Khởi nghiệp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa (Phần I)

Khái niệm chung về Công nghiệp Văn hóa: Hiện có nhiều khái niệm về Công nghiệp Văn hóa (Culture industry).

Theo UNESCO, Công nghiệp Văn hóa (CNVH) là ngành công nghiệp kết hợp sáng tạo, sản xuất, phân phối và dịch vụ tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố văn hóa và được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.

CNVH là hoạt động sản xuất, dịch vụ gắn với sáng tạo (vì vậy còn được coi là ngành Công nghiệp sáng tạo – Creative Industries), nằm giữa kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa; giữa lĩnh vực kinh tế công nghiệp, kinh tế dịch vụ và kinh tế liên kết số; là điểm giao của nghệ thuật, kinh doanh và khoa học – công nghệ; giữa bản sắc văn hóa quốc gia và hội nhập quốc tế.

Đền Angkor Wat, Quần thể Angkor, Siem Reap, Campuchia

Cũng tương tự như trong các ngành công nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân, sản phẩm của ngành CNVH được tạo ra trong chuỗi sản xuất hàng hóa, từ việc sáng tạo hay tạo lập sản phẩm đến sản xuất, phân phối và dịch vụ tiêu dùng sản phẩm trên thị trường.

Sản phẩm của ngành CNVH có thị trường rộng lớn (phạm vi trong nước, xuất khẩu, quốc tế, đa quốc gia và toàn cầu) và thu hút nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.

Sản phẩm của các ngành CNVH, không chỉ còn là thành quả mang tính cá nhân, mà được tạo ra theo quy trình công nghiệp với các đặc điểm:

  1. Nguyên liệu đầu vào (hay tài nguyên cơ bản) cho tạo lập sản phẩm chủ yếu là ý tưởng sáng tạo, một loại tài nguyên mang tính toàn cầu, không giới hạn bởi các nguồn lực hạn chế như trong các ngành công nghiệp truyền thống;
  2. Sản phẩm tạo ra không cố định, luôn được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ;
  3. Người lao động tạo lập sản phẩm tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành, hoàn thiện và định hình sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ;
  4. Có sự phối hợp giữa nhiều cá nhân, nhóm, tổ chức để tạo lập ra một sản phẩm có giá trị;
  5. Sản phẩm được phân biệt bởi chất lượng và tính độc đáo; mỗi sản phẩm là một sự kết hợp khác nhau của vô số các yếu tố đầu vào dẫn đến kết quả sản phẩm là đa dạng, vô tận;
  6. Sự khác biệt về kỹ năng, sáng tạo dù nhỏ cũng có thể mang lại những thành công lớn về vị thế, tài chính mà không phụ thuộc vào mức độ đầu tư;
  7. Thời gian có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và thị trường hóa sản phẩm;
  8. Sự phân chia nguồn lợi của các bên tham gia theo tiến trình tạo lập và dịch vụ tiêu dùng sản phẩm phải tính cả bản quyền tác giả của sản phẩm;
  9. Các ngành CNVH thường gắn với công nghệ kỹ thuật số, ví dụ như: Công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality); Công nghệ tăng cường thực tế thật (Augement Reality); Quét và in 3D (3D Scanning and Printing); Công nghệ thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS); Kỹ xảo điện ảnh (Visual Effect – VFX).., cùng với kết cấu hạ tầng và nguồn lực tương ứng, dần trở thành trung tâm của nền kinh tế tri thức;
  10. Lợi thế cho phát triển các ngành CNVH và doanh nghiệp tạo lập sản phẩm văn hóa là tại các quốc gia có truyền thống văn hóa phong phú và các quốc gia có môi trường thúc đẩy năng lực sáng tạo.

Tại Việt Nam, CNVH gồm 12 nhóm ngành:

1) Quảng cáo; 2) Kiến trúc; 3) Phần mềm và trò chơi giải trí; 4) Thủ công mỹ nghệ; 5) Thiết kế; 6) Điện ảnh; 7) Xuất bản; 8) Thời trang; 9) Nghệ thuật biểu diễn; 10) Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; 11) Truyền hình và phát thanh; 12) Du lịch văn hóa.

(Một số quốc gia không xếp Du lịch Văn hóa vào ngành CNVH, mà vẫn thuộc ngành Công nghiệp Du lịch với tỷ trọng của Du lịch Văn hóa vào khoảng 37- 40%).

Các ngành CNVH có thể tồn tại độc lập, song thường phát triển mang tính liên ngành, tích hợp tạo thành nhóm ngành CNVH; có thể tập trung trong một khu vực, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp: Cụm CNVH, Công viên CNVH, Trung tâm CNVH.

Hình dung chung về vai trò của các ngành CNVH theo thống kê số lao động, doanh thu (thời điểm 2013) trên thế giới và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (có bổ sung thêm ngành Du lịch văn hóa) theo bảng sau.

Phát triển công nghiệp hóa tại Việt Nam

Chùa tháp Borobudur, Java, Indonesia

Nhận thức vai trò của các ngành Công nghiệp văn hóa

Chùa Xiêng Thông, Thành phố lịch sử Luang Prabang, Lào

Phát triển các ngành CNVH luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngày 08/9/2016, tại Quyết định số 1755/QĐ –TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phát triển các ngành CNVH là sự nghiệp của toàn dân, là một trong những ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ quan trọng hàng đầu và có vai trò nổi bật:

  • Góp phần giữ gìn tinh hoa văn hóa truyền thống; Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Thúc đẩy sự kết hợp giữa bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trong quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế; Khơi dậy sức sáng tạo văn hóa của mọi thành viên trong xã hội;
  • Khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa như một hệ thống tài nguyên mới;
  • Là công cụ hiệu quả để văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường sức mạnh văn hóa – sức mạnh mềm của quốc gia trong thời đại hội nhập toàn cầu, kinh tế tri thức;
  • Cột cờ Hà Nội, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam

    Tác động lan tỏa, trước hết là đổi mới, sáng tạo, gắn kết cộng đồng; Tạo ra nhiều doanh nghiệp và việc làm; Mở ra thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mới; Phục hồi, duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa khác như y học cổ truyền, ẩm thực, lễ hội…; thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác có liên quan;

  • Đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế; Là một trong những động lực cho chuyển dịch trọng tâm của nền kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ và liên kết số; Góp phần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và phát triển bền vững (đối lập với mô hình theo chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô, lao động giản đơn); Thay đổi bộ mặt của các địa phương;
  • Đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa của Cộng đồng Xã hội – Văn hóa ASEAN, của thế giới và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Lợi thế và các điều kiện ban đầu để phát triển CNVH

Việt Nam là quốc gia giàu truyền thống văn hóa: Việt Nam là nơi tập trung nhiều Di sản thế giới và là quốc gia có nhiều Di sản văn hóa.

  • Di sản thế giới: Đến thời điểm 2016, Việt Nam là quốc gia có số lượng nhiều nhất Di sản thế giới trong các nước ASEAN. Việt Nam có 31 trong tổng số 111 Di sản, Công viên địa chất, Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại ASEAN, gồm: 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 11 Di sản văn hóa phi vật thể; 2 Di sản tư liệu thế giới; 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới; 1 Công viên địa chất toàn cầu.
  • Di sản văn hóa Việt Nam: Theo Luật Di sản văn hóa, Di sản văn hóa Việt Nam gồm: i) Di sản văn hóa vật thể (Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia); ii) Di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa Việt Nam được phân cấp thành: Di tích quốc gia đặc biệt; Di tích quốc gia; Di tích cấp tỉnh. Hiện tại, Việt Nam đã thống kê được hơn 40.000 Di sản văn hóa, trong đó có hơn 3000 Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích quốc gia và Di tích cấp tỉnh được xếp hạng. Các Di sản văn hóa này phân bố trong 11.162 đơn vị hành chính cấp xã (phường, thị trấn, xã), tương đương với gần 4 Di sản văn hóa trong mỗi đơn vị hành chính cấp xã (năm 2015).

Việt Nam đang nỗ lực kiến tạo môi trường phát triển các ngành CNVH

Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định:

  • Phế tích chùa tháp Bawbawgyi, Các thị quốc Pyu, Myanmar

    Mục tiêu chung: Phát triển các ngành CNVH trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.

  • Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020; 7% vào năm 2030 và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội;
  • Nhiệm vụ và nhóm giải pháp: i) Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức; ii) Hoàn thiện cơ chế chính sách; iii) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; iv) Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; v) Thu hút và hỗ trợ đầu tư; vi) Phát triển thị trường; vii) Mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế…
    Từ bài học của các quốc gia phát triển, để CNVH Việt Nam trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững; xác lập được vị thế của ngành trong nền kinh tế quốc gia, trong chuỗi giá trị kinh tế khu vực ASEAN và toàn cầu, phải sớm hình thành và thực hiện các kế hoạch, chương trình chủ yếu giai đoạn 2017- 2020, gồm:
  • Quảng trường Hà Lan, Thành phố lịch sử Melaka và George Town tại eo biển Malacca, Malaysia

    Tạo lập được môi trường thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, gắn với quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành được thế hệ mới những người tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng và hội nhập văn hóa;

  • Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho ngành CNVH, cùng với việc tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất và dịch vụ quan trọng (thị trường các sản phẩm văn hóa, thị trường khoa học công nghệ gắn với nền kinh tế số, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất có liên quan);
  • Quảng bá thương hiệu quốc gia cho các ngành CNVH gắn với việc nâng cao nhận thức xã hội đối với các ngành CNVH;
  • Xây dựng thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các ngành CNVH; đặc biệt là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Di sản thế giới, Di sản văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, là cơ sở cho việc bảo vệ, phát huy giá trị Di sản và là nguồn tài nguyên mở cho các ngành CNVH;
  • Đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy khởi nghiệp các doanh nghiệp CNVH, góp phần gia tăng số lượng doanh nghiệp và tỷ trọng lao động dịch vụ và liên kết số của quốc gia. Với dự báo đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 1,2 – 1,5 triệu doanh nghiệp, các ngành CNVH phải có số lượng 30.000 – 40.000 doanh nghiệp.
  • Hình thành Trung tâm CNVH cấp quốc tế và quốc gia tại TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng và tại 8 khu vực Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; là hình mẫu cho các Trung tâm CNVH cấp tỉnh, điểm khởi đầu cho việc hình thành đô thị và vùng công nghiệp sáng tạo.
  • Thúc đẩy cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội Việt Nam gặp gỡ và trao đổi thường xuyên với các nhà đầu tư quốc tế để quảng bá tiềm năng và lợi thế; tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm gia tăng xuất khẩu sản phẩm văn hóa, du lịch văn hóa; thu hút đầu tư và công nghệ; củng cố niềm tin của các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào các ngành CNVH tại Việt Nam…

Phát triển Công nghiệp Văn hóa gắn với Di sản thế giới và Di sản văn hóa Việt Nam

  • Cổng vào Khu Vườn Lan Quốc gia, Vườn Bách thảo Singapore

    Di sản thế giới tại Việt Nam và Di sản văn hóa Việt Nam là một hệ thống tài nguyên to lớn cho phát triển các ngành CNVH, trong đó hệ thống Di sản thế giới là tài nguyên cốt lõi hay tài nguyên chiến lược.

  • Các ngành CNVH Việt Nam gắn với Di sản thế giới là các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng trong việc phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.
  • Di sản thế giới tại Việt Nam và Di sản văn hóa Việt Nam là nguồn cảm hứng, là tư liệu, bối cảnh cho việc sáng tạo các ý tưởng tạo lập các sản phẩm văn hóa. Ngược lại các sản phẩm văn hóa góp phần truyền bá các giá trị của Di sản, kết nối giá trị của Di sản với các giá trị văn hóa chung của cộng đồng, khu vực, quốc gia và quốc tế.
  • Sớm hình thành các Tuyến đường Di sản, đặc biệt Tuyến đường Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, kết nối về văn hóa giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các quốc gia khác theo các liên kết kinh tế mà Việt Nam tham gia; là cơ sở cho việc thiết lập hệ thống Tuyến đường Di sản văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh khác. Từ đây hình thành được “Hành lang Công nghiệp Văn hóa”, nơi tập trung hệ thống kết cấu hạ tầng, các cơ sở tạo lập sản phẩm, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Khởi nghiệp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Phối cảnh công trình Wat Phra Si Sanphet, Công viên lịch sử Ayutthaya, Thái Lan

Khái niệm về Khởi nghiệp

Ngày 04/05/2016, tại buổi họp đầu tiên của Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Năm 2016 là năm Khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân”.

Ngày 18/10/2016, tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó quy định: Chuẩn đầu ra Bậc trình độ 6 – Bậc Đại học, người tốt nghiệp khóa đào tạo, ngoài Kiến thức, Mức tự chủ và trách nhiệm, phải có các Kỹ năng: i) Kỹ năng cần thiết để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp; ii) Kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp tạo việc làm cho mình và cho người khác…

Mặt đứng Nhà thờ Paoay, Các nhà thờ kiểu Baroque tại Philippines

Khởi nghiệp – “Start–up” là khái niệm khi ban đầu du nhập vào Việt Nam chỉ các công ty khởi nghiệp của: i) Sinh viên đang học hay vừa mới ra trường; ii) Người làm công ăn lương muốn có sự nghiệp mới; iii) Doanh nhân muốn mình và doanh nghiệp tái khởi nghiệp. Mô hình này bao gồm: Công ty khởi nghiệp (Start–up); Tổ chức và người thúc đẩy (Accelerator) – là các cá nhân, tổ chức giúp lập và đưa các Công ty Start – up vào hoạt động nhờ thu hút và tập hợp các nhà đầu tư (Nhà đầu tư thiên thần – Angel Investor) và các nhà tư vấn đặc thù (Nhà tư vấn bí quyết – Mentor)…
Hiện tại, khái niệm về Khởi nghiệp được mở rộng: Đô thị khởi nghiệp, Thủ đô khởi nghiệp, Quốc gia khởi nghiệp.
Khởi nghiệp để phát triển tại Việt Nam là khát vọng (Khởi) của cả xã hội, nhằm tạo ra sản phẩm mới, quyền lợi mới, đưa mình, tổ chức và quốc gia đến vị thế mới (Nghiệp). Khởi nghiệp tại Việt Nam hiện được diễn ra rộng khắp trong cả nước, theo các dạng:

  • Khởi nghiệp trong lĩnh vực chính trị, liên quan đến người lãnh đạo, quản lý, gắn với chính phủ kiến tạo;
  • Khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế, liên quan đến doanh nhân;
  • Khởi nghiệp trong xã hội, liên quan đến công dân, tổ chức cộng đồng.

Khởi nghiệp có thể diễn ra trong từng lĩnh vực chuyên ngành, như khởi nghiệp trong phát triển các ngành CNVH…,khởi nghiệp tại từng địa phương.

Hiện tại, Nhà nước đang nỗ lực tạo lập các môi trường thúc đẩy hình thành tinh thần và văn hóa khởi nghiệp trong cả nước.
Khởi nghiệp thúc đẩy phát triển các ngành CNVH

Phát triển các ngành CNVH Việt Nam là sự nghiệp lâu dài; chỉ được dẫn dắt và thực hiện chủ động bởi chính người Việt Nam.

Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam trong giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ khởi xướng, sẽ tiếp tục được hoàn thiện và định hình.

Việt Nam là nơi có điều kiện thuận lợi về tài nguyên văn hóa và đã dần hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo. Sản phẩm văn hóa bắt nguồn từ nơi đây chắc chắn sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn trong và ngoài nước, là cơ hội to lớn và hiện thực không thể bỏ lỡ cho mọi doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia khởi nghiệp.
Khởi nghiệp thúc đẩy phát triển các ngành CNVH là xu thế tất yếu của thế kỷ 21; phải hành động quyết liệt để sớm mang lại những thành tựu nhằm tạo ra những giá trị văn hóa mới, làm giàu thêm kho tàng Di sản văn hóa Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các quốc gia trong Cộng đồng Xã hội – Văn hóa ASEAN và thế giới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập toàn cầu và tạo vị thế mới cho Việt Nam – Quốc gia văn hóa.

Xem thêm: Khởi nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc và sáng tạo (Phần II)

TS Phạm Đình Tuyển

 Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2017