Thành Phố Hạ Long – Mục tiêu xây dựng Thành Phố biển hiện đại và bản sắc

Nhiều năm làm công tác quy hoạch tại Quảng Ninh, cho đến giờ, dù đã nghỉ hưu mười mấy năm rồi, nhưng tôi vẫn luôn quan tâm, theo sát những bước tiến của TP Hạ Long hôm nay, cũng như tỉnh Quảng Ninh trong tương lai. 
Phối cảnh tổng thể – Điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, phân khu chức năng và bổ sung hạ tầng kỹ thuật khu Đô thị du lịch Sinh Thái – Văn hóa Hạ Long
TP Hạ Long là thủ phủ, trung tâm kinh tế – xã hội – văn hoá… của tỉnh Quảng Ninh. Các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã luôn quan tâm đến công tác quy hoạch của Hạ Long, nhiều đồ án quy hoạch đã được lập, được điều chỉnh thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể. Có thể nói, TP Hạ Long đã phát triển tương đối tốt theo quy hoạch, đã đạt được một số thành quả, cụ thể là: 
– Di dời các cơ sở sản xuất than nằm tại trung tâm thành phố (kho than, đường tàu hoả, các nhà máy cơ khí, đại tu ô tô..). Tỉnh Quảng Ninh đã có những biện pháp kiên quyết để thực hiện việc này nhằm cải tạo môi trường (khói, bụi, không khí, tiếng ồn…) và dành quỹ đất để mở rộng đô thị, xây khách sạn, phát triển dịch vụ, kinh doanh thương mại. Đặc biệt là với việc cải thiện hệ thống giao thông, bao gồm cả giao thông nội đô và kết nối với quốc lộ, đường liên tỉnh… TP Hạ Long đã thực sự khởi sắc cả về chất và lượng.
– Nhờ có chủ trương lãnh đạo của tỉnh, TP mở rộng quỹ đất một cách đáng kể: đổi đất lấy hạ tầng, lấn biển… xây dựng những khu đô thị mới: Khu Du lịch Hùng Thắng – Hòn Gai, Khu nhà ở Cao Xanh, Hà Khánh; phía Nam có các khu dân cư Cọc 3, Cọc 8, khu dân cư lấn biển… Diện mạo TP đã thay đổi đáng kể với nhiều trục đường lấn biển xây dựng mới từ núi Bài Thơ cho đến Cọc 8.
– Các đường ven biển phục vụ du lịch được chỉnh trang mới, hệ thống nhà hàng khách sạn được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, Khu Du lịch Tuần Châu đã trở thành điểm đến, hấp dẫn du khách trong nước và thế giới….
Để có được những kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó cũng là thành quả từ sự nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, thành, sự đóng góp của mỗi người dân TP… Chúng ta ghi nhận kết quả này nhưng cũng không thể không đề cập đến những hạn chế – mặt trái của sự phát triển đang tồn tại hiện nay:
– Các khu dân cư rất đẹp, môi trường tốt, cảnh sắc bám sát biển nhưng khi tổ chức thực hiện lại thiếu bản sắc, thiếu không gian công cộng dành cho vui chơi giải trí, thiếu cây xanh, mật độ xây dựng dày đặc… nguyên nhân là do các nhà đầu tư phải chịu áp lực của lợi nhuận của thị trường, họ chỉ muốn chia nhỏ đất để bán mà ít quan tâm đến các công trình phúc lợi dành cho cộng đồng.
– Môi trường sinh thái không được quan tâm xứng tầm với di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, nhiều đồi thông xanh đã bị chặt hạ, một số công trình phá hỏng cảnh quan… 
– Hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ khiến cho vùng ven bờ bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các khu CN, chợ Hạ Long..
– Khu vực Bãi Cháy xây dựng nhiều khách sạn nhưng kiến trúc nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu chỉ để nghỉ mà không khai thác được dịch vụ du lịch. Có lẽ chính vì vậy mà trong khi lượng khách hàng năm đến Bãi Cháy – Hạ Long rất đông nhưng doanh thu lại không đáng kể. Ở Bãi Cháy còn tồn tại nhiều công trình che chắn cảnh quan, kiến trúc thô, thiếu bản sắc, một số công trình khác thì lộn xộn, gây mất mỹ quan thành phố biển…
Nhận diện những tồn tại của TP Hạ Long không phải việc dễ, nhưng đề xuất những giải pháp và thực hiện nó còn là việc khó hơn nhiều. Từ góc nhìn của một KTS nhiều năm làm công tác quản lý quy hoạch, theo tôi, nên chú trọng những vấn đề sau:
Thiên đường giải trí Tuần Châu
1. Để phát triển Hạ Long xanh, bền vững và bảo tồn được di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, rất cần sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành và người dân địa phương. Rất cần điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long, đồng thời xây dựng quy hoạch du lịch riêng cho Bãi Cháy, bám sát điều kiện thực tế của khu vực này. Để đồ án quy hoạch có chất lượng, có tầm nhìn phù hợp với tốc độ phát triển của Quảng Ninh trong tương lai, phải lựa chọn được tư vấn uy  tín – có thể có sự phối hợp giữa các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, để đạt được kết quả tối ưu cho Hạ Long, Quảng Ninh.
2. Đầu tư hệ thống kỹ thuật xử lý nước thải ven biển. Đây thực sự là yêu cầu cấp bách – việc cần làm ngay cho TP Hạ Long.
3. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị. Với tốc độ đô thị hoá nhanh của Quảng Ninh hiện nay, nếu không có một đội ngũ cán bộ có đủ tâm, tài, đức thì việc triển khai quy hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí sẽ chệch choạc, ảnh hưởng lớn đến diện mạo đô thị. Có lẽ, cũng cần phải đưa vào chương trình giáo dục phổ cập, để từng người dân – từ người già đến trẻ em, cũng phải có ý thức về trách nhiệm của mình với TP, cũng phải biết cách ứng xử văn hóa với di sản Hạ Long.
4. Những công trình xây mới phải được thực hiện theo đúng quy hoạch, theo trình tự quy hoạch, đặc biệt, với những công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh, thành phố lại càng phải chú trọng điều này. 
Có thể nói, Quảng Ninh có vị trí cảnh quan đẹp, nhiều tài nguyên, nhưng kiến trúc – quy hoạch lại chưa khai thác được những lợi thế này để tạo được bản sắc riêng cho đô thị biển Hạ Long, cũng như những TP khác của tỉnh. Hy vọng rằng, trong tương lai, với sự nhận diện TP Hạ Long, Quảng Ninh bằng công tác quy hoạch, chúng ta sẽ có nhiều thành công hơn trong việc phát triển một đô thị di sản bền vững và bản sắc.
KTS Phạm Thẩm
Nguyên là Chủ tịch Hội KTS Quảng Ninh các khoá I, II, III, IV