Ghi dấu tài năng một kiến trúc sư trẻ

Tôi biết kiến trúc sư (KTS) Đoàn Thanh Hà khi tìm hiểu công trình “Tổ ấm nở hoa” (năm 2013) và từ đó thấy anh luôn làm mới mình trên hành trình sáng tạo, không lặp lại cái đã quen nên không bị cũ.

Năm 2016, tôi đã giới thiệu Hà trong 21 gương mặt KTS trẻ Việt Nam đầu thế kỷ 21. Đến tháng 3-2022, thật vui khi tôi nhận được cuốn sách song ngữ dày dặn “Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người” (Nhà xuất bản Tri thức) tập hợp 25 dự án và công trình mà Hà đã thực hiện một cách âm thầm trong 15 năm (từ năm 2008). Lại càng vui hơn khi tác giả sách-KTS Nguyễn Trí Thành-cũng là người mà tôi biết đã lâu. Một năm sau (tháng 4-2023), tôi biết cuốn sách này được trao giải bạc của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 ở thể loại Lý luận và Phê bình kiến trúc (không có giải vàng).

Bìa cuốn sách “Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người”

Với tên sách là “Nhà cửa & Con người”, chắc chắn những kiến trúc của Hà sẽ làm nên yếu tố hình ảnh hấp dẫn chúng ta khi “xem” sách. Nhưng càng “đọc” sâu vào nội dung thì càng thấy thiện cảm với cuốn sách bởi cách trình bày mới mẻ, hiện đại và có nhiều điểm khác biệt so với các ấn phẩm thường gặp. Trước hết, đó không phải là thể loại tản văn, ký sự với những diễn ngôn hoa mỹ mà mộc mạc đúng như đang kể chuyện đời thường. Có nhân vật “tôi”, nhưng không phải là tự truyện, hồi ký của Hà-bởi sẽ có những lúc (nhất là ở phần sau), cái “tôi” lại ẩn đi và chuyển vai cho những con người khác. Có sử dụng lại nhiều bài viết đã đăng trên các báo và tạp chí nhưng không phải theo kiểu hợp tuyển để “thống kê thành tích” hay “báo cáo điển hình”. Có yếu tố của lý luận phê bình nhưng không phải những lý thuyết cao siêu, hay những lập luận theo kiểu bao biện mà là sự diễn giải một cách hệ thống quá trình phát triển quan điểm kiến trúc “vị dân sinh” của Hà để hình thành một triết lý thiết kế hướng tới cộng đồng, cảm thông, chia sẻ với những đồng bào đang gặp nhiều khó khăn và áp lực trong cuộc sống.

Mỗi “ngôi nhà” của Đoàn Thanh Hà là một câu chuyện gắn liền với những con người cụ thể, trong những hoàn cảnh khác nhau, tại các địa điểm khác nhau. Nhiều chi tiết và cảm nhận tưởng như vụn vặt, rời rạc, nhưng sẽ được xâu chuỗi với nhau để xây dựng nên ý tưởng kiến trúc, rồi lại kết nối thành một mạch các công trình và dự án đã được thực hiện trong khoảng 10-15 năm gần đây, qua đó phản ánh quá trình trưởng thành và phát triển về nghề và nghiệp của Đoàn Thanh Hà. Hà vốn kiệm lời, rất ít nói về mình nên những câu chuyện này sẽ giúp chúng ta hiểu anh nhiều hơn, để nhìn vào nội tâm của một KTS làm nghề, cũng như thông qua sự nhận định từ góc độ cá nhân của các chuyên gia.

Tuy ít lời nhưng trong những câu chuyện của Hà, nhiều lần thấy anh nhắc tới người thầy đã có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của mình. Nhưng phải đọc đến những trang cuối cùng thì nhân vật này mới “xuất đầu lộ diện”. Thật đáng trân trọng khi ta nhận ra đó chính là tác giả cuốn sách-KTS Nguyễn Trí Thành-người mà Đoàn Thanh Hà đã có những lời rất cảm động ở trang bìa gấp. Bởi theo lẽ thường thì các học trò sẽ là người làm sách về thầy, chứ hiếm có ông thầy nào viết về học trò, lại tìm cách ẩn mình đi để trò trở thành nhân vật chính như vậy. Được biết, bìa sách với bố cục chữ H&P (hai chữ đầu của Houses & People, đồng thời là viết tắt tên văn phòng H&P Architects của Hà) cũng do tác giả sách thiết kế, nhưng anh không để tên mình xuất hiện ở đây. Phải đến mấy trang sau, anh mới khiêm tốn nhận mình là “người biên tập”-thể hiện sự tôn trọng và đúng mực đối với các chuyên gia và các cá nhân khác cũng có bài trong sách. Tuy nhiên, chỉ với mấy trang đề dẫn (Lời nói đầu) và kết luận (Đôi lời của người biên tập) cũng đủ cho ta thấy được vai trò không thể thay thế của tác giả là người chủ trì kiến tạo và tổ chức không gian của tác phẩm.

Vì vậy, có thể nói rằng đã có sự hòa trộn tính cách của tác giả sách và tác giả kiến trúc-là hai thầy trò cùng chung chí hướng-để tạo nên một nhân vật “tôi” xuyên suốt tác phẩm này. Điều đó góp phần làm cho cuốn sách “Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người” trở thành một điểm sáng của Giải thưởng kiến trúc lần này.


TS. KTS Nguyễn Trí Thành sinh năm 1966, tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Moskva (Liên Xô trước đây). Từ năm 1990 đến nay, Nguyễn Trí Thành là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tác phẩm và công trình của TS, KTS Nguyễn Trí Thành đã giành được các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

KTS Đoàn Thanh Hà sinh năm 1980, tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Từ năm 2009, KTS Đoàn Thanh Hà sáng lập và là KTS trưởng Văn phòng Kiến trúc H&P. Từ đó đến nay, KTS Đoàn Thanh Hà đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế; được mời làm diễn giả tại các diễn đàn kiến trúc và giám khảo các cuộc thi.


TS. KTS Ngô Doãn Đức
(Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
Theo Quân đội Nhân dân