Phát triển mà không bảo tồn di sản Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt

Năm 1893, bác sỹ Yersin khám phá ra cao nguyên Lang Biang, đã đánh dấu sự ra đời của một đô thị nghỉ dưỡng tại địa danh “Đạ – Lặch” (dòng suối của người Lặch) để thành phố Đà Lạt ngày nay đã 126 năm hình thành và phát triển.

Nguồn: internet

Quy hoạch thành phố Đà Lạt

Đề án Quy họach chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (hợp tác với Pháp) năm 2012 , diện tích tự nhiên 3.306km2, độ cao từ 850 – 1.500mét, xác định:

– Ngoài vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Lâm Đồng. Đà Lạt còn là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế, thành phố còn có thêm vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia, trung tâm nông nghiệp giao thương và công nghệ cao.

Cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan rừng tươi đẹp, phong phú: Không gian kiến trúc cảnh quan Đà Lạt dựa trên cơ sở phát huy đặc trưng địa hình địa mạo, sinh cảnh rừng đặc trưng, rừng thông tự nhiên, mặt nước suối hồ và bảo tồn kiến trúc cổ Đà Lạt. Nếu nhìn tổng thể Đà Lạt như một công viên khổng lồ với rừng thông bao phủ.  Giá trị cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt cao hơn các thành phố khác. Các đỉnh đồi, các triền đồi, các thung lũng, các hồ nước, các rừng thông, thảm xanh , cây xanh phố thị, các trang trại rau và hoa, những con đường ngoằn nghẻo lúc ẩn , lúc hiện trong sương là các yếu tố cảnh quan đặc trưng của Đà Lạt. Với một không gian thoáng rộng , nhìn thấy cảnh quan xanh tự  nhiên giữa lòng thành phố, đan xen giữa các lớp kiến trúc công trình được xây dựng nhấp nhô theo tầng bậc của địa hình đồi núi… sẽ là hình cảnh hấp dẫn cho quảng bá du lịch. Đà Lạt còn được gọi là “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”, thành phố ngàn thông, thành phố ngàn hoa, xứ hoa anh đào, thành phô Festival hoa, thành phố mộng mơ, thành phố của hồ thác, thành phố phong cảnh ,  v.v. Cảnh quan Đà Lạt đẹp như tranh vẽ, có người còn gọi Đà Lạt là Thụy sỹ của châu Á. Do vậy Đà Lạt có thể được gọi là “thành phố sinh thái rừng”cần được bảo tồn.

-Di sản kiến trúc Pháp độc đáo: Có khoảng 4.000 biệt thự cổ kiểu Pháp và số lớn các công trình giáo dục, thương mại tráng lệ, chưa kể nhiều căn nhà kiểu vùng Alpes của Thụy Sỹ, đã tạo cho kiến trúc Đà Lạt ảnh hưởng đặc biệt khác. Có thể nói kiến trúc Đà Lạt là di sản kiến trúc có giá trị không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới, là một bộ sưu tập ngoạn mục các công trình cổ điển theo kiểu Pháp có thẩm mỹ hoàn hảo và sự sáng tạo táo bạo người ta còn gọi Đà Lạt là tiểu Paris., do vậy Đà Lạt đã trở thành “thành phố di sản” cần được bảo tồn.

Theo KTS Therry Hauu (Pháp) thì bản quy hoặch đã: “Phát huy những yếu tố trọng yếu mà không bản quy hoặch nào bỏ qua là đặc tính dễ vỡ của môi trường sinh thái Đà Lạt

Mô hình phát triển và cấu trúc đô thị đảm bảo phù hợp với quan điểm mục tiêu phát triển nhất là đặc thù sinh thái tự nhiên là rừng thông, không gian kiến trúc cảnh quan du lịch là di sản văn hóa Pháp. Về định hướng không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu, để gữa lất nét đẹp của Đà Lạt xưa , phát triển các khu “đô thị vệ tinh” gắn với các khu vực động lực phát triển kinh tế như: làng đại học, khu du lịch, khu công nghệ cao, khu thể dục thể thao, sân bay, tại các khu vực ngoại thành và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà v.v.. đồng thời hạn chế các khu dân cư dọc theo các tuyến đường giao thông hướng vào trung tâm thành phố , hướng đến Đà Lạt mới hiện đại.

Dự báo quy mô dân số đến năm 2020 của thành phố Đà Lạt khỏang 620 – 650 000 người, tỷ lệ đô thị hóa từ 55-60%, đến năm 2030 khoảng 700 – 750 000 người, tỷ lệ đô thị hóa 50-65%. Trong đó du khách đến Đà Lạt năm 2020 khoảng 5-6 triệu  người và tăng lên 9-20 triệu người năm 2030.

Bảo tồn để phát triển

Bảo tồn di sản là để gìn giữ bàn sắc đô thị: Đề thành phố Đà Lạt hấp dẫn hơn cần bảo tồn di sản đô thị bao gồm cả di sản thiên nhiên và lịch sử trong quá trình phát triển. Một đô thị giống như một cơ thể sống. Nó luôn thay đổi từng ngày, từng giờ để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Đà Lạt cũng vậy không chỉ ôm khư khư lấy quá khứ mà còn phải có nhu cầu phát triển hiện đại hóa, nâng cấp cả về quy mô và chất lượng đô thị. Tuy nhiên một đô thị hiện đại văn minh đẳng cấp thì phải thể hiện được cách ứng xử tôn trọng với di sản thiên nhiên và lịch sử. Trong quá trình phát triển, Đà Lạt phải đặc biệt quan tâm đến bảo tồn kiến trúc Pháp và cảnh quan đô thị trong rừng để phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Nhiều dự án xây dựng mới hiện đại đã và đang được xây dựng, nhằm tạo cho Đà Lạt một bộ mặt mới văn minh, hiện đại đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của thành phố trong thời kỷ hội nhập hội nhập kinh tế quốc tế, thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên theo Sở Xây dựng Lâm đồng, thời gian qua, một số biệt thự được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng chưa được kiểm sóat chặt chẽ. Nhiều biệt thự xuống cấp, kinh phí để cải tạo bảo tồn còn hạn chế, đã làm giá trị kiến trúc giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, việc hình thành các công tình có kiến trúc mới, mật độ xây dựng gia tăng, cây xanh giảm, xây dựng các công trình xen kẽ trong khu biệt thự… đã làm cho cảnh quan thơ mộng hài hòa trước đây bị thay đổi.

Bảo tồn thành phố sinh thái rừng

Rừng là hệ sinh thái chứa đựng trong đó sự đa dạng sinh học phong phú của Đà Lạt. Thành phần của hệ sinh thái rừng cũng giống như thành phần của một hệ sinh thái điển hình, song đối với rừng thành phần thực vật mà đặc biệt là cây gỗ được quan tâm hơn cả, đây chính là thành phần lập “quần thể” cây rừng. Về mặt lịch sử các yếu tố thiên nhiên (trong đó có rừng cây) đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng đô thị. Đà Lạt vốn đã là đô thị cảnh quan, người dân lại sống gắn bó với thiên nhiên rừng cây, thân thiện với môi trường ,đó là cơ sở vững chắc để Đà Lạt đi tiên phong hướng tới đô thị sinh thái rừng để phát triển bền vững. Tiêu chí của đô thị sinh thái rừng là xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên của rừng, đa dạng hóa chức năng sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người, xây dựng hệ thống đô thị khép kín và tự cân bằng, giữ cho sự phát triển dân số với chức năng của môi trường sinh thái rừng tự nhiên xung quanh được cân bằng tối ưu.  Đô thị sinh thái rừng thì trước tiên phải là đô thị sinh thái nơi có tỷ lệ cây rừng đáng kể đóng góp vào sự cân bằng sinh thái trên địa bàn đô thị. Đô thị sinh thái rừng Đà Lạt là đô thị sinh thái trong đó chủ yếu là sinh thái rừng đặc trưng, rừng thông tự nhiên. Đô thị sinh thái hoàn chỉnh cần bao gồm cả kiến trúc sinh thái, kiến trúc sinh thái phải phù hợp với điều kiện khi hậu, kiến trúc có hiệu quả về năng lượng, sử dụng năng lượng tự nhiên tốt nhất: nắng, gió và nước.

Riêng đối với Đà Lạt, thành phố đặc thù, thành phố di sản – thành phố phong cảnh (rừng thông ) thì đô thị sinh thái rừng càng có ý nghĩa đặc biệt. Đô thị sinh thái rừng cần có nhiều mảng xanh rừng nhiều hơn đô thị sinh thái thông thường, có thể lên tới 70% diện tích của đô thị.Thiên nhiên là hữu hạn, không tự nó sinh ra. Tài nguyên thiên nhiên của Đà Lạt cũng hữu hạn. Chúng ta luôn đứng trước bài toán nan giải bảo tồn và phát triển. Rõ ràng thành phố không thể không phát triển, nhưng càng phát triển thì tài nguyên cảnh quan sẽ càng thu hẹp và cạn kiệt.Theo công bố hiện trạng rừng cùa BNN&PTNN, đô che phủ rừng của Đa Lạt chỉ chiếm 49%, thật đáng báo động! Điều đó dẫn đến chúng ta cũng phải có một ngưỡng cảnh quan nào đó để “không bị vỡ mất hệ sinh tháí rừng” và thành phố có thể phát triển bền vững. Đây sẽ là một công trình khoa học căn bản hội tụ nhiều hệ thống thông số khác nhau về dân số, kinh tế, môi trường, chu trình sinh thái, giá trị thẩm mỹ, giá trị biểu tượng v.v..

Tuy nhiên để giảm thiểu và sử dụng một cách hiệu quả tài nguyên hữu hạn này trước tiên cần bảo tồn hình thái đô thị hiện hữu của Đà Lạt là các khu chức năng đô thị được tách biệt rõ ràng, được kết nối bởi những khoảng không gian chuyển tiếp là không gian xanh, mà không gian rừng là chủ đạo. Đó là thành phần cảnh quan liên kết, thường là không gian xanh hay còn gọi là vùng đệm sinh thái đô thị. Nó tạo ra sự điều hòa và duy trì sự cân bằng giữa không gian xây dựng với các khu vực sinh thái tự nhiên. Đó cũng là cơ sở để tạo nên bộ khung thiên nhiên xen giữa các chức năng đô thị, góp phần bảo tồn thành phố sinh thái rừng của Đà Lạt.  Để cho sự thu hẹp của cảnh quan thiên nhiên, mô hình phát triền vùng phụ cận của Đà Lạt nên theo mô hình phát triển phân tán (không phát triển các khu dân cư liên tục dọc theo các trục giao thông hướng vào thành phố, mà trồng cây xanh hai bên đường để trở thành giao thông xanh), với các đô thị vệ tinh sinh thái- xanh (để thu hút đầu tư). Mô hình phát triển phân tán đã kết hợp 2 lối sống đô thị và nông thôn (ở Đà Lạt còn có cả núi đồi, rừng và hồ ) hướng đến đô thị sinh thái, đô thị xanh, để thành phố sống tốt  và phát triển bền vững .Quỹ cảnh quan kiến trúc của Đà Lạt tuy không nhiều, nhưng có rừng, là độc đáo duy nhất và có giá trị, tuy nhiên các giá trị này chưa được phục dựng đầy đủ.

Bảo tồn thành phố di sản

Sau năm 1975, Đà Lạt ngoài chức năng du lịch và nghỉ dưỡng còn được xác định là Thành phố – Tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, đó là thách thức khắc nghiệt với thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên để nâng cao tính cạnh tranh, Đà Lạt cũng cần hướng tới đô thị đại học và đô thị khoa học kỹ thuật cao  để trở thành một đô thị đa chức năng song chức năng chủ đạo vẫn là du lịch – nghỉ dưỡng của cả nước và khu vực và quốc tế .

Trong những thập kỷ qua, quỹ tài sản vật chất (hạ tầng kỹ thuật…) và kiến trúc ở Đà Lạt đã được nâng cấp và tăng lên gấp bội. Bên cạnh các di sản kiến trúc Pháp , Đà Lạt hiện nay đang có nhiều thể loại kiến trúc du nhập từ các tỉnh của cả nước, Hà Nội và TPHCM. Những kiến trúc này không làm nên đặc trưng mới cho đô thị Đà Lạt. Ngoài ra nhà chia lô, tỷ lệ bê tông hóa cao v.v.. đang làm giảm đi giá trị kiến trúc cảnh quan Đà Lạt . Hiện nay các kiến trúc xây dựng mới hiện đại đang có xu hướng lấn át các công trình cũ của Đà Lạt.

“Một trong những trạng thái không được thích thú của đô thị hóa nhanh là các thành phố trông rất giống nhau. Nhiều môi trường đô thị về mặt chức năng chỉ là một mớ bê tông hỗn độn khó chấp nhận với không gian công cộng không hấp dẫn. Một số thành phố đã ngăn chặn tình trạng này thông qua văn hóa, xây dựng truyền thống, các không gian mở và bảo vệ môi trường” (Lim Hng Kiang, Singapore năm 1999).

Đã đến lúc phải xem đô thị di sản- cảnh quan Đà Lạt như một cơ thể sống với sức chịu tải có hạn. Nếu bài toán giới hạn được đặt ra thật khoa học và hợp lý thì việc ứng xử với các nhà cao tầng đô thị mới được giải quyết thấu đáo. Do vậy nên hạn chế chiều cao dưới 5 tầng, mật độ không quá cao, để bảo tồn cảnh quan đô thị.

Ngay cả khi chỉnh trang khu Hòa Bình, khu du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, trung tâm lịch sử của TP Đà Lạt với những công trình mang nhiều ký ức của cộng đồng, ghi dấu ấn phát triển lịch sử nhân văn đô thị , thì chiều cao của các tòa nhà đều không vượt qúa 5 tầng, cần mang nặng đặc trưng văn hóa Pháp với các khoảng xanh ngăn cách và phải đảm bảo mật độ cây xanh chỉ tăng lên chứ không thể giảm xuống. Tuy nhiên khu Hòa Bình lại quá nhỏ, quá tải giao thông đô thị ở Đà Lạt nằm ở chính điểm thắt Hòa Bình, mọi luồng giao thông đều dồn vào đây.  Do vậy vùng trung tâm cần mở rộng từ khu Hòa Bình ra hồ Xuân Hương.Trong quá khứ người Pháp quy hoạch Đà Lạt theo hướng lấy trung tâm là hồ Xuân Hương và mở rộng tầm nhìn về hướng Lang Biang. Cần xác lập khu Hòa Bình là trung tâm di sản của Đà Lạt kết nối với tuyến di sản (heritage trail). Theo KTS Thierry Huau thì cũng cần hình thành trục di sản tại Đà Lạt hiện hữu và tương lai để giữ được cho Đà Lạt những gì còn lại (trục di sản gồm đường Hoàng văn Thụ, Trần Phú,Trần Hưng Đạo và Hùng Vương).

Kiến trúc cao tầng – điểm nhấn là cần thiết trong không gian cảnh quan Đà Lạt tuy chỉ có 5 tầng ,song cũng cần được xem xét cẩn trọng thông qua thiết kế đô thị, với mục đích là tạo thêm giá trị cảnh quan cho đô thị, chứ không làm mất đi giá trị cảnh quan.

Tuy nhiên Đề án quy hoặch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình vừa được công bố đang vấp phải sự phản đối cùa người dân Đà Lạt và du khách. Theo đó, rạp hòa bình sẽ xóa bỏ, dinh tỉnh trưởng bị di dời nguyên khối đến một vị trí thích hợp trong khôn viên hiện tạo để xây dựng 3 khối công trình cao từ 5-7 tầng và hiện nay là 10 tầng với diện tích 30 ha có quy mô quá lớn .Do vậy đồ án quy hoặch  không phù hợp với cảnh quan , thậm chí phá vỡ cảnh quan đô thị sinh thái rừng và không phù hợp với giá trị lịch sử của Đà Lạt là đô thị  di sản. Có thể chuyển đồ án trung tâm Hòa Bình_ Đà Lạt hiện đại này tới khu đô thị vệ tinh phía Đông Bắc ngoại thành tạo điểm nhấn cho một đô thị Đà Lạt mới hiện đại.

Kinh nghiêm Sigapore cho thấy, sau cơn say phát triển hiện đạo kéo dài 20 năm  (từ thập niên 1980-19900) ồ ạt đầu tư cho du lịch nua sắm, Singapore đã chợt ngộ ra rằng, sự gắn bó với nơi chốn không phải nằm ở những thứ hào nhoáng hay xa xỉ ai có tiền cũng làm được mà phải bằng những giá trị văn hóa bản địa, ký ức cộng đờng và những gì làm nên từ căn tính của mình. Giữ gìn, tôn trọng di sản, để di sản không bị bỏ đói, hoang phí, nhếch nhác xuống cấp, vừa biến di sản thành giá trị cộng hưởng vào phát triển là bài tóan mà Singapore đã có lời giải kịp thời và hiệu quả. Các tuyến di sản của Singapore đều trở thành điểm đến du lịch có bản sắc, hấp,dẫn du khách.

Nếu cây rừng cứ mất đi , rừng thông thưa hẳn, thời tiết nóng hơn ; biệt thự Pháp xưa cứ mất dần, các công trình hiện đại quy mô lớn thi nhau mọc lên để lấn át đô thị  di sản, thì Đà Lạt sẽ ra sao? Vấn để là phải giữ vững nguyên tắc “bảo tồn để phát triển, nhưng  vấn đề cần là tìm ra “một ngưỡng/ một giới hạn cần bảo tồn” để giữ lấy nét đẹp của Đà Lạt xưa.

Nếu phát triển mà không bảo tồn di sản  thì Đà Lạt sẽ mất đi bản sắc riêng của mình, không còn là Đà Lạt như ta hằng biết, hằng say đắm. Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa.

Hãy giữ lất nét đẹp của Đà Lạt xưa và phát triển Đà Lạt mới hiện đại ra các đô thị vệ tinh ngoại thành.

Do vậy trong quá trình phát triển , cần thực hiện  mục tiêu tầm nhìn cho TP Đà Lạt là  bảo tồn  “TP thành phố di sản-kiểu Pháp” kết hợp với “ TP phong cảnh” với không gian cảnh quan đô thị thoáng đãng, tích hợp được các yếu tố: rừng thông, mặt nước, cây xanh, công viên mở và tầm nhìn thông thoáng  trong lòng đô thị và thực hiện mục tiêu chiến lược củaQuy hoặch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn 2050” là hướng tới “thành phố sinh thái rừng” kết hợp với “thành phố di sản kiến trúc Pháp”, được bảo tồn để giữ gìn bản sắc đô thị độc đáo của Đà Lạt và trở thành thành phố hấp dẫn, thành phố du lịch có tầm vóc quốc tế.

Nguyễn Đăng Sơn
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng

–––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

  1. Defining Model Cities : Singapore’s Perpective_ Lim Hng Kiang, World Conference on Model Cities, 19-21 April 1999 Singapore.
  2. Phương pháp tiếp cận mới về quy hoặch và quản lý đô thị_ Nguyễn Đăng Sơn, Nxb Xây dựng năm 2005, Tập 2 năm 2006
  3. Atelier sur le Design Urbain_ Rhône Alpes & HCMC, Mai-Juin 2007
  4. Hướng tới Đà Lạt phát triển bền vững, hiện đại và bản sắc _ Nguyễn Hồng Quân, TC Kiến trúc Việt Nam, tháng 6/2008
  5. Đà Lạt 115 năm hình thành và phát triên _ Huỳnh Phong Tranh , TC KTVN tháng 8/2008
  6. Cấu trúc không gian Đà Lạt – Chuyển hóa đô thị trong tương lai_ Trần Ngọc Chính & Ngô trung Hải, TC KTVN tháng 8/2008
  7. Những giá trị đặc thù của Đà Lạt_ Khương Văn Mười & Hoàng Thanh Thủy, TC KTVN tháng 8/2008
  8. Đà Lạt và những đồ án quy hoặch_ Nguyễn Hữu Tâm, TC KTVN tháng 8/2008
  9. Đà Lạt hướng về mô hình phát triển mới_ Nguyễn Đình Toàn, TC KTVN , tháng 8/2008
  10. Chiến lược và quy hoặch Đà Lạt tương lai _Robert R Winter, TC KTVN, tháng 8/2008
  11. Kiến trúc cảnh quan Đà Lạt- Tài nguyên hữu hạn và mong manh_ Nguyễn Tấn Vạn & Nguyễn Luận, TC KTVN tháng 8/2008
  12. Phát triển Đà Lạt trên cơ sở ý tưởng quy hoặch đô thị theo Đạo lý châu Á_ Phạm Tứ & Phạm Thị Ái Thủy, TC KTVN tháng 8/2008
  13. Lựa chọn tầng cao trong quy hoặch xây dựng Đà Lạt_ Lưu Đức Hải, TCKTVN tháng 8/2008
  14. Thành phố nghỉ mát không thể thiếu cây xanh_ Phạm Anh Dũng, TCKTVN tháng 8/2008
  15. Hiện dại mà vẫn nhân văn_ Nguyễn Đăng Sơn, TC Người Đô thị số 54 ngày 25/8/2009
  16. Giữ lấy nét đẹp của Sài Gòn xưa _ Nguyễn Đăng Sơn, TC Người đô thị số 55 ngày 10/9/2009
  17. Hiện đại và bản sắc _ Nguyễn Đăng Sơn, TC Người Đô thị số 113-115 ngày 25/2/2012
  18. Thành phố xanh_ Nguyễn Đăng Sơn, TC SG ĐTXD tháng 5/2012
  19. Văn hoá kiến trúc_ Hoàng Đạo Kính, Nxb Trí Thức. năm 2012
  20. Quy hoặch chiến lược hợp nhất _ Nguyễn Đăng Sơn, TC Quy hoặch xây dựng số 59 năm 2012
  21. Tương lai đô thị Việt Nam, Hành động hôm nay_ Cục Phát triển Đô thị, TC Quy hoặch Xây dựng số 59 năm 2012
  22. Cần đổi mới phương pháp quy hoặch ở nước ta_ Nguyễn Đăng Sơn, TC Quy hoặch Đô thị, số 12 năm 2012
  23. Phú Mỹ Hưng đô thị thân tiện với môi trường – Hướng đến đô thị sinh thái đô thị xanh_ Nguyễn Đăng Sơn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị PMH (1993-2013), TPHCM này 17/5/2013
  24. Đô thị sinh thái thích ứng với BĐKH_ Nguyễn Đăng Sơn , SG ĐTXD tháng 6/2013
  25. Đánh giá tính hấp dẫn đô thị một công cụ phục vụ quy hoặch đô thị hướng đến sự PTBV_Nguyễn Thành Hưng , TC QHXD số 89+90 năm 2018
  26. Quy hoạch chung TP Đà lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050_Trần Đức Lộc, TC QH ĐT số 30+31/2018
  27. Bảo tồn phát triển di sản đô tị sinh thái trường hợp từ đô thị Đà Lạt_ Nguyễn Đăng Sơn, TC KTVN số 219/2018
  28. Từ Singapore Heritage Trails nhìn về di sản Đà Lạt_Nguyễn Vĩnh Nguyên, TC Người Đô thị số 84 (5/2019)