Kiến trúc sư Nhật Bản, Đồng nghiệp ta ngưỡng mộ

Trong khảo cứu danh tiếng của mình (Architectural Design for Today – 1991), Andrea Papadakis đã dành hẳn cho nước Nhật 8 trong số 52 gương mặt toàn cầu hồi bấy giờ. Đó là  các KTS Kisho Kurakawa, Arata Isozaki, Tadao Ando, Fumihiko Maki, Hasegawa Itsuko, Kazuo Shinohara, Shin Takamatsu, Hajimi Yatsuka. Ngoài ra, ông còn viết một chương riêng dưới tiêu đề “Japanese Post-Modernism”. 
 
Công trình khu Liên hiệp thể thao Tokyo Metropolitan Gymnasium 2008. Fumihiko Maki thiết kế
 
Cùng thời gian đó, nhiều Tạp chí hay Tổ chức Văn hóa danh tiếng thường xuyên đưa KTS Nhật Bản vào danh sách bình chọn các KTS hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, kết quả bình chọn 12 KTS xuất sắc nhất thế giới hàng năm của tạp chí Kiến trúc Toàn cầu (các số G.A. từ 1995 – 2005), cho thấy luôn hiện diện 2 KTS Nhật Bản.
 
Nhưng đánh giá đáng tin cậy nhất thuộc về Hội đồng tối cao Pritzker: Trong tổng số 34 giải thưởng từ ngày thành lập (1979) đến nay, đã có 5 KTS Nhật giành được Giải thưởng cao quý này (giải thưởng năm 2010 được trao cho Sejima Kazuyo và Nishizawa Ryue).
 
Bản thân tôi, lần đầu tiên thực mục sở thị một công trình do người Nhật thiết kế, người Nhật thi công là Nhà văn hóa Công nhân tỉnh Quảng Ninh (năm 1976). Qua đó, tôi được biết chút ít về kiến trúc hiện đại Nhật Bản. Thật nhiêu khê, tại công trường, tôi đứng hàng giờ chỉ để xem kỹ sư và công nhân Nhật… tháo cốp pha cho phần đằng sau khối sân khấu. Mãi không dứt được vì thấy khối bê tông đồ sộ hiện ra ngọt sắc, như được hoàn thiện trau chuốt tự bao giờ. Rồi còn nấn ná bên dãy container đựng hộp kính, khung nhôm xây dựng “made in Japan” mà tôi chưa từng thấy trong đời.  Sau rốt, tôi xin một đoạn băng dính đem về, làm tàng trữ lưu vật kiến trúc Nhật.
 
Lần thứ hai vào năm 1994, nghĩa là sau gần hai mươi năm, sự tiếp xúc của tôi với kiến trúc đương đại Nhật Bản mới tiếp tục. Đó là lần dự triển lãm các thiết kế tại Hà Nội của Nhóm 5 KTS trẻ: Tetsuo Furuichi, Koshi Kitayama, Hisashi Hara, Muramatsu Shin, Katsuaki Furudate. Đây cũng là lần đầu tôi được xem các bản vẽ và ảnh màu kiến trúc Nhật khổ lớn. 
Một thế giới nghề nghiệp cao cường hiện ra trước mắt tôi. Vậy mà khi ra về, đọng lại trong tôi nhiều hơn cả lại là những lời giải thích của các tác giả Nhật Bản. Lâu quá rồi tôi chỉ nhớ được 3 ý, lại càng không nhớ lời nào – của ai. Đó là:
 
Với chủ nghĩa hiện đại thì mọi câu trả lời đều trở nên ngắn gọn: “Có” hay “Không” và chẳng có gì giữa hai thái cực ấy. Thế mà người làm kiến trúc chúng ta luôn phải đặt tưởng tượng của mình nghiêng hẳn về thái cực bên này hoặc bên kia. Chính khi ấy ta đã để mất đi nhiều giải pháp rất ý nghĩa nằm giữa cái “Có” và cái “Không”.
 
 “Khi đi dạo trên những đường phố cổ châu Âu, tôi cảm nhận rõ chúng khởi đầu ra sao. Vậy mà trở về nước là quên hết. Trong tôi chỉ ngự trị niềm thích thú cái hỗn độn của đô thị Nhật, nơi bao gồm cả những tòa nhà cũ kỹ lộn xộn, rẻ tiền. Một nơi mà mọi thứ đã trở thành biểu tượng, khiến cho ta cảm thấy chẳng có gì nhất quán và cái gì cũng có thể. Khi ấy tôi hiểu ra rằng mình không thể xa nước Nhật thêm một lần nào nữa” 
 
Hỗn độn, Á châu và lòng tham. Cả ba nhân tố này đều quá đỗi hiển nhiên ở Tokyo và các đô thị Nhật Bản ngày hôm nay. Thế nhưng, cho đến mai sau bản sắc Nhật Bản vẫn còn. Đó chính là tất cả những gì có ở Nhật Bản, có ở Tokyo mà nơi khác không có.
 
Lục lọi mãi cũng chỉ nhớ chỉ được chừng ấy. Nhưng tôi lại liên hệ ngay với lời phát biểu của Kenzo Tange. Đại ý ông bảo: “Đã đành, truyền thống mãi là ngọc quý. Nhưng muốn kế thừa truyền thống thì theo tôi kiến trúc sư cần phân nhỏ nó ra, để rồi kết lại thành chuỗi hạt mới” (tài liệu Hội thảo Kiến trúc – Design quốc tế Moskva – 1965 dịch là đập vụn). 
 
Thì ra các KTS trẻ Nhật Bản như Tetsuo Furuichi, Koshi Kitayama, Hisashi Hara, Muramatsu Shin, Katsuaki Furudate… ngay từ buổi “ra ràng” đã được nghĩa cử nghệ thuật của bậc thầy Kenzo Tange dìu dắt. Lưu ý thêm, họ cũng là những tác giả trẻ đoạt nhiều Giải thưởng kiến trúc quốc tế danh giá trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. 
 
Mỗi KTS Nhật Bản đều đi đến nghệ thuật riêng của mình từ một tri thức văn hóa kiến trúc khá toàn diện mà họ bắt buộc phải học hỏi đến nơi đến chốn từ khi còn trên ghế nhà trường. 
 
Trong tác phẩm của các KTS trưởng thành, người ta thấy mọi lời lẽ dài dòng của cả truyền thống lẫn công nghệ tân kỳ dường như tiêu biến – Chỉ còn lấp lánh lẽ sống Phù Tang. Và, không chỉ một vài thế hệ kiến trúc sư Nhật Bản (tạm tính từ sau Kenzo Tange) đã chứng tỏ họ là nghệ sĩ chân chính của dân tộc mình. 
 
Các KTS Nhật Bản thường không phản đối khi công chúng coi thiết kế của họ là sản phẩm trực tiếp của thời kỳ kinh tế – xã hội nào đó: “Thần kỳ”, “Bong bóng” hay “Hậu bong bóng”… cũng như mới đây, có người bàn tới một “Cấu trúc hậu Fukushima”. Các sử gia và giới nghề không phản đối chuyện gắn những danh hiệu tương tự cho các giai đoạn phát triển kiến trúc hiện đại và đương đại. Họ cho rằng như thế chỉ càng làm sáng tỏ hơn cái thực tại xuất sắc của nghệ thuật trên đất nước “Mặt trời mọc”. Cũng như họ, ta hiểu những “bong bóng” chính trị – kinh tế – xã hội có thể phồng lên, có thể xẹp xuống, có thể sớm nở tối tàn, nhưng kiến trúc, thứ nghệ thuật nương tựa vào đấy thì chẳng đi đâu mà mất. Trái lại, nó ngày càng đậm nét trong tâm khảm mọi người.
 
Quả tình, mấy chục năm qua nghệ thuật kiến trúc Nhật Bản biểu hiện đúng như thế. Độc nhất vô nhị, tuần tự như tiến theo lộ trình có sẵn và lừng lẫy hoàn cầu. Đến nỗi các sử gia Âu Mỹ, thường đúc kết bình phẩm của mình về nền kiến trúc của đất nước con người Nhật Bản bằng một khái niệm đơn giản: Sự thể nghiệm ở Nhật (Experimentation in Japan), thậm chí thuần túy Chủ nghĩa Nhật Nhĩ Man (Japonisme). 
 
Ở Việt Nam, mối quan tâm về kiến trúc Nhật Bản thêm thỏa mãn, khi chúng ta sở thị hàng loạt công trình thực tế do các KTS Nhật thiết kế hoặc hợp tác thiết kế với KTS người Việt – những công trình được xây dựng ngay trên đất Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn của Việt Nam và kể cả ở nước ngoài, như: Khách sạn Nikko Hà Nội (1990), Nikko Saigon (1993), một số công trình khác do Nikken Sekkei thiết kế; quần thể Phú Mỹ Hưng (Tp HCM – 1993), Dự án phố Cổ Hội An (1995), Dự án phố cổ Hà Nội (1997); Bảo tàng Mỹ Sơn (2001); Cafe Gió và Nước (Bình Dương – 2008); Gian hàng Việt Nam tại Thượng Hải 2010, quần thể Flamigo Đại Lải (Vĩnh Phúc – 2011) Trường học ở Bình Dương, Nhà hàng Tiệc cưới ở Kon Tum… và Nhà hàng tre ở Mehico (là những công trình do KTS Võ Trọng Nghĩa chủ trì hợp tác cùng các KTS Nhật Bản)…
 
Trong các thiết kế cho Việt Nam hay cộng tác với KTS Việt Nam, KTS Nhật Bản luôn tỏ ra khiêm nhường trước Văn hóa và tập quán xây dựng của người Việt nói chung cũng như của vùng miền nơi họ đệ trình ý tưởng kiến trúc. 
 
Rồi còn một sự khiêm nhường khác, của nhà cầm quyền và giới quản lý xây dựng Nhật Bản – Suốt những năm tháng, trong khi nhiều cường quốc kiến trúc hàng đầu thế giới mời mọc KTS Nhật sang thiết kế, thì chính người Nhật cũng sẵn sàng xây dựng công trình có thiết kế Âu Mỹ trên những khu đất đắt giá nhất của mình. Họ làm vậy không ngoài mục đích thu hút nhiều kiệt tác năm châu bốn biển về với đất Phù Tang. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp chính phủ và giới quản lý kiến trúc xây dựng Nhật Bản vừa kiểm soát được nền nghệ thuật dân tộc một cách đầy cơ trí, vừa làm cho nền nghệ thuật ấy trẻ đẹp, sung mãn thêm lên.
 
Đôi điều tâm sự
Tâm sự thứ Nhất
Nhớ lần hội thảo Bảo tồn Di sản Kiến trúc Hà Nội năm 1997. Chiều hôm ấy, đến lượt đọc tham luận, tôi không đọc gì cả chỉ chào cử tọa rồi khất lỗi: “Bài báo cáo của tôi chẳng có gì khác biệt so với mấy  tham luận hồi sáng. Nhất là các nội dung: “sân + sân”, bề ngang nguyên tắc (tối thiểu; 2,4m) và cấu trúc “cục đặc, cục rỗng” ở nhà hình ống Hà Nội; hay quan niệm nghệ thuật Việt – Âu của  GS Fujimori…Phát biểu của các đồng nghiệp Nhật Bản, tôi thiết nghĩ chẳng kém tâm huyết của những KTS Hà Thành có mặt ở đây. Xin kính chào và chúc Hội thảo từ giờ đến chiều tối thành công hơn nữa!” Ngắn gọn thế mà hội trường dội lên tràng vỗ tay?! Khỏi nói tràng vỗ tay ấy là để dành tặng cho công lao của GS Fujimori và các kiến trúc sư ĐH tổng hợp Tokyo. Phần tôi, thì bậc đàn anh thân quý ngồi bên bảo nhỏ: “Bọn tao vỗ tay vì mừng thoát nạn nghe mày nói dài!” Tôi càng vui và cảm động vì anh đã ghi nhận cái điều tôi hiểu về đồng nghiệp Nhật Bản.
 
Cuối hội thảo tôi bắt tay GS Fujimori, nói: Xin phép ông cho tôi từ nay về sau được dùng chữ của ông – “Kiến trúc Việt – Âu”, để thay thế, hay chí ít cũng đặt trước mấy thuật ngữ Kiến trúc Pháp, Kiến trúc Đông Dương, Cổ điển châu Âu – mấy kiểu dáng trong khuôn khổ kiến trúc thuộc địa ở Việt Nam, mà bấy nay không ít đồng nghiệp của chúng ta tưởng thưởng.
 
Tâm sự thứ Hai
Viết được ít dòng trên, tôi tạm yên tâm. Ra điều mình hiểu biết kiến trúc Nhật Bản. Nhưng rồi, thử đối chiếu lại với những biểu tượng của nghệ thuật ấy, tôi lại thấy lòng dạ mông lung quá. 
Đến nước này thì đành lần giở trước đèn vậy. 
Thật lý thú, ngộ ra rằng từ thời Thái cổ người Nhật vốn sẵn sở trường chống lại tự nhiên bằng cách biến đạo tự nhiên thành những quy lệ kiến tạo rất cụ thể…Và dường như họ chỉ chính thức tuyên bố cương lĩnh đạo Người khi đã tạo dựng được không gian kiến trúc hành đạo. 
 
Đồ rằng, ban đầu người Nhật làm kiến trúc Thần cung Ise (Ise Jingu, Y T Thần Cung) cho thật ưng ý, rồi ra mới thái lạc đắp đổi giáo lý Thần đạo. Hay như chuyện người Nhật biết uống trà sớm lắm (đâu như từ thế kỷ II-III). Thế mà mãi đến thế kỷ XVI họ mới chính thức tuyên bố giáo lý Trà đạo, sau khi đã thực chứng kỹ càng phong cách nghệ thuật Sen no Rikyu – kiến trúc Trà đạo. 
 
Lạ một điều, tôi chưa từng nghe chuyện người Nhật nghiện uống trà. Ừ nhỉ, đã là đạo thì cần gì phải nghiện. Cứ theo đạo ấy người phàm sẽ có tất cả: lẽ sống, sức sống, lòng ham sống. Thế rồi tôi (riêng tôi thôi) biện ra rằng: Dẫu không nói là theo “đạo Kiến trúc” nhưng các KTS Nhật Bản hành nghề chẳng khác hành đạo mấy tý. Thì đấy, bao thế kỷ qua kiến trúc Nhật Bản tỏa sáng đâu có kém gì một chính đạo. Sở hữu một phương pháp như vậy hẳn là họ – các KTS Nhật Bản dễ phản tỉnh và trong nghề riêng có thể thăng tiến bước nọ tiếp bước kia. Quanh quẩn thế nào, tôi bị ám ảnh: Có khi mỗi nhà thiết kế chuyên nghiệp Nhật Bản là một môn đệ tận trung của “Kiến trúc đạo” cũng nên? 
 
Để bày tỏ thịnh tình với các đồng nghiệp Nhật Bản, phải nói bữa nay tôi mạnh dạn lắm. Vì vẫn biết kiến văn của mình hời hợt, nhãn quan của mình phiến diện. Cũng phải thôi, vì tôi đã được tham quan xứ Hoa Anh Đào ngày giờ nào đâu. 
Âu cũng là chuyện vừa kính nhi viễn chi vừa phát biểu.p

 
KTS. Đoàn Khắc Tình