Hiện trạng giao thông TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những ưu thế vượt trội về kinh tế – xã hội so với các địa phương trong vùng và cả nước, TP HCM đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành những lực cản trong quá trình phát triển Thành phố, trong đó vấn đề nổi cộm là năng lực và chất lượng của hệ thống giao thông đô thị.
Tính đến tháng 06/2014, số lượng phương tiện giao thông quản lý trên địa bàn TP HCM là 6,5 triệu phương tiện, trong đó, xe ô tô là 497.586 chiếc và xe gắn máy là 6.090.198 chiếc.
Đặc điểm giao thông đô thị của TP HCM chủ yếu tập trung vào đường bộ và đây cũng là phương thức chủ đạo giải quyết nhu cầu giao thông vận tải đô thị.
Về đường bộ: Tổng chiều dài đường bộ trong Thành phố là 3.670 km với 3.800 tuyến đường (không kể các tuyến đường khu vực nông thôn), tăng 19,5% so với năm 2007, phần lớn các tuyến đường đều hẹp, chỉ có khoảng 14% số đường có mặt đường rộng trên 12m để có thể tổ chức vận chuyển hành khách bằng xe buýt được thuận lợi, 51% số đường có lòng đường rộng từ 7m – 12m, 35% số đường còn lại có lòng đường rộng dưới 7m.
Về đường sắt: Hiện TP HCM chỉ có một tuyến đường sắt quốc gia Bắc – Nam, chưa có đường sắt đô thị khối lượng lớn.
Về đường thủy:
– Mạng lưới luồng tuyến đường sông: Với tổng chiều dài 975,5 km sông và kênh các loại với 112 tuyến(2), tuy mạng lưới đường thủy được phân bố đều khắp Thành phố nhưng một số sông, kênh chính bị lấn chiếm, bồi lấp, bị hạn chế bởi khổ thông thuyền của các cầu. Ngoài ra, tuyến đường sông còn bị ảnh hưởng của chế độ thủy triều với biên độ dao động lớn, vì thế vận tải đường thủy chưa tạo thành mạng liên hoàn và chưa khai thác được lợi thế của vận tải thủy. Hiện nay, vận tải đường thủy chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 4% ÷ 6% nhu cầu vận tải của toàn thành phố.
– Các tuyến đường biển: Vận tải đường biển hiện nay chủ yếu nối kết TP HCM với Vũng Tàu và các khu vực bên ngoài thông 02 luồng chính: Luồng Lòng Tàu và Soài Rạp, đây cũng là luồng vận tải thủy quan trọng của toàn khu vực phía Nam về giao lưu đối ngoại.
Về hệ thống vận tải hành khách công cộng: Hiện nay tuy chưa phát huy hết vai trò chủ lực trong hệ thống giao thông đô thị nhưng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang là phương tiện giao thông công cộng chính của Thành phố. Khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt tăng nhanh trong giai đoạn 2003 – 2005 là do mạng lưới tuyến mở rộng, số lượng tuyến tăng nhanh, phương tiện được đầu tư mới thông qua các dự án, các cơ chế hỗ trợ lãi vay và chính sách về trợ giá được duy trì một cách ổn định. Từ năm 2006 đến nay, khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt có tốc độ tăng chậm do những nguyên nhân chính sau: Tăng giá vé làm sản lượng hành khách giảm(3); Số lượng xe cá nhân tăng nhanh trong thời gian vừa qua(4); Các công trình ngầm triển khai đồng loạt, phân luồng giao thông và dịch vụ xe buýt chưa tốt, chưa thuận tiện.
Trong thời gian qua, với việc tập trung vào đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm theo quy hoạch như: Cầu Sài Gòn 2; Tuyến Đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài; 04 cầu vượt thép tại các nút giao thông trọng điểm (nút giao Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Hoàng Văn Thụ – Trường Sơn – Cộng Hòa, 3/2 – Nguyễn Tri Phương – Lý Thái Tổ; vòng xoay Cây Gõ); cầu Lê Văn Sỹ, cầu Bông, cầu Hậu Giang, cầu Kinh Thanh Đa …đã góp phần giảm dần số vụ ùn tắc giao thông lớn (trên 30 phút) trên địa bàn Thành phố, tính bình quân trong 5 năm giai đoạn 2009-2013 số vụ ùn tắc giao thông lớn giảm 51,8%/năm(5) và từ đầu năm 2014 đến nay chưa có xảy ra vụ ùn tắc giao thông lớn nào.
Định hướng phát triển
Thực tế giao thông ở Thành phố cho thấy nền kinh tế thị trường mang đến những thay đổi lớn, dòng người từ nông thôn đổ về thành thị tìm việc ngày càng đông, lối sống và hành vi của người dân đô thị thay đổi dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa và xu thế toàn cầu hóa. Trong thời gian vừa qua, Thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cũng như triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó có quy hoạch giao thông đô thị Thành phố.
Theo quy hoạch, từ nay đến 2025, định hướng phát triển TP HCM sẽ theo hướng đa tâm: Trung tâm chính của Thành phố bao gồm trung tâm hiện hữu gồm quận 1, 3, 4, 5 và một phần Bình Thạnh và trung tâm mới mở rộng sang khu Thủ Thiêm (diện tích 737 ha). Các trung tâm khu vực theo bốn hướng gồm: Ở phía Đông xác định vị trí tại phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây quy mô diện tích khoảng 280 ha; ở phía Bắc thuộc Khu đô thị mới Tây – Bắc (diện tích khoảng 300 ha); ở phía Tây khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên huyện Bình Chánh (diện tích khoảng 200 ha); ở phía Nam thuộc khu A đô thị mới Nam thành phố (diện tích 98 ha). Tạo động lực cho cả bốn hướng phát triển toàn diện gồm: Hành lang cửa ngõ phía Đông (dọc tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Đồng Nai); hành lang phía Nam dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ để kết nối các khu đô thị dọc tuyến và Khu đô thị cảng Hiệp Phước; hành lang hướng Tây – Bắc (dọc quốc lộ 22) liên kết với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và hành lang hướng Tây, Tây – Nam dọc trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các khu đô thị phía Nam thành phố, khu đô thị Tân Kiên, Trung tâm huyện Bình Chánh;
Với mục tiêu xây dựng TP HCM phát triển, bền vững, văn minh, hiện đại và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, Thành phố phải ưu tiên xây dựng cơ bản và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Trong đó, phải đạt được các mục tiêu: Phát triển mạnh mạng lưới giao thông đối ngoại để tách dần giao thông đối ngoại với giao thông nội thị như: Xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm, xuyên tâm; chuyển cảng biển xuống sâu phía Nam; cải tạo tuyến đường sắt quốc gia tránh giao cắt với các tuyến đường bộ; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị…, đồng thời tăng cường phát triển hệ thống, tổ chức giao thông công cộng đô thị với nhiều phương thức, kết nối chặt chẽ các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tập trung, cảng biển, sân bay và các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ nhau phát triển, khai thác tốt nhất thế mạnh kinh tế – xã hội của toàn vùng; đảm bảo, tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đến năm 2015 đạt khoảng 8,2%, đến năm 2020 đạt khoảng 12,2% và đến năm 2025 đạt khoảng 16 – 20% ; mật độ đường bình quân trên diện tích tự nhiên năm 2015 đạt 1,9 km/km2, năm 2020 đạt 2,2 km/km2 và năm 2025 đạt khoảng 4,5 – 5 km/km2(6).
Kết quả dự báo nhu cầu đi lại của người dân Thành phố cho thấy: Tổng số lượt người đi lại trong ngày năm 2010 là 24,3 triệu lượt người/ngày; năm 2015 là 29,4 triệu lượt người/ngày (tăng 1,21 lần); năm 2020 là 36 triệu lượt người/ngày (tăng 1,22 lần). Với mức gia tăng như vậy, khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông độ thị hiện tại sẽ không theo kịp, phương thức vận tải hành khách công cộng phải chuyển sang sử dụng phương tiện vận chuyển khối lượng lớn như: Tàu điện ngầm, xe điện mặt đất, monorail, các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cao tốc liên vùng, đường bộ trên cao, các trục chính đô thị, hệ thống giao thông tĩnh phải được đầu tư thực hiện sẽ giải tỏa áp lực giao thông cho TP HCM.
Chiến lược phát triển vận tải hành khách công cộng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, để đạt được tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2015 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại; đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng 20 – 25% nhu cầu đi lại và đến năm 2025 khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30% nhu cầu đi lại, đòi hỏi việc đầu tư, đổi mới phương tiện, tổ chức hợp lý luồng tuyến, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Mặc dù hiện nay, Thành phố đã và đang tập trung vào nâng cấp và đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị nhưng nguồn lực thực hiện đang là bài toán lớn mà Thành phố cần phải giải quyết. Theo nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông từ nay đến 2020 là 326.277 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2013-2015 là 71.220 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 255.067 tỷ đồng(7). Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn thành phố trong thời gian tới là rất lớn nhưng nguồn vốn ngân sách thì lại có hạn, từ đó có thể thấy việc huy động nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.
Những giải pháp, kiến nghị
Trong thời gian tới, TP HCM sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng cùng các Bộ, ngành liên quan vận dụng các cơ chế, chính sách và các hình thức huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức như: Nguồn vốn của địa phương, xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT), hợp tác công tư (PPP), chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan, ngân sách Nhà nước (bao gồm cả ODA), phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
– Tăng cường sự phối hợp giữa TP HCM và các địa phương liên quan, tạo bước đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020, tạo nên sự liên kết TP HCM và các địa phương cũng như giữa các phương thức vận tải, giảm ách tắc giao thông đô thị.
– Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn năm 2013 – 2020 cũng như giai đoạn sau năm 2020, đặc biệt chú trọng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh, kết hợp triển khai chi tiết các quy hoạch về giao thông.
– Xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông phải tuân thủ quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch Vùng. Với các dự án triển khai trong Thành phố, cao độ xây dựng tối thiểu cần tuân thủ theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/ 01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025, đối với các dự án xây dựng ngoài Thành phố, tùy vào cấp công trình, quy mô dự án để xem xét và lựa chọn phù hợp với kịch bản mực nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
– Nghiên cứu áp dụng các nguồn thu từ phí, lệ phí hợp lý đối với người và phương tiện giao thông đô thị như phí sử dụng đường bộ đô thị, lệ phí sử dụng lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông, phí sử dụng đường bộ giờ cao điểm.
– Đào tạo, nghiên cứu và áp dụng công nghệ vào công tác vận hành, khai thác hệ thống giao thông đô thị nhằm mục tiêu điều tiết được giao thông, đánh giá được hiệu quả, điều chỉnh đúng và kịp thời, đồng thời tổ chức những chương trình đào tạo nguồn nhân lực cụ thể mang tính ứng dụng cao, hỗ trợ trực tiếp những người làm công tác quản lý giao thông đô thị đang công tác thực tế để đảm bảo tính đồng bộ trong công tác quản lý quy hoạch giao thông đô thị Thành phố.
Sở Giao thông TP Hồ Chí Minh