Hồ Gươm trong lòng Hà Nội

Được biết UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với 2 Hội chuyên ngành Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam và Hội KTS Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian Kiến trúc – Văn hóa – Lịch sử Hồ Hoàn Kiếm: Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội”, tác giả biên tập vài ví dụ về sự tham gia của cộng đồng (đặc biệt là cộng đồng chuyên gia và KTS) trong việc phát huy giá trị văn hóa lịch sử, không gian xanh, không gian công cộng ven hồ Hoàn Kiếm.

Bản đồ Hà Nội năm 1885 – trích đoạn quanh khu vực Hồ Gươm: Khu 36 phố phường, phía Đông và phía Nam Hồ Gươm vẫn là những hồ ao chi chít.
Bản đồ Hà Nội năm 1885 – trích đoạn quanh khu vực Hồ Gươm: Khu 36 phố phường, phía Đông và phía Nam Hồ Gươm vẫn là những hồ ao chi chít.

“Còn lại bên hồ một đá trơ”
Cuối thế kỷ 19, quanh Hồ Gươm cũng vẫn nguyên sơ cảnh xóm làng với lều tranh lúp xúp, lối ngõ chật chội lầy lội. Hồ vẫn chỉ là cái ao để giặt giũ tắm rửa… Vươn cao lên trên nền trời Thăng Long lúc ấy là đài Nghiên, tháp Bút

Ngoài cổng Đền Ngọc Sơn có hàng câu đối: “Ngắm làn nước, leo lên núi, một lối đi dẫn vào nơi cảnh đẹp/ Tìm nguồn xưa, hỏi việc cũ, nơi này vô hạn phong quang”. Trên mặt trụ đắp câu đối: “Dựng cột làm tiêu, mở lối cho người đi /Dẫn người giác ngộ, hiểu được đạo làm người”. Tiến vào phía trong, có câu: “Đi vào đây, trông lên trời ánh hồng gần như gang tấc / Phía Đông Nam, nước hồ ngăn bụi trần gian”… Nhắc nhở du khách bỏ lại sau lưng cảnh phồn hoa bụi bặm.

Bên trái cổng có mô đất cao, khi còn là cung Khánh Thụy gọi là núi Ngọc Bội, người ta xếp đá và dựng trên đỉnh ngọn tháp bằng đá 5 tầng, tạc ba chữ lớn “Tả Thanh Thiên” – Viết lên trời xanh, diễn cảm cái khí phách của người cầm bút. Chiếc cầu cong có tên “Thê Húc”, có nghĩa là nơi đậu của ánh sáng ban mai …
Trên đảo Ngọc có lưu bút của nhiều bậc danh nho “Giấu bảo kiếm ngàn vàng trong nước mùa thu/Tỏa tấm lòng sao băng trong lòng hồ ngọc”, Ngoài cửa đền đắp câu: “Linh khí từ gươm thiêng còn sáng ngời như nước / Văn học kết khối lớn bền vững như non”. Bên cạnh có đình nhỏ hình vuông, hàng ngày có người gánh đôi bồ khắp phố, nhặt giấy có chữ đốt ở đây, không để chữ nghĩa của Thánh hiền vương vãi, ai đó vô tình dẫm lên – là bất kính .(1)

Đền Ngọc Sơn, đài Nghiên và tháp Bút gửi gắm bao hoài bão của kẻ sĩ Long Thành. Đó cũng là nỗi niềm của muôn người muốn lưu giữ những giá trị xưa cũ trước những đổi thay. Và cũng là tâm tư của cư dân Thăng Long – Đông Đô Hà Nội: Quý sự Thanh tao, yêu cái Đẹp, điều Thiện và những tinh hoa xưa cũ, đáng trân trọng là những thông điệp đã được chuyển tới nhân gian rộng lớn.

Sơ đồ thoát nước khu vực bên ngoài Thành Hà Nội -1889 (trước khi lấp hào phá tường thành)
Sơ đồ thoát nước khu vực bên ngoài Thành Hà Nội -1889 (trước khi lấp hào phá tường thành)

Cộng đồng chuyên gia tham gia bảo vệ các di sản Hà Nội
Cuối thế kỷ XIX, người Pháp chiếm Hà Nội, sau đó xây dựng nhiều công sở quanh Hồ Gươm trên nền các đình, đền, chùa. Người dân mất nước chứng kiến với nỗi niềm cay đắng và những lời cảm thán bằng các bài đồng dao ai oán đã lan tỏa trong dân gian.

Trong hoàn cảnh đó, tiếng nói của cộng đồng lại xuất phát từ chính những trí thức tiến bộ trong bộ máy cai trị, họ đã nỗ lực thành lập Viện Viễn Đông bác cổ – L’Ecole Francaise d’Extrême-Orient-EFEO (năm 1898) với tôn chỉ: “Tìm hiểu sâu về xứ sở qua nghiên cứu lịch sử và văn hoá nhằm dẫn dắt và phát triển mạnh hơn kho tri thức của Pháp“. EFEO có vai trò giám sát các công trình lịch sử trong khi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng của chúng. Trong bối cảnh các di tích Hà Nội không hề được bảo vệ, bị những người xâm chiếm phá hoại tràn lan để xây dựng đô thị thì nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Tư liệu EFEO soạn thảo làm cơ sở để tranh luận và thuyết phục các đại diện giới quân sự, tôn giáo và hành chính của Pháp, giảm thiểu sự tàn phá di sản ngay từ những ngày đầu Hà Nội bị chiếm đóng.

Cơ quan EFEO có nhiều chuyên gia: Gustave Dumoutier – nhà khảo cổ học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học phương Đông; KTS Henri Parmentier, Henri Vildieu, Luis Bezacier và đặc biệt là KTS Ernest Hébrard. Ngoài những nhà khoa học uyên bác người Pháp, có rất nhiều người Việt có trình độ uyên thâm như cụ Nguyễn  Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu… Tham gia công tác bảo tồn di sản còn nhiều người  Việt tâm huyết khác với danh hiệu “cộng tác viên của EFEO” từ năm 1902.

EFEO nhanh chóng lập ra danh sách các 40 công trình di sản được bảo vệ tại Hà Nội: chùa Trấn Quốc, Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, đền Trấn Vũ, chùa Một cột, đền Bạch Mã, Hồng Quang, Hồng Phúc, Chiêu Thiền, Liên Phái…và tất nhiên là những công trình kiến trúc còn lại quanh Hồ Gươm.

Không chỉ bảo tồn các công trình, các hoạt động nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị của di sản như dịch văn bia, nghiên cứu sự biến đổi qua các giai đoạn trùng tu và từ đó xác định các nguyên tắc bảo tồn, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thực tiễn.(2)

Cải tạo quanh Hồ Gươm khởi công từ tháng 11/1885. Tuy vậy, lối đi dạo đến năm 1893 mới xong
Cải tạo quanh Hồ Gươm khởi công từ tháng 11/1885. Tuy vậy, lối đi dạo đến năm 1893 mới xong

Hồ Gươm soi bóng đất trời
“… Một ngôi đền nhỏ thấm đẫm triết lý, một ngọn tháp nhỏ bé mà ngạo nghễ, nhịp cầu cong duyên dáng bền bỉ, những vòm cây sum xuê rễ lá và mặt nước bình lặng bao dung. Con đường nhỏ bao quanh những mái nhà nhấp nhô ẩn hiện sau hàng cây và nền trời như đọng lại, như ngưng lại thời gian… Hồ Guơm chỉ có vậy thôi mà người Việt gần xa, mỗi lần rảo bước quanh đây đều cảm thấy từ đáy lòng cái tình cảm sâu sắc đến Hà Nội, đến Tổ Quốc và xa hơn nhớ đến công đức Tổ Tiên ..” (3) (Trích dẫn đề của phương án dự thi Giải thưởng Kiến trúc quốc tế do Viện Hàn lâm Kiến trúc quốc tế tổ chức năm 1994 với chủ đề “Kiến Trúc – Con người 2000). Cuộc tranh tài của 250 tác phẩm đến từ 55 quốc gia. Hội KTS Việt Nam ký xác nhận tham gia đồ án “Hồ Gươm – Hà Nội: Không gian và ý tưởng kiến trúc” (KTS Lê Thị Kim Dung chủ trì). Hình ảnh ấn tượng của Đồ án là bàn tay gớm ghiếc, ngón tay tham lam vươn ra thèm muốn vừa thu tóm lấy không gian, vừa muốn bóp nghẹt những giá trị văn hóa lịch sử của Hồ Gươm. Đây không còn là dự cảm nữa mà là một thực tế khi hai mươi năm qua, gần ba chục dự án cao ốc ven Hồ Gươm đã được soạn thảo và trình bầy tại các cơ quan quản lý… vài công trình đã lọt lưới để sừng sững soi bóng xuống mặt hồ bé xíu. Giữa những năm tháng rộn ràng liên doanh nước ngoài khai thác kinh doanh văn phòng khách sạn, thì Đồ án lại vạch ra những kế hoạch mở rộng lối đi ven hồ, khai thông các không gian nối các quảng trường nằm cách Hồ Guơm vài dãy phố thành một quần thể trong sáng – rộng mở… đẹp tới mức không tưởng.

Ban Giám khảo quốc tế gồm các Viện sĩ, KTS lừng danh đã lựa chọn và trao giải thưởng đặc biệt cho Đồ án. Có lẽ, giá trị tri thức của đồ án chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong sự đánh giá, trân trọng của Ban Giám khảo. Quý hơn là họ đã ghi nhận sự can đảm, vượt lên những tư duy bị thực tại chi phối, tiên lượng chuẩn xác những thách thức mà văn hóa sẽ phải đối mặt trong Phát triển và đưa ra giải pháp thỏa đáng, ngay tại những thời điểm khó khăn nhất .

Đối mặt với những dự án tàn phá không gian cảnh quan Hồ Gươm và vùng phụ cận, cộng đồng xã hội đã tham gia quyết liệt với những lý lẽ thuyết phục, bảo vệ, nhiều công trình đã phải dừng lại (KS Hà Nội Vàng, Cao ốc EVN, Trung tâm thương mại Bách hóa tổng hợp…). Lùi xa khỏi sự ồn ào, có thể thấy: Nhiều cuộc thảo luận đang thừa cảm xúc và thiếu chuyên nghiệp. Thiếu chuyên nghiệp ngay từ cách đối thoại với nhau để giải thích mọi chuyện một cách dễ dàng. Trước những sự kiện liên quan, xã hội mong đợi từ KTS là các sáng kiến, những gợi ý để những dự án đáp ứng được nhu cầu của tương lai hay thực tại nhưng vẫn duy trì được tình cảm, hình bóng con người đối thoại trong thành phố. Vai trò của KTS là làm cho quá trình đối thoại ấy trở nên trong sáng và dễ dàng hơn, với các giải pháp để từng vật thể, những không gian quanh nó chung sống một cách tích cực hơn. Nhưng đây là điều mà giới KTS chưa có cơ hội thực hiện một cách xứng đáng

Nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với hai Hội chuyên ngành là Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam và Hội KTS Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc – văn hóa – lịch sử Hồ Gươm: Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội”, tác giả biên tập vài ví dụ về sự tham gia của cộng đồng (đặc biệt là cộng đồng chuyên gia và KTS) trong việc phát huy giá trị văn hóa lịch sử, không gian xanh, không gian công cộng ven hồ. Những câu chuyện trên cho thấy: Hồ Gươm vẫn thường trực trước những nguy cơ, đe dọa và vẫn nguyên vẹn niềm hy vọng, ao uớc. Tương lai đẹp đẽ của nó vẫn còn rất xa ở phía trước và may mắn hôm nay lại bắt đầu những bước đi mới ngay tại đây, ngay trong diễn đàn lúc này. Bởi những tình cảm yêu quý Hồ Gươm – Hà Nội, mỗi người thể hiện tình yêu đó theo cách riêng của mình.

Tài liệu tham khảo :
(1). Tư liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991), Tuyển tập văn bia Hà Nội – Đền Ngọc Sơn :“Trùng tu văn xương miếu bi ký”
(2). France Mangin “Di tích lịch sử Hà Nội 1900-1930”, Tạp chí “Xưa và Nay”6/2009
(3). Trích thuyết minh Đồ án “Hồ Gươm – Hà Nội: Không gian và ý tưởng kiến trúc ”.
Ảnh : nguồn Hanoidata ST&BT

KTS Trần Huy Ánh