Kiến trúc là văn hóa “hóa thạch”

1. Khó khăn để nêu lên nhu cầu? Ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất của tất cả mọi người để nói lên những mong muốn, yêu cầu của mình, nhất là chủ đầu tư trong khi làm việc chung với một KTS, một nhà quy hoạch hay một chuyên gia cảnh quan nhằm xây dựng một dự án. Ở các nước Châu Âu, chức năng và nghiệp vụ của chủ đầu tư đã được công nhận và tôn trọng kể từ thế kỷ 16, từ thời kỳ Phục hưng và thậm chí trước đó nữa.

Chung cư Vinhome TP. HCM

Thực tế là các khách hàng ở Việt Nam không có cơ hội và thời gian để trao đổi về mong muốn của họ về một sản phẩm kiến trúc. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế và cách xây dựng đô thị hiện nay không dành một thời gian nào cho việc tối quan trọng là các bên cùng ngồi lại: Đặt vấn đề, thương thảo nhằm thảo một đầu bài rõ ràng và đúng nghĩa.

Chúng ta đang sống ở Việt Nam trong một thời kỳ phát triển siêu tốc với vô vàn hàng hóa, dịch vụ, với các “sản phẩm kiến trúc” đa dạng và hỗn tạp, chưa từng có ở nơi nào khác trên thế giới nhằm thỏa mãn nhu cầu của một giai cấp trung lưu mới xuất hiện. Vì vậy, rất khó để mọi người biết chính xác để có thể biểu đạt mong muốn của họ trong khi có quá nhiều trường phái của các KTS và có quá ít các công trình để tham khảo ; để so sánh cái hay và cái dở của các công trình xây dựng.

Trong bối cảnh đó, một tín hiệu đáng mừng là khủng hoảng về khí hậu, môi trường, vệ sinh cộng đồng đang phần nào thức tỉnh mạnh mẽ ý thức của người dân.

Sự khó khăn để thể hiện mong muốn và để lên kế hoạch thực hiện một “sản phẩm kiến truc”, điều này gắn liền với một giai đoạn kinh tế mới, bấp bênh và liên tục đổi thay, dẫn đến mọi thứ vẫn chưa rõ ràng. Có thể nói, Việt Nam trong giai đoạn này tựa như một công trường đang liên tục thi công, luôn phải tự thích nghi, tự điều chỉnh không ngừng.

2. Một xã hội đang thay đổi hàng ngày. Trong sự hối hả xây dựng, những yếu tố, lớp công trình, lớp tự nhiên… không ngừng xuất hiện rồi biến mất, chúng ta đang chứng kiến những thảm họa đối với sinh thái đô thị hiện ra trước mắt hàng ngày (cụ thể đó là bê tông hóa, tiêu thụ năng lượng bất hợp lý, sông rạch thì thiếu quản lý hoặc ngoài tầm kiểm soát khiến sạt lở diễn ra thường xuyên).

Thực tế cho thấy cảnh quan chung đang biến đổi một cách trầm trọng. Đó vừa là một nhược điểm nhưng đó cũng là một thế mạnh vì điều này thúc giục chúng ta luôn phải tìm ra những giải pháp thông minh, sáng tạo để giải quyết vấn đề.

Hiện tượng “bùng nổ về phương tiện thông tin”, khiến người ta càng cảm nhận rằng mục tiêu hiện đại hóa và thực tế đang diễn ra hàng ngày với những xung đột.

Hình ảnh những thành phố xanh, “thành phố thông minh” trong mơ, xuất hiện khắp nơi trên biển quảng cáo với những thông điệp về một tương lai rực rỡ. Các bộ phim 3D với những màu sắc còn rực rỡ hơn cũng với thông điệp về một thế giới huyền ảo, tiên cảnh và cao sang bậc nhất. Đại đa số những hình ảnh đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực (và điều khôi hài là ai cũng biết như vậy…).

Ngành địa ốc như một mỏ khai thác vàng thời hiện đại nhằm sinh lợi cho những người giàu, các đại gia trong nước. Nhu cầu về nhà đất lớn, cộng với sức hút của các đô thị đối với các lao động trẻ từ nông thôn lên các thành phố lớn là một trong những nguyên nhân của sự bùng nổ thị trường bất động sản mà ở đó, kiến trúc chưa phải là điều được thực sự quan tâm. Chất lượng các thiết kế không thực sự tốt, thiếu yếu tố bản sắc và không phản ảnh cách sống của người Việt (trong đó có nét đặc trưng về lối sống đặc thù trên đường phố). Nhiều mô hình nhà ở hiện tại đang lỗi thời, không hợp với bối cảnh hiện tại (ví dụ : Mô hình Marshall tại Âu châu thời hậu thế chiến thứ 2 và Hàn quốc thời cận hiện đại).

Xã hội đang được sắp xếp lại, những tiêu chí kinh tế và xã hội mới được thêm vào, những xu hướng mới về tiêu dùng đang là đối tượng để những tập đoàn xây dựng lớn khai thác. Họ chia nhau thị phần bất động sản, họ biến người làm nghề kiến trúc thành những dịch vụ phổ thông và đôi khi trở thành những kẻ làm công ngoan ngoãn, phục tùng.

Từ Bắc chí Nam, những đơn vị thắng thầu xây dựng và thiết kế kiến trúc cung cấp những sản phẩm “thị trường”, bởi lặp đi lặp lại những mô hình đã ít nhiều thành công nhằm nhanh chóng đáp ứng những nhu cầu thời thượng.

3. Vai trò rời rạc, manh mún của KTS trong quá trình xây dựng công trình. Một trong những khó khăn lớn là việc mập mờ giữa vai trò của các bên, một bên là KTS và bên kia là khách hàng.

Việc phân chia các lĩnh vực hoạt động trong ngành xây dựng chưa thực sự rõ ràng. Trong điều kiện đó, KTS thường được “vừa đá banh vừa thổi còi”, nhưng đó là một trò chơi nguy hiểm đòi hỏi sự cân bằng. KTS vừa phải là một doanh nhân để đảm nhận dự án, vừa phải khéo léo với kinh nghiệm phân tích, đánh giá tổng hợp các hạng mục của một dự án để không bị cuốn theo các mong muốn của chủ đầu tư. Thực tế là các trường đào tạo kiến trúc nước ta không dạy những kỹ năng này. Đó cũng là lý do hiện nay các trường tại châu Âu thường có thêm môn kinh tế chuyên ngành kiến trúc.

Một khó khăn khác là giá trị tri thức của “sản phẩm kiến trúc”, kiến trúc cảnh quan, rất ít được công nhận và cũng rất khó để giải thích một cách đầy đủ cho công chúng. Theo đó, nghề KTS là ngành nghề mới, KTS chưa được thấu hiểu một cách đúng đắn, thiếu sự tôn trọng và ít được công nhận.

Chủ đầu tư thường không ý thức được nguyên tắc “người nào việc nấy”, từ đó họ lấn sân và thậm chí tự quyết trong thiết kế kiến trúc.

Là người đặt hàng và người mở hầu bao nên chủ đầu tư có quyền tự quyết định, từ bố cục không gian, hướng nhà, vật liệu xây dựng, màu sắc… KTS chỉ có vai trò theo từng thời điểm, vào những công việc nhỏ, manh mún và tại những giai đoạn tách biệt trong toàn bộ quá trình xây dựng, không xuyên suốt trong cả dự án.

Cách đối xử với KTS như vậy thường dẫn đến hệ quả là chủ đầu tư là người quyết định mọi việc (chưa kể họ còn thay đổi ý kiến xoành xoạch), và đến cuối cùng sản phẩm rất khó mà đạt được tính nhất quán của thiết kế ban đầu.

Chủ nghĩa tư bản hoang dại hiện đang diễn ra đặt người KTS trong một quy trình và một phương thức sản xuất (cụ thể là ngành nghề xây dựng) mà theo đó họ chỉ là một dịch vụ tiêu dùng cùng thứ hạng với những dịch vụ phổ thông khác.

Ở Châu Âu, tình trạng này ngược lại, KTS có vai trò và trách nhiệm như một nhạc trưởng điều hành công việc trong suốt quá trình lập dự án, nhất là mỗi khi cần đưa ra những quyết định quan trọng.

Những công trình đẹp nhất trên thế gian phải chăng đó là kết quả của sự gặp gỡ của những KTS và khách hàng – Thời khắc đặc biệt của một đơn đặt hàng và một nhu cầu, tất cả vận hành như một thuật luyện kim…

Hệ quả là sự phân biệt hai chức năng của người làm kiến trúc, KTS thiết kế và KTS xây dựng. Nó dẫn đến sự tai hại vì sẽ không có sự liên tục và sự vắng mặt của kiến trúc sư trên công trường, trong khi đây là yếu tố quan trọng nhằm đem lại ý nghĩa cho một dự án kiến trúc hay một dự án đô thị.

Hạ hồi ra sao?

Tóm lại đây là một vấn đề văn hóa, trong đó sự thấu hiểu và sự giáo dục của toàn thể xã hội đối với nghiệp vụ và ngành nghề kiến trúc là cần thiết. Óc phê bình và khả năng phản biện là một câu chuyện nan giải khác trong một xã hội bị giam hãm quá lâu trong hệ thống những giáo điều của Nho giáo từ xa xưa.

Vì vậy, điều cần thiết là giáo dục và đào tạo xã hội (trong đó có những người làm kiến trúc), để mọi người hiểu được thực trạng làm nghề kiến trúc là một nghề đang không có lối thoát vì thiếu phương tiện để làm việc.
Hiện nay, có nhiều KTS Việt Nam rất sáng tạo và tài năng được công nhận với nhiều dự án có quy mô tương đối nhỏ, (như: Cửa hàng, nhà hàng, nhà ở riêng lẻ) nhưng hiếm có ai trong số họ lại thành lập được một đơn vị kinh doanh tầm trung trung (khoảng 10 đến 30 người ) đáp ứng được những công trình có quy mô hơn.

Các tập đoàn lớn hoạt động trong ngành đầu tư xây dựng có sẵn cả một tập thể KTS làm việc riêng cho họ (cộng với cả trăm họa viên chuyên nghiệp). Họ chiếm lĩnh thị trường, dành được tất cả những hợp đồng, và đôi khi kết hợp với những công ty kiến trúc nước ngoài có tiếng (chỉ để làm những phác thảo sơ bộ).

Nói cách khác là rất khó kiếm được những công ty kiến trúc có quy mô vừa phải nhưng đáp ứng được những đầu bài mang tính chiến lược phát triển, và đưa ra các phương án sáng tạo theo một định hướng phát triển tốt của đất nước (như những dự án trường học, đại học, nhà ở xã hội, quy hoạch chi tiết). Không có môi trường cạnh tranh minh bạch thì khó mà có được những dự án có chất lượng.

Vì vậy, có thể nói rằng những người làm nghề kiến trúc ở Việt Nam còn đang đi tìm cho mình một hướng đi giữa vô vàn những khuôn mẫu nhập từ khắp thế giới mà bản thân mình chưa chắt lọc hết được.

Một dấu hiệu tích cực là hiện nay đã xuất hiện những đơn vị (nhà nước hoặc tư nhân) với chức năng là tư vấn và hỗ trợ chủ đầu tư trong các giai đoạn của dự án. Tuy nhiên, hình thức và cách hoạt động của những đơn vị này chưa thực sự hữu hiệu. (Nhân sự của các đơn vị này lại thường là những KTS trẻ, họ chịu sự quản lý của chủ đầu tư (thường là những công ty lớn), tất cả những điều này lại đi ngược lại với thiên chức của một tư vấn hỗ trợ cho chủ đầu tư).
Trong một xã hội mà sự xem thường dịch vụ và sản phẩm tri thức vẫn còn tiếp tục thì vấn đề này còn kéo dài. Trong khi tại châu Âu , các dịch vụ tư vấn hỗ trợ này đã được xã hội thấu hiểu từ lâu và được chấp nhận như một yếu tố đem lại giá trị lợi nhuận đáng kể cho dự án.

Hiển nhiên, cần sớm có mặt những công ty tư vấn loại này nhưng phải là những đơn vị độc lập, có nghiệp vụ và được tôn trọng… Bởi thị trường đang rất cần dịch vụ này và sẽ không bao giờ hết việc.

Sức sống và khả năng phục hồi ở đây là có thật và hứa hẹn nhiều cho tương lai đất nước Việt. Khả năng thích nghi và phát triển của các KTS là con “ách chủ bài” cho hoạt động của ngành.

Dần dần, KTS sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng kèm với sự tôn trọng của xã hội. Nhưng, vẫn còn đó nỗi gian nan đi tìm “tính đặc thù Việt Nam”, đồng hành với cả một thế hệ đang khát khao thành công bằng mọi giá.
Điều cần thiết là chủ đầu tư và KTS phải chung tay làm việc nhằm cho ra những dự án có chất lượng và chứa đựng nhiều ý nghĩa.

Những công trình đẹp nhất trên thế gian phải chăng đó là kết quả của sự gặp gỡ, phối hợp của những KTS và những khách hàng – Thời khắc đặc biệt của một yêu cầu và một nhu cầu, tất cả vận hành như một thuật giả kim…

Olivier Souquet

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)