bản ngã của mỗi con người khi bước vào thế giới này – “nhân chi sơ tính bản thiện”.

Triển lãm ALP Pavilion 2021 – 2022 giới thiệu các đề tài nghiên cứu đến công chúng

Suy cho cùng, tất cả những hình dung về không gian sống tương lai đều hướng tới những không gian nhân văn – nơi không chỉ hỗ trợ con người tồn tại, sinh sống mà còn đảm bảo họ có thể sống khỏe, sống tốt, sống vui và sống hạnh phúc dựa trên sự cân bằng bền vững tất cả những gì đang diễn ra xung quanh và trong chính mỗi con người.

ALP 2021 – 2022 đã khép lại dẫu còn nhiều việc phải làm, nhiều câu hỏi phải trả lời, nhiều giải pháp phải tiếp tục hoàn thiện không phải trong ngày một ngày hai để có thể đạt được những mục tiêu mà các kết quả nghiên cứu đã hình dung. Tuy nhiên, đây như là những tiền đề để chúng ta có một niềm tin hơn vào cuộc sống, vào những không gian sống của tương lai. Còn sống là còn hy vọng. Nói cách khác, cuộc sống chỉ có thể tiến lên nếu chúng ta vẫn có niềm tin vào khả năng tạo dựng và tổ chức những không gian sống – một trong những trách nhiệm xã hội của những người thiết kế kiến trúc và quy hoạch.

TS.KTS Trần Minh Tùng
Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch,
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
© Tạp chí Kiến trúc