“THE CITY OF MAN” Ngôi nhà Ý tại World Expo Shanghai 2010

Một trong những pavilion nổi bật nhất về hình dáng kiến trúc và thu hút đông đảo nhất số lượng người tham quan tại World Expo 2010 lần này tại Shanghai là pavilion của nước Ý, các phần khác nhau của tòa nhà tạo nên một loạt các biểu tượng hình học truyền thống xác định tính cách Ý, nêu bật những địa hình phức tạp của các thành phố của Ý nơi du khách có thể cảm thấy như đang tản bộ qua những gian hàng của những người thợ may, thợ thủ công trên những đường phố chật hẹp những sân vườn với  hương vị đặc trưng Ý và rồi đột ngột mở ra một quảng trường lớn rực rỡ đan xen hình ảnh mái vòm cổ kính với xe ô tô sang trọng, quần áo thời trang  bên những bức tranh nổi tiếng, nơi những nghệ sỹ violon say sưa biểu diễn.

“THE CITY OF MAN” là đề xuất của Ý cho thành phố trong tương lai gần: một mô hình đô thị có thể kết hợp yêu cầu đổi mới của thành phố với việc bảo vệ lịch sử và sự cần thiết duy trì một mối quan hệ bền vững với cư dân . Tinh thần của Pavilion  thể hiện sự trở về một cuộc sống đơn giản dựa trên quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái được cải thiện bền vững. Đó cũng là bức chân dung chính xác và dễ hiểu của các ý tưởng đặc trưng Ý, hòa hợp với chủ đề chung của cuộc triển lãm ‘Better City, Better Life’ – “Thành phố tươi đẹp, Cuộc sống tốt đẹp”. Triết lý này được cụ thể hóa bằng việc ứng dụng công nghệ và vật liệu mới cho thiết kế và xây dựng nhằm biến Pavilion thành một vùng “khí hậu sinh thái”, sử dụng hiệu quả năng lượng. “THE CITY OF MAN” được xây dựng bằng kính Low-E tự làm sạch tạo hiệu ứng ánh sáng tự nhiên không chỉ làm nổi bật không gian, mà còn tiết kiệm năng lượng. Toàn bộ bên trong và mặt ngoài công trình được cấu trúc bởi một sản phẩm mới là Transparent Concrete. Vật liệu này tạo ra hiệu ứng tăng gấp đôi ánh sáng từ bên ngoài vào ban ngày và từ bên trong vào ban đêm. Bên cạnh đó, gạch ceramic tự diệt khuẩn , sơn làm sạch không khí bằng cách hút khói và ẩm cũng được sử dụng.


     “The City of Man” là tác phẩm của nhóm Công ty  Iodice Aversa và các kiến trúc sư: Teresa Crescenzi, Antonello De Bonis, Cosimo Dominelli, Francesco Iodice, Giuseppe Iodici và Marcello Silvestre và do kiến trúc sư Giampaolo Imbrighi chủ trì. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ trò chơi truyền thống ở Ý có tên “Shanghai sticks”. Trong trò chơi, bọn trẻ thả một đống khoảng 20-30 cây gậy và khéo léo rút từng cây một mà không làm đổ những cây khác. Hình ảnh những cây gậy này cũng thể hiện tính đa dạng của các đường phố trong thành phố của Ý. Pavilion có diện tích 3.600 mét vuông và cao 18 mét. Bên trong nó được chia thành 20 module, chức năng đại diện cho 20 vùng của Ý, có kích thước khác nhau có thể lắp ráp một cách tự do, hoặc tháo dỡ và xây dựng lại trên một quy mô nhỏ hơn ở một địa điểm khác.

(Từ cuối tháng bảy đến đầu tháng tám sẽ có một cuộc triển lãm giới thiệu về 300 phát minh đoạt giải của nhóm các công ty, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và công viên công nghệ của Ý)

Hoạ sỹ Bùi Chí Công